Triển vọng cổ phiếu ngân hàng vẫn “sáng”
Với những nhà đầu tư ưa thích sự an toàn và dài hạn thì các cổ phiếu ngân hàng là một lựa chọn tốt trong giai đoạn thị trường chưa rõ xu hướng hiện nay.
Quý II/2019, thị trường chứng khoán Việt Nam tương đối khó khăn, hầu hết các cổ phiếu bluechips đều đi ngang hoặc giảm điểm. Nhà đầu tư chỉ có thể kiếm lời với một số nhóm cổ phiếu như bất động sản khu công nghiệp hay các cổ phiếu có câu chuyện thoái vốn, chuyển sàn, đổi chủ. Thị trường chịu tác động của nhiều thông tin tiêu cực, nhất là cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung leo thang.
Bước sang quý III, thị trường chưa mấy khởi sắc và thông tin đang được giới đầu tư chờ đợi nhất là kết quả kinh doanh quý II cũng như nửa đầu năm của các doanh nghiệp niêm yết. Với thông tin GDP quý II được công bố đạt 6,71%, thấp hơn cùng kỳ năm 2018 và thấp hơn quý trước, khả năng kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết trong quý vừa qua khó khởi sắc, chưa nói tới suy giảm tăng trưởng.
Dẫu vậy, ngành ngân hàng vẫn được xem là một trong những ngành duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định trong quý II cũng như cả năm 2019 nhờ tăng trưởng tín dụng giai đoạn này ở mức 13 - 14% và thu nhập ngoài lãi tăng mạnh.
Nhiều thay đổi tích cực trong cơ cấu tín dụng
Năm 2018, tăng trưởng tín dụng đã giảm tốc theo định hướng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Tăng trưởng tín dụng toàn ngành đạt mức 13,9% vào cuối năm 2018 - mức tăng thấp nhất trong vòng 5 năm và thấp hơn mục tiêu 17% mà NHNN đặt ra vào đầu năm.
Năm nay, cơ quan này đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng thấp hơn (14%). Do GDP đạt 7,1% trong năm 2018, mức cao nhất trong vòng 11 năm, NHNN đã đổi trọng tâm sang kiểm soát lạm phát, do đó, thắt chặt quản lý tăng trưởng tín dụng.
Giai đoạn 2019 - 2020, Việt Nam sẽ duy trì mức tăng trưởng tín dụng 13 - 14% mỗi năm, dựa trên các yếu tố lạm phát đang tăng trở lại khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4/2019 tăng 2,93% so với mức tăng 2,75% của tháng 4/2018.
Nguồn vốn tín dụng trong năm 2019 cũng sẽ bị hạn chế hơn do NHNN nâng hệ số rủi ro đối với các khoản vay mua bất động sản. Bên cạnh đó là quy định giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn sử dụng cho vay trung và dài hạn từ mức 45% xuống 40%, có hiệu lực từ tháng 1/2019, sẽ ảnh hưởng thanh khoản của hệ thống.
Một thay đổi tích cực so với chu kỳ bùng nổ tín dụng trước đây là nhu cầu tín dụng hiện nay chủ yếu đến từ cá nhân và các công ty tư nhân, bao gồm cả các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME). Trong khi đó, trước đây, phần lớn tín dụng được cấp cho ngành bất động sản và các doanh nghiệp nhà nước.Tỷ lệ tín dụng trong các doanh nghiệp nhà nước đã giảm mạnh xuống mức 6,4% trong năm 2018, so với mức 25 - 26% trong giai đoạn 2011 - 2013.
Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng nhanh chóng của cho vay tiêu dùng cá nhân là yếu tố chính thúc đẩy tăng trưởng tín dụng toàn ngành, dẫn tới sự thay đổi cơ cấu tín dụng.
Cho vay bán lẻ ở Việt Nam (bao gồm cho vay cá nhân và cho vay SME) bắt đầu phát triển từ năm 2015 và trong giai đoạn mới bắt đầu các ngân hàng đã xây dựng tên tuổi của mình bằng cách ra mắt các sản phẩm phức tạp hơn như quản lý tiền mặt và dòng tiền cho SME, hay các sản phẩm quản lý tích hợp nhiều loại tài sản.
Trong tương lai gần, các ngân hàng sẽ có nhiều cơ hội để bán chéo các sản phẩm tính phí như bảo hiểm và thẻ tín dụng đến tập khách hàng hiện tại.Dư địa tăng trưởng tín dụng trong phân khúc doanh nghiệp tư nhân và tiêu dùng còn nhiều. Về phân khúc tiêu dùng, tỷ lệ thâm nhập tín dụng hộ gia đình ở mức 47,9% GDP vào thời điểm tháng 12/2018 (nguồn StoxPlus), vẫn thấp hơn so với Thái Lan (78,6%) và Malaysia (82,1%). Trong khi các nước này có mức độ tín dụng/GDP tương đương Việt Nam (lần lượt ở mức 128% và 139% so với 130% ở Việt Nam).
Về phân khúc khách hàng doanh nghiệp tư nhân, số lượng doanh nghiệp đăng ký kinh doanh mới tiếp tục tăng trưởng 16% trong năm 2018, trong khi số lượng doanh nghiệp đóng cửa giảm 5% so với 2017. Tuy nhiên, yếu tố chính giúp các ngân hàng thành công trong cạnh tranh ngân hàng bán lẻ là dịch vụ và nhân sự. Khả năng phân phối và bán hàng sẽ là yếu tố quan trọng để chiếm lĩnh thị phần trong phân khúc này. Vì vậy, ngân hàng có mạng lưới rộng, tập khách hàng lớn sẽ có lợi thế, đặc biệt là VCB và MBB.
