Trao đổi về quy định cho vay tiêu dùng của công ty tài chính


Ngân hàng Nhà nước vừa đưa ra Dự thảo sửa đổi quy định về cho vay tiêu dùng nhằm khắc phục những hạn chế, thiếu sót của Thông tư số 43/2016/TT-NHNN về cho vay tiêu dùng của công ty tài chính.

Cho vay tiêu dùng đang được các công ty tài chính tăng cường triển khai.
Cho vay tiêu dùng đang được các công ty tài chính tăng cường triển khai.

Đặt vấn đề

Cho vay tiêu dùng là sản phẩm cho vay dưới dạng tín chấp hoặc thế chấp, nhằm hỗ trợ nguồn tài chính cho các nhu cầu mua sắm hàng gia dụng, mua xe, du học và các nhu cầu thiết yếu khác trong cuộc sống. Đối tượng khách hàng mà công ty tài chính hướng đến thường là người dân có thu nhập trung bình có nhu cầu chi tiêu và các doanh nghiệp nhỏ.

Đặc điểm của nhóm khách hàng vay tại công ty tài chính thường có mức thu nhập trung bình thấp, tình hình thu nhập không ổn định hoặc có điểm tín dụng thấp không đủ điều kiện vay tại ngân hàng. Chính vì vậy, việc xuất hiện của sản phẩm vay tín chấp công ty tài chính đã mở ra cánh cửa tiếp cận vốn vay của nhiều người tiêu dùng hiện nay. Nhóm khách hàng này chủ yếu cần một công cụ tài chính linh hoạt, cách thức vay đơn giản và có thể điều chỉnh kế hoạch trả nợ nếu tình hình thay đổi.

Hiện nay, hoạt động cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính rất sôi động vì nhu cầu mua nhà, mua xe của các khách hàng có thu nhập trung bình rất cao. Việc vay tín chấp ở công ty tài chính dễ hơn so với vay ngân hàng thương mại vì không cần phải có tài sản đảm bảo. Do vậy, khách hàng tìm đến các công ty tài chính ngày càng nhiều để thực hiện nhu cầu của mình.

Tuy nhiên, thời gian, qua hoạt động của công ty tài chính cũng gây ra nhiều bức xúc trong dư luận khi dùng những hành vi đòi nợ mang tính xã hội đen đối với khách hàng chưa trả được nợ theo đúng hợp đồng … Phần lớn các công ty tài chính giải ngân trực tiếp cho khách hàng. Điều này phát sinh nhiều rủi ro, công ty tài chính không kiểm soát được mục đích sử dụng khoản vay vào việc gì, nhiều khi khách hàng vay tiền để đánh bài, cá độ…

Trước thực trạng đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa ra lấy ý kiến Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 43/2016/TT-NHNN quy định cho vay tiêu dùng của công ty tài chính.

Một số ưu điểm trong Dự thảo

Đối với công tác thu hồi nợ, hiện Dự thảo Thông tư quy định, biện pháp đôn đốc, thu hồi nợ phù hợp với đặc thù của khách hàng và quy định của pháp luật, trong đó thời gian nhắc nợ do các bên thỏa thuận nhưng phải đảm bảo trong khoảng thời gian từ 7 giờ đến 21 giờ; không bao gồm biện pháp đe dọa khách hàng; không nhắc nợ, đòi nợ tổ chức, cá nhân không có nghĩa vụ trả nợ cho công ty tài chính.

Sự thay đổi này là cần thiết vì trong thời gian qua, đã xảy ra tình trạng một số công ty tài chính nhắc nợ, đòi nợ tổ chức, cá nhân không có nghĩa vụ trả nợ cho công ty tài chính, gây bức xúc dư luận. Nhiều công ty tài chính xử lý khoản nợ khó đòi bằng các khủng bố kiểu "xã hội đen" đối với người đi vay và cả người nhà của người vay tiền nhằm tạo áp lực để khách hàng trả nợ. Tuy nhiên, hành vi này vi phạm quyền riêng tư của mỗi người, gây rối loạn trật tự xã hội.

