Ngành Thuế: Ngày ấy và bây giờ

Lục Trường - Lê Hải

(Tài chính) Hướng tới kỷ niệm 68 năm ngày Truyền thống ngành Thuế Việt Nam (10/9/1945 – 10/9/2013) và chào mừng ngày Quốc khánh 2/9, 68 mùa Xuân đã đi qua kể từ ngày đầu mới thành lập dưới sự dẫn dắt và chỉ lối của Đảng và Nhà nước, ngành Thuế đã từng bước lớn mạnh, đóng góp không nhỏ vào công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.

Là một bộ phận của ngành Tài chính, 68 năm qua, ngành Thuế luôn nhận thức rõ nhiệm vụ, chức năng của công tác thuế trong từng thời kỳ để ra sức phấn đấu và khắc phục mọi khó khăn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, khuyến khích đầu tư, chăm lo phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, thu thuế đi liền với nuôi dưỡng nguồn thu.

Sắc lệnh 27 và 68 năm…

Sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (2/9/1945) đã mở ra một trang mới cho lịch sử dân tộc. Cùng với niềm vui hân hoan của “Ngày Độc lập”, vài ngày sau đó, ngày 10/9/1945, ngành Thuế Việt Nam được thành lập khi Sở Thuế quan và thuế gián thu ký Sắc lệnh 27. Chặng đường sáu tám năm hình thành và phát triển, ngành Thuế gắn với lịch sử đầy biến cố và thăm trầm của lịch sử dân tộc, dưới sự soi đường, dẫn lối của Đảng và Nhà nước, ngành Thuế đã từng bước kiện toàn tổ chức và phát triển không ngừng lớn mạnh qua từng năm, đóng góp không nhỏ vào sự nghiệp của ngành Tài chính và công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trải qua các thời kỳ, dù ở bất kỳ điều kiện, hoàn cảnh nào ngành Thuế cũng đã hoàn thành xuất sắc chức năng, nhiệm vụ của mình góp phần đắc lực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, được Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận và đánh giá cao.

Trong thời kỳ đổi mới, cán bộ công chức ngành Thuế luôn ý thức và phấn đấu vì sự nghiệp thu ngân sách nhà nước và hoàn thành chỉ tiêu dự toán được Đảng và Nhà nước giao. Ý thức luôn đổi mới và tạo điều kiện tốt nhất cho người nộp thuế đã được ngành Thuế đặt ra và tiến hành các cuộc cải cách lớn nhằm động viên được các nguồn lực, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, góp phần cho nền kinh tế tăng trưởng…

Ngành Thuế: Ngày ấy và bây giờ - Ảnh 1

Tổng cục trưởng Tổng Cục Thuế Bùi Văn Nam phát biểu tại buổi Họp báo công bố Tuyên ngôn ngành Thuế. Nguồn: FinancePlus.vn

Có lẽ công cuộc cải cách Ngành được thể hiện rõ nét nhất bằng việc cho ra đời Tuyên ngôn ngành Thuế Việt Nam tháng 11/2012 để minh chứng cho mục tiêu trở thành cơ quan thếu hiện đại, hoạt động chuyên nghiệp hiệu lực và hiệu quả; đối tác tin cậy của mọi tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện pháp luật thuế và phấn đấu đưa Việt Nam trở thành một trong những nước đứng hàng đầu xếp hạng thuận lợi về thuế tại khu vực Đông Nam Á.

Thật vậy, những giá trị mà ngành Thuế luôn coi trọng, xây dựng và gìn giữ không chỉ trong suốt 68 năm qua mà còn gìn giữ lâu dài với 4 giá trị cốt lõi nhất: “Minh bạch – Chuyên nghiệp – Liêm chính và đổi mới”.

Điều này đã được Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Bùi Văn Nam giao nhiệm vụ tới toàn thể công chức, viên chức ngành Thuế phải quyết tâm thực hiện và đạt được các giá trị đã cam kết và là thước đo để  người nộp thuế có thể làm căn cứ đối chiếu với các hành vi của ngành Thuế nói chung và của từng cán bộ công chức thuế nói riêng trong quá trình làm nhiệm vụ.

Xác định nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước của toàn ngành Thuế trong năm 2013 là rất nặng nề và khó khăn, toàn thể cán bộ công chức, viên chức của Ngành đang ra sức thi đua, phấn đấu cao nhất chỉ tiêu thu nộp ngân sách nhà nước đã được Đảng và Nhà nước giao.

