Ngành Hải quan, ra sức cải cách, hiện đại hóa

PV.

Vượt qua nhiều khó khăn, thách thức của đại dịch Covid-19, các hoạt động cải cách hiện đại hóa hải quan vẫn được của ngành Hải quan vẫn được triển khai tích cực. Bước vào giai đoạn mới, ngành Hải quan đang ra sức triển khai nhiều hoạt động nhằm đẩy mạnh hơn nữa cải cách, hiện đại hóa...

Chuyên gia nước ngoài thuộc đơn vị cung cấp máy soi hướng dẫn cán bộ công chức hải quan vận hành thử nghiệm máy soi mới
Chuyên gia nước ngoài thuộc đơn vị cung cấp máy soi hướng dẫn cán bộ công chức hải quan vận hành thử nghiệm máy soi mới

Ngay từ đầu năm 2021, Tổng cục Hải quan tiếp tục thực hiện các hoạt động triển khai Đề án xây dựng Chiến lược phát triển Hải quan giai đoạn 2021-2030. Nghiên cứu xây dựng Khung Kế hoạch cải cách, hiện đại hóa giai đoạn 2021-2025.

Bên cạnh đó, các hoạt động đối tác Hải quan–Doanh nghiệp tiếp tục được quán triệt đẩy mạnh triển khai. Theo đó, ngày 8/01/2021, Tổng cục Hải quan đã ban hành Quyết định số 29/QĐ-TCHQ về kế hoạch phát triển quan hệ đối tác hải quan doanh nghiệp và các bên liên quan năm 2021; Cùng với đó, tập trung nghiên cứu hoạt động hỗ trợ tuân thủ đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa; Phối hợp với Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản ghi nhận ý kiến về hoạt động hợp tác trong năm 2020 và tham khảo sáng kiến hợp tác năm 2021.

Thực hiện Quyết định số 97/QĐ-BTC ngày 26/1/2021 của Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan đã tích cực triển khai chủ trương thuê dịch vụ công nghệ thông tin thực hiện Hải quan số. Đây là chủ trương lớn để góp phần sớm hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Hải quan Việt Nam hiện đại ngang tầm Hải quan các nước phát triển hàng đầu thế giới.

Để triển khai Quyết định số 97/QĐ-BTC, Tổng cục Hải quan đã ban hành các Quyết định thành lập: Ban chỉ đạo và Tổ tham mưu giúp việc cho Ban chỉ đạo triển khai thuê dịch vụ CNTT thực hiện Hải quan số.

Theo đó, việc thuê dịch vụ công nghệ thông tin sẽ mang lại các lợi ích cơ bản, hơn hẳn so với phương thức đầu tư công nghệ thông tin như: rút ngắn thời gian xây dựng hệ thống, đáp ứng đồng bộ các yêu cầu nghiệp vụ trong khoảng thời gian xác định là 1 năm thay vì 5 năm theo cách đầu tư công nghệ thông tin thông thường; giảm thiểu rủi ro về mặt tài chính trong việc xây dựng và triển khai hệ thống công nghệ thông tin.

Nếu so về mặt bằng tương đương số lượng chức năng thì kinh phí dự kiến thuê dịch vụ công nghệ thông tin thấp hơn so với kinh phí mà Nhật Bản đã thông báo khi nâng cấp hệ thống VNACCS/VCIS.

Nếu thực hiện nâng cấp hệ thống VNACCS/VCIS thì thời gian thực hiện các thủ tục và nâng cấp kéo dài gần 4 năm. Trong khi đó, khi thực hiện thuê dịch vụ công nghệ thông tin thì Tổng cục Hải quan sẽ nhanh chóng và chủ động triển khai hệ thống công nghệ thông tin mới, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về hải quan.

Nhóm xây dựng đề án đã nỗ lực, tập trung nghiên cứu, phân tích đánh giá các tài liệu về yêu cầu bài toán nghiệp vụ, mô hình quản lý hải quan, kiến trúc hệ thống, trên cơ sở thực tiễn hoạt động tại đơn vị phát huy sáng kiến nhằm hoàn thiện hơn nữa về mô hình hệ thống, cách thức tổ chức vận hành thông minh, hiệu quả cũng như phát hiện, khắc phục những khiếm khuyết của hệ thống, sẵn sàng kết nối, trao đổi, chia sẻ thông tin với các bộ, ngành, doanh nghiệp và các bên liên quan phục vụ quản lý nhà nước về hải quan.