Vì vậy, quy định tại Dự thảo Thông tư nhằm hạn chế tình trạng này là hoàn toàn hợp lý, chặt chẽ, theo đúng quy định của pháp luật, khắc chế những tổn hại không đáng có đối với khách hàng cũng như người thân của khách hàng.

Hiện nay, hoạt động cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính rất sôi động vì nhu cầu mua nhà, mua xe của các khách hàng có thu nhập trung bình rất cao. Việc vay tín chấp ở công ty tài chính dễ hơn so với vay ngân hàng thương mại vì không cần phải có tài sản đảm bảo. Do vậy, khách hàng tìm đến các công ty tài chính ngày càng nhiều để thực hiện nhu cầu của mình.

Bên cạnh đó, Dự thảo cũng quy định trách nhiệm của công ty tài chính phải thực hiện cảnh báo sớm cho khách hàng các rủi ro khi vay tiêu dùng, trách nhiệm tuân thủ nghĩa vụ hợp đồng cho vay tiêu dùng, các biện pháp công ty tài chính sẽ áp dụng nếu khách hàng không thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng để khách hàng tính toán về khoản vay của mình có thật sự cần thiết hay không với những rủi ro xảy ra nếu không trả được nợ đúng thời hạn đã ký kết trong hợp đồng.

Định kỳ ngày 12 hàng tháng, công ty tài chính thực hiện báo cáo bằng văn bản gửi NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố về dư nợ cho vay tiêu dùng đối với khách hàng vay trên địa bàn... để NHNN quản lý tốt hơn hoạt động cho vay tiêu dùng này.

Công ty tài chính phải thực hiện giám sát, kiểm tra, kiểm soát thường xuyên việc tuân thủ quy định của pháp luật, quy định nội bộ về hoạt động cho vay tiêu dùng đối với cá nhân, bộ phận, đơn vị có liên quan tại trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện, điểm giới thiệu dịch vụ của công ty tài chính, đảm bảo thực hiện đúng quy trình, quy định nội bộ và quy định của pháp luật. Những bổ sung này nhằm giúp NHNN quản lý chặt chẽ công ty tài chính hơn so với các quy định cũ.

Dự thảo còn bổ sung công ty tài chính nên áp dụng các hình thức tiếp nhận góp ý, phản ánh, khiếu nại của khách hàng, người có liên quan, đảm bảo xác thực thông tin khiếu nại cơ bản khách hàng, người có liên quan cung cấp cho công ty tài chính, trong đó, tối thiểu bằng hai hình thức:

Hình thức trực tiếp thông qua các cá nhân, bộ phận chuyên trách tại trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện và điểm giới thiệu dịch vụ của công ty tài chính;

Hình thức gián tiếp thông qua các phương tiện điện tử, tổng đài điện thoại (có ghi âm, hoạt động 24/24 giờ trong ngày, 7/7 ngày trong tuần). Công ty tài chính phải có trách nhiệm giải quyết khiếu nại và trả lời khiếu nại của khách hàng, người có liên quan trong thời hạn tối đa 45 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận khiếu nại lần đầu theo một trong các hình thức tiếp nhận trên.

Điều này đảm bảo các nhân viên của công ty tài chính sẽ không làm hành động gì quá đáng đối với khách hàng. Việc tiếp nhận khiếu nại và xử lý khiếu nại là điều rất cần thiết phải bổ sung trong dự thảo Thông tư này nhằm đảm bảo sự tin tưởng của khách hàng đối với công ty tài chính.

Để đảm bảo đội ngũ nhân viên có chất lượng thì công ty tài chính phải thường xuyên rà soát, nâng cao chất lượng quy trình tuyển dụng, đánh giá nhân viên, hạn chế rủi ro đạo đức; tổ chức tập huấn, đào tạo nghiệp vụ, nâng cao kỹ năng, chất lượng dịch vụ tư vấn khách hàng, ý thức tuân thủ pháp luật, quy định nội bộ, đạo đức nghề nghiệp cho nhân viên.

