Ngành đường "kêu cứu"

Theo thoibaokinhdoanh.vn

(Tài chính) Ngày 29/9/2013, Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) tiếp tục "kêu cứu", đề nghị các cơ quan có biện pháp kiểm soát đường lậu, đồng thời thực hiện các chính sách về nhập khẩu, xuất khẩu có lợi cho doanh nghiệp (DN).

Ngành đường "kêu cứu"
Hiệp hội Mía đường Việt Nam đề nghị các cơ quan có biện pháp kiểm soát đường lậu, đồng thời thực hiện các chính sách về nhập khẩu, xuất khẩu có lợi cho doanh nghiệp. Ngùn: internet

Theo thống kê của VSSA, niên vụ mía đường 2012 – 2013 sản xuất được 1,53 triệu tấn đường, cộng với tồn kho đầu vụ 178.000 tấn và 70.000 tấn được nhập khẩu theo hạn ngạch cam kết WTO, tổng nguồn cung là 1,78 triệu tấn, trong khi nhu cầu tiêu thụ chỉ ở mức 1,35 triệu tấn, lượng đường dư thừa lên tới 400.000 tấn.

Tồn kho lớn, vẫn tràn lan nhập lậu

Mặc dù sản xuất trong nước dư thừa nhưng đường lậu vẫn tràn về 400.000 – 500.000 tấn/ năm qua các tỉnh biên giới giáp Campuchia, Lào. Bên cạnh 70.000 tấn đường nhập chính ngạch, một lượng lớn đường tạm nhập tái xuất còn được hợp thức hoá, gây bất lợi đến sản xuất trong nước. Trong khi đó, từ đầu vụ tồn kho 178.000 tấn, đến tháng 5/2013 tăng lên 580.000 tấn. Tuy Bộ Công Thương cho xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc 200.000 tấn đường RS (không cho xuất đường RE và thời hạn đến hết tháng 6/2013), nhưng vẫn không thể giải quyết hết đường tồn kho.

Nhiều DN ngành đường cho rằng Bộ Công Thương quá thận trọng khi không cho xuất đường RE, trong khi hiện nay, loại đường này đang tồn kho nhiều nhất và thời gian áp dụng chính sách cũng bị trễ so với nhu cầu thị trường Trung Quốc, nên DN tuột mất cơ hội xuất khẩu. Theo đó, hết vụ mía đường 2012 – 2013, vẫn tồn kho hơn 208.000 tấn đường tại các nhà máy và hơn 10.000 tấn tại các công ty thương mại thuộc VSSA.

Vụ mía sắp tới, các nhà máy dự kiến sản xuất 1,6 triệu tấn đường, cộng với tồn kho và nhập khẩu chính ngạch, tổng nguồn cung xấp xỉ 2 triệu tấn đường. Sau khi trừ lượng tiêu thụ dự kiến 1,4 – 1,5 triệu tấn, tồn kho sẽ lên đến 500.000 – 600.000 tấn, chưa kể lượng đường nhập lậu tràn vào.

Thực tế cho thấy, so với giá sản xuất nội địa, giá mỗi cân đường lậu thấp hơn 15 – 20%. Không chỉ giới tiểu thương săn lùng đường lậu mà ngay cả các doanh nghiệp sản xuất sữa, bánh kẹo, nước giải khát cũng sử dụng đường lậu để có giá rẻ hơn đường sản xuất trong nước.

Theo đại diện Công ty đường Khánh Hoà, không phải vì DN sản xuất ra lượng đường quá nhiều, mà vì chính sách quản lý, điều hành công tác quản lý đường nhập lậu từ Thái Lan qua biên giới Campuchia, Lào, kéo dài nhiều năm nay không khống chế được. Hiện nay giá đường nhập lậu của Thái Lan chỉ có 12.700 đồng/kg, nếu các nhà máy trong nước hạ giá bán thêm nữa để cạnh tranh, giá mía trong nước cũng sẽ rớt xuống 600.000 – 700.000 đồng/ tấn, nông dân sẽ "trắng tay", phải phá bỏ vùng trồng mía.

