Xử lý nợ xấu: Điểm nghẽn ở tài sản đảm bảo

Theo Huyền Anh/thoibaokinhdoanh.vn

Trong thời kỳ Nghị quyết số 42 mới ban hành, nhiều con nợ khá sợ nên hợp tác bàn giao tài sản cho ngân hàng. Nhưng sau này, hiện tượng khách hàng chây ì ngày càng nhiều khiến ngân hàng không thu giữ được tài sản.

Xử lý nợ xấu vẫn là bài toán khó. Nguồn: Internet
Xử lý nợ xấu vẫn là bài toán khó. Nguồn: Internet

Trong báo cáo mới đây gửi tới các đại biểu Quốc hội, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đề xuất Quốc hội xem xét, chỉ đạo Tòa án nhân dân (TAND) Tối cao sớm có văn bản gửi tòa án các địa phương yêu cầu các đơn vị này ưu tiên áp dụng các thủ tục rút gọn theo quy định khi giải quyết các vụ án liên quan đến xử lý nợ xấu.

"Có thể tiến hành xét xử điểm một vụ án theo thủ tục rút gọn. Trên cơ sở đó, rút kinh nghiệm để triển khai nhân rộng trong toàn hệ thống ngành tòa án và bổ sung xây dựng cơ chế chính sách được hoàn chỉnh hơn…", báo cáo nêu.

Khó khăn từ phía khách hàng

Báo cáo của NHNN cho biết, Nghị quyết số 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng TCTD bước đầu đã phát huy hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi để xử lý nợ xấu.

Tính từ năm 2012 đến cuối tháng 3/2019, toàn hệ thống các TCTD đã xử lý được 907,3 nghìn tỷ đồng nợ xấu. Trong đó, riêng trong năm 2018, toàn hệ thống các TCTD đã xử lý được 163,14 nghìn tỷ đồng nợ xấu. Nợ xấu nội bảng của hệ thống các TCTD tiếp tục được xử lý, kiểm soát và duy trì ở mức dưới 3%, đến cuối tháng 3/2019 là 2,02%.

Tuy nhiên, báo cáo cũng đề cập đến những khó khăn trong hoạt động xử lý nợ xấu. Trong đó, nổi cộm là vấn đề thu giữ tài sản đảm bảo khi khách hàng không hợp tác.

Trong thời kỳ Nghị quyết 42 mới ban hành, nhiều con nợ khá sợ nên hợp tác bàn giao tài sản cho ngân hàng, nhưng sau này hiện tượng khách hàng chây ì ngày càng nhiều khiến ngân hàng không thu giữ được tài sản. Do đó, bắt buộc ngân hàng phải sử dụng giải pháp thi hành án, nhưng cách này mất rất nhiều thời gian mới thu hồi được.

Liên quan đến vấn đề này, đại biểu Trịnh Ngọc Thúy (Đoàn TP. Hồ Chí Minh) đánh giá cao việc Quốc hội ban hành Nghị quyết về xử lý nợ xấu, bước đầu đã giúp các TCTD thu hồi được tài sản để xử lý nợ xấu.

Tuy nhiên, bà Thúy cho rằng, không chỉ có ngân hàng khiếu kiện khách hàng không bàn giao tài sản đảm bảo ở những khoản nợ xấu, mà ngay cả khách hàng cũng khiếu kiện ngân hàng.

"Có nhiều trường hợp khi thu hồi xong tài sản thế chấp, mua bán nợ, bán đấu giá tài sản… thì những người có tài sản vẫn được quyền khiếu nại hoặc khởi kiện kết quả bán đấu giá. Khi đó, việc xử lý tài sản sẽ lại phải đi vào con đường tố tụng và quay lại xử lý từ đầu", bà Thúy chia sẻ.

Xử lý nợ xấu vẫn chưa thông

Với tư cách là Phó Chánh án TAND TP. Hồ Chí Minh, bà Thúy cho biết, điểm khác nữa là khi vụ việc được giải quyết theo thủ tục rút gọn và đưa đến cơ quan thi hành án, khi bán tài sản xong thì khoản nợ được giải quyết ưu tiên theo Điều 12 của Nghị quyết 42.

Tuy nhiên, rắc rối là khi bán xong tài sản, các bên đã thu hồi nợ, nhưng tiền án phí và tiền thuế thu nhập của việc bán tài sản đó không ai đóng, nên những người mua được tài sản không thể đứng tên chủ quyền sở hữu tài sản đã mua…

"Đây là các vấn đề còn tồn tại của Nghị quyết 42 cần được Quốc hội xem xét tháo gỡ để đẩy nhanh xử lý nợ xấu", bà Thúy kiến nghị.

Đại biểu Nguyễn Tạo (Đoàn Lâm Đồng) chia sẻ, tinh thần xử lý nợ xấu là cương quyết, các ngành tín dụng và các cơ quan tư pháp vào cuộc tích cực. Tuy nhiên có nhiều món nợ xấu khó giải quyết do những tài sản đảm bảo như bất động sản đó đã để quá lâu, giá trị giảm nên việc bán đúng và đủ giá trị rất khó.

Đồng thời, trong giai đoạn bất động sản "sốt", giá trị tài sản đó thế chấp sẽ cao, nhưng đến nay định giá để bán thì quá thấp. "Vì vậy, việc xử lý nợ xấu cần phải xem xét cả quá trình hình thành nợ xấu đến hiện tại", ông Tạo nêu quan điểm.

Trong khi đó, đại biểu Trần Văn Lâm (Đoàn Bắc Giang) cho rằng thực tiễn triển khai Nghị quyết 42 nổi lên một số vấn đề bất cập về chính sách.

Chẳng hạn, Nghị quyết quy định ưu tiên trả nợ cho ngân hàng, tiếp đến mới giải quyết các chế độ cho người lao động như nợ lương, nợ bảo hiểm. Có ý kiến cho rằng quy định này mới quan tâm bảo vệ lợi ích cho người giàu mà chưa quan tâm đến quyền lợi của người nghèo, người lao động.

Do đó, ông Lâm cho rằng nếu có sự thỏa thuận hành chính giữa các chủ nợ là ngân hàng và các cơ quan đại diện cho người lao động và bảo hiểm xã hội một cách hài hòa sẽ vừa giải quyết được nợ gốc của ngân hàng và cũng giải quyết quyền lợi cơ bản của người lao động.

"Như vậy sẽ xoa dịu được vấn đề xã hội, ngược lại có thể tạo thành làn sóng bức xúc trong xã hội", ông Lâm nói.