4 động lực chính tạo lực đẩy cho nền kinh tế trong quý I/2018

Hà Phương

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2018 tăng tới 7,38% so với cùng kỳ năm 2017. Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đánh giá, đây là mức tăng cao nhất trong vòng 10 năm qua.

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2018 tăng tới 7,38% so với cùng kỳ năm 2017.
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2018 tăng tới 7,38% so với cùng kỳ năm 2017.

Lạm phát trong tầm kiểm soát

Tại phiên Họp báo Chính phủ diễn ra tối 2/4, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đã chỉ ra 4 động lực chính tạo ra lực đẩy cho nền kinh tế trong 3 tháng đầu năm 2018. Đó là các ngành Công nghiệp và xây dựng, tăng 9,70%; Chế biến chế tạo với chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 13,9%; Nông lâm nghiệp, thủy sản tăng 4,05%; Dịch vụ tăng 6,70%. 

Người phát ngôn Chính phủ cho rằng, tăng trưởng đạt mức cao song lạm phát trong tầm kiểm soát. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2018 giảm 0,27% so với tháng trước (cùng kỳ tăng 0,21%). Như vậy, CPI bình quân quý I/2018 tăng 2,82% so với bình quân cùng kỳ năm 2017 và tăng 0,97% so với tháng 12/2017, tăng 2,66% so với cùng kỳ năm trước.

Điểm sáng trong bức tranh kinh tế quý I/2018 chính là tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt mức tăng 9,9% (cùng kỳ tăng 6,4%). Điều này cho thấy tổng cầu, sức mua của người dân tiếp tục được cải thiện đáng kể. 

“Nikkei vừa công bố chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 3/2018 của Việt Nam đạt 51,6 điểm, mặc dù giảm so với tháng 2, nhưng là một trong 2 nước của Đông Nam Á có điểm số cao nhất trên 50 điểm (Myanmar đạt 53,7 điểm)”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.

Phân tích thêm về bức tranh kinh tế quý I, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lê Quang Mạnh cho rằng, tăng trưởng quý I/2018 đang tiếp nối đà tăng của quý III/2017 và quý IV/2017. Đây sẽ là lực đẩy quan trọng cho các quý tiếp theo của năm 2018.

Phấn đấu tăng trưởng đạt tối thiểu 6,7%

Mặc dù, bối cảnh quốc tế và trong nước nhiều thuận lợi nhưng Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lê Quang Mạnh cũng chỉ ra những nguy cơ có thể tác động xấu đến tăng trưởng trong những tháng tiếp theo. Đó là chu kỳ biến động tăng trưởng kinh tế quốc tế sau 10 năm có thể có suy thoái. Hơn nữa, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất điều hành sẽ gây áp lực lớn lên điều hành tỷ giá, lãi suất trong nước. 

Truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, tại buổi Họp báo Chính phủ, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, Chính phủ thống nhất mục tiêu phấn đấu năm 2018 GDP đạt mức tối thiểu 6,7%, thậm chí cao hơn để tạo đà cho năm 2019 và các năm tiếp theo. 

Để đạt được mục tiêu trên, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương khẩn trương thực hiện hiệu quả các giải pháp tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2018 của Chính phủ, đồng thời tăng cường đôn đốc, kiểm tra, khắc phục tình trạng trì trệ trong thực hiện nhiệm vụ và quyết liệt hành động, tạo chuyển biến mạnh mẽ, đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực.

 “Chính phủ sẽ tiếp tục coi công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp luật, cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh là ưu tiên hàng đầu trong năm 2018 và các năm tiếp theo. Khẳng định điều này, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, “các cơ chế, chính sách, quy định pháp luật nào không còn phù hợp, cản trở đối với phát triển kinh tế - xã hội cần phải sửa ngay nhằm tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh, thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh”.