11,4 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp

Theo Việt Nga/enternews.vn

Sau 05 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 21/2012 của Bộ Chính trị, từ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác tổ chức thực hiện bảo hiểu xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) đã có những bước tiến quan trọng.

5 năm qua, toàn Ngành BHXH đã giải quyết giải quyết 720.641 người hưởng BHXH hàng tháng. Nguồn: Internet
5 năm qua, toàn Ngành BHXH đã giải quyết giải quyết 720.641 người hưởng BHXH hàng tháng. Nguồn: Internet

Nghị quyết 21/2012 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012 - 2020 nêu rõ: BHXH và BHYT là hai trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, góp phần thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội.

Đồng bộ chính sách

Hiến pháp năm 2013 đã hiến định “Công dân có quyền được bảo đảm an sinh xã hội”. Theo đó, tại Điều 34 quy định “Nhà nước tạo bình đẳng về cơ hội để công dân thụ hưởng phúc lợi xã hội, phát triển hệ thống an sinh xã hội”. Cùng với đó, Điều 59 quy định “…thực hiện BHYT toàn dân…”.

Cũng trong năm 2013, Quốc hội tổ chức giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật BHYT giai đoạn 2009-2012. Trên cơ sở kết quả giám sát, ngày 29/11/2013, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 68/2013 về “Đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật BHYT, tiến tới BHYT toàn dân”.

Theo Ông Đỗ Văn Sinh, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, việc Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT (Luật BHYT năm 2014), Luật BHXH sửa đổi (Luật BHXH năm 2014)... hành lang pháp lý về BHXH và BHYT đã được được hoàn thiện.

Các văn bản trên đã cơ bản bám sát quan điểm, mục tiêu được xác định trong Nghị quyết 21. Điểm chung cơ bản nhất trong hai Luật này là đưa ra những quy định nhằm tạo thuận lợi cho lộ trình mở rộng diện bao phủ.

Cụ thể, với Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT là quy định bắt buộc tham gia BHYT, tổ chức tham gia BHYT theo hình thức hộ gia đình, ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng với một số nhóm đối tượng, mở rộng đối tượng được hỗ trợ. Với Luật BHXH (sửa đổi) là bắt buộc tham gia BHXH với người lao động ký hợp đồng lao động từ 01-03 tháng...

Những chỉ đạo mạnh mẽ

Triển khai thực hiện Luật BHXH 2014 và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, Chính phủ tiếp tục có nhiều chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện BHXH, BHYT từ năm 2015 đến nay. Trong đó, đáng nói nhất là Quyết định 1584/2015 của Thủ tướng Chính phủ về giao chỉ tiêu thực hiện BHYT giai đoạn 2015-2020 cho các tỉnh, thành phố.

Nhìn lại quá trình 05 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 21 của Bộ Chính trị có thể thấy, từ sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống chính sách, pháp luật, cùng sự quan tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác tổ chức thực hiện BHXH, BHYT có những bước tiến đáng kể trong các năm qua.

Tính đến hết ngày 31/10/2017, số người tham gia BHXH bắt buộc là 13,21 triệu người; 11,4 triệu người tham gia BHTN, 220 nghìn người tham gia BHXH tự nguyện; 79,73 triệu người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ 85,3% dân số. Cùng với đó, quyền lợi BHXH, BHYT của người dân được bảo đảm tích cực hơn.

Trong 05 năm qua, toàn Ngành BHXH đã giải quyết giải quyết 720.641 người hưởng BHXH hàng tháng, trong đó: hưu trí 589.779 người; tử tuất là 118.285 người; tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp là 12.577 người; giải quyết 3.686.351 lượt người hưởng trợ cấp một lần, trong đó: BHXH một lần là 3.096.194 người...