“4 lý do không nên nâng mức giảm trừ gia cảnh”

VnEconomy

Nội dung phiên thảo luận về Dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân vẫn được tập trung góp ý chủ yếu ở việc nâng mức giảm trừ gia cảnh từ 4 triệu đồng lên 9 triệu đồng cho người nộp và cho mỗi người phụ thuộc từ 1,6 lên 3,6 triệu đồng.

“4 lý do không nên nâng mức giảm trừ gia cảnh”
Nộp thuế là quyền lợi và nghĩa vụ của mọi công dân
Mức giảm trừ này đã nhận được sự tán thành của đa số ý kiến thảo luận tại tổ và cả ở phiên họp sáng nay.
Duy nhất, đại biểu Phạm Xuân Thường (Thái Bình) đã cho biết “tôi có ý kiến ngược lại” ngay câu mở đầu phần phát biểu của mình.
Có 4 lý do khiến đại biểu Thường không đồng tình nâng mức giảm trừ gia cảnh vào thời điểm hiện nay.
Thứ nhất, báo cáo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 12 khi thông qua Luật Thuế thu nhập cá nhân hiện hành đã nêu, việc xác định mức giảm trừ gia cảnh giảm trừ cá nhân 4 triệu đồng/tháng là đã tính đến yếu tố phát triển kinh tế, xã hội, chính sách tiền lương, giá cả năm 2009 và mức này sẽ giữ ổn định một thời gian. Vì vậy, trong thời gian đầu khi luật có hiệu lực những người có thu nhập thấp và trung bình trong xã hội sẽ không thuộc diện chịu thuế. Sau này cùng với việc tăng trưởng kinh tế thu nhập của người dân sẽ tăng dần khi đó 4 triệu đồng/tháng sẽ là mức thu nhập phổ biến và nhiều người có thu nhập trung bình trong xã hội có điều kiện để thực hiện nghĩa vụ đóng thuế cá nhân cho nhà nước và những người có thu nhập thấp vẫn không phải nộp thuế.

Do vậy, đại biểu này cho rằng “nếu như bây giờ nâng mức giảm trừ gia cảnh có nghĩa là giảm từ 3,87 triệu người phải nộp thuế xuống còn 1 triệu thì mục tiêu của luật không đạt được”.

Thứ hai là báo cáo của Chính phủ nêu rất rõ là mức giảm trừ gia cảnh của Việt Nam hiện nay bằng khoảng 1,7 GDP bình quân đầu người. Trong khi đó các nước ở khu vực như Trung Quốc là 1,23, Indonesia là 0,5 và Malaysia là 0,3, như vậy là mức giảm trừ của Việt Nam đã cao gấp 5 lần mức giảm trừ gia cảnh của Malaysia.
“Tôi cho mức này của chúng ta là hợp lý”, ông Thường phân tích.

Thứ ba, hiện nay có 3,87 triệu người nộp thuế và chủ yếu mức thu nhập của họ từ 5 - 7 triệu, như vậy mỗi tháng nộp khoảng 50.000 - 150.000 đồng. Quốc hội đã quyết định tăng lương từ 1/7/2013, như vậy mỗi người sẽ tăng lên được khoảng từ 500.000 - 800.000 đồng và nếu như có nộp thì cũng không ảnh hưởng gì nhiều đến cuộc sống của người nộp thuế.

Thứ tư, nếu nâng mức giảm trừ gia cảnh thì sẽ giảm thu cho ngân sách 5.200 tỷ đồng trong 6 tháng cuối năm 2012 và 13.350 tỷ đồng trong năm 2014. Nhưng hiện nay còn quá nhiều các công trình dang dở, nếu bỏ nguồn ngân sách ra để thực hiện các công trình dang dở thì chúng ta sẽ tiết kiệm được rất nhiều và cũng không gây bức xúc cho người dân như hiện nay.
“Cho nên, chúng tôi đề nghị chúng ta chưa giảm trừ gia cảnh là vì vậy” đại biểu Thường chốt lại.

Rất chia sẻ băn khoăn của đại biểu Thường, song đại biểu Trần Du Lịch vẫn bày tỏ sự ủng hộ với việc nâng mức giảm trừ gia cảnh, cùng với những kiến giải ở góc độ khác.
Đầu tiên, theo ông, việc ban hành Luật Thuế thu nhập cá nhân nằm trong lộ trình cải cách thuế của Chính phủ giai đoạn 2001 – 2010, trong đó có luật thuế thu nhập cá nhân ra đời thay cho Pháp lệnh thuế thu nhập cao. Tuy nhiên khi thực hiện thì dường như những điều kiện để thực thi không bảo đảm do đó gây những bức xúc mà yêu cầu cuộc sống phải xử lý vấn đề giảm trừ gia cảnh.
Đại biểu Lich cho biết, kinh nghiệm thế giới khi đánh thuế thu nhập cá nhân bao giờ cũng kèm theo 3 điều kiện:
Điều kiện thứ nhất là tùy thuộc vào tình hình phát triển kinh tế GDP tính theo đầu người.
Điều kiện thứ hai là khả năng kiểm soát thu nhập để tạo công bằng trong hành thu.
Điều kiện thứ ba là phúc lợi xã hội, phúc lợi công cộng tăng lên để người dân chi cho các dịch vụ công cộng giảm đi và họ dùng thu nhập sau thuế để chi chủ yếu cho phúc lợi cá nhân.
Đối chiếu ba điều kiện này như ở Việt Nam thì tăng trưởng kinh tế có tăng nhưng lạm phát cao ngay thời điểm áp dụng thuế .

Thứ hai, khả năng hành thu, chỉ thu được những người làm công ăn lương, những người thu nhập không thể trốn được, còn thu nhập tự do như thu nhập khác thì không kiểm soát được, tạo bức xúc, bất công.
Thứ ba, từ học hành đến y tế, tất cả đều dùng thu nhập cá nhân để chi hết, phúc lợi công cộng không tăng lên được. Do đó những điều kiện như vậy để thực hiện Luật thuế thu nhập cá nhân đúng bản chất của nó là không phù hợp, đại biểu Lịch nhấn mạnh.
Ông Lịch cũng nhấn mạnh, nếu nói thẳng rằng lần này sửa thuế thu nhập cá nhân nhưng bản chất là nâng từ Pháp lệnh Thuế thu nhập của người thu nhập cao thì sẽ không băn khoăn.
Về thời điểm áp dụng luật, ông Lịch cũng đồng tình với một số ý kiến nên bắt đầu từ 1/1/2013. Tuy nhiên, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân xin giữ thời điểm luật có hiệu lực từ 1/7/2013 như dự thảo luật và đã được nhiều vị đại biểu đồng ý.