2 điểm mới trong cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sắp được ban hành

Theo Lê Vân (tổng hợp)/kinhtevadubao.vn

Điểm mới của dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện là biểu giá điện quy định giá điện mỗi bậc thang tính theo tỷ lệ % so với giá điện bán lẻ bình quân, bên cạnh đó, các cơ sở lưu trú du lịch sẽ là đối tượng được hưởng lợi nhất.

 6 bậc thang trong cơ cấu biểu giá bán lẻ điện trong Dự thảo mới. Nguồn: Internet
6 bậc thang trong cơ cấu biểu giá bán lẻ điện trong Dự thảo mới. Nguồn: Internet

Các cơ sở lưu trú du lịch được hưởng lợi nhiều nhất

Bộ Công Thương đang lấy ý kiến về dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện. Dự thảo nêu rõ, giá bán lẻ điện được quy định chi tiết cho từng nhóm khách hàng sử dụng điện, bao gồm: Sản xuất, kinh doanh, cơ sở lưu trú du lịch, hành chính sự nghiệp, sinh hoạt.

Theo Bộ Công thương, giá bán lẻ điện cho sinh hoạt được xem xét, nghiên cứu theo hướng nhằm khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả và dựa trên kinh nghiệm các nước trên thế giới cũng như trong khu vực ASEAN, như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông, Nam Phi, Indonesia, Thái lan, Malaisia đều áp dụng giá điện sinh hoạt bậc thang.

Qua thực tế áp dụng trong những năm qua cho thấy việc áp dụng giá bán điện sinh hoạt theo các bậc là đơn giản trong áp dụng nhưng vẫn đạt được mục tiêu khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả. Đồng thời, tiếp tục thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ giá điện cho người nghèo, hộ chính sách xã hội và và khu vực nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo khu vực chưa nối lưới điện quốc gia.

Đối với giá bán lẻ điện cho nhóm khách hàng sử dụng điện sinh hoạt, biểu giá điện lần này vẫn chia thành 6 bậc có mức giá tăng dần nhằm khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả.

Hộ nghèo theo tiêu chí do Thủ tướng Chính phủ quy định được hỗ trợ tiền điện cho mục đích sinh hoạt, mức hỗ trợ hằng tháng tương đương tiền điện sử dụng 30kWh tính theo mức giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc 1 hiện hành.

Hộ chính sách xã hội theo tiêu chí do Thủ tướng Chính phủ quy định (không thuộc diện hộ nghèo được hỗ trợ tiền điện theo quy định tại khoản 6 Điều này) và có lượng điện sử dụng cho mục đích sinh hoạt trong tháng không quá 50 kWh được hỗ trợ tiền điện tương đương tiền điện sử dụng 30 kWh tính theo mức giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc 1 hiện hành.

Kinh phí hỗ trợ tiền điện cho các hộ nghèo và hộ chính sách xã hội được trích từ nguồn ngân sách nhà nước.

Điểm mới của Dự thảo là biểu giá điện quy định giá điện mỗi bậc thang tính theo tỷ lệ % so với giá điện bán lẻ bình quân nhưng khoảng cách giữa các bậc thang vẫn giữ nguyên như cũ.

Cụ thể, biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt vẫn chia làm 6 bậc như cũ: Từ 0-50kWh có mức giá bằng 92% giá bán lẻ điện bình quân; Từ 51-100kWh giá bằng 95% giá bán lẻ điện bình quân; Từ 101-200kWh giá bằng 110% giá bán lẻ điện bình quân; Từ 201-300kWh giá bằng 138% giá bán lẻ điện bình quân; Từ 301-400kWh giá bằng 154% giá bán lẻ điện bình quân và từ 401kWh trở lên có giá bằng 159% giá bán lẻ điện bình quân.

Với giá điện bán lẻ bình quân hiện tại 1.622,01 đồng/kWh, có thể thấy mức giá bán lẻ điện sinh hoạt thuộc mỗi bậc thang gần như được giữ ở mức tương đương như cũ, cụ thể từ 1.484-2.587 đồng/kWh.

Bên cạnh đó, giá điện cho các cơ sở lưu trú du lịch được điều chỉnh bổ sung để thực hiện chủ trương tại Nghị quyết số 08-NQ/TW, ngày 17/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, trong đó đối tượng "cơ sở lưu trú du lịch" được hưởng cơ chế giá mới.

Vì vậy, đối tượng khách hàng sử dụng điện là các cơ sở lưu trú du lịch theo biểu giá mới sẽ được hưởng lợi nhất trong lần thay đổi cơ cẩu biểu giá điện lần này. Bởi vì, giá bán điện hiện đang áp dụng đối với các cơ sở lưu trú du lịch đang là giá bán điện kinh doanh, ở mức cao hơn so với giá bán điện cho các hộ cho sản xuất.

Khu vực bình dân gánh giá điện cao

Đánh giá về Dự thảo nêu trên, dẫn lời chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh trên Báo điện tử Dân trí cho rằng, biểu giá chỉ giữ giá thấp đối với những người cực nghèo, tiêu dùng dưới 50 KWh tức là chỉ có 1-2 ngọn đèn sinh hoạt.

Theo TS. Lê Đăng Doanh, xã hội hiện đại thì tối thiểu cũng phải có ti vi, tủ lạnh, khi đó tiêu dùng điện vọt lên ngay lập tức. Cho nên, tốc độ lũy tiến trong biểu giá điện cần phải xem xét lại.

