Vốn tín dụng và những rào cản đối với doanh nghiệp tư nhân hiện nay


Mặc dù môi trường kinh doanh đã được cải thiện, số lượng doanh nghiệp cùng với quy mô vốn gia tăng nhanh nhưng khu vực doanh nghiệp, đặc biệt là khu vực doanh nghiệp tư nhân, vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn. Trong đó, các doanh nghiệp vẫn gặp phải nhiều rào cản lớn khi tiếp cận vốn tín dụng chính thức. Nhận diện những rào cản trong tiếp cận vốn tín dụng hiện nay, bài viết đề xuất các giải pháp để tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng cho khu vực doanh nghiệp tư nhân.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Doanh nghiệp tư nhân khó tiếp cận vốn tín dụng chính thức

Khảo sát của Cục Phát triển doanh nghiệp (DN) năm 2017 cho thấy, khu vực kinh tế tư nhân liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá, thu hút khoảng 85% lực lượng lao động, góp phần quan trọng trong huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng thu ngân sách nhà nước, tạo việc làm, cải thiện đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội. Đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân trong cơ cấu GDP luôn ở mức trên 43% GDP (so với khu vực kinh tế nhà nước 28,9% GDP và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài FDI là 18% GDP).

Xét về số lượng, các DN tư nhân chiếm ưu thế, song hiệu quả hoạt động chưa được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, theo số liệu điều tra của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố gần đây cho thấy, khu vực kinh tế tư nhân còn manh mún, trong số khoảng 600.000 DN hiện nay ở Việt Nam, 97% là nhóm DN nhỏ và vừa. Trong số này, có đến 85 - 90% là những DN nhỏ và siêu nhỏ, gần 70% DN kinh doanh không có lãi.

Theo thống kê của Vụ Quản lý thuế DN lớn (Tổng cục Thuế), trong số 1.000 DN lớn (chiếm tới 56% số thu của cả quốc gia), nổi trội chỉ có Viettel, Vietcombank, Honda, PVN... còn lại “vắng bóng” các DN tư nhân. Điều này cho thấy, các DN tư nhân lớn hiện nay chưa thực sự đóng góp nhiều cho ngân sách, số đông còn lại hoạt động chưa hiệu quả.

Báo cáo của Ngân hàng Thế giới 2017 cho biết, tiếp cận tài chính được coi là một trở ngại hàng đầu đối với việc kinh doanh của DN tư nhân. Theo nhận định của các chuyên gia, điểm nghẽn của các DN tư nhân hiện nay là phải đối mặt với rất nhiều rào cản.

Có thể kể đến rào cản về môi trường kinh doanh, bất bình đẳng với các khu vực kinh tế khác, khó khăn trong khâu tiếp cận vốn… Thực tế, khả năng tiếp cận tín dụng của DN tư nhân, nhất là khu vực DN nhỏ và vừa qua hệ thống các ngân hàng thương mại hiện nay còn hạn chế, giai đoạn 2012 – 2017, tỷ lệ dư nợ cho DN nhỏ và vừa chiếm trung bình khoảng 22 - 25% tổng dư nợ cho vay toàn bộ nền kinh tế.

Theo thống kê của Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước), đến thời điểm hiện tại, dư nợ tín dụng đối với các DN nhỏ và vừa đạt gần 1,3 triệu tỷ, chiếm gần 22% dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế và tăng 6,5% so với cuối năm 2016, với gần 200.000 khách hàng đang còn dư nợ tại các tổ chức tín dụng, tăng 10.500 khách hàng so với cuối năm 2016. Ngành Ngân hàng đã có nhiều biện pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN tư nhân nhưng hiện nay vẫn còn tới 70% DN tư nhân chưa tiếp cận được vốn vay ngân hàng.

Số liệu điều tra trực tiếp 695 DN tại Hà Nội, Đà Nẵng và Đồng Nai của nhóm nghiên cứu trường Đại học Kinh tế Quốc dân công bố cuối năm 2017 cũng cho thấy, trong số 298 DN đã nộp đơn vay vốn ngân hàng, thì DN nhà nước chiếm 68%, DN tư nhân là 60% và DN có vốn đầu tư nước ngoài với tỷ lệ thấp hơn chỉ là 48%.

