Ngành công nghiệp hỗ trợ dễ bị tổn thương


Ngành công nghiệp hỗ trợ được đánh giá là phụ thuộc đầu vào từ bên ngoài, giá trị gia tăng thấp, dễ bị tổn thương trước các biến động bên ngoài.

Năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp công nghiệp trong nước chưa cao
Năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp công nghiệp trong nước chưa cao

Địa phương tăng cường kêu gọi đầu tư

Tại Quảng Nam, công nghiệp hỗ trợ được hình thành khá sớm. Cùng với sự phát triển của các ngành công nghiệp hạ nguồn, công nghiệp hỗ trợ đã phát triển ở một số lĩnh vực như cơ khí chế tạo, cơ khí sản xuất và lắp ráp ôtô, dệt may- da giày, điện- điện tử và hóa chất… góp phần vào phát triển ngành công nghiệp của tỉnh.

Hiện nay, công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn Quảng Nam thu hút một số dự án đầu tư mới với vốn đầu tư lớn đi vào hoạt động, nhất là đầu tư trực tiếp nước ngoài trong các lĩnh vực sản xuất phụ tùng và các bộ phận phụ trợ phục vụ sản xuất, lắp ráp ô tô, nguyên vật liệu như sợi, chỉ may cùng với linh kiện điện tử phục vụ ngành điện – điện tử,…

Trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ cho ngành sản xuất và lắp ráp ô tô, trên địa bàn Quảng Nam có khoảng 26 dự án hoạt động tập trung trong các khu công nghiệp (13 doanh nghiệp FDI; 13 doanh nghiệp trong nước). Tổng vốn đầu tư đăng ký theo dự án là hơn 4.800 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho hơn 5.000 lao động.

Năm 2019, ước tính Quảng Nam có khoảng 25 dự án hoạt động trong các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may với tổng vốn đầu tư đăng ký  hơn 9.700 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho hơn 13.000 lao động, chủ yếu là doanh nghiệp FDI với 16 doanh nghiệp.

Tại Đà Nẵng, thành phố cũng đã có kế hoạch phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với mục tiêu thúc đẩy doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tăng về số lượng và năng lực, có khả năng tạo ra các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ có tính cạnh tranh cao.

Trong đó, Đà Nẵng tập trung vào các sản phẩm như linh kiện, phụ tùng, vật liệu, thiết bị hỗ trợ chuyên dụng, thu hút được một số công ty, tập đoàn đa quốc gia sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh đầu tư vào Đà Nẵng để dẫn dắt, chuyển giao công nghệ, sử dụng sản phẩm trung gian, tác động lan tỏa phát triển công nghiệp hỗ trợ. 

Tính tới hiện tại Đà Nẵng đã thu hút được 130 dự án FDI với tổng vốn đầu tư gần 2 tỷ USD. Thành phố này hiện có khoảng 110 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, trong đó các doanh nghiệp FDI đa số đã tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu và khu vực.

Trình độ còn thấp so với yêu cầu

Theo Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương Phạm Tuấn Anh, các ngành công nghiệp đang có vai trò ngày càng quan trọng trong phát triển đất nước. Thống kê cho thấy công nghiệp đang có tỷ lệ đóng góp lớn nhất với ngân sách và là ngành xuất khẩu chủ đạo. Hiện đã hình thành được một số tập đoàn tư nhân lớn và giải quyết nhiều việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động.

Tuy nhiên, nội lực nền công nghiệp trong nước hiện còn yếu so với yêu cầu của một nước công nghiệp. Mặc dù được xác định là động lực tăng trưởng của nền kinh tế nhưng trình độ đạt được của nền công nghiệp, đặc biệt là các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo hiện nay còn thấp so với yêu cầu của một nước công nghiệp.

Cùng với đó, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp công nghiệp trong nước chưa cao, trình độ nguồn nhân lực và kỹ thuật sản xuất còn rất thấp,…

Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp cho rằng, nền công nghiệp hiện nay đang phát triển không cân đối, phụ thuộc lớn vào yếu tố bên ngoài. Công nghiệp nặng - nền tảng các ngành công nghiệp hiện chiếm tỉ trọng thấp. Công nghiệp hỗ trợ phụ thuộc đầu vào từ bên ngoài, giá trị gia tăng thấp, dễ bị tổn thương trước các biến động bên ngoài. Tác nhân chính để tạo ra chuyển dịch cơ cấu và giá trị trong công nghiệp Việt Nam là các doanh nghiệp FDI chứ không phải là các doanh nghiệp trong nước.

Trong khi đó, mối liên hệ, kết nối giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước lỏng lẻo, không tạo ra tác động lan tỏa giữa khu vực FDI và khu vực kinh tế trong nước, dẫn đến tình trạng “một quốc gia, hai nền kinh tế - ông Phạm Tuấn  Anh chia sẻ.

Theo ý kiến các chuyên gia, việc phát triển công nghiệp hiện vẫn chưa tận dụng được lợi thế cạnh tranh của các địa phương và vùng kinh tế để hình thành các chuỗi giá trị công nghiệp.

Trong đó, các địa phương hiện nay không có chiến lược, tầm nhìn dài hạn trong phát triển công nghiệp, cạnh tranh xuống đáy thay vì hợp tác để thu hút đầu tư nên thường bị các nhà đầu tư lợi dụng để đàm phán có lợi cho mình. Đó còn chưa kể đến các hạn chế trong hệ thống chính sách và pháp luật phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo và công nghiệp hỗ trợ.

Do đó, cần nhanh chóng khơi thông các điểm nghẽn để phát huy hết tiềm năng, vai trò của ngành công nghiệp trong sự phát triển chung của đất nước.

Theo Báo Đại biểu Nhân dân/daibieunhandan.vn