Một số hạn chế

Dự thảo Thông tư bổ sung quy định về hình thức giải ngân cho vay tiêu dùng của công ty tài chính. Cụ thể, có 2 hình thức giải ngân, bao gồm:

Thứ nhất là giải ngân thông qua bên thụ hưởng (bên cung ứng hàng hóa, dịch vụ) hoặc chuyển số tiền giải ngân vào tài khoản thanh toán của bên thụ hưởng trên cơ sở hàng hóa, dịch vụ đã cung ứng cho khách hàng để tiêu dùng và theo thỏa thuận tại hợp đồng cho vay tiêu dùng;

Thứ hai là giải ngân trực tiếp cho khách hàng vay hoặc chuyển số tiền giải ngân vào tài khoản thanh toán của khách hàng vay theo thỏa thuận tại hợp đồng cho vay tiêu dùng. Công ty tài chính chỉ được giải ngân trực tiếp cho khách hàng vay đối với khách hàng đã, đang vay tại công ty tài chính đó và được đánh giá có lịch sử trả nợ tốt theo quy định nội bộ của công ty, không có nợ xấu theo kết quả phân loại nhóm nợ của Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam, tính từ thời điểm gần nhất ký kết hợp đồng cho vay tiêu dùng.

Tuy nhiên, Dự thảo thông tư chỉ cho phép tổng dư nợ cho vay tiêu dùng giải ngân trực tiếp cho khách hàng vay không vượt quá 30% tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng của công ty tài chính. Điều này sẽ tác động lớn tới hoạt động cho vay của các công ty tài chính, cũng như đến việc tiếp cận các khoản vay của khách hàng.

Hiện chưa có thống kê cụ thể về tỷ lệ cho vay giải ngân trực tiếp cho khách hàng, nhưng có thể thấy hoạt động này đang gia tăng khá mạnh thông qua các gói vay tiền mặt. Theo dự thảo này, việc siết chặt cho vay bằng tiền mặt đã làm công ty tài chính hạn chế cho vay tiêu dùng tại các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, như vậy sẽ hạn chế mục tiêu đẩy lùi “tín dụng đen” mà NHNN đang nỗ lực thúc đẩy.

Ý kiến hoàn thiện Dự thảo

Nhằm đóng góp ý kiến hoàn thiện Dự thảo, tác giả kiến nghị một số nội dung sau:

Thứ nhất, mô hình cho vay tiêu dùng đã góp phần tích cực đẩy lùi “tín dụng đen”. Vì vậy, khi điều chỉnh các chính sách cho vay với lĩnh vực tiêu dùng cần hài hòa các mục tiêu vừa kiểm soát được hoạt động cho vay, vừa đảm bảo sát thực tiễn mới có thể mang lại lợi ích cả về kinh tế và hiệu quả xã hội. Nếu siết chặt quá sẽ khó đạt được mục tiêu đẩy lùi “tín dụng đen”.

Công ty tài chính phải có trách nhiệm giải quyết khiếu nại và trả lời khiếu nại của khách hàng, người có liên quan trong thời hạn tối đa 45 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận khiếu nại lần đầu theo một trong các hình thức tiếp nhận trên. Điều này đảm bảo các nhân viên của công ty tài chính sẽ không làm hành động gì quá đáng đối với khách hàng.

Bởi vì, nếu siết chặt thì người tiêu dùng sẽ khó tiếp cận được nguồn vay của công ty tài chính (nếu so với vay nóng, vay tín dụng phi chính thức) như vậy thì mục tiêu đẩy lùi “tín dụng đen” sẽ khó đạt được mục tiêu như mong muốn. Vì vậy, muốn cho vay tiêu dùng góp phần giảm thiểu “tín dụng đen” thì các tổ chức tín dụng, công ty tài chính phải đẩy mạnh cho vay tiêu dùng.

