Yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động vay vốn của các doanh nghiệp FDI tại BIDV Đồng Nai

Bài viết đăng trên Tạp chí Tài chính Kỳ 2 - Tháng 10/2020

Các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung và tỉnh Đồng Nai nói riêng.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp FDI vay vốn tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam Chi nhánh Đồng Nai (BIDV Đồng Nai) chiếm tỷ trọng còn khá nhỏ. Bài viết khảo sát các doanh nghiệp FDI ở Đồng Nai nhằm nhận diện các yếu tố ảnh hưởng đến việc vay vốn của các doanh nghiệp này. Qua đó, tác giả đề xuất các giải pháp và khuyến nghị nhằm mở rộng cho vay đối với các doanh nghiệp FDI tại BIDV Đồng Nai trong thời gian tới.

Đồng Nai là Tỉnh có thế mạnh phát triển công nghiệp, với 32 khu công nghiệp và 23 cụm công nghiệp. Tính đến tháng 1/2020, Đồng Nai đứng thứ 4 trong cả nước về thu hút FDI. Hiện nay, Đồng Nai có 1.988 doanh nghiệp (DN) nước ngoài, chiếm 6,4% tổng số dự án đầu tư của cả nước, với tổng số vốn FDI đăng ký đạt 35,32 triệu USD. Tính đến cuối năm 2019, BIDV Đồng Nai có 04 chi nhánh cấp 1 và 15 chi nhánh cấp phòng giao dịch.

Năm 2019, số lượng DN FDI thực hiện vay vốn tại BIDV Đồng Nai là 105 khách hàng, chiếm tỷ trọng 2,2% số lượng khách hàng vay vốn tại  BIDV Đồng Nai. Bình quân mỗi năm trong giai đoạn 2015-2019, các chi nhánh trên địa bàn phát triển mới được 13 khách hàng là DN FDI. Điều này cho thấy, hoạt động cho vay đối với các DN FDI tại BIDV Đồng Nai chưa tương xứng với tiềm năng DN FDI của Tỉnh.

Thực trạng của doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh Đồng Nai

Các DN FDI trên địa bàn Đồng Nai chủ yếu đến từ: Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan và các nước trong khối ASEAN; trong đó, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore có nhiều dự án FDI. Một số khu công nghiệp (KCN) lớn: Amata với 152 dự án; Biên Hòa 2 có 119 dự án; Long Thành có 115 dự án tiếp đó là các KCN Nhơn Trạch, Long Bình, Tam Phước.

Hàn Quốc là quốc gia đứng đầu về đầu tư FDI tại Đồng Nai, với hơn 400 dự án, vốn đăng ký là 6,6 tỷ USD, chiếm 22% tổng vốn FDI vào địa bàn, các lĩnh vực DN FDI quan tâm đầu tư chủ yếu là xơ sợi dệt, giày dép, điện tử... Đài Loan và Nhật Bản là các quốc gia thứ 2 và 3, trong đó Đài Loan đầu tư 290 dự án, vốn đăng ký 5 tỷ USD khoảng 17% và Nhật Bản đầu tư 260 dự án, vốn đăng ký 4,7 tỷ USD khoảng 16%.

Nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động vay vốn của doanh nghiệp FDI tại BIDV Đồng Nai

Thống kê mẫu khảo sát

Bài viết khảo sát các DN FDI đang hoạt động trên địa bàn tỉnh Đồng Nai nhằm tìm hiểu các yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động vay vốn tại BIDV Đồng Nai của các DN FDI trên địa bàn Tỉnh. Chủ thể tham gia khảo sát là các DN FDI trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Tác giả sử dụng phương pháp lấy mẫu thuận tiện với kích thước mẫu được dựa trên nghiên cứu của Slovin (1984) trích trong Hoàng Trọng Chu, Nguyễn Mộng Ngọc (2008), khi biết được kích thước của tổng thể thì cỡ mẫu (n) được xác định theo công thức:

Yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động vay vốn của các doanh nghiệp FDI tại BIDV Đồng Nai     - Ảnh 1

Trong đó: N là tổng số DN FDI đang hoạt động tại Đồng Nai; e là sai số cho phép (thường lấy bằng mức ý nghĩa 5%). Số lượng DN FDI đang hoạt động tại Đồng Nai là 1.404. Từ đó, xác định n = 311. Để gia tăng độ chính xác, số phiếu khảo sát cần gửi đi là 400.

