Ngành Hải quan hỗ trợ tối đa thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu


Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng xấu đến đời sống kinh tế-xã hội, để đảm bảo thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép”, vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế của Chính phủ đề ra, ngành Hải quan đã tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Các giải pháp của ngành Hải quan triển khai được dư luận đánh giá cao khi đã tập trung vào tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tốc độ thông quan hàng hóa, hỗ trợ kịp thời cho các hoạt động kinh doanh, sản xuất của doanh nghiệp và người dân, không làm đứt gãy chuỗi cung ứng nhưng vẫn đảm bảo công tác phòng chống dịch...

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Từ tháng 5/2021 đến nay, đại dịch COVD-19 diễn biến phức tạp, đã ảnh hưởng mạnh đến kinh tế - xã hội nói chung và hoạt động xuất nhập khẩu (XNK) nói riêng. Cụ thể, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN) bị đình trệ, việc lưu thông, vận chuyển hàng hóa gặp rất nhiều khó khăn... Trước bối cảnh đó, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều nghị quyết về các giải pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19, các giải pháp hỗ trợ DN, người dân.

Đối với hoạt động XNK, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều chỉ thị, văn bản yêu cầu các bộ, ngành chỉ đạo xử lý các vấn đề phát sinh để tạo thuận lợi cho hoạt động lưu thông hàng hóa, bên cạnh các giải pháp về tạo thuận lợi cho hoạt động XNK, đẩy nhanh tốc độ thông quan hàng hóa. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và của Lãnh đạo Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo các đơn vị hải quan địa phương thực hiện một số giải pháp để đẩy nhanh tốc độ thông quan hàng hóa, kịp thời hỗ trợ cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đồng thời, đảm bảo thực hiện tốt công tác phòng chống dịch.

Tạo thuận lợi về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu

Để tạo thuận lợi cho hoạt động XNK hàng hóa thông quan thuận lợi, ngành Hải quan đã chấp nhận cho DN được nộp chứng từ dưới dạng điện tử thuộc hồ sơ hải quan để thông quan hàng hoá và thành lập các Tổ hỗ trợ, xử lý vướng mắc về thủ tục hải quan đối với hàng hóa XNK kèm các danh sách cán bộ, số điện thoại từ cấp Tổng cục, Cục Hải quan đến cấp Chi cục làm việc 24/7 để kịp thời tiếp nhận, xử lý các vướng mắc của người khai hải quan đảm bảo hỗ trợ giải quyết thông quan nhanh hàng hoá.
Mặt khác, ngành Hải quan tạm dừng tổ chức kiểm tra thực tế điều kiện hoạt động đại lý làm thủ tục hải quan tại DN, cơ quan hải quan chỉ kiểm tra bộ hồ sơ do DN nộp để thực hiện việc gia hạn hoặc công nhận đủ điều kiện hoạt động đại lý hải quan theo quy định; Tạm thời không tiến hành kiểm tra việc bảo quản hàng hoá tại địa điểm bảo quản hàng hóa thuộc các khu vực phong tỏa cho đến khi các khu vực này được dỡ bỏ phong toả.

Đối với hoạt động kiểm tra sau thông quan (KTSTQ), ngành Hải quan tạm dừng tổ chức kiểm tra đánh giá tuân thủ đối với các DN không có dấu hiệu vi phạm để tạo điều kiện cho DN tập trung giải quyết khó khăn, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. Đặc biệt, không để DN lợi dụng chủ trương này để vi phạm pháp luật, các đơn vị trong toàn ngành Hải quan tăng cường thu thập thông tin, đánh giá rủi ro để có các biện pháp xử lý kịp thời nhằm đảm bảo giám sát hàng hóa XNK; Tiếp tục đẩy mạnh công tác thu thập, phân tích thông tin đối với các chuyên đề được giao; mở rộng điều tra, xác minh đối với các vụ việc giả mạo xuất xứ hàng Việt Nam xuất khẩu đi các nước để xây dựng kế hoạch định hướng KTSTQ; chuẩn bị kỹ kế hoạch kiểm tra khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ được giao năm 2021.