Lĩnh vực tài chính tiêu dùng đã tăng trưởng nhanh chóng với dư nợ tăng trưởng kép 41,8% trong giai đoạn từ 2013 tới đầu năm 2018. Tốc độ tăng trưởng nhanh chóng này có được là do nhân khẩu học thuận lợi, tốc độ đô thị hóa tăng và thu nhập cải thiện, cùng với tỷ lệ nhu cầu sở hữu nhà, đồ gia dụng gia tăng. Đà tăng trưởng này bắt đầu hạ nhiệt trong nửa đầu năm 2018 do NHNN tăng cường kiểm soát hoạt động tài chính tiêu dùng.
Trong tháng 4/2018, NHNN yêu cầu các công ty tài chính tiêu dùng phải rà soát các quy định nội bộ để đảm bảo nhân viên của các công ty này tuân thủ đúng quy trình thẩm định và nâng cao chất lượng tuyển dụng và đánh giá nhân viên. Các quy định chặt chẽ hơn về quy trình và quản lý nhân viên đã khiến cho chi phí hoạt động tăng và tăng trưởng tín dụng giảm tốc.
Tới cuối tháng 6/2018, tăng trưởng tín dụng cho tài chính tiêu dùng ở mức 6,6%, thấp hơn cả mức tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng thương mại. Với việc tăng trưởng tín dụng giảm tốc, lợi nhuận của các công ty tài chính tiêu dùng cũng bị ảnh hưởng.
Việc cải thiện NIM rất quan trọng đối với hoạt động ngân hàng tại Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh tăng trưởng cho vay bị hạn chế, do thu nhập lãi chiếm đến 80% tổng thu nhập hoạt động của ngân hàng. Do đó, việc chuyển hướng sang cho vay các phân khúc có lợi suất cao hơn là xu hướng tích cực, thể hiện ở lợi suất tài sản cao hơn trong các năm gần đây.
Tuy nhiên, lợi suất tài sản cao hơn được bù trừ bởi các yếu tố như yêu cầu chặt chẽ hơn của NHNN về cơ cấu vốn. Điều này khiến cạnh tranh huy động dài hạn trở lên gay gắt hơn, khiến cho chi phí vốn tăng.
Tìm cơ hội với cổ phiếu dòng “bank”
Theo quy định mới có hiệu lực từ tháng 1/2019, hệ số rủi ro cho các khoản vay, tiền gửi ngân hàng và chứng khoán nợ sẽ tăng từ 25% lên 50%. Dự báo cho vay liên ngân hàng sẽ giảm nhẹ trong giai đoạn từ 2019 - 2020.
Bên cạnh đó, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn giảm từ 45% xuống 40% từ đầu năm 2019. Về mặt chi phí vốn, lãi suất huy động của các ngân hàng đã tăng 40 - 130 điểm cơ bản từ tháng 9/2018 từ mức đáy tháng 6/2018. Lãi suất huy động đã tăng trong năm 2019, do đó ảnh hưởng tới tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM).
Hai yếu tố tạo áp lực lên lãi suất huy động là cạnh tranh gay gắt hơn và lãi suất điều hành có thể tăng. Dự báo NIM năm 2019 của ngân hàng chỉ tăng nhẹ, thậm chí đi ngang mặc dù lợi suất tài sản cải thiện.
Tuy nhiên, xu hướng NIM sẽ không giống nhau giữa các ngân hàng, do mỗi ngân hàng có độ nhạy với lãi suất tiền gửi và nhu cầu vốn khác nhau. Ngân hàng có LDR nhỏ hơn 90% sẽ có độ linh hoạt cao hơn về mức độ sử dụng vốn như VCB, ACB, TCB.
Ngân hàng có mảng huy động tốt hơn sẽ ít bị ảnh hưởng hơn khi cạnh tranh huy động gia tăng (các ngân hàng thương mại nhà nước với mạng lưới rộng hơn sẽ có lợi thế về mặt này). Và ngân hàng có tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn cao sẽ chịu ít ảnh hưởng hơn khi chi phí vốn tăng (VCB, MBB, TCB).
Trong năm 2019, thu nhập ngoài lãi của các ngân hàng sẽ tăng khoảng 10,9% nhờ thu nhập phí bancassurance và thu hồi nợ xấu, bên cạnh các dịch vụ thu phí thông thường như thanh toán, bảo lãnh, thẻ tín dụng.
Nhìn chung, trong bối cảnh thắt chặt tín dụng, mặt bằng lãi suất tăng, khả năng lan tỏa rủi ro kinh tế toàn cầu thì mỗi ngân hàng vẫn có những thách thức và cơ hội riêng. Những ngân hàng có vị thế, khả năng nắm bắt tốt các cơ hội từ hoạt động cho vay bán lẻ và các hoạt động thu nhập ngoài lãi, huy động không kỳ hạn cao để giảm chi phi vốn và chất lượng tài sản tốt hạn chế rủi ro nợ xấu tăng trên toàn hệ thống. VCB, MBB, ACB và TCB là các ngân hàng đang đáp ứng được các yêu cầu trong thời điểm hiện tại.
Ngành ngân hàng tuy lợi nhuận đạt đỉnh năm 2017 - 2018 nhưng vẫn có nhiều khả năng duy trì lợi nhuận ổn định trong giai đoạn 2019 - 2021. Với những nhà đầu tư ưa thích sự an toàn và dài hạn thì các cổ phiếu ngân hàng là một lựa chọn tốt trong giai đoạn thị trường chưa rõ xu hướng.