Tỷ giá phải "cuốn theo chiều gió"

Theo Huyền Anh/thoibaokinhdoanh.vn

Trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ – Trung có nguy cơ trở thành cuộc chiến tiền tệ, điều hành tỷ giá phải “cuốn theo chiều gió” để vừa bảo đảm an ninh tiền tệ, vừa phòng tránh được những rủi ro cho nền kinh tế trong nước.

Việt Nam phải cân nhắc trong việc điều chỉnh tỷ giá, đặc biệt diễn biến thương chiến Mỹ – Trung từ nay đến cuối năm sẽ khó dự đoán. Nguồn: Internet.
Việt Nam phải cân nhắc trong việc điều chỉnh tỷ giá, đặc biệt diễn biến thương chiến Mỹ – Trung từ nay đến cuối năm sẽ khó dự đoán. Nguồn: Internet.

Theo nhận định của các chuyên gia, Việt Nam đang bị Mỹ đưa vào danh sách theo dõi về chính sách tiền tệ, nên phải cực kỳ thận trọng, không để bị cuốn theo cuộc xung đột tiền tệ giữa Mỹ và Trung Quốc.

Tỷ giá trung tâm tăng cao

Ngày 6/8, Bộ Tài chính Mỹ đã chính thức khẳng định Trung Quốc là quốc gia thao túng tiền tệ khi để giá trị đồng nội tệ suy yếu nhằm đối phó với cuộc thương chiến mà nước Mỹ đang thực hiện. Tuyên bố này ngay lập tức khiến giới quan sát và chuyên gia lo ngại tình hình có thể đi xa hơn và khơi mào một cuộc chiến tranh tiền tệ.

Ngay sau tuyên bố của Mỹ, đồng NDT của Trung Quốc đã phá vỡ ngưỡng kháng cự 7 NDT “ăn” 1 USD. Ngày 7/8, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã có động thái điều chỉnh tăng tỷ giá trung tâm thêm 15 đồng lên mức 23.115 VND/USD, cao nhất từ trước đến nay.

Cùng với đó, tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch NHNN mua vào ở mức 23.200 VND/USD và bán ra ở mức 23.758 VND/USD.

Tại thị trường tự do, giá USD mua vào là 23.260 đồng, tăng 20 đồng và bán ra là 23.270 đồng, tăng 10 đồng so với phiên giao dịch trước.

Tuy nhiên, tại một số ngân hàng thương mại trong phiên giao dịch sáng 7/8, tỷ giá mua – bán giảm nhẹ so với phiên giao dịch ngày 6/8. Cụ thể, tại BIDV niêm yết 23.175 đồng – 23.295 đồng (mua vào – bán ra), giảm 35 đồng ở cả hai chiều; VietinBank niêm yết 23.169 đồng – 23.299 đồng, giảm 41 đồng ở cả hai chiều.

Techcombank niêm yết 23.170 đồng – 23.310 đồng, giảm 25 đồng ở cả hai chiều; Eximbank niêm yết 23.180 – 23.290 đồng, giảm 30 đồng ở cả hai chiều so với phiên giao dịch trước.

Tỷ giá phải "cuốn theo chiều gió" - Ảnh 1

Tỷ giá đang chịu nhiều áp lực từ bên ngoài

Áp lực về tỷ giá rất lớn

Theo giới phân tích, phần lớn các nước hiện nay đang áp dụng chính sách điều hành linh hoạt tỷ giá. Trong bối cảnh NDT mất giá mạnh sẽ tác động nhất định đến kinh tế thế giới, từ đó tạo ra cú hích để các nước có thể xem xét điều chỉnh tỷ giá nội tệ.

Do đó, việc tỷ giá trung tâm tăng mạnh trong hai ngày qua, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cho rằng là điều cần thiết và kịp thời, nhất là trong bối cảnh thương chiến Mỹ – Trung bất ngờ leo thang và sự mất giá mạnh của NDT tạo áp lực nhất định lên đồng nội tệ của Việt Nam.

Theo phân tích của ông Hiếu, ổn định tỷ giá là mục tiêu tối thượng của NHNN, nhưng việc duy trì tỷ giá một cách cứng nhắc sẽ không có lợi ở thời điểm này. NDT mất giá mạnh so với USD, VND lại tăng giá so với NDT, nên NHNN buộc phải tăng tỷ giá trung tâm để phù hợp với thực tế tình hình.

“Không điều chỉnh tỷ giá sẽ tạo ra cơ hội cho các tay đầu cơ “ăn lời trên sống lưng” của ngân hàng, họ sẽ tìm cách mua ngoại tệ với giá rẻ từ hệ thống ngân hàng để bán ra thị trường với giá cao nhằm ăn chênh lệch”, ông Hiếu khẳng định.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng lo ngại khi Mỹ mới đây đã đưa Việt Nam vào danh sách các quốc gia cần theo dõi thao túng tiền tệ. Vì vậy, Việt Nam phải cân nhắc trong việc điều chỉnh tỷ giá, đặc biệt diễn biến thương chiến Mỹ – Trung từ nay đến cuối năm sẽ khó dự đoán, hướng đi của tỷ giá cũng khó dự báo.

Theo đánh giá của các chuyên gia, để ứng phó thương chiến Mỹ – Trung đang có nguy cơ lan ra cuộc chiến tiền tệ, Việt Nam cần phải chủ động theo dõi, các chính sách điều hành tỷ giá thận trọng. Đặc biệt, cần sớm thống nhất và ban hành quy chế hàng sản xuất tại Việt Nam, chủ động trao đổi thông tin với các bên liên quan và minh bạch thông tin trong quá trình điều hành chính sách tiền tệ.

TS. Cấn Văn Lực cho rằng Việt Nam cần tiếp tục theo dõi, đánh giá, tiếp tục kiên định chính sách điều hành tỷ giá linh hoạt. “Việt Nam đang bị Mỹ đưa vào danh sách theo dõi về chính sách tiền tệ, nên phải cực kỳ thận trọng, không để bị cuốn theo cuộc xung đột tiền tệ giữa Mỹ và Trung Quốc. Phải lưu ý đối với nền kinh tế nước ta, ổn định vĩ mô là quan trọng nhất, muốn vậy thì cần phải ổn định tỷ giá”, ông Lực khuyến cáo.

Đồng quan điểm, ông Hiếu cho rằng tỷ giá phải “cuốn theo chiều gió” để vừa bảo đảm an ninh tiền tệ, vừa phòng tránh được những mối nguy hiểm ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế và quyết định của Mỹ về chính sách tiền tệ của Việt Nam. “Theo hướng thận trọng và bảo thủ, VND có thể mất giá khoảng 3% trong năm 2019 nhưng với căng thẳng leo thang trong cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung và xu hướng đồng NDT của Trung Quốc, VND của Việt Nam có thể còn mất giá sâu hơn mức này. Áp lực trong điều hành là rất lớn”, chuyên gia này nhấn mạnh.