Các DN đã từng bị ngân hàng từ chối hoặc chỉ được giải ngân một phần cho biết, nguyên nhân lớn nhất là do tài sản thế chấp không đủ điều kiện. Đặc biệt, DN vừa và nhỏ khó có khả năng tiếp cận nguồn vốn vay chính thức vì phần lớn mặt bằng sản xuất, máy móc, trang thiết bị cơ bản là đi thuê. Tương tự, đối với các DN không vay vốn ngân hàng (loại trừ lý do không có nhu cầu), một lý do cơ bản không tiếp cận được vốn vay là không đủ tài sản thế chấp.

Bên cạnh rào cản về yêu cầu tài sản thế chấp, theo kết quả phân tích thực nghiệm từ mẫu điều tra của báo cáo, các DN vẫn phải tiếp cận nguồn vốn với lãi suất cao. Ngoài chi trả lãi vay cao, để tiếp cận được nguồn vốn vay tín dụng các DN phải bỏ thêm các chi phí lót tay và quà tặng...

Kết quả phân tích cho thấy, DN có chi ra các khoản chi phí lót tay và quà tặng sẽ giúp tăng xác suất món vay được chấp thuận từ các tổ chức tín dụng khoảng từ 17,6 đến 24%. Trong quá trình xử lý các hồ sơ xin vay từ các tổ chức tín dụng, vẫn tồn tại sự phân biệt đối xử giữa các DN nhỏ và vừa với các DN lớn, giữa các loại hình DN sở hữu tư nhân và sở hữu nhà nước.

Cụ thể, kết quả thực nghiệm cho thấy, xác suất hồ sơ xin vay vốn được chấp nhận giải ngân sẽ bị giảm khoảng 23,7 đến 26% nếu DN nộp hồ sơ xin vay thuộc DN nhỏ và vừa. Ngược lại, xác suất sẽ tăng khoảng 2,3 đến 2,8% nếu DN đó thuộc sở hữu nhà nước.

Nguyên nhân khác khiến nhiều DN tư nhân ngại tiếp cận với ngân hàng là do hoạt động thiếu hoạt động minh bạch, quản trị điều hành chưa bài bản, nhiều, DN chưa có chiến lược hoạt động cụ thể khiến các ngân hàng tin tưởng cấp tín dụng.

Trong thực tế, một yếu tố tác động tích cực đến khả năng tiếp cận vốn của DN là kinh nghiệm hoạt động của DN trên thị trường, với xác suất được chấp nhận vay tăng 1,6 đến 1,8 điểm khi tuổi của DN tăng thêm 1 năm. Tuy nhiên, điều này cũng là trở ngại đối với DN tư nhân, nhất là DN nhỏ và vừa do tuổi bình quân của nhóm DN này ở Việt Nam còn khá trẻ. Hơn nữa, trình độ của chủ DN còn hạn chế và số các DN nhỏ và vừa có giám đốc tài chính chỉ chiếm 12,23% mẫu điều tra.

Hầu hết các DN nhỏ và vừa hiện nay chưa lập báo cáo tài chính chuẩn để đáp ứng yêu cầu của ngân hàng. Các DN tư nhân lại thường có thời gian thành lập ngắn, trong khi đó tiêu chí của ngân hàng khi cấp tín dụng là DN phải thành lập từ 2 – 3 năm trở lên và đạt lợi nhuận tăng trong nhiều năm liên tiếp.

Thống kê cho thấy, có đến 90% DN khởi nghiệp không có lãi trong vòng 3 năm đầu. Do tình hình tài chính không tốt, việc sản xuất kinh doanh không ổn định; hạn chế về vốn, công nghệ, nguồn nhân lực, kỹ năng quản trị và tiếp thị, thậm chí còn kinh doanh theo kinh nghiệm hay chụp giật… nên thường khó tiếp cận được vốn tín dụng ngân hàng.