Hỗ trợ thủ tục xuất khẩu nông sản qua các tỉnh biên giới phía Bắc

Nhằm tháo gỡ vướng mắc cho hoạt động XNK hàng nông sản trong bối cảnh đại dịch COVID-19, Tổng cục Hải quan chỉ đạo Cục Hải quan các tỉnh có biên giới thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Theo đó, hải quan các địa phương đã khẩn trương tạo điều kiện và thực hiện thông quan ngay trong ngày đối với hàng hóa xuất khẩu là nông sản đến thời điểm thu hoạch chính vụ nói riêng và nông sản nói chung qua cửa khẩu biên giới; giải quyết ngay các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan xuất khẩu hàng hóa; Tạo điều kiện cho DN thực hiện các hoạt động đóng gói gia cố bao bì, phân loại hàng hóa dưới sự giám sát của cơ quan hải quan... không làm thay đổi xuất xứ, nguồn gốc; Phối hợp chặt chẽ, thường xuyên trao đổi thông tin với cơ quan kiểm dịch để thực hiện nhanh chóng thủ tục cho DN.

Đồng thời, cơ quan hải quan địa phương đã bố trí cán bộ công chức giải quyết thủ tục thông quan và giám sát hàng hóa xuất khẩu là nông sản qua cửa khẩu ngoài giờ hành chính, ngày nghỉ, ngày lễ; ưu tiên, bố trí, sắp xếp các xe đã hoàn thành thủ tục thông quan hàng hóa trước được đi qua cửa khẩu sớm; Phối hợp với các lực lượng Biên phòng, Công an để điều tiết giao thông cho xe ra vào, không bị ùn tắc, đảm bảo an ninh trật tự, không để xảy ra tình trạng mất ổn định gây ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu của DN; Thường xuyên trao đổi, nắm bắt thông tin về thủ tục hải quan và chính sách hàng hóa của phía Trung Quốc và tuyên truyền phố biến cho DN; Trao đổi thông tin, gửi Công hàm cho phía Trung Quốc tạo điều kiện thuận lợi, ưu tiên thủ tục hải quan đối với hàng nông sản, thủy sản để rút ngắn thời gian thông quan; Tuyên truyền để người dân, DN có hoạt động XNK qua địa bàn nắm bắt, hiểu biết đầy đủ các chủ trương, chính sách của phía Trung Quốc để chủ động điều tiết hàng hóa, quyết định loại hình mua bán, lựa chọn cửa khẩu, DN đáp ứng điều kiện tham gia hoạt động XNK để không bị động, bất ngờ, thua thiệt trong hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa qua biên giới.

Thông quan nhanh vật tư thiết bị y tế, thuốc tân dược, vắc xin và sinh phẩm y tế phục vụ phòng, chống dịch

Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo, hướng dẫn việc tạo điều kiện thuận lợi, thông quan nhanh các lô hàng vật tư, thiết bị y tế, thuốc tân dược, vắcxin, sinh phẩm xét nghiệm… hàng hóa viện trợ, biếu, tặng từ nước ngoài hoặc hàng hóa do các tổ chức, cá nhân trong nước nhập khẩu để ủng hộ, hỗ trợ, tài trợ, biếu tặng cho Chính phủ, Bộ Y tế, Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, thành phố để phục vụ yêu cầu khẩn cấp công tác phòng, chống dịch, điều trị, khám chữa bệnh.

Tổng cục Hải quan cho phép DN được đưa các lô hàng có yêu cầu bảo quản đặc biệt như thuốc, vắcxin, sinh phẩm… yêu cầu nhiệt độ bảo quản từ 20C-80C về kiểm tra thực tế tại địa điểm bảo quản theo đề nghị của DN. Cùng với đó, chỉ đạo các chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế tạo mọi điều kiện thuận lợi, thông quan nhanh các lô hàng vắc xin nhập khẩu phục vụ phòng chống dịch hoặc cho giải phóng hàng hoặc đưa về bảo quản đối với các trường hợp chưa đủ hồ sơ hải quan theo quy định; Chấp nhận Phiếu kiểm nghiệm thuốc, nguyên liệu làm thuốc có chữ ký điện tử của nhà sản xuất khi thực hiện thủ tục hải quan.