Dữ liệu phục vụ cho nghiên cứu được thu từ bảng câu hỏi khảo sát được gửi cho Trưởng Phòng tài chính của các DN FDI. Dữ liệu sau khi thu thập sẽ được nhập vào phần mềm Excel để tiến hành làm sạch và sàng lọc. Quá trình này được thực hiện nhằm loại bỏ những bảng khảo sát không đạt yêu cầu. Số phiếu thu về 380 phiếu. Số phiếu hợp lệ là 350 phiếu. Kết quả khảo sát về về các yếu tố chung cho thấy:

- Về lĩnh vực hoạt động: Số DN hoạt động trong lĩnh vực cơ khí chiếm tỷ trọng cao nhất 29%; DN giày da, may mặc chiếm 24%; điện tử chiếm 16%, hóa chất với tỷ lệ 4%...

- Về quốc gia đầu tư: DN FDI đến từ Hàn Quốc chiếm tỷ trọng cao nhất (45%), tiếp đến là từ Đài Loan chiếm 15%, Nhật Bản chiếm 13%, các quốc gia Anh, Brunei, Thái Lan khoảng 2%.

- Về vốn góp: Theo tiêu chí về vốn góp thì DN FDI có mức vốn đầu tư nhỏ hơn 20 tỷ đồng chiếm tỷ trọng cao nhất (33%) trong số các quốc gia có vốn đầu tư vào Đồng Nai, tiếp đến là mức vốn đầu tư từ 20-50 tỷ đồng chiếm 25%, mức vốn đầu tư trên 100 tỷ đồng chiếm 24%, thấp nhất là mức vốn từ 80 đến 100 tỷ đồng với tỷ lệ 5%.

- Về lao động: Theo tiêu chí về số lượng lao động thì DN FDI có số lao động nhỏ hơn 500 người, chiếm tỷ trọng cao nhất (84%) trong số các quốc gia đầu tư và tỉnh Đồng Nai, Tiếp đến là từ 500 đến 1.000 người với tỷ trọng 5%, thấp nhất là từ 1.000 đến 1.500 người với tỷ trọng 2%.

Kết quả khảo sát

Bảng 1 trình bày kết quả khảo sát đã tổng hợp và sử dụng mức đánh giá trung bình để kết luận về các yếu tố có thể giải thích cho việc vay vốn từ BIDV Đồng Nai của các DN FDI tại Đồng Nai.

- Với nhận định “Chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khó khăn dẫn đến DN FDI khó tiếp cận vốn vay”: Các DN FDI cho điểm thấp nhất là 3, cao nhất là 5, mức trung bình là 3,455. Điểm đánh giá nghiêng về phía đồng ý với câu hỏi khảo sát. Điều này cho thấy, các DN FDI khó tiếp cận vốn vay do trong những năm qua Chính phủ thường xuyên thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ để ổn định kinh tế vĩ mô.

- Với nhận định “Chính sách cho vay thắt chặt theo từng đối tượng DN FDI của BIDV làm cho DN FDI khó vay vốn”: Các DN FDI cho mức điểm thấp nhất là 3, cao nhất là 4, mức trung bình là 3,855. Điểm đánh giá nghiêng về phía đồng ý với câu hỏi khảo sát. Điều này cho thấy, các DN FDI không vay vốn tại BIDV Đồng Nai là do chính sách cho vay của BIDV chưa thông thoáng, chưa tạo điều kiện cho DN FDI.

- Với nhận định “Lãi suất cho vay của BIDV cao hơn các ngân hàng khác”: Các DN FDI cho mức điểm thấp nhất là 4, cao nhất là 5, trung bình là 4,564. Điểm đánh giá nghiêng về phía hoàn toàn đồng ý với câu hỏi khảo sát. Điều này cho thấy, các DN FDI không vay vốn tại BIDV Đồng Nai là do lãi suất cho vay cao hơn các ngân hàng khác.