Ngành đường vẫn bế tắc

VSSA cho biết, trên thị trường còn có một nguồn đường nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan do Bộ Công Thương cấp, số lượng thay đổi theo từng niên vụ, nhưng không nhỏ. Cụ thể, niên vụ 2012-2013 là 70.000 tấn và niên vụ 2013-2014 là 735.000 tấn. Có khoảng 20 DN được cấp quota nhập khẩu loại đường này, trong đó chủ yếu là các DN chế biến thực phẩm và một số ít nhà máy đường.

Điều đáng nói, số đường nhập khẩu theo quota này đã gây nên nỗi bức xúc lớn đối với hầu hết các nhà sản xuất đường trong nước, bởi những bất hợp lý của nó đem lại.

Đại diện Công ty CP Đường Khánh Hòa cho rằng một DN chỉ cần được giao quota nhập 20.000 tấn đường, có thể thu lợi nhuận ít nhất 80 tỷ đồng từ chênh lệch giá nhập khẩu với giá trong nước. Thậm chí, có ý kiến còn cho rằng với lượng nhập khẩu 20.000 tấn, lợi nhuận còn có thể lên đến 100 tỷ đồng.

Theo ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch VSSA, các nhà sản xuất đường trong nước đang phải đứng trước hai sự lựa chọn cực kỳ khó khăn: muốn đẩy hết lượng đường tồn kho ra thị trường, các DN buộc phải giảm giá bán đường xuống thấp, và đó là một hành động "tự sát", vì sẽ lỗ nặng; hoặc để có lãi, các DN buộc phải hạ giá thu mua mía xuống, như vậy mùa sau bà con nông dân sẽ bỏ mía, "quay lưng" với nhà máy và lúc đó DN sản xuất đường cũng sẽ điêu đứng. "Đằng nào cũng "chết", mỗi DN tự chọn cách "chết", ông Long nói. Bắt đầu kể từ vụ mùa này, VSSA "buông" việc định hướng giá mua mía cho bà con nông dân và để các nhà máy tự quyết định. Điều đó cũng có nghĩa lợi nhuận của nông dân khó được đảm bảo như trước.

"Với giá đường thấp thế này, không nhà sản xuất đường nào hỗ trợ được người trồng mía nữa. Nông dân sẽ chuyển sang cây trồng khác có lợi hơn, trong khi các nhà máy tự động cạnh tranh nhau để đẩy đường ra thị trường bằng việc hạ giá đường xuống thấp hơn nữa và lúc đó sẽ còn thê thảm hơn", ông Subbaiah, Tổng giám đốc Công ty Đường KCP (Phú Yên) nói. KCP có lượng đường tồn kho thuộc loại lớn nhất, với 38.000/tổng lượng đã sản xuất là 90.000 tấn.

Để giải quyết khó khăn cấp thiết này, trước mắt VSSA đề nghị Bộ Công Thương tiếp tục cho phép xuất khẩu đường tiểu ngạch, không phân biệt RS hay RE. Đồng thời, VSSA kiến nghị thanh tra, hậu kiểm việc tạm nhập tái xuất mặt hàng đường. Việc cấp quota nhập khẩu đường phải được công khai, minh bạch, chênh lệch giá đường nhập khẩu phải được điều chuyển về phía Nhà nước để tái đầu tư cho nông dân trồng mía, chứ không phải rơi vào nhóm lợi ích nào đó như hiện nay. Về lâu dài, Chính phủ cần phải có một nghị định cho ngành mía đường, thể hiện nhất quán chính sách điều hành xuất khẩu, nhập khẩu nhằm hỗ trợ, bảo vệ nông dân và ngành sản xuất mía đường trong nước.