Tạo thuận lợi trong thực hiện chính sách thuế và thu, nộp thuế đối với hàng hóa xuất nhập khẩu

Tổng cục Hải quan đã triển khai đẩy mạnh chương trình ký kết thỏa thuận hợp tác với các ngân hàng thương mại, thực hiện chương trình nộp thuế 24/7. Ngoài ra, tiếp tục triển khai Chương trình nộp thuế điện tử DN nhờ thu, giúp cho DN thường xuyên làm thủ tục XNK có số lượng lớn tờ khai phải nộp tiền thuế, có đủ khả năng tài chính. Đến nay, Tổng cục Hải quan đã thực hiện ký thỏa thuận và triển khai nộp thuế điện tử với 44 ngân hàng phối hợp thu, trong đó có 37 ngân hàng tham gia chương trình nộp thuế điện tử 24/7, 7 ngân hàng tham gia chương trình nộp thuế điện tử DN nhờ thu.

Cùng với đó, Tổng cục Hải quan đã báo cáo Bộ Tài chính, trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 106/NQ-CP ngày 11/9/2021 của Chính phủ xử lý chung đối với hàng hóa của tổ chức, cá nhân Việt Nam nhập khẩu hoặc đã nhập khẩu để tài trợ cho công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, được áp dụng chính sách thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng như hàng hóa nhập khẩu trong trường hợp viện trợ nhân đạo, viện trợ không hoàn lại (thuộc đối tượng không chịu thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng).

Tổ chức, điều hành và bố trí nhân lực đảm bảo việc thông quan hàng hóa

Tổng cục Hải quan luôn sát sao chỉ đạo các đơn vị trong toàn Ngành xây dựng các phương án sẵn sàng với các giải pháp nhằm đảm bảo giải quyết thủ tục hải quan đối với hàng hoá XNK, để việc thông quan hàng hoá không bị gián đoạn, không làm đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa và hỗ trợ tối đa cho DN nhưng vẫn đảm bảo quản lý hải quan theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính.

Việc Tổng cục Hải quan triển khai thành lập các Tổ hỗ trợ, xử lý vướng mắc về thủ tục hải quan đối với hàng hóa XNK đã đảm bảo hỗ trợ giải quyết thông quan nhanh hàng hoá, đặc biệt là hàng hóa phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 như: vật tư, thiết bị y tế, thuốc tân dược, vắc-xin, sinh phẩm xét nghiệm…

Cục Hải quan các tỉnh, thành phố bố trí đủ số lượng cần thiết cán bộ công chức tại các bộ phận nghiệp vụ có liên quan làm việc trong ngày hành chính, ngày nghỉ, ngày lễ và ngoài giờ hành chính để thực hiện thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan và các thủ tục quản lý thuế đối với hàng hóa XNK cho DN đảm bảo hoạt động thông quan liên tục, kịp thời, đúng quy định.

Các đơn vị hải quan địa phương cũng đã triển khai đa dạng các hình thức đảm bảo hỗ trợ DN trong hoạt động XNK và thông quan hàng hóa, vừa đảm bảo an toàn phòng chống dịch, đặc biệt đối với các khu vực phải thực hiện giãn cách xã hội hoặc cách ly theo quy định phòng chống dịch.

Xây dựng chủ trương, chính sách hỗ trợ cho các hoạt động xuất nhập khẩu

Trong năm 2021, Tổng cục Hải quan đã tổng hợp đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hải quan, trong đó có đề xuất sửa Điều 47, Điều 61 Luật Hải quan về thời hạn lưu giữ đối với hàng hóa tại cửa hàng miễn thuế và hàng hóa nhập khẩu gửi kho ngoại quan. Cụ thể, đề xuất cho phép hàng hóa bán tại cửa hàng miễn thuế, hàng hóa gửi kho ngoại quan được tiếp tục lưu giữ trong trường hợp xảy ra dịch bệnh theo công bố của cơ quan, người có thẩm quyền đến ngày cơ quan, người có thẩm quyền công bố hết dịch và được thực hiện gia hạn một lần không quá 12 tháng kể từ thời điểm công bố hết dịch.