Về quy trình thủ tục cho vay của BIDV phức tạp hơn các ngân hàng khác, các DN FDI cho mức điểm thấp nhất là 4, cao nhất là 5, trung bình là 4,6. Điểm đánh giá nghiêng về phía hoàn toàn đồng ý với câu hỏi khảo sát. Điều này cho thấy, các DN FDI không vay vốn tại BIDV Đồng Nai, vì quy trình, thủ tục cho vay phức tạp hơn các ngân hàng khác.

- Với nhận định “Thời gian xử lý hồ sơ vay của BIDV lâu hơn các ngân hàng khác”: Các DN FDI cho mức điểm thấp nhất là 3, cao nhất là 5, trung bình là 4,382. Điểm đánh giá nghiêng về phía hoàn toàn đồng ý với câu hỏi khảo sát. Điều này cho thấy, các DN FDI không vay vốn tại BIDV Đồng Nai là do thời gian xử lý hồ sơ vay lâu hơn các ngân hàng khác.

- Với nhận định “Mức xét duyệt cho vay của BIDV thấp hơn các ngân hàng khác”: Các DN FDI cho mức điểm thấp nhất là 3, cao nhất là 5, trung bình là 4.109. Điểm đánh giá nghiêng về phía đồng ý với câu hỏi khảo sát. Điều này cho thấy, các DN FDI không vay vốn tại BIDV Đồng Nai là do mức xét duyệt cho vay thấp hơn các ngân hàng khác.

- Với nhận định “Tỷ lệ cho vay tín chấp thấp của BIDV thấp hơn các ngân hàng khác”: Các DN FDI cho mức điểm thấp nhất là 3, cao nhất là 5, trung bình là 3,982. Điểm đánh giá nghiêng về phía đồng ý với câu hỏi khảo sát. Điều này cho thấy, các DN FDI không vay vốn tại BIDV Đồng Nai là do tỷ lệ cho vay tín chấp thấp hơn các ngân hàng khác.

- Với nhận định “BIDV quy định khó khăn về nhận loại tài sản thế chấp”: Các DN FDI cho mức điểm thấp nhất là 3, cao nhất là 5, trung bình là 3,836. Điểm đánh giá nghiêng về phía đồng ý với câu hỏi khảo sát. Điều này cho thấy, các DN FDI không vay vốn tại BIDV Đồng Nai do Ngân hàng chú trọng nhận tài sản thế chấp là bất động sản, hạn chế nhận tài sản thế chấp là máy móc thiết bị, phương tiện vận tải, hàng hóa, nguyên vật liệu…, dẫn đến DN FDI khó có thể vay vốn.

Yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động vay vốn của các doanh nghiệp FDI tại BIDV Đồng Nai     - Ảnh 2

- Với nhận định “BIDV định giá thế chấp thấp hơn các ngân hàng khác”: Các DN FDI cho mức điểm thấp nhất là 3, cao nhất là 5, trung bình là 3,527. Điểm đánh giá nghiêng về phía đồng ý với câu hỏi khảo sát. Điều này cho thấy, các DN FDI không vay vốn do BIDV Đồng Nai rất thận trọng trong định giá tài sản thế chấp, giá định giá thường thấp hơn giá thị trường hoặc giá định giá của các ngân hàng khác…

- Với nhận định “Cán bộ chưa thông thạo ngoại ngữ, chưa am hiểu văn hóa của DN FDI dẫn đến khó khăn trong việc phục vụ”: Các DN FDI cho mức điểm thấp nhất là 2, cao nhất là 3, trung bình là 2,507. Điểm đánh giá nghiêng về phía không đồng ý với câu hỏi khảo sát. Điều này cho thấy, các DN FDI không vay vốn tại BIDV Đồng Nai không phải là do cán bộ vì hầu hết các DN FDI đều có nhân viên thông thạo ngoại ngữ và nghiệp vụ.