"Đồng ý tính đúng, tính đủ, công khai minh bạch các chi phí trong giá điện nhưng phải có mức lũy kế cho thích hợp. Nếu không, số hộ hưởng giá ưu đãi khi sử dụng dưới 50 KWh điện chẳng đáng là bao, còn phần lớn người tiêu dùng phải chịu giá điện trên 100% giá bán lẻ điện bình quân thì mức giá ưu đãi đó chỉ là nói ra cho đẹp thôi”, TS. Doanh nói.

Trao đổi với Báo điện tử Người lao động, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long thì cho rằng: “Cần phải xem xét cụ thể số liệu, căn cứ tính toán từng biểu giá; nhất là phải quan tâm đến việc so với biểu giá điện cũ thì doanh thu của ngành điện có tăng hay không".

Ngoài ra, ông Long cũng góp ý: "Có thể tính đến phương án rút ngắn bậc thang giá điện. Nếu không, cần phải xem xét cẩn trọng ở bậc thang mà nhiều người sử dụng nhất có mức giá hợp lý chưa? So với giá bình quân thì đối tượng tiêu dùng nào được lợi? Khoảng cách giữa các bậc liệu đã hợp lý, hệ số giữa các bậc đó có chênh nhau quá mức không?".

"Biểu giá điện được ban hành trước đây bất cập vì người tiêu dùng thấy mình không lợi mà nhà đèn có lợi. Như thế, cái cần thay đổi mà không thay đổi, vẫn giữ nguyên là bảo thủ", ông Long nêu quan điểm.

Còn theo TS. Nguyễn Minh Phong, thực tế cho thấy, việc chia làm 6 nhóm mức tiêu thụ điện sinh hoạt là khá dày, có thể thu hẹp số nhóm lại và tăng giãn cách 150kw cho mỗi mức thay vì chỉ 100kw; Mức giá lũy tiến bị tăng nhanh cho nhóm đối tượng từ mức 200-400kw cũng là một bất hợp lý khác.

Đồng thời, cần điều chỉnh mức giá công bằng hơn giữa các hộ nhóm 5 với nhóm 6, nhất là không nên tính đồng giá giữa các hộ sử dụng dưới 500kWh và hộ sử dụng hàng nghìn kWh.

Trao đổi với Báo điện tử Dân Việt, GS. Trần Đình Long, Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam cho rằng, với dự thảo này có thể thấy Bộ Công Thương không tiếp tục đẩy mạnh việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, người càng dùng nhiều điện sẽ càng phải trả phí cao. Ngược lại, người nghèo và người sử dụng ít điện sẽ được hỗ trợ.

"Biểu giá có 5 mức, từ 0 – 50 KWh sẽ được hỗ trợ giá thấp hơn trung bình nhưng cũng cần có quy định cụ thể là giá thấp hơn trung bình bao nhiêu? Nếu các bậc sau từ 300 kWh trở lên mà để giá cao thì sẽ khuyến khích cho người sử dụng tiết kiệm điện hơn và vẫn trong nguyên tắc tổng doanh thu điện năng dùng cho điện sinh hoạt mà EVN thu về không thay đổi”, ông Long phân tích.

Cũng theo ông Long, việc đưa ra các biểu giá bán lẻ điện ở mức độ nào là do quyết định của nhà quản lý, nhưng nếu muốn khuyến khích người tiêu dùng sử dụng tiết kiệm điện nhiều hơn thì cần điều chỉnh biểu mức “mạnh” hơn nữa, tức là từ sau 500 kWh cho tới 1.000 KWh thì người dùng sẽ phải trả giá điện cực cao.

“Nguyên tắc điều tiết là giá chênh lệch càng nhiều thì điều tiết càng mạnh và có tác dụng tiết kiệm điện càng cao, từ đó việc giúp đỡ cho hộ nghèo càng nhiều hơn”, ông Long nhấn mạnh.

Tăng giá điện mức thấp nhất

Trước đó, vào ngày 08/11/2017, tại cuộc họp với Ban Chỉ đạo điều hành giá, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã yêu cầu Bộ Công thương khẩn trương hoàn thiện phương án điều chỉnh giá điện trình Chính phủ quyết định. Trường hợp cần thiết phải tăng giá điện, cần cân nhắc điều chỉnh ở mức thấp nhất có thể, đồng thời kết hợp đồng bộ với các giải pháp hỗ trợ tăng trưởng khác để bù đắp cho mức giảm tốc độ tăng GDP tương ứng.

Tại Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg, EVN được điều chỉnh tăng hoặc giảm giá bán điện bình quân trong phạm vi khung giá do Thủ tướng Chính phủ quy định. Nếu giá điện bình quân giảm so với giá bán điện bình quân hiện hành và trong khung giá quy định, EVN có trách nhiệm giảm giá bán điện bình quân ở mức tương ứng.

Trường hợp giá bán điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 3% đến dưới 5%, EVN được quyết định điều chỉnh tăng giá bán điện bình quân ở mức tương ứng. Sau khi tăng hay giảm giá, Tập đoàn Điện lực Việt Nam lập hồ sơ báo cáo Bộ Công thương và Bộ Tài chính để kiểm tra, giám sát.

Trường hợp giá bán điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 5% đến dưới 10%, EVN được phép điều chỉnh tăng giá bán điện sau khi báo cáo và được Bộ Công Thương chấp thuận. Trong thời hạn 15 ngày làm việc, Bộ Công thương có trách nhiệm trả lời bằng văn bản để EVN thực hiện.