Vì sao tỷ giá bất ngờ đảo chiều?

Theo Lê Khánh/doanhnhansaigon.vn

Sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành Dự thảo Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 24/2015/TT-NHNN về việc cho vay bằng ngoại tệ của tổ chức tín dụng, tỷ giá hối đoái đã có những diễn biến rất đáng chú ý, với sự đảo chiều của giá USD trên thị trường tự do.

Tỷ giá trung tâm do NHNN niêm yết vẫn duy trì xu hướng đi lên ổn định. Nguồn: internet
Tỷ giá trung tâm do NHNN niêm yết vẫn duy trì xu hướng đi lên ổn định. Nguồn: internet

Tâm lý đảo chiều

Chỉ trong tuần đầu tháng 12, giá mua bán USD tự do đã giảm từ 50 - 70 đồng, tiếp nối đà suy yếu của những ngày cuối tháng 11. Giá mua vào và bán ra USD trên thị trường tự do vào cuối tuần qua rớt xuống tương ứng ở mức 23.355đ/USD và 23.360đ/USD. Đáng lưu ý là mức này đã thấp hơn mức trần tỷ giá trung tâm của NHNN, sau một thời kỳ dài luôn cao hơn đáng kể.

Trong khi đó, tỷ giá trung tâm do NHNN niêm yết vẫn duy trì xu hướng đi lên ổn định. Tính đến ngày 8/12, tỷ giá trung tâm đã leo lên mức 22.764đ/USD, cao nhất kể từ đầu năm đến nay. Và chỉ trong 7 ngày đầu tháng 12, tỷ giá trung tâm đã tăng thêm 14 đồng, theo đó so với đầu năm đã tăng 339 đồng. Dù vậy so với mục tiêu 2% thì vẫn còn cách khá xa, khi tốc độ tăng chỉ mới là 1,51%, trong khi chỉ còn chưa đầy một tháng nữa sẽ kết thúc năm.

Việc thị trường tự do đảo chiều bất ngờ, đi ngược xu hướng với diễn biến trên thị trường chính thức được xem là nhờ vào nhiều yếu tố hỗ trợ. Ngày 22/11, NHNN bất ngờ ban hành Dự thảo Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 24/2015/TT-NHNN về việc cho vay bằng ngoại tệ của tổ chức tín dụng, theo đó dỡ bỏ thời hạn tất toán vay ngoại tệ đối với nhóm doanh nghiệp xuất khẩu, từ đó có thể giúp cầu ngoại tệ của nhóm này để tất toán các khoản vay trong những tháng cuối năm sẽ không tăng mạnh như dự báo trước đó.

Việc NHNN bổ sung nhóm doanh nghiệp nhập khẩu vào đối tượng hạn chế vay ngoại tệ được kỳ vọng sẽ giúp giảm áp lực lên cán cân thương mại, hạn chế nhập khẩu ở những mặt hàng trong nước có thể sản xuất được. Vì vậy, khả năng thời gian tới, nhóm doanh nghiệp nhập khẩu sẽ không còn cơ hội tiếp cận được nguồn vốn vay ngoại tệ với chi phí rẻ hơn, khi mà chênh lệch lãi suất vay tiền đồng so với ngoại tệ vẫn đang ở mức khá cao, từ 4 - 6%.

Nguồn cung ngoại tệ tiếp tục tăng...

Một yếu tố hỗ trợ quan trọng nữa là 11 tháng qua, Việt Nam đã xuất siêu hơn 6,8 tỷ USD, tăng rất mạnh so với 2,7 tỷ USD của cùng kỳ năm 2017. Với diễn biến tích cực từ hoạt động thương mại, nguồn cung ngoại tệ trở nên dồi dào hơn so với giai đoạn trước, từ đó góp phần giúp ổn định tâm lý của thị trường ngoại hối.

Trong khi đó, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) 11 tháng qua ước đạt 16,5 tỷ USD, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2017. Với cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc hiện nay, giới phân tích cho rằng dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc sẽ còn chuyển dịch mạnh sang Việt Nam để "lánh nạn", do đó dòng vốn FDI sẽ tiếp tục tăng.

Chính sách trục xuất một số người nhập cư gốc Việt Nam đã phần nào ảnh hưởng đến tâm lý người Việt tại Mỹ kể từ khi ông Trump lên nắm quyền, do đó ít nhiều ảnh hưởng đến dòng kiều hối từ Mỹ chảy về Việt Nam. Nay chính sách trên đã bị bãi bỏ, do đó kỳ vọng dòng ngoại tệ từ kiều hối sẽ tăng mạnh trong 2 tháng cuối năm âm lịch.

Trong 11 tháng năm 2018 còn có 5.882 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với 7,64 tỷ USD, tăng 44,4% so với cùng kỳ năm 2017. Trong bối cảnh các nền kinh tế mới nổi và cận biên khác đang đối mặt với thách thức dòng vốn nước ngoài chạy về các nước phát triển thì Việt Nam vẫn duy trì con số tăng ròng, cho thấy sự ổn định của nền kinh tế với tỷ giá và lạm phát trong tầm kiểm soát tốt.

Cần nhớ rằng chính sách trục xuất một số người nhập cư gốc Việt Nam đã phần nào ảnh hưởng đến tâm lý người Việt tại Mỹ kể từ khi ông Trump lên nắm quyền, do đó ít nhiều ảnh hưởng đến dòng kiều hối từ Mỹ chảy về Việt Nam. Nay chính sách trên đã bị bãi bỏ, do đó kỳ vọng dòng ngoại tệ từ kiều hối sẽ tăng mạnh trong 2 tháng cuối năm âm lịch.

...Và đồng USD ổn định

Trên thế giới, sau khi tăng mạnh trong tháng 10, giá USD đã ổn định trở lại, với chỉ số USD Index có xu hướng đi ngang từ đầu tháng 11 đến nay. Gần đây, việc Mỹ và Trung Quốc tạm "hưu chiến" trong cuộc chiến thương mại đã ít nhiều gây áp lực lên đồng USD, do làm giảm nhu cầu đầu tư vào USD như một tài sản an toàn. Chỉ số USD Index vào cuối tuần qua nằm tại 96,7 điểm, thấp hơn mức 97,1 điểm vào ngày 31/10.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể tạm dừng tăng lãi suất sau đợt tăng cuối cùng trong năm nay dự kiến diễn ra trong cuộc họp vào cuối tháng 12. Theo đó, các quan chức FED muốn đánh giá chính xác hơn nền kinh tế đang phản ứng như thế nào trước việc tăng lãi suất mà họ đã thực hiện, để từ đó điều chỉnh linh hoạt hơn chứ không theo lộ trình cứng nhắc đã đặt ra.

Rõ ràng với hàng loạt yếu tố hỗ trợ như trên đã giúp thị trường ngoại hối trong nước ổn định, dù đang là giai đoạn cuối năm thường chứng kiến tỷ giá biến động mạnh.

Đặc biệt, với sự suy yếu của đồng đô la Mỹ mới vừa diễn ra trên thị trường tự do, có thể đây sẽ là năm chứng kiến tỷ giá thời điểm cuối năm sẽ không còn quá nhiều biến động.