Hàm ý chính sách

Trên cơ sở kết quả khảo sát các yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động vay vốn tại BIDV Đồng Nai của các DN FDI, tác giả đề xuất một số giải pháp sau:

Thứ nhất, áp dụng chính sách lãi cho vay cạnh tranh với các ngân hàng thương mại (NHTM) khác trên địa bàn Tỉnh. Hiện nay, BIDV Đồng Nai chỉ quy định mức sàn và trần lãi suất cho vay, trên cơ sở đó Giám đốc Chi nhánh có quyền quyết định mức lãi suất cho vay áp dụng cho khách hàng. Vì vậy, BIDV Đồng Nai nên dựa dựa trên cơ sở tính toán tổng hòa lợi ích khi cho DN FDI vay vốn mà áp dụng lãi suất cho vay ngang bằng hoặc thấp hơn so với các NHTM khác để có thể thu hút DN FDI vay vốn, bù lại BIDV Đồng Nai sẽ thu được lợi nhuận từ việc DN FDI sử dụng các sản phẩm dịch vụ khác, đảm bảo tổng hòa lợi ích không thay đổi.

Thứ hai, ưu đãi phí đối với DN FDI. BIDV Đồng Nai giao cho Giám đốc Chi nhánh được phép quyết định mức phí áp dụng đối với khách hàng DN FDI trên cơ sở mức phí tối thiểu và cho phép Giám đốc Chi nhánh được quyền miễn giảm phí trên cơ sở tổng hòa lợi ích thu được từ khách hàng. Vì vậy, để thu hút DN FDI vay vốn thì nên miễn, giảm phí chuyển tiền đối với các món vay chuyển thanh toán trong nước, thanh toán quốc tế.

Thứ ba, phê duyệt mức cho vay phù hợp với nhu cầu của DN FDI. Ban lãnh đạo BIDV Đồng Nai cẩn trọng trong việc cho vay, đặc biệt đối với DN FDI, với tâm lý e dè, thận trọng nên đối với những DN chưa vay vốn tại chi nhánh thì chỉ cấp hạn mức tín dụng thấp để thăm dò, đánh giá khách hàng, nếu khách hàng tốt thì năm sau sẽ cấp hạn mức cao hơn. Với tâm lý như vậy nên lúc nào BIDV Đồng Nai cũng cấp tín dụng thấp hơn các NHTM khác trên địa bàn, từ đó DN FDI không vay vốn tại BIDV Đồng Nai, do ngân hàng cho vay không đủ nhu cầu vốn của DN. Vì vậy, để thu hút DN FDI vay vốn, Ban lãnh đạo BIDV Đồng Nai nên đánh giá đúng và cấp hạn mức tín dụng phù hợp với với nhu cầu của khách hàng.

Thứ tư, rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ vay vốn đối với DN FDI. BIDV Đồng Nai nên rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ vay vốn cho khách hàng. Do quy trình thủ, thủ tục cho vay của BIDV còn rườm rà, phức tạp hơn các ngân hàng khác, một bộ hồ sơ vay vốn phải trình qua nhiều phòng, nhiều cấp xét duyệt. Do đó, thời gian giải quyết hồ sơ cho vay từ khâu thẩm định đến khâu giải ngân vốn vay kéo dài. Vì vậy, để thu hút DN FDI vay vốn tại BIDV Đồng Nai nên rút ngắn thời gian cho vay bằng cách tăng cường sự phối hợp giữa các phòng, các cấp để xử lý hồ sơ vay nhanh chóng, dứt điểm; hướng dẫn rõ ràng, đầy đủ để khách hàng cấp hồ sơ vay một lần, tránh cung cấp nhiều lần gây mất thời gian.  

Thứ năm, nhận tài sản thế chấp khác ngoài bất động sản, định giá tài sản phù hợp với giá trị thực tế. Mặc dù, BIDV đã quy định về nhận đa dạng các loại tài sản thế chấp và có hướng dẫn cụ thể về cách thức nhận và quản lý từng loại tài sản thế chấp, nhưng khi triển khai thực tế tại chi nhánh thì ban lãnh đạo BIDV Đồng Nai lại định hướng chọn lọc nhận tài sản thế chấp (tài sản là quyền sử dụng đất, nhà xưởng và hạn chế nhận tài sản thế chấp là máy móc thiết bị)… Đây là lý do tại sao trong thời gian qua BIDV Đồng Nai không thể mở rộng cho vay DN FDI. Vì vậy, BIDV Đồng Nai nên mạnh dạn nhận tài sản thế chấp khác ngoài BĐS như: Máy móc thiết bị, phương tiện vận tả, hàng hóa, nguyên vật liệu…

Thứ sáu, đào tạo lại đội ngũ nhân sự để phục vụ cho DN FDI.

