2014 - 2015 xử lý cơ bản nợ xấu: Xóa ám ảnh “cục máu đông”

Theo daidoanket.vn

(Tài chính) Để gấp rút xử lý nợ xấu, Ngân hàng nhà nước (NHNN) vừa ra công lệnh các ngân hàng phải đánh giá lại thực trạng của từng khoản nợ xấu.

2014 - 2015 xử lý cơ bản nợ xấu: Xóa ám ảnh “cục máu đông”
Bán nợ cho nước ngoài để xử lý nợ xấu là giải pháp được nhiều nước trên thế giới lựa chọn. Nguồn: internet
Theo đó trong văn bản số 8421/NHNN do thống đốc Nguyễn Văn Bình ký yêu cầu các ngân hàng thương mại đánh giá chất lượng tín dụng của các khoản nợ cụ thể như nợ xấu cấp tín dụng,; nợ xấu mua trái phiếu doanh nghiệp (DN); nợ xấu phân loại theo nhóm nợ, giá trị tài sản bảo đảm và số tiền trích lập dự phòng rủi ro cụ thể tương ứng với từng nhóm nợ; nợ xấu phân loại theo tài sản bảo đảm, nợ xấu không có tài sản bảo đảm; nợ xấu phân loại theo ngành nghề…

Trước đó, một trong những nhiệm vụ then chốt mà Quốc hội giao cho ngành ngân hàng là tập trung chỉ đạo, điều hành tăng tính ổn định vững chắc kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Đồng thời, tập trung xử lý những hạn chế, yếu kém, nhất là ổn định và lành mạnh hóa thị trường tài chính, nâng cao tính minh bạch của DN, xử lý cơ bản nợ xấu DN, nợ xấu ngân hàng, nợ đọng xây dựng cơ bản và xử lý các công trình xây dựng dở dang.

Theo số liệu NHNN, nợ xấu toàn ngành ngân hàng chiếm 4,62% tổng dư nợ. Tỷ lệ trên giảm nhẹ so với mức 4,64% cuối tháng 8/2013, nhưng tăng 20,20% so với cuối năm 2012. NHNN đánh giá tốc độ tăng nợ xấu bình quân trong 9 tháng đầu năm 2013 đã giảm so với năm 2012. Ngoài ra theo NHNN, nếu không thực hiện Quyết định số 780/QĐ-NHNN cho phép cơ cấu lại nợ và không xử lý bằng dự phòng rủi ro trong năm 2012 và 9 tháng đầu năm 2013, thì nợ xấu toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đến cuối tháng 10/2013 lên tới 12,7%.

 Để xử lý nợ xấu thành công, theo ông Phạm Duy Hiếu (Tổng Giám đốc Ngân hàng An Bình - ABBank), ngoài việc thu được tiền mặt và tài sản cấn trừ nợ, ngân hàng cần phải cơ cấu lại nợ và tìm giải pháp để khách hàng trả được nợ theo cơ cấu mới. Đồng thời, ngân hàng cần có đánh giá linh hoạt hơn cho từng khoản nợ, tuy nhiên cũng nên có chừng mực nhất định. 

Theo TS. Cấn Văn Lực, bán nợ cho nước ngoài để xử lý nợ xấu là giải pháp được nhiều nước trên thế giới lựa chọn. Đơn cử, Hàn Quốc, Trung Quốc đã bán nhiều tỷ USD nợ xấu cho nước ngoài. Tại một số quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, 60 - 70% nợ xấu cũng được nước ngoài mua lại. Hiện nay có rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm tới nợ xấu Việt Nam và đó là tiền đề tốt để xử lý nhanh nợ xấu. Vì vậy muốn đánh tan "cục máu đông” cần phải có các thủ tục mua bán nợ xấu cũng cần đơn giản hơn để khuyến khích các nhà đầu tư ngoại tham gia. 

Chuyên gia kinh tế Trương Thanh Đức trao đổi, nợ xấu với các tài sản thế chấp là bất động sản đang khiến cho ngân hàng đứng ngồi không yên. Hiện giá trị các tài sản này giá thấp còn khoảng một nửa so với ngân hàng định giá khi nhận thế chấp. Nếu như thị trường bất động sản phục hồi chậm, thì xử lý nợ xấu gặp nhiều rủi ro. Xử lý nợ xấu bình thường đã rất khó khăn nay lại còn khó hơn khi hệ thống pháp lý đang bất ổn chưa kiện toàn.

Ví dụ khi công ty A thế chấp một tài sản tại ngân hàng B thì ngân hàng B buộc phải nắm đầy đủ các loại giấy, công chứng giao dịch bảo đảm đã đăng ký thế chấp, đã làm đầy đủ thủ tục pháp lý. Nhưng đến khi ngân hàng cần thu nợ thì thì ngân hàng không có quyền gì đối với các loại tài sản này mà hoàn toàn phụ thuộc vào chủ sở hữu tài sản.  Nếu  công ty A không hợp tác thì ngân hàng không thể thu giữ tài sản, không bán được tài sản và khi nhờ đến cơ quan pháp luật. Và để đưa được tài sản đó ra phát mãi thì cũng mất đi quãng thời gian chừng vài năm.

Khoản nợ xấu đã vô cùng trầm trọng trong khi ngân hàng có thể xử lý những tài sản có giấy tờ đầy đủ trong vòng vài tháng thì nay mất đến vài năm. Ông Đức khẳng định, phải hoàn thiện khung pháp lý, các thủ tục mua bán phải nhanh gọn để rút ngắn thời gian xử lý nợ xấu.