Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ:

Ngân sách khó khăn vẫn đảm bảo an sinh xã hội là cố gắng rất lớn

Theo Thời báo Tài chính Việt Nam

Trước thềm Xuân mới Bính Thân 2016, ông Vương Đình Huệ, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương đã dành cho phóng viên bài phỏng vấn về tình hình kinh tế đất nước trong năm qua và những nỗ lực của Chính phủ, cũng như của ngành Tài chính trong công tác điều hành nhiệm vụ tài chính - ngân sách.

Phóng viên: Thưa Trưởng ban, ông có thể khái quát điểm nhấn về “bức tranh” kinh tế đất nước năm 2015, giai đoạn 5 năm 2010- 2015 và dự báo kinh tế năm 2016?

Trưởng ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ.

Trưởng ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ.

Ông Vương Đình Huệ, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương:
Năm 2015, trong điều kiện kinh tế thế giới còn khó khăn như: một số nước châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc… kinh tế tăng trưởng chậm, cùng với đó là bất ổn về chính trị, giá dầu giảm sâu… đã có nhiều tác động tới kinh tế Việt Nam.

Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của Đảng, chỉ đạo sát sao của, kịp thời của Chính phủ và nỗ lực thực hiện của các bộ, ngành, địa phương và người dân, năm 2015 kinh tế đất nước đã có dấu hiệu phục hồi về sản xuất công nghiệp, xuất khẩu khu vực FDI tăng trưởng cao, tiêu dùng và tổng cầu được cải thiện…
Đặc biệt, điểm nổi bật của kinh tế đất nước trong năm 2015 cần phải nhắc đến đó là Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã được ký kết, cùng với đó là hàng loạt các Hiệp định FTA song phương và đa phương thế hệ mới mà Việt Nam đã ký với các nước, các đối tác và hình thành cộng đồng kinh tế ASEAN đã thúc đẩy kinh tế đất nước có được diện mạo mới, tăng thêm uy tín trong thực hiện thể chế và chính sách đầu tư với các nước trên thế giới. Nhờ những tác động này đã thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong nước ước đạt 6,68% là lần đầu tiên trong vòng 8 năm qua, cao hơn mức chỉ tiêu Quốc hội đề ra là 6,2%.
Với mức tăng trưởng ấn tượng này đã đưa phát triển kinh tế giai đoạn 5 năm (2010- 2015) là trên 5,9%; lạm phát năm 2015 thấp (chỉ số giá tiêu dùng tăng 0,6%) cũng là mức thấp nhất từ 5 năm trở lại đây; việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế trọng tâm là tái cơ cấu DNNN, đầu tư công, ngân hàng thương mại, xử lý nợ xấu đã tiếp tục đạt được những kết quả tích cực; môi trường kinh doanh và đầu tư được cải thiện; thu ngân sách nhà nước mặc dù khó khăn do tác động của giá dầu giảm sâu, việc áp dụng lộ trình thuế quan theo cam kết các hiệp định, tuy nhiên vẫn hoàn thành chỉ tiêu đề ra, đảm bảo cân đối ngân sách…
Có thể nói, một trong những ấn tượng nhất trong nhiệm kỳ 5 năm vừa qua, Đảng và Nhà nước ta đã chuyển hướng chiến lược về lãnh đạo, chỉ đạo điều hành nền kinh tế. Trước bối cảnh tình hình kinh tế thế giới có nhiều biến động, kinh tế trong nước khó khăn, từ năm 2011 Đảng và Nhà nước ta đã điều chỉnh về mục tiêu phát triển, chuyển từ mục tiêu phát triển nhanh bền vững sang tăng trưởng mức hợp lý, ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội để thích ứng với điều kiện suy thoái kinh tế thế giới và các bất ổn kinh tế vĩ mô trong nước.

Với một tinh thần bền bỉ, kiên nhẫn, chúng ta đã tổ chức thực hiện thành công việc chuyển hướng. Đây là một thành công kép cả trong kế hoạch cũng như hành động.

Trong các cân đối kinh tế, cân đối ngân sách là khó khăn nhất. Thực tế, trong công tác điều hành nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội 5 năm, tăng trưởng GDP được điều chỉnh giảm, tuy nhiên các chỉ tiêu khác thì không giảm cho nên việc cân đối ngân sách vốn đã khó, lại còn khó hơn… Trong điều kiện tăng trưởng bị giảm sút, thu ngân sách khó khăn nhưng chi cho an sinh xã hội vẫn đảm bảo tăng trưởng bình quân khoảng 23% một năm, đây là cố gắng rất lớn của Chính phủ cũng như của Bộ Tài chính.

Với những kết quả đã đạt được năm 2015 và giai đoạn 2010- 2015 sẽ là tiền đề, là động lực không chỉ thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước năm 2016 mà của cả giai đoạn 5 năm tiếp theo (2016- 2020).

Mặc dù vậy, chúng ta cũng không nên chủ quan, bởi hiện nay kinh tế của chúng ta vẫn còn một số vấn đề tồn tại như: động cơ tăng trưởng còn phụ thuộc nhiều vào tỷ trọng xuất nhập khẩu, trong khi xuất khẩu của khu vực FDI chiếm đa số tới 65-70% tổng xuất khẩu cả nước. Sản phẩm xuất khẩu khu vực này chủ yếu là gia công lắp ráp, tỷ lệ nội địa hóa, tỉ lệ giá trị gia tăng rất thấp; tác động của việc lan tỏa ứng dụng và công nghệ, quản trị của cả khu vực này với nền kinh tế nói chung còn rất chậm. Bên cạnh đó, khu vực kinh tế trong nước, kể cả doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân, hộ kinh doanh… còn gặp rất nhiều khó khăn.

Năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế vẫn còn thấp, nhất là khu vực nông nghiệp, du lịch, dịch vụ… Chính vì vậy, theo tôi trọng tâm kinh tế của 2016 là phải làm cách nào để doanh nghiệp trong nước mạnh lên, cạnh tranh được với các nước trong khu vực và thế giới.

Dự báo năm 2016, kinh tế sẽ tiếp tục đà phục hồi. Trong kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2016 chúng ta đã đặt mục tiêu tăng trưởng 6,7% cao hơn năm 2015. Với điều kiện khó khăn đã nhận định, để thực hiện mục tiêu này không phải là dễ dàng, nhưng với sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân khả năng chúng ta sẽ đạt được.

Thưa Trưởng ban, trước tình hình kinh tế khó khăn, năm 2011 chúng ta đã điều chỉnh giảm chỉ tiêu tăng trưởng, nhưng các chỉ tiêu khác vẫn giữ nguyên, đặc biệt là an sinh xã hội… trong khi thu ngân sách khó khăn, nhưng vẫn đảm bảo các chỉ tiêu cân đối ngân sách nhà nước. Cảm nhận của ông như thế nào về vấn đề này, thưa Trưởng ban?

Trong các cân đối kinh tế, cân đối ngân sách là khó khăn nhất. Thực tế, trong công tác điều hành nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội 5 năm, tăng trưởng GDP được điều chỉnh giảm, tuy nhiên các chỉ tiêu khác thì không giảm cho nên việc cân đối ngân sách vốn đã khó, lại còn khó hơn. Nợ công hiện đang tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn. Vừa qua, Quốc hội đã có Nghị quyết phát hành trái phiếu quốc tế, rồi đa dạng hóa trái phiếu Chính phủ trong nước… đó là những tình thế mà chúng ta phải áp dụng để đảm bảo cân đối ngân sách.

Có nhiều ý kiến thắc mắc: Tại sao ngân sách vượt thu so với dự toán, mà cân đối lại khó khăn? Tôi rất chia sẻ với Chính phủ và đặc biệt là Bộ Tài chính về nhiệm vụ cân đối ngân sách trong năm qua. Mặc dù ngành Thuế và Hải quan hoàn thành chỉ tiêu thu, nhưng kẹt ở chỗ ngân sách địa phương tăng thu, trong khi ngân sách trung ương lại hụt thu. Thực tế ngân sách trung ương hụt thu là do giá dầu giảm sâu và kéo dài, mà theo nguyên tắc Luật Ngân sách thì không thể lấy ngân sách cấp này bù cho cấp kia.

Vậy để bù đắp bội chi ngân sách, chúng ta cần phải huy động vốn trái phiếu Chính phủ, trong khi đó thực hiện nhiệm vụ này cũng rất khó khăn, đến tháng 9 mới huy động được hơn 51%. Những tháng cuối năm, huy động vốn khá hơn do chúng ta áp dụng đa dạng hóa thị trường. Tuy nhiên, toàn bộ phần huy động phát hành trái phiếu Chính phủ là để bù đắp bội chi, để dành đầu tư phát triển chứ không phải để chi tiêu. Trên thực tế kể cả những lúc ngân sách khó khăn nhất thì Nhà nước vẫn dành nguồn để ưu tiên cho an sinh xã hội. Trong điều kiện tăng trưởng bị giảm sút, thu ngân sách khó khăn nhưng chi cho an sinh xã hội vẫn đảm bảo tăng trưởng bình quân khoảng 23% một năm, đây là cố gắng rất lớn của Chính phủ cũng như của Bộ Tài chính.

Thưa Trưởng ban, cải cách thể chế, thủ tục hành chính của các cấp, các ngành trong năm qua đã có nhiều tiến bộ, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh; trong đó đặc biệt có đóng góp cải cách thủ tục hành chính các lĩnh vực thuế, hải quan… Với quan điểm của cá nhân ông đánh giá như thế nào về công tác cải cách thủ tục hành chính của các lĩnh vực này trong năm qua, và ông có mong muốn gì đối với việc cải cách này trong thời gian tới, thưa ông?

Cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh doanh nghiệp… cũng được nhìn nhận là dấu ấn quan trọng của năm 2015 và là thành tựu phát triển kinh tế đất nước những năm gần đây. Có nhiều người nói với tôi, giá như chúng ta quyết tâm cải cách thủ tục hành chính như vừa rồi sớm hơn, chắc chắn kinh tế sẽ tốt hơn rất nhiều.

Tuy nhiên, theo tôi để thực hiện cải cách cũng phải cần có một quá trình. Để thủ tục hành chính đổi mới như trong thời gian qua thì thậm chí từ Thủ tướng Chính phủ, tư lệnh các ngành, rồi cán bộ, công chức của tất cả các hệ thống tài chính, thuế, hải quan, kho bạc, quản lý tài nguyên – môi trường, điện lực, đất đai… cũng đều “vào cuộc”, hết sức nỗ lực cố gắng để đạt những thành quả đáng kể, được toàn xã hội ghi nhận. Mặc dù vậy, để thể chế, chính sách của chúng ta minh bạch, rõ ràng hội nhập sâu rộng với thế giới hơn nữa cũng còn phải có thêm những bước tiến rất dài.

Với cá nhân tôi cũng giống như mong muốn của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân và người dân là trong năm 2016 làm thế nào để rút ngắn hơn nữa khoảng cách những quy định trên văn bản với thực thi chính sách của các cơ quan và đội ngũ cán bộ công chức, có như vậy mới là thực chất trong cải cách thủ tục hành chính.

Xin trân trọng cảm ơn Trưởng ban!