Ẩn họa sở hữu chéo!

Theo tinnhanhchungkhoan.vn

Sở hữu chéo đang thiên biến vạn hóa và luôn ẩn họa gây lũng đoạn thị trường tài chính, trong đó có thị trường chứng khoán (TTCK), nhưng quy định pháp lý lại đang có khoảng hở đáng ngại.

 Ẩn họa sở hữu chéo!
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
“Đường đi mới” của tiền từ ngân hàng vào chứng khoán

Sở hữu chéo trong lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm đang diễn biến ngày một nghiêm trọng và tinh vi. Trong đó, nổi cộm nhất là một nhóm NĐT thông qua sở hữu chéo để tìm cách lũng đoạn các tổ chức tín dụng (TCTD), TTCK… Đây là điểm chung trong nhiều đánh giá của các chuyên gia tại Hội thảo “Rủi ro sở hữu chéo và đầu tư chéo: thực trạng và giải pháp cho thị trường tài chính Việt Nam”, do Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia tổ chức vừa diễn ra.

Nghiên cứu mới nhất của các chuyên gia cho thấy, ngoài các hình thức bơm tiền từ ngân hàng vào chứng khoán theo những con đường truyền thống như: ngân hàng cho CTCK, công ty quản lý quỹ (QLQ), NĐT vay tiền; ngân hàng bơm tiền vào chứng khoán thông qua công ty con là CTCK, công ty QLQ, thì đã lộ diện “đường đi mới” của dòng tiền từ các TCTD chảy vào chứng khoán.

Ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chính sách công, Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright dẫn chứng, để vô hiệu hóa các quy định về đảm bảo an toàn vốn trong lĩnh vực ngân hàng, cũng như các quy định về công bố thông tin trên TTCK, thông qua sở hữu chéo, dòng tiền từ ngân hàng đang được bơm vào chứng khoán tinh vi hơn. Ví dụ, Ngân hàng A do đã hết hạn mức cho vay chứng khoán, nên không thể cho vay tiếp. Họ sẽ thông qua thị trường liên ngân hàng để đẩy vốn vào Ngân hàng B, vẫn còn hạn mức cho vay chứng khoán. Tiền từ Ngân hàng B ngoài cách chảy vào chứng khoán theo phương thức truyền thống là cho CTCK, công ty QLQ, NĐT vay, thì còn một cách mới tinh vi hơn là cho công ty đầu tư tài chính (thường là sân sau của các ngân hàng, nhân sự chủ chốt tại ngân hàng) vay. Tiếp đó, tiền từ công ty đầu tư tài chính thoải mái chảy vào chứng khoán. Sở dĩ xảy ra tình trạng này, bởi về bản chất công ty đầu tư tài chính là một định chế tài chính, nhưng hiện nó không bị điều chỉnh bởi Luật Các tổ chức tín dụng.

“Đáng ngại hơn, do công ty đầu tư tài chính đa phần không phải là công ty đại chúng, DN niêm yết, nên theo quy định về công bố thông tin trên TTCK, các hoạt động giao dịch của tổ chức này, cũng như những người có liên quan không phải công bố thông tin”, ông Thành nói.

Khẳng định Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) đã nhận diện được mạng lưới sở hữu chéo giữa các thành viên trên TTCK, đặc biệt là dòng vốn đầu tư thông qua vai trò trung gian là các tổ chức kinh doanh chứng khoán, ông Nguyễn Thành Long, Vụ trưởng Vụ Quản lý quỹ, UBCK cho biết, năm 2012, Bộ Tài chính, UBCK đã hoàn thiện các quy định nhằm minh bạch hóa dòng vốn này.

Các chuyên gia cũng cảnh báo, vì dòng tiền từ ngân hàng chảy qua các tổ chức kinh doanh chứng khoán đang bị chặn lại, nên ngoài tìm cách chảy qua các công ty đầu tư tài chính, nó còn biến tướng thông qua các hình thức đẩy vốn vào các loại hình DN khác, thậm chí cho cá nhân vay để chảy vào chứng khoán.

Ông Bùi Huy Thọ, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý cấp phép các TCTD và hoạt động ngân hàng, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng (NHNN) cho biết, hiện trạng sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng thể hiện qua 7 hình thái: các TCTD góp vốn qua lại với nhau và với các công ty con của nhau; một TCTD sở hữu cổ phần tại nhiều TCTD khác; một ngân hàng cùng với các cổ đông của ngân hàng sở hữu cổ phần tại nhiều TCTD khác; ngân hàng mua trái phiếu của công ty con hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán, bảo hiểm, hoặc đặt cọc, ủy thác đầu tư qua công ty con. Ngược lại, các công ty con thực hiện nhiều giao dịch như gửi tiền hoặc sở hữu cổ phiếu của chính ngân hàng…

Cuộc chiến gay cấn

Để ngăn chặn và đẩy lùi ẩn họa sở hữu chéo, các chuyên gia kiến nghị, cần sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng và các văn bản pháp lý liên quan, theo hướng đưa hoạt động của các công ty đầu tư tài chính vào đối tượng điều chỉnh của Luật này. Cũng cần đưa ra cơ chế xác định rõ chủ sở hữu đích thực của TCTD và người có liên quan.