Bên cạnh đó, Tổng cục Hải quan khẩn trương thực hiện chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Tài chính trong việc xây dựng hoàn thiện dự thảo 02 Thông tư theo thủ tục rút gọn: (1) Thông tư “Quy định về giám sát hải quan đối với hàng hoá nhập khẩu chuyển cửa khẩu trong trường hợp hàng hóa nhập khẩu ùn tắc tại cảng biển nơi thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng chống dịch bệnh COVID-19”; (2) Thông tư “Quy định về thủ tục hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu phục vụ yêu cầu khẩn cấp phòng, chống dịch COVID-19; nộp chứng từ thuộc hồ sơ hải quan và kiểm tra thực tế đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu trong bối cảnh dịch COVID-19”.

Ngoài ra, Tổng cục Hải quan cũng tham mưu cho Bộ Tài chính có ý kiến tham gia, đóng góp với những chủ trương, chính sách trong phòng chống dịch bệnh và chính sách quản lý hàng hóa XNK nhằm tạo thuận lợi, hỗ trợ DN, đặc biệt là trong việc mua, nhập khẩu, tổ chức tiếp nhận các lô hàng vắc xin, như: Nghị quyết số 21/NQ-CP về mua và sử dụng vắc xin phòng dịch bệnh COVID-19; Kế hoạch tiếp nhận tài trợ và tiêm vắc xin phòng dịch bệnh COVID-19 của Bộ Y tế; Nghị quyết của Chính phủ về cơ chế chính sách xã hội hóa mua, nhập khẩu, tiêm vắcxin phòng dịch bệnh COVID-19…; Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy lưu thông, tiêu thụ nông sản trong bối cảnh phòng chống dịch bệnh COVID-19; Phối hợp, cung cấp số liệu liên quan phục vụ kịp thời cho công tác chỉ đạo, quản lý điều hành và chính sách của Chính phủ, các bộ, ngành trong tạo thuận lợi thương mại và đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong tình hình dịch bệnh COVID-19.

Hướng tới hải quan thông minh, hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp

Trong thời gian qua, Tổng cục Hải quan luôn đẩy mạnh phát triển, triển khai ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), góp phần quan trọng vào công tác cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa hải quan, tạo môi trường thuận lợi cho các hoạt động XNK, xuất nhập cảnh, thực hiện các cam kết hội nhập quốc tế. Đặc biệt, trong năm 2021, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, Tổng cục Hải quan đã tích cực triển khai và có những cải cách mạnh mẽ trong ứng dụng CNTT, tiếp tục tạo thuận lợi hơn nữa cho hoạt động XNK cũng như cho người dân và DN.

Tổng cục Hải quan đã phê duyệt Kiến trúc tổng thể hướng tới hải quan số nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan hải quan và chất lượng phục vụ người dân, DN; hướng tới hải quan số dựa trên dữ liệu lớn và dữ liệu mở với mục tiêu lấy người dân, DN làm trung tâm; tạo nền tảng cho cơ quan hải quan cũng như ngành Tài chính tiếp cận, nắm vai trò chủ động, kiến tạo và đi đầu trong việc chuyển đổi sang nền tài chính số hiện đại.

Việc xây dựng Kế hoạch ứng dụng CNTT của ngành Hải quan giai đoạn 2021-2025 sẽ nâng cao mức độ tự động hóa, góp phần thúc đẩy cải cách hiện đại hóa hải quan và tạo thuận lợi thương mại. Bộ Tài chính phê duyệt chủ trương thuê dịch vụ CNTT thực hiện hải quan số. Đây là cơ sở để Tổng cục Hải quan thực hiện thủ tục thuê dịch vụ CNTT thực hiện hải quan số. Mục tiêu đặt ra là thuê dịch vụ đồng bộ phần mềm, phần cứng đáp ứng yêu cầu thực hiện nghiệp vụ hải quan hướng tới hải quan số và đáp ứng các yêu cầu về an toàn thông tin hệ thống. Hệ thống CNTT mới phải ứng dụng những thành tựu mới về công nghệ, phù hợp với chuẩn mực quốc tế, đáp ứng yêu cầu quản lý hải quan thông minh; quản lý toàn diện DN, hàng hóa XNK, quá cảnh…

Việc triển khai thành công thuê dịch vụ CNTT thực hiện hải quan số là một trong những động lực quan trọng đối với xây dựng mô hình quản lý hải quan thông minh và tiếp tục tạo thuận lợi hơn nữa cho hoạt động XNK cũng như cho người dân và DN.