Với những hành động và việc làm cụ thể thiết thực chào mừng 68 năm kỷ niệm của Ngành, mỗi cán bộ công chức thuế như những “chiến sỹ” đang ra sức thi đua, vận động người nộp thuế hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế cho Nhà nước. Đồng thời, tăng cường thanh, kiểm tra và giám sát chống gian lận thuế và đôn đốc thu hồi nợ đọng…

“Thu thuế phải thu được lòng dân”

Chỉ với một câu tuy giản dị, mộc mạc này mà lại rất sâu sắc, ẩn chứa những nội hàm cả về mặt lý luận nhà nước và pháp luật, ẩn chứa cả về nghệ thuật trong quản lý thu thuế mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi gắm nơi cơ quan thuế cần và phải thực hiện trong quá trình tiến hành thu thuế.

Với 7 chữ một mạc và ngắn gọn, Người đã đưa ra một phương châm cho ngành Thuế Việt Nam trong việc thực hiện nhiệm vụ thu nộp ngân sách nhà nước đối với đất nước. Câu nói ấy không chỉ mãi vang vọng trong tâm tưởng của các thế hệ cán bộ công chức, viên chức ngành Tài chính nói chung và ngành Thuế nói riêng, mà còn phát huy tác dụng, hiệu quả trong hơn sáu thập kỷ qua.

“Thu thuế phải thu được lòng dân” được đánh giá trên 4 vấn đề chính sau: Việc gì có lợi cho dân thì hết sức làm; Việc gì có hại cho dân thì hết sức tránh; Chấp đơn, xử kiện cho dân khi người dân đem đến và có một tinh thần chí công vô tư.

Với mục tiêu tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ thuế, tăng cường hiệu lực, hiệu quả và hiện đại hoá quản lý thuế. Bằng sự nỗ lực và quyết tâm, tiến trình cải cách hành chính thuế ở Việt Nam đã có những bước đột phá mạnh mẽ và thành quả đáng ghi nhận, được thể hiện ở những điểm sau:

Một là, đẩy mạnh cải cách việc xây dựng, ban hành các văn bản pháp quy về thuế. Ngành đã xây dựng dự án Luật thuế TNCN đã được Quốc hội thông qua ngày 21/11/2007, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2009; sửa đổi, bổ sung các Luật thuế Giá trị gia tăng, Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt; Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp… nhằm đảm bảo thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, phù hợp với thông lệ quốc tế và khu vực, ổn định nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

Ngành Thuế cũng đã “bắt mạch” kịp thời các biến động của nền kinh tế, khó khăn, thuận lợi của NNT để đề xuất các chính sách ưu đãi, miễn, giảm, giãn, xóa nợ thuế,... kịp thời, tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Hai là, đổi mới phương thức quản lý thuế theo cơ chế NNT thuế tự khai, tự tính và tự nộp thuế;

Ba là, triền khai thực hiện cơ chế “một cửa” tại cơ quan thuế các cấp, nhằm tạo thuận lợi tối đa cho người nộp thuế. Hơn nữa, việc thực hiện mô hình “một cửa” cung cấp dịch vụ tập trung hoàn toàn phù hợp với xu hướng hiện đại hoá, chuyên nghiệp, chuyên sâu của cơ quan thuế, cụ thể đảm bảo sự chuyên nghiệp theo đúng các chức năng quản lý thuế; giảm đầu mối tiếp xúc trực tiếp giữa người nộp thuế và công chức thuế.

Bốn là, cải thiện dịch vụ công trong quản lý thuế, phát triển hệ thống đại lý thuế; đặc biệt là công tác tuyên truyền hỗ trợ NNT;

Năm là, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính thuế. Cụ thể, cải tiến thủ tục đăng ký thuế, cấp mã số thuế. Đơn giản hoá thủ tục về bán hoá đơn, chứng từ; đơn giản, minh bạch thủ tục miễn thuế, giảm thuế; giảm chứng từ, thời gian hoàn thuế.

Sáu là, xây dựng các quy trình quản lý thuế đơn giản, thống nhất, đáp ứng các yêu cầu của công tác quản lý thuế theo cơ chế tự khai, tự nộp;

Bảy, nâng cao trình độ, năng lực và đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức thuế. ngành Thuế đã triển khai, chỉ đạo trong toàn ngành rà soát, đánh giá toàn diện đội ngũ cán bộ, công chức thuế, từ đó có căn cứ để quản lý, sử dụng, điều động, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu quản lý thuế trong giai đoạn mới.

Từ nay đến năm 2020, thực hiện phương châm “Thu thuế phải thu được lòng dân” cũng chính là thực hiện thành công Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011 – 2020 theo Quyết định số 732/QĐ-TTg ngày 17/5/2011, cũng như Kế hoạch cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011 – 2015 và các Đề án triển khai thực hiện Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011 – 2020 theo Quyết định số 2162/QĐ-BTC ngày 08/9/2011 của Bộ trưởng Bộ Tài chính.