Bên cạnh những giải pháp trên, tác giả khuyến nghị với BIDV một số điểm sau:

Một là, mở rộng chính sách cho vay đối với tất cả các DN FDI, không nên thắt chặt cho vay theo từng đối tượng, Chi nhánh có thể chủ động tiếp thị, cho vay ngay khi DN FDI có nhu cầu.

Hai là, giảm thiểu các điều kiện vay vốn. Nên bãi bỏ điều kiện cho vay dự án phải có 20% tài sản thế chấp khác ngoài dự án, điều kiện này rất khó thực hiện trong thực tế vì DN FDI hầu như không còn tài sản nào khác có thể thế chấp. Nên giảm thiểu các điều kiện vay vốn đối với các gói tín dụng ưu đãi để DN FDI dễ dàng vay vốn.

Ba là, chấp thuận định giá tài sản bằng giá của công ty thẩm định giá độc lập. Trong thực tế, các chi nhánh ít áp dụng việc thuê thẩm định giá, các chi nhánh tự định giá các công ty định giá chưa tạo được niềm tin đối với ngân hàng. Vì vậy, BIDV nên phê duyệt danh sách các công ty thẩm định giá để chi nhánh chủ động lựa chọn thực hiện.  

Bốn là, cải tiến quy trình, thủ tục cho vay. Hiện nay, chi nhánh do vay dựa trên quy trình, quy định cụ thể của BIDV, nhưng so sánh với các NHTM khác trên địa bàn thì quy trình, thủ tục cho vay rườm rà, nhiều giấy tờ không cần thiết. Hồ sơ vay vốn phải trải qua 3 khâu gồm bộ phận đề xuất - bộ phận thẩm định độc lập - bộ phận giải ngân, ngoài ra hồ sơ vay phải trình qua nhiều cấp, nhiều phòng. Vì vậy, BIDV nên cải tiến quy trình, thủ tục cho vay cho đơn giản, giảm thiểu qua nhiều cấp, nhiều bộ phận, nhiều phòng để dễ dàng cho DN FDI vay vốn.

Năm là, tăng tỷ lệ cho vay tín chấp. Hầu hết, DN FDI tại Đồng Nai hiện nay đều có nhu vay vốn tín chấp 100% vì các DN này có thời gian hoạt động đã lâu, tài sản hầu như đã khấu hao hết, tiền thuê đất trả hàng năm, tài sản trên đất chưa được công nhận dẫn đến khó thế chấp để vay vốn ngân hàng. Tỷ lệ cho vay tín chấp tối đa 80% theo quy định của BIDV. Vì vậy, để có thể mở rộng cho vay đối với DN FDI,  BIDV Đồng Nai nên mở rộng tỷ lệ tín chấp đến 100% để dễ dàng thu hút DN FDI vay vốn.

Sáu là, xây dựng cơ chế chi hoa hồng môi giới đối với người giới thiệu DN FDI vay vốn thành công. Cơ chế này mang lại hiệu quả rất cao. Vì vậy, BIDV nên xây dựng cơ chế chi hoa hồng cho người giới thiệu, tận dụng mối quan hệ của người giới thiệu để mở rộng cho vay DN FDI...

 

Tài liệu tham khảo:

1. Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai, Báo cáo kết quả thu hút đầu tư nước ngoài địa bàn tỉnh Đồng Nai năm 2015, 2016, 2017, 2018, 2019;

2. Cục Thống kê tỉnh Đồng Nai (2019), Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tình Đồng Nai năm 2019;

3. Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Đồng Nai (2019), Báo cáo tổng kết năm 2019;

4. BIDV Đồng Nai, Báo cáo tổng kết các năm 2015, 2016, 2017, 2018, 2019;

5. BIDV (2019), Chính sách cho vay đối với khách hàng doanh nghiệp, Hà Nội;

6. Hoàng Trọng và Chu Nguyễn Mộng Ngọc (2008), Phân tích dữ liệu nghiên cứu với SPSS, NXB Hồng Đức.