Tăng diện "phủ sóng" dịch vụ công trực tuyến

Để đa dạng hóa hình thức phục vụ trong bối cảnh mới, hải quan tiếp tục đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến, đồng thời phối hợp với các bên liên quan để tích hợp các dịch vụ công trực tuyến của ngành Hải quan lên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Tổng cục Hải quan đã cập nhật, sửa đổi, bổ sung và cung cấp mới dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 cho 22 thủ tục hành chính. Đến hết tháng 11/2021, ngành Hải quan đã cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 cho 215/237 thủ tục hành chính, chiếm 91% tổng số thủ tục hành chính do cơ quan hải quan thực hiện. Trong đó, có 209 thủ tục đã được cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 4 (đạt tỷ lệ 88%).

Trong năm 2021, ngành Hải quan tiếp tục tích hợp 26 dịch vụ công trực tuyến lên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Đến nay, Tổng cục Hải quan đã cập nhật 26/26 dịch vụ công trực tuyến trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính, đang phối hợp với Cục Kiểm soát thủ tục hành chính-Văn phòng Chính phủ và Cục Tin học và thống kê tài chính (Bộ Tài chính) thực hiện tích hợp kỹ thuật và kiểm thử. Dự kiến trong năm 2021 sẽ hoàn tất tích hợp tất cả 26 dịch vụ công trực tuyến này lên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Như vậy, tổng số dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực hải quan được tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia là 98.

Song song với đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong toàn Ngành, Tổng cục Hải quan với vai trò là cơ quan thường trực của Ủy ban chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN, Cơ chế một cửa quốc gia và tạo thuận lợi thương mại, Tổng cục Hải quan đã nỗ lực thực hiện hiệu quả nhiệm vụ được Chính phủ giao, có nhiều kết quả đáng ghi nhận. Đến ngày 30/11/2021, Cơ chế một cửa quốc gia đã có 235 thủ tục hành chính của 13 bộ, ngành kết nối, với trên 4,5 triệu bộ hồ sơ của hơn 51.000 DN. Sau khoảng 6 năm đi vào vận hành chính thức (từ 2014-2021), đến tháng 10/2021, số bộ, ngành kết nối cơ chế một cửa quốc gia đã tăng gấp 4 lần.

Bên cạnh đó, Tổng cục Hải quan đang nỗ lực phối hợp với Ban thư ký ASEAN và các nước ASEAN để triển khai kết nối trao đổi tờ khai hải quan ASEAN theo đúng kế hoạch, lộ trình chung của ASEAN, dự kiến Việt Nam sẽ hoàn thành giai đoạn kết nối thử nghiệm và kết nối chính thức trong năm 2021. Tiếp sau đó sẽ chuẩn bị các yêu cầu liên quan để kết nối thử nghiệm trao đổi chứng nhận kiểm dịch thực vật trong năm 2022.

Tài liệu tham khảo:

  1. Tổng cục Hải quan (2021) Hội nghị trực tuyến với chủ đề “Đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua đại dịch COVID-19”;
  2. Tổng cục Hải quan (2021), Nỗ lực tạo thuận lợi, hỗ trợ doanh nghiệp đảm bảo hoạt động xuất nhập khẩu thông suốt trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19;
  3. Tổng cục Hải quan (2021), Quyết định số 164/QĐ-TCHQ ngày 18/01/2021 ban hành Chương trình công tác trọng tâm năm 2021;
  4. Đảng ủy cơ quan Tổng cục Hải quan (2021), Nghị quyết số 04-NQ/ĐU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc xây dựng Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2030; tổ chức thực hiện thành công Hải quan số, Hải quan thông minh và kiểm tra chuyên ngành.

* PGS.,TS. Nguyễn Đình Luận - Trường Đại học Công nghệ TP. Hồ Chí Minh (HUTECH)

** Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số kỳ 2 tháng 12/2021