Kết quả thực nghiệm của nhóm nghiên cứu trường Đại học Kinh tế Quốc dân cũng khẳng định, vị trí địa lý của DN và các thủ tục để tiếp cận tín dụng ngân hàng cũng ảnh hưởng đáng kể đến khả năng tiếp cận vốn của DN.

Các DN có vị trí địa lý càng xa các ngân hàng thì khả năng tiếp cận vốn vay càng bị giảm; ước tính xác suất để món vay được chấp nhận giảm khoảng 15%. Đồng thời, các DN cũng cho rằng, thủ tục tiếp cận vốn vay ngân hàng còn khá phức tạp, mất nhiều thời gian. Điều này cũng làm xác suất tiếp cận vốn vay từ ngân hàng của DN giảm khoảng 11%...

Tháo gỡ “nút thắt” về vốn cho doanh nghiệp tư nhân

Trước bài toán làm thế nào để hỗ trợ khu vực DN tư nhân, nhất là DN nhỏ và vừa có thể tiếp cận được nguồn vốn tín dụng, giới chuyên gia đề xuất cần có giải pháp đồng bộ, hiệu quả đối với cả hai phía ngân hàng lẫn khu vực DN tư nhân.

Trước hết, cần có cơ chế chia sẻ thông tin của các bên liên quan, bao gồm cả các cơ quan thuế, đăng ký DN, thông tin tín dụng ngân hàng, qua đó, giúp các ngân hàng và DN nhỏ và vừa chia sẻ, minh bạch thông tin; phục vụ việc đánh giá, xếp hạng tín nhiệm DN nhỏ và vừa tốt hơn.

Nhà nước cũng cần khuyến khích các ngân hàng đẩy mạnh cấp tín dụng cho các DN, giúp họ từng bước phát triển, chia sẻ những khó khăn với họ. Nếu không, các DN này sẽ không thể tồn tại. Với mỗi giai đoạn phát triển của nền kinh tế, các cơ quan nhà nước cần tiếp tục cập nhật chính sách, ưu đãi hỗ trợ DN phát triển, tăng cường yếu tố nội lực, làm động lực phát triển của nền kinh tế. Cụ thể, ngành Ngân hàng cần có biện pháp thúc đẩy cho khu vực DN tư nhân, nhất là DN nhỏ và vừa vay vốn.

Các tổ chức tín dụng tiếp tục rà soát để cải tiến, đơn giản hóa thủ tục vay vốn; Chú trọng phát triển đa dạng các sản phẩm tín dụng đặc thù cho đối tượng DN nhỏ và vừa cũng như các sản phẩm về ngoại tệ, các công cụ phòng ngừa rủi ro lãi suất và tỷ giá nhằm giúp DN chủ động về vốn, tăng cường khả năng phòng ngừa rủi ro; Phát triển thị trường trái phiếu cho DN tư nhân.

Để nâng cao cơ hội cho các DN nhỏ và vừa tiếp cận nguồn vốn tín dụng, Ngân hàng Nhà nước cần nghiên cứu để tiết giảm các thủ tục về giao dịch đảm bảo; Không bắt buộc khu vực DN tư nhân thực hiện quá nhiều thủ tục và công chứng như hiện nay; Thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong quan hệ tín dụng giữa tổ chức tín dụng và DN; Tích cực triển khai chương trình kết nối ngân hàng – DN để cùng với chính quyền các địa phương trực tiếp tháo gỡ đồng bộ những khó khăn, vướng mắc trên tất cả các lĩnh vực khác nhau để DN có điều kiện tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng. Đồng thời, phân cấp giao quyền cho chính quyền cơ sở xác nhận tình trạng tài sản, đất đai của người dân và DN làm cơ sở để vay vốn.  

