46.000 tỷ đồng chi phí khám bệnh, chữa bệnh qua Cổng dữ liệu Hệ thống thông tin giám định BHYT

PV.

Từ ngày 1/1 đến ngày 11/6/2018, cả nước có hơn 73,5 triệu hồ sơ được 12.307 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh gửi lên Cổng dữ liệu Hệ thống thông tin giám định bảo hiểm y tế với tổng số chi phí khám bệnh, chữa bệnh tương ứng trên 46.000 tỷ đồng.

Từ ngày 1/1 - 11/6/2018, cả nước có hơn 73,5 triệu hồ sơ được 12.307 cơ sở khám, chữa bệnh gửi lên Cổng dữ liệu Hệ thống thông tin giám định BHYT.
Từ ngày 1/1 - 11/6/2018, cả nước có hơn 73,5 triệu hồ sơ được 12.307 cơ sở khám, chữa bệnh gửi lên Cổng dữ liệu Hệ thống thông tin giám định BHYT.

Theo thông tin từ Cổng tiếp nhận dữ liệu Hệ thống thông tin giám định bảo hiểm y tế (BHYT) của Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam, từ ngày 1/1 đến ngày 11/6/2018, cả nước có hơn 73,5 triệu hồ sơ được 12.307 cơ sở khám, chữa bệnh (KCB) gửi lên Cổng với tổng số chi phí KCB tương ứng trên 46.000 tỷ đồng. 

Trong đó, hơn 72,5 triệu hồ sơ đã được gửi sang đề nghị giám định thanh toán với tổng số tiền đề nghị thanh toán trên 45.000 tỷ đồng. Tỷ lệ liên thông dữ liệu toàn quốc đạt 97,6% (12.307 cơ sở KCB gửi dữ liệu/12.614 cơ sở KCB ký hợp đồng KCB BHYT).

Bộ Y tế cho biết, Bộ này đã và đang triển khai quyết liệt ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý KCB và thanh toán BHYT trong toàn Ngành với mục tiêu cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm công khai, minh bạch trong cung ứng dịch vụ y tế, giám định chi phí, thanh toán BHYT góp phần tăng độ chính xác và hiệu quả trong quản lý nhà nước về BHYT. 

Từ năm 2015, Bộ Y tế, BHXH Việt Nam và các đơn vị cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin đã phối hợp chặt chẽ trong việc xây dựng và hoàn thành các nội dung chuyên môn kỹ thuật như: Ban hành bộ mã danh mục dùng chung áp dụng trong KCB và thanh toán BHYT, chuẩn dữ liệu đầu ra thanh toán BHYT, Thông tư số 48/2017/TT-BYT quy định trích chuyển dữ liệu điện tử trong quản lý, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT và các văn bản hướng dẫn thực hiện. 

Việc sớm triển khai ứng dụng công nghệ thông tin đặc biệt quan trọng trong việc đảm bảo tính kịp thời, minh bạch trong giám định và thanh toán chi phí; đảm bảo việc quản lý sử dụng dịch vụ y tế khi thông tuyến KCB, đảm bảo kiểm soát việc tiếp cận và cung ứng dịch vụ y tế đối với người có thẻ BHYT là phù hợp, hiệu quả, tránh lạm dụng từ phía người bệnh và người cung cấp dịch vụ.

Theo thống kê của Vụ BHYT (Bộ Y tế), đến hết năm 2017 có 79,9 triệu người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ 85,6% dân số; ước đến 31/5/2018 có 81,3 triệu người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ 86,6% dân số, hoàn thành chỉ tiêu của Đảng, Quốc hội giao trước 4 năm (Đảng, Quốc hội giao tỷ lệ bao phủ BHYT năm 2020 là trên 80%), vượt chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao (năm 2017 Thủ tướng giao 82,2%).