Tổng tài sản của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng tăng 1,36%

Theo Hoàng Hà/thoibaokinhdoanh.vn

Ngân hàng Nhà nước vừa công bố một số chỉ tiêu cơ bản trong hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng tính đến cuối tháng 4/2019.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Theo đó, tính đến ngày 30/4/2019, tổng tài sản của toàn hệ thống đã đạt 11,214 triệu tỷ đồng, tăng 1,36% so với mức đạt được hồi cuối năm 2018.

Trong đó, tổng tài sản của 7 ngân hàng thương mại nhà nước gồm Agribank, VietinBank, Vietcombank, BIDV, Ngân hàng Xây dựng, Dầu khí Toàn cầu, ngân hàng Đại Dương đạt hơn 4,9 triệu tỷ đồng, chiếm tới 44% tài sản của toàn hệ thống.

Dẫu vậy, tốc độ tăng trưởng tổng tài sản của nhóm này chỉ đạt 1,37%, thấp hơn so với tốc độ tăng trưởng của nhóm ngân hàng thương mại cổ phần là 1,64% (đạt hơn 4,6 triệu tỷ đồng).

Trong khi đó, tổng tài sản của nhóm ngân hàng liên doanh nước ngoài 4 tháng đầu năm lại có xu hướng giảm khá mạnh, ở mức 1,03%, xuống còn 1,12 triệu tỷ đồng.

Tài sản của Ngân hàng Chính sách xã hội và Quỹ tín dụng ghi nhận mức tăng trưởng lần lượt 4,55% và 4,51%.

Tính chung về tổng tài sản của cả hệ thống ngân hàng tới thời điểm cuối tháng 4 đã tăng lên mức gần 851,8 nghìn tỷ đồng (tương đương mức tăng 5,66% so với đầu năm).

Trong đó, nhóm ngân hàng thương mại nhà nước ghi nhận mức tăng 5,06%, lên mức gần 283 nghìn tỷ đồng. Vốn tự có của nhóm ngân hàng thương mại cổ phần cũng tăng 4,18%, đạt 352,3 nghìn tỷ đồng trong khi nhóm công ty tài chính cho thuê tăng tới 11,52%, lên hơn 36,3 nghìn tỷ đồng.

Riêng vốn tự có của Ngân hàng Hợp tác xã sụt giảm nhẹ 0,17% so với đầu năm, xuống còn 3,9 nghìn tỷ đồng.

Xét về vốn điều lệ, Quỹ tín dụng nhân dân là nhóm có mức tăng mạnh nhất trong 4 tháng đầu năm, với mức tăng 3,72%, lên 4,5 nghìn tỷ đồng. Tiếp đến là ngân hàng liên doanh, nước ngoài với mức tăng 2,76%.

Vốn điều lệ của nhóm ngân hàng thương mại nhà nước trong 4 tháng đầu năm chỉ tăng nhẹ 0,75%, lên 149 nghìn tỷ đồng, sau thương vụ Vietcombank bán vốn cho nước ngoài.

Trong khi đó, vốn của nhóm ngân hàng thương mại cổ phần cũng chỉ tăng nhẹ 0,61%, lên gần 269 nghìn tỷ đồng.

Việc vốn tự có tăng cũng giúp cải thiện tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) của các nhà băng.

Theo đó, tính đến cuối tháng 4, CAR của toàn hệ thống ở mức 12,19%, tăng nhẹ so với mức 12,14% hồi cuối năm 2018.

Trong đó, CAR của nhóm ngân hàng thương mại nhà nước ở mức 9,61%, dù đã cải thiện nhẹ so với mức 9,52% hồi cuối năm ngoái nhưng vẫn đang thấp nhất hệ thống.

CAR nhóm ngân hàng thương mại cổ phần giảm nhẹ từ mức 11,24% xuống còn 11,1%. CAR của nhóm ngân hàng liên doanh nước ngoài tiếp tục ở mức cao nhất, đạt 25,9%.

Tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn toàn hệ thống tiếp tục giảm, ở mức 28,01%.

Trong đó, tỷ lệ này tại các ngân hàng thương mại nhà nước là 30,99% và ngân hàng thương mại cổ phần là 31,52%; tại các công ty tài chính, cho thuê tài chính là 29,43%.

Tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn của khối ngân hàng liên doanh, nước ngoài không có giá trị do khối này không sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn.