Ngành Tài chính: Chủ động hội nhập, thực thi cam kết

N. Ánh

Năm 2015 đánh dấu mốc chủ động thực hiện hội nhập kinh tế quốc tế của nền kinh tế Việt Nam nói chung và của ngành Tài chính nói riêng. Theo đó, chủ động thực hiện các cam kết quốc tế trong lĩnh vực tài chính là nhiệm vụ then chốt đối với ngành Tài chính trong năm 2016 và những năm tiếp theo.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Nghiêm túc thực thi cam kết

Đến nay, Việt Nam đã ký kết 10 Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương, đã tuyên bố kết thúc đàm phán Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU và Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), cùng các nước ASEAN tuyên bố thành lập Cộng đồng kinh tế ASEAN. Nhiều lĩnh vực thuộc ngành tài chính đã đưa vào cam kết và phải được triển khai thực hiện nghiêm túc như: thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, thuận lợi hóa thương mại và hải quan, dịch vụ chứng khoán, dịch vụ bảo hiểm, dịch vụ kế toán, kiểm toán, tư vấn thuế. Những nội dung này có tác động không nhỏ đến yêu cầu hoàn thiện hệ thống chính sách tài chính cũng như cân đối tài khóa trong dài hạn.

Để chủ động xây dựng chính sách thực thi cam kết, kịp thời thông tin đến cộng đồng doanh nghiệp khai thác tối đa cơ hội của hội nhập, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Chỉ thị số 02 /CT-BTC ngày 18/2/2016 về việc hội nhập trong lĩnh vực tài chính năm 2016. Trong đó, Bộ trưởng yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ Tài chính, Giám đốc Sở Tài chính các tỉnh, thành phố cùng toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong ngành Tài chính tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm về công tác này trong năm 2016 và thời gian tới.

Theo đó, tiếp tục nâng cao và thống nhất nhận thức của toàn thể các đơn vị thuộc Bộ từ trung ương đến địa phương về các yêu cầu, thách thức của hội nhập kinh tế quốc tế nhằm hoàn thiện thể chế tài chính, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, doanh nghiệp, sản phẩm; tăng cường huy động các nguồn lực trong và ngoài nước phục vụ phát triển sản xuất kinh doanh, thúc đẩy quá trình tái cơ cấu nền kinh tế.

Đồng thời, xây dựng lộ trình thực thi nghiêm túc các cam kết trong lĩnh vực Tài chính như thực thi cam kết hài hòa về thuế quan trong ASEAN; xây dựng lộ trình biểu cam kết về thuế xuất khẩu trong Hiệp định thương mại Việt Nam-EU, Hiệp định TPP và nghiên cứu xây dựng cơ chế quản lý đối với hàng xuất khẩu để có thể áp dụng thuế xuất khẩu riêng cho các đối tác có cam kết về thuế xuất khẩu trong các Hiệp định thương mại tự do của Việt Nam. Tiếp tục triển khai, hoàn thiện các chính sách để thực hiện các cam kết trong lĩnh vực bảo hiểm, chứng khoán, kế toán và kiểm toán, hải quan, tài chính doanh nghiệp, quản lý nợ công...

Chủ động trong hội nhập

Để chủ động hội nhập trong lĩnh vực tài chính, Bộ trưởng Bộ Tài chính yêu cầu xây dựng các phương án đàm phán Hiệp định thương mại đã ký kết nhằm nâng cấp Hiệp định và tiếp tục mở rộng đàm phán các Hiệp định đang đàm phán; Chủ động, tích cực tham gia điều chỉnh, xây dựng các quy tắc và luật lệ tại các tổ chức, diễn đàn mà Việt Nam là thành viên, trước hết là WTO; Nghiên cứu, đánh giá và có những bước chuẩn bị kỹ cho việc triển khai các cam kết trong Hiệp định tạo thuận lợi hóa thương mại (TF) trong WTO; Chủ động, tích cực, nâng cao hiệu quả tham gia vào các cơ chế hợp tác trong khuôn khổ APEC; Đẩy mạnh cải cách hành chính thuế và hải quan theo các chuẩn mực quốc tế trong khu vực như ASEAN-4 và một số chuẩn mực quốc tế khác; Tiếp tục thiết lập và củng cố các cơ chế đối thoại song phương để học tập kinh nghiệm quốc tế về các lĩnh vực tài chính với các đối tác chiến lược và đối tác quan trọng khác; Tích cực tham gia các hoạt động nhằm tăng cường tiếng nói và vị thế của Việt Nam tại các định chế kinh tế, tài chính-tiền tệ khu vực và quốc tế...

Bên cạnh đó, đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, phổ biến kiến thức về hội nhập kinh tế quốc tế trong lĩnh vực tài chính đến các địa phương, Hiệp hội, doanh nghiệp. Tăng cường và nâng cao chất lượng công tác thông tin đối ngoại về các hoạt động của ngành Tài chính để góp phần thu hút đầu tư nước ngoài trực tiếp và gián tiếp phục vụ phát triển kinh tế xã hội và thị trường tài chính. Các Hiệp hội nghề cần đẩy mạnh nâng cao nhận thức của các thành viên về các cam kết trong lĩnh vực Tài chính, thúc đẩy sự chủ động tham gia hiệu quả của doanh nghiệp trong triển khai các hoạt động hội nhập quốc tế trong lĩnh vực Tài chính.

Công tác đào tạo, tăng cường năng lực cán bộ cũng cần được nâng cao hơn nữa. Chỉ thị yêu cầu tăng cường khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn lực dưới hình thức hỗ trợ tài chính và kỹ thuật, tư vấn chính sách, hỗ trợ đào tạo và tăng cường năng lực từ các đối tác song phương và đa phương. Thực hiện việc cử cán bộ của ngành Tài chính đi làm việc tại các thị trường trọng điểm, có kim ngạch xuất khẩu cao, các tổ chức khu vực và quốc tế trong thời gian ngắn và trung hạn, để tăng cường năng lực và kinh nghiệm hội nhập tài chính, phục vụ quá trình hoạch định chính sách. Đẩy mạnh công tác đào tạo cán bộ thông qua tham gia và chủ trì những nội dung đàm phán, hợp tác quốc tế về tài chính của ngành.