Ví dụ, khi người có nhu cầu vay tiêu dùng để tổ chức đám cưới hay trả tiền viện phí… nếu không vay được công ty tài chính vì công ty tài chính bị khống chế 30% giải ngân tiền mặt nên không thể giải ngân được thì có thể họ sẽ đẩy các khách hàng này vào trường hợp đi vay “tín dụng đen” để phục vụ cho chi phí nóng. Chính vì thế, việc giới hạn giải ngân về tiền mặt sẽ không hỗ trợ giải quyết “tín dụng đen” nếu quy định đưa ra trần khống chế 30%.

Thứ hai, việc giải ngân trực tiếp cho bên cung ứng hàng hóa, dịch vụ có thể sẽ giúp cho việc kiểm soát dòng tiền cho vay, phòng tránh được rủi ro nhưng không phải dễ thực hiện với tất cả mọi dịch vụ và mọi nhu cầu của khách hàng. Bởi nếu như khách hàng vay vốn để mua xe, máy tính hay các thiết bị đồ dùng như ti vi, tủ lạnh, máy giặt, máy điều hoà… thì có thể dễ dàng thực hiện, còn với các nhu cầu vay tiền đi chữa bệnh, đóng học phí, du lịch, tổ chức đám cưới, tiệc liên hoan… sẽ nhiều bất tiện nên người dân sẽ không tìm đến công ty tài chính.

Thứ ba, khi ký kết hợp đồng cho vay thì các công ty tài chính đã xét khả năng trả nợ đồng thời kiểm tra đến việc người vay dùng số tiền này để làm gì. Nếu công ty tài chính kiểm tra và thấy nhu cầu của khách hàng thiết yếu, khách hàng này không có nợ xấu, có khả năng trả nợ thì nên cân nhắc quy định khống chế toàn bộ dư nợ, tín dụng của công ty tài chính không thể quá 30% là cho tín dụng tiền mặt.

Kết luận

Những bổ sung trong dự thảo Thông tư số 43/2016/TT-NHNN lần này với mục tiêu là hạn chế rủi ro trong hoạt động cho vay tiêu dùng. Hiện nay, hoạt động cho vay tiêu dùng đang diễn ra rất mạnh và rất nhiều công ty tài chính chỉ quan tâm đến lợi ích của mình mà không tính đến các rủi ro khách hàng gặp phải. Đa số khách hàng vay tiêu dùng tại Việt Nam là những người trẻ, những đối tượng có nhu cầu chi tiêu cao nhưng chưa có kinh nghiệm kiểm soát chi tiêu và dễ sa vào bẫy nợ nần.

Tuy nhiên, cách tốt nhất để vừa thúc đẩy hoạt động cho vay thuận lợi, vừa đảm bảo giảm thiểu tối đa nợ xấu thì bản thân các công ty tài chính phải có chính sách tín dụng phù hợp với điều kiện kinh doanh của doanh nghiệp và tuân thủ tuyệt đối chính sách đó.

Các công ty tài chính cần tuân thủ luật pháp, trên cơ sở hiểu được các nhu cầu người dân, doanh nghiệp để đáp ứng nhu cầu và không nên tìm đến các khách hàng không có nhu cầu vay để cố gắng thuyết phục họ vay như hiện nay. Vì vậy, những bổ sung trong Dự thảo Thông tư này là rất cần thiết để đảm bảo quyền lợi cho khách hàng, đồng thời góp phần thúc đẩy dịch vụ này phát triển bền vững, đẩy lùi tín dụng đen.

Tài liệu tham khảo:
1. Ngân hàng Nhà nước (2016), Dự thảo Thông tư số 43/2016/TT-NHNN;
2. Ngân hàng Nhà nước (2016), Thông tư số 43/2016/TT-NHNN về cho vay tiêu dùng của công ty tài chính;
3. https://thebank.vn/blog/8122-ban-hieu-the-nao-la-vay-tieu-dung.html;
4. http://cafef.vn/vay-tien-mat-cang-cao-rui-ro-cang-lon-20190411153000704.chn;
5. http://vneconomy.vn/de-xuat-sua-quy-dinh-cho-vay-tieu-dung-de-khach-hang-khong-sa-vao-bay-no-20190402101527268.htm.