Xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt và vấn đề đặt ra

Đình Hạc

Khi nền kinh tế phát triển mạnh cả về chất lượng và số lượng thì việc thanh toán bằng tiền mặt không thể đáp ứng được nhu cầu thanh toán của toàn bộ nền kinh tế. Việc ứng dụng một hình thức thanh toán mới thuận tiện hơn, an toàn hơn là điều mà bất cứ quốc gia nào cũng quan tâm, đó là thanh toán không dùng tiền mặt.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

 Xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt

Một trong những xu hướng mới về phát triển dịch vụ thanh toán trên thiết bị di động. Hiện nay đã có 90 quốc gia trên thế giới đã phát triển nền tảng thanh toán qua điện thoại di động. Số lượng người sử dụng dịch vụ này là 900 triệu người dùng, chiếm 1/7 dân số thế giới. Tổng giá trị giao dịch mỗi ngày thông qua Mobile Money khoảng 1,3 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng bình quân 20% mỗi năm, riêng châu Á tăng trưởng 31%. Tại một số nước, tỷ lệ người dân sử dụng Mobile Money trên 50%.

Việc thanh toán bằng ví điện tử nhưng ngân hàng chỉ tham gia một số công đoạn của quá trình thanh toán. Xu hướng này người dân nộp tiền mặt hay chuyển từ tài khoản của mình vào tài khoản ví điện tử của các tổ chức cung ứng dịch vụ. Tổ chức này mở tài khoản tại ngân hàng. Tổ chức này phối hợp với ngân hàng phát hành thẻ cho người dân. Các tổ chức cung ứng dịch vụ có thể là dịch vụ vận chuyển công cộng hay các hệ thống cửa hàng, siêu thị bán lẻ, hoặc là tổ chức liên  minh giữa các ngân hàng với các doang nhiệp dịch vụ.

Tại Việt Nam, Công ty Cổ phần dịch vụ Di động trực tuyến (M_Service) hoạt động chính trong lĩnh vực thanh toán trên di động (mobile payment) dưới thương hiệu MoMo. Công ty đã được Ngân hàng Nhà nước cấp phép cung cấp dịch vụ ví và dịch vụ chuyển tiền, thu hộ/chi hộ… M_Service là đơn vị cung cấp dịch vụ ứng dụng Ví điện tử trên di động, dịch vụ chuyển tiền mặt tại điểm giao dịch và nền tảng thanh toán (payment platform).

MoMo là ứng dụng Ví điện tử trên điện thoại thông minh đã có mặt trên 2 hệ điều hành iOS và Android với hơn 10 triệu người dùng. Momo là nền tảng thanh toán di động, ví MoMo thúc đẩy nền kinh tế không tiền mặt và cung cấp cho khách hàng trải nghiệm thanh toán một chạm (One Touch Payment) với hơn hàng trăm tiện ích dịch vụ, bao gồm: chuyển tiền, thanh toán hóa đơn, mua vé máy bay, mua vé xe lửa, vé xem phim, thu - chi hộ, thương mại trên di động….

Ví MoMo hiện đã liên kết trực tiếp với 15 ngân hàng. Người dùng ví MoMo có thể thanh toán mọi tiện ích hàng ngày như: điện/nước/internet/truyền hình cáp, vé máy bay/vé xe/vé tàu hỏa; thanh toán taxi… Đóng vay trả góp của tất cả các công ty tài chính hoặc sử dụng MoMo để thanh toán tại các điểm chấp nhận thanh toán MoMo như: Gongcha, The Coffee House, Al Fresco’s, Món Huế, Hoàng Yến, Co.opMart, Circle K, Ministop…

Bên cạnh đó, các ứng dụng xã hội tham gia vào quá trình thanh toán. Một mạng xã hội có nhiều người tham gia nhất là facebook, hiện nay có khoảng 2,3 tỷ tài khoản facebook. Trên trang cá nhân của mình, tỷ phú Mark Zuckerberg nhà sáng lập facebook cho biết, facebook đang hợp tác cùng 27 tổ chức trên thế giới nhằm thiết lập Hiệp hội phi lợi nhuận Libra Association. Đơn vị này sau đó sẽ cho ra đời một đồng tiền ảo có tên Libra.

Libra sẽ hoạt động dựa trên nền tảng công nghệ Blockchain. Đồng tiền này sẽ bắt đầu được đưa ra thị trường vào năm 2020. Đồng tiền ảo của facebook được phát triển nhằm giúp thúc đẩy việc thanh toán không dùng tiền mặt, bên cạnh đó, người sở hữu Libra sẽ không phải mất chi phí cho việc chuyển tiền.

Mặc dù cho đến nay, dự án đồng tiền Libra chưa được quốc hội Mỹ thông qua, nhưng trong tương lai với những sự tiện lợi của nó cũng như các giải pháp an toàn của Facebook cũng đủ sức thuyết phục các nhà luật pháp Mỹ để cho phép thực hiện dịch vụ.

Một số vấn đề đặt ra

Các giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt có thể không qua ngân hàng mà sẽ thực hiện giữa các khách hàng trực tiếp thông qua tài khoản của họ tại các tổ chức cung ứng dịch vụ hoặc mạng xã hội. Tuy nhiên, trước tiên người có tài khoản có thể chuyển khoản từ tài khoản tại ngân hàng của họ sang tài khoản của tổ chức cung cấp dịch vụ tại ngân hàng.  

Khi thực hiện thanh toán giữa các chủ tài khoản (với mạng điện thoại là các chủ thuê bao, với các tổ chức cung ứng dịch vụ công công là những người có thẻ do tổ chức này phát hành) họ thanh toán với nhau hoàn toàn miễn phí. Trong khi mỗi giao dịch qua ngân hàng đều mất một khản phí nhất định.

Với phí giao dịch qua các ngân hàng tại Việt Nam như hiện nay, thì  tiền mặt vẫn có những tiện lợi và tiết kiệm cho người dân.

So sánh phí rút tiền mặt với phí chuyển khoản cho thấy phí chuyển khoản cho một giao dịch đang khá cao. Ví dụ: Nếu khách hàng rút 5 triệu đồng, từ máy ATM trong cùng hệ thống mất phí 1.100 đồng/1 lần rút, khác hệ thống mất phí 2.200 đồng/1 lần rút sau đó họ mang tiền mặt đi mua bán và không mất một khoản phí nào.

Nhưng nếu khách hàng sử dụng 5 triệu đồng đó để thực hiện 10 giao dịch mua bán và thanh toán qua ngân hàng khác hệ thống, phí mỗi giao dịch 10.000 đồng (Biểu phí hiện tại của VCB) thì số phí khách phải trả khi sử dụng cho 10 giao dịch là 100.000 đồng.