Xử lý nợ xấu, “mắc” ở tài sản bảo đảm

Theo Hoàng Oanh/baodauthau.vn

Đấu giá hàng chục lần vẫn không bán được tài sản bảo đảm và quy trình xử lý tài sản phức tạp là những điểm khó khăn nhất khiến nhiều ngân hàng chật vật trong nỗ lực giảm nợ xấu.

Thực tế, tình trạng tài sản bảo đảm của các khoản vay ngân hàng nhiều lần được đấu giá vẫn không thành công là khá phổ biến. Nguồn: internet
Thực tế, tình trạng tài sản bảo đảm của các khoản vay ngân hàng nhiều lần được đấu giá vẫn không thành công là khá phổ biến. Nguồn: internet

Lận đận đấu giá, trị giá thu hồi thấp

Công ty TNHH MTV Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) vừa thông báo sẽ bán đấu giá quyền sử dụng hơn 7.851 m2 đất tại Quận 9, TP.HCM vào ngày 13/12 với mức giá khởi điểm là hơn 52 tỷ đồng. Đây là tài sản bảo đảm cho khoản nợ xấu của Công ty TNHH Thành phố Vàng tại Agribank đã bán nợ sang cho VAMC và đã được đấu giá hai lần song không thành công. Giá đấu lần đầu tiên vào tháng 9/2018 là 76,3 tỷ đồng, giá đấu lần thứ hai vào tháng 10/2018 là 63,87 tỷ đồng.

Agribank cũng là ngân hàng tiến hành bán đấu giá nhiều tài sản bảo đảm trong thời gian qua và gặp không ít khó khăn với việc này. Theo ông Trình Ngọc Khánh, Chủ tịch HĐTV Agribank, nhiều tài sản bảo đảm đã được Agribank đấu giá hơn 5 lần, thậm chí nhiều trường hợp bán đấu giá đến 10 lần cũng không thành công.

Thực tế, tình trạng tài sản bảo đảm của các khoản vay ngân hàng nhiều lần được đấu giá vẫn không thành công là khá phổ biến trong thời gian gần đây. Một chuyên gia trong lĩnh vực đấu giá cho biết, trong nhiều trường hợp, việc tài sản bảo đảm bị “ế” là do giá bán không phù hợp với thị trường bởi trước đó, tài sản được định giá ở mức cao để có thể giải ngân với hạn mức cho vay lớn, khi nợ xấu phát sinh, giá trị thực tế của tài sản giảm đáng kể.

Không chỉ khó bán, quá trình giành quyền xử lý tài sản bảo đảm cũng vô vàn khó khăn với các tổ chức tín dụng bởi nhiều vụ việc phải đưa ra tòa án và thủ tục từ khởi kiện đến thi hành án là rất phức tạp và kéo dài. Số liệu từ Agribank cho biết, trong quá trình xử lý, ngân hàng đang giải quyết tại tòa án 3.200 vụ việc. Tuy nhiên, công tác thi hành án còn nhiều điểm phức tạp, có vụ việc giải quyết trong 4 - 5 năm mà vẫn chưa xong.

Có vụ việc với số tiền dư nợ đến hơn 5.000 tỷ đồng nhưng sau xét xử chỉ thu được gần 200 tỷ đồng. Có vụ việc với dư nợ 2.500 tỷ đồng, vụ án khởi tố năm 2012 nhưng đến năm 2017 mới kết thúc, xử lý tài sản không được, dẫn đến tài sản xuống cấp nhưng vẫn thiếu sự vào cuộc của các cơ quan hữu quan.

“Với các vụ việc phải chuyển cơ quan điều tra hình sự thì khách hàng ngừng trả nợ cho các ngân hàng thương mại. Các ngân hàng thương mại lại không được chủ động xử lý tài sản bảo đảm, dẫn đến tình trạng xuống cấp và suy giảm giá trị, nên tỷ lệ thu hồi tài sản thấp, có khoản nợ hầu như không thu hồi được”, ông Khánh nói.

Tăng phối hợp và cải thiện về pháp lý

Về hành lang pháp lý với xử lý nợ xấu, Nghị quyết 42/2017 của Quốc hội đã tạo cơ sở tốt hơn cho các bên khi có tranh chấp phát sinh và ngân hàng được tăng quyền chủ động trong việc xử lý tài sản bảo đảm. Tuy nhiên, việc thực thi các nội dung cụ thể vẫn chưa được phối hợp chặt chẽ từ các bên liên quan.

Đáng chú ý, Nghị quyết 42 đã nêu nội dung rút gọn quá trình tố tụng và xử lý tranh chấp tài sản bảo đảm, song thực tế việc này không được triển khai rộng rãi. Tại Agribank, trong hàng nghìn vụ việc tranh chấp phải đưa ra tòa án nêu trên, chỉ có 2 vụ áp dụng được thủ tục rút gọn tại tòa án. Vị chủ tịch HĐTV Agribank chia sẻ, trong nhiều trường hợp, sau khi được tòa án xử lý, khách nợ không những không giao tài sản mà còn có dấu hiệu tẩu tán, làm tăng nguy cơ thất thoát mà cũng không được các cơ quan quản lý giải quyết.

Về thẩm định giá các khoản nợ xấu, theo ông Phạm Mạnh Thắng, Phó Tổng giám đốc Vietcombank, đây là vấn đề gây lúng túng cho cả bên bán nợ và các bên liên quan. Điều 12 của Thông tư 09/2015/TT-NHNN quy định việc định giá dựa trên cơ sở là giá trị tài sản bảo đảm. Tuy nhiên, thông tư này chưa quy định rõ là tài sản bảo đảm được định giá theo giá thị trường hay giá trị sổ sách.

“Việc tự định giá của tổ chức tín dụng hoặc việc thẩm định giá của tổ chức độc lập không tránh khỏi yếu tố chủ quan, thiếu thuyết phục, không nêu được các căn cứ khoa học của kết quả định giá”, ông Thắng nhấn mạnh.

Liên quan đến vấn đề tài sản bảo đảm, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng của BIDV bình luận: “Tiến độ xử lý nợ xấu chậm còn do sự thiếu tích cực của nhiều cơ quan khác nhau trong các khâu và đáng chú ý là xử lý tài sản bảo đảm. Có khoản nợ xấu phải mất 2 - 3 năm, thậm chí 5 năm mới xử lý được. Việc đấu giá nợ xấu, tài sản bảo đảm liên quan đến nợ xấu vẫn còn khó khăn bởi khâu định giá ban đầu chưa hoàn toàn sát so với thị trường nên nhiều tài sản đấu giá nhiều lần vẫn không thành công”.