Vốn tín dụng và những rào cản đối với doanh nghiệp tư nhân hiện nay - Ảnh 1

Các chính sách hỗ trợ tín dụng cần phải có các tiêu chí rõ ràng, dễ hiểu nhằm hỗ trợ DN vay vốn hiệu quả. Cụ thể là khuyến khích phát triển hệ thống tài chính phi ngân hàng, nới lỏng các ràng buộc liên quan đến tài sản thế chấp, đơn giản hoá và cải tiến các thủ tục cho vay; Tạo ra sự bình đẳng chi phí lãi suất cho vay, cân đối các nguồn vốn vay với lãi suất và kỳ hạn phù hợp hơn với các DN, kể cả vốn vay ưu đãi; mở rộng các hình thức thuê mua, cung cấp tín dụng với lãi suất ưu đãi hơn cho các dự án khởi nghiệp khả thi, hiệu quả.

Theo thống kê của Công ty chứng khoán Rồng Việt (2018), lãi suất cho vay ngắn hạn của các ngân hàng thương mại nhà nước hiện nay phổ biến 6,8% – 8,5%/năm, trong khi chi phí vay trung và dài hạn dao động quanh mức 9,3% – 10,3%/năm, tuy nhiên, chỉ có các DN có quy mô lớn mới có thể được tiếp cận được nguồn vốn tín dụng này, số DN quy mô nhỏ còn lại khó được tiếp cận.

Kết quả điều tra DN của nhóm nghiên cứu Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cũng cho thấy, hiện nay các DN, đặc biệt DN nhỏ đang tiếp cận với các nguồn vốn vay chính thức với mức lãi suất trung bình được đánh giá là cao và kỳ hạn cho vay chưa hợp lý. Do vậy, cần tạo điều kiện cho các DN bình đẳng khi tiếp cận vốn vay tín dụng ngân hàng.

Các ngân hàng nên phát triển đa dạng các sản phẩm tín dụng, trong đó có các sản phẩm tín dụng đặc thù cho đối tượng DN tư nhân và các sản phẩm mới như: Các sản phẩm về ngoại tệ, các công cụ phòng ngừa rủi ro lãi suất và tỷ giá nhằm giúp DN chủ động về vốn, tăng cường khả năng phòng ngừa rủi ro, cung cấp các sản phẩm trọn gói về cho vay, tài trợ chuỗi cung ứng, dịch vụ thanh toán, tài trợ thương mại, bảo hiểm, trả lương; giải pháp quản lý tài chính, thu hộ, quản lý dòng tiền, dịch vụ ngân hàng điện tử… giúp tiết kiệm chi phí, thời gian, nhân lực cho DN.

Ngoài ra, cần có nhóm giải pháp nâng cao năng lực quản trị cho các DN, bao gồm bồi dưỡng, tập huấn các kiến thức về quản lý, tài chính, kế toán cũng như thị trường; hoàn thiện hệ thống kế toán DN không chỉ phục vụ công tác báo cáo thuế mà còn nhằm phục vụ công tác quản trị tài chính và ra quyết định kinh doanh.

Với DN, cần đẩy mạnh, cơ cấu lại hoạt động, quản trị, nâng cao khả năng tài chính, minh bạch, tạo dựng niềm tin để các tổ chức tín dụng yên tâm cấp tín dụng. Đặc biệt là tăng cường năng lực cạnh tranh.

Năng lực cạnh tranh của DN tốt sẽ có cơ hội tăng lợi nhuận, tăng vốn, các dự án kinh koanh sẽ có tính khả thi. Tất cả các yếu tố này sẽ là điều kiện tốt để DN dễ dàng tiếp cận được các nguồn vốn bổ sung cho hoạt động kinh doanh cũng như mở rộng phát triển hoạt động kinh doanh.

Tài liệu tham khảo:

  1. Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2017), Định hướng chính sách hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp;
  2. Ngân hàng Thế giới (2017): Tăng cường năng lực cạnh tranh và liên kết của doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam;
  3. Trần Thọ Đạt, Tô Trung Thành (2018), Báo cáo kinh tế thường niên năm 2017: Tháo gỡ các rào cản phát triển doanh nghiệp;
  4. TS. Nguyễn Thị Thanh Huyền (2018), Rào cản vốn tín dụng đối với các doanh nghiệp tư nhân hiện nay tại Việt Nam – Thực trạng và giải pháp, Đại học Kinh tế Quốc dân.