Theo ông Thành, thay vì người có liên quan như quy định hiện hành chỉ dừng lại ở quan hệ huyết thống, cần bổ sung quy định về người có liên quan ở phương diện quan hệ lao động. Thực tế, ông chủ của một ngân hàng thuê người lao động làm chủ tịch HĐQT, tổng giám đốc, hoặc các chức danh khác và đứng tên sở hữu cổ phần cho mình, dẫn tới tình trạng không minh bạch trong hoạt động của các TCTD, gây rủi ro an toàn hệ thống cho thị trường tài chính.

“Về dài hạn, pháp luật cần bổ sung quy định về ‘người sở hữu cuối cùng’ và trao cho Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng quyền xác định đối tượng này…”, ông Thọ khuyến nghị và đề xuất thêm, cũng cần có cơ chế để xác định danh sách cổ đông cần đặc biệt quan tâm và giám sát chặt chẽ quan hệ tín dụng của các đối tượng này…

Để kiểm soát sở hữu chéo trong lĩnh vực chứng khoán, nhất là tại các CTCK, công ty QLQ, ông Long cho biết, Nghị định 58/2012 của Chính phủ đã có quy định hạn chế sở hữu chéo giữa các tổ chức kinh doanh chứng khoán. Bộ Tài chính ban hành Thông tư 210/2012 và Thông tư 212/2012. Trong đó, có các quy định yêu cầu báo cáo, đề nghị chấp thuận đối với các giao dịch lớn, chiếm từ 10% trở lên vốn điều lệ, hoặc dẫn đến tỷ lệ sở hữu của một cổ đông vượt quá hoặc xuống dưới các mức sở hữu 10%, 25%, 50% và 75% vốn điều lệ của  DN… Thông tư 226/2010 về các chỉ tiêu an toàn tài chính của tổ chức kinh doanh chứng khoán cũng yêu cầu các tài sản đầu tư phát hành bởi người có liên quan đều bị trừ ra khỏi vốn khả dụng. Điều đó hạn chế việc sử dụng nguồn vốn của công ty để đầu tư ngược trở lại người có liên quan.

Riêng đối với việc quản lý dòng vốn đầu tư từ các ngân hàng thông qua các tổ chức kinh doanh chứng khoán (đầu tư chéo), Thông tư 212/2012 đã có các quy định nhằm làm lộ diện, từ đó kiểm soát chặt hoạt động này. Cụ thể, trừ trường hợp đầu tư vào chứng khoán niêm yết, nếu là đầu tư vào các tài sản khác, thì khách hàng ủy thác, đặc biệt là các ngân hàng, phải tự đứng tên chủ sở hữu. Ngược lại, nếu ngân hàng yêu cầu công ty QLQ đứng tên, thì phải chỉ định rõ danh mục đầu tư, tự chịu trách nhiệm về tỷ trọng đầu tư phù hợp với quy định pháp luật chuyên ngành, đặc biệt trong việc tuân thủ các quy định về hạn chế cho vay, đầu tư ngược trở lại vào các công ty là người có liên quan, kể cả việc lấy ý kiến chấp thuận của NHNN, hay tuân thủ chế độ báo cáo sở hữu, công bố thông tin theo quy định pháp luật chứng khoán.

“Việc triển khai áp dụng các quy định mới khiến lượng vốn từ ngân hàng chảy vào các tổ chức là người có liên quan (đầu tư chéo) dưới hình thức ủy thác đã chấm dứt. Điều này dẫn tới tổng lượng vốn ủy thác từ các ngân hàng qua các công ty QLQ đã giảm tới 80% so với cuối năm 2012…”, ông Long nói và cho biết thêm, UBCK cũng đang xây dựng hệ thống công nghệ thông tin, trong đó có hạng mục quản lý tỷ lệ sở hữu, mà trước mắt là áp dụng đối với CTCK, công ty QLQ, tiến tới quản lý tỷ lệ sở hữu của các DN đại chúng, từng bước giám sát sở hữu trực tiếp trên toàn thị trường.

Ngoài ra, để xử lý tận gốc, UBCK kiến nghị NHNN bổ sung quy định  hướng dẫn hoạt động ủy thác đầu tư từ các NHTM, trong đó quy định rõ những tổ chức nào đươc phép tiếp nhận vốn ủy thác từ ngân hàng. Do hoạt động quản lý ủy thác là nghiệp vụ cấp phép, vì vậy không nên ủy thác cho cá nhân, tổ chức không được cấp phép quản lý.