Tính đến thời điểm hiện tại, VSD mới có hơn 6 năm trưởng thành và phát triển. Xin bà điểm lại khái quát chặng đường nói trên của VSD?

Ngày 01/05/2006, VSD chính thức đi vào hoạt động, cụ thể hóa Quyết định 189/2005/QĐ-TTg, ngày 27/7/2005 của Thủ tướng Chính phủ. Với nhiệm vụ then chốt là tổ chức cung cấp các dịch vụ đăng ký, lưu ký, bù trừ, thanh toán chứng khoán và các dịch vụ hỗ trợ việc giao dịch mua, bán chứng khoán, tính đến nay, VSD có hơn 6 năm đồng hành cùng sự phát triển của thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam. Hiện VSD đã kết nối và thực hiện quản lý trên 1,2 triệu tài khoản giao dịch, trong đó có hơn 15.000 tài khoản của nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài, kết nối chặt chẽ với 103 công ty chứng khoán; đăng ký cho cổ phiếu của gần 1.000 công ty đại chúng, trong đó có trên 700 công ty đã niêm yết trên 2 Sở giao dịch chứng khoán (SGDCK), gần 150 công ty đăng ký giao dịch trên thị trường UpCom và trên 80 công ty chỉ đăng ký chứng khoán tại VSD mà chưa đăng ký niêm yết/ đăng ký giao dịch trên SGDCK.

Ngày 29/7/2009, Trung tâm đã được chuyển đổi mô hình từ đơn vị sự nghiệp có thu sang hoạt động theo mô hình công ty TNHH một thành viên thuộc sở hữu Nhà nước. Hơn ba năm qua, VSD đã có một bước chuyển căn bản về mặt tổ chức điều hành theo thông lệ quốc tế, nhằm tạo sự chủ động trong phát triển nguồn nhân lực, đầu tư hạ tầng kỹ thuật và hướng đến mục tiêu xây dựng một Trung tâm Lưu ký Chứng khoán chuyên nghiệp, khẳng định vai trò quan trọng không thể thiếu trong việc đảm bảo sự vận hành an toàn và thông suốt cho TTCK Việt Nam.

Giữ vị trí then chốt như vậy với thị trường, tuy nhiên vai trò của VSD lại thầm lặng hơn một số thành viên khác. Bà có thể nói rõ hơn về điều này?

Với chức năng chính là hỗ trợ xử lý các hoạt động sau giao dịch, hoạt động của VSD đã thực sự giúp giảm thiểu chi phí và nâng cao năng lực xử lý của toàn thị trường. Trên TTCK, VSD có vị trí đặc biệt, là tổ chức thực hiện lưu giữ khối lượng các loại chứng khoán với giá trị rất lớn của NĐT trong đó có cả các định chế tài chính quan trọng của Nhà nước như Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), Kho bạc Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước và là tổ chức quản lý hệ thống thanh toán chứng khoán quốc gia. Bởi vậy, với VSD, việc đảm bảo chính xác, kịp thời, trong các giao dịch phát hành, chuyển nhượng, bù trừ, thanh toán chứng khoán, đảm bảo an toàn về tài sản và quyền lợi của NĐT là một trong những yêu cầu quan trọng hàng đầu. Tuy đây là những “mảng chìm” trong các hoạt động của thị trường song những dịch vụ mà VSD cung cấp lại quyết định sự vận hành ổn định giúp kiểm soát các rủi ro mang tính hệ thống của thị trường. Do vậy, có thể nói đây là công việc thầm lặng nhưng lại rất có ý nghĩa.

Được biết, vừa qua VSD đã tham gia đưa tín phiếu Kho bạc lên thị trường thứ cấp và chuẩn bị cung cấp sản phẩm hỗ trợ giao dịch chứng chỉ quỹ ETF, Cụ thể những công việc mới này như thế nào, thưa bà?

Ngày 24/8/2012, tín phiếu Kho bạc Nhà nước đã chính thức lên giao dịch trên hệ thống giao dịch thứ cấp của SGDCK Hà Nội, góp phần tăng thanh khoản cho thị trường nợ Việt Nam.

Để phục vụ cho việc đăng ký, lưu ký tín phiếu Kho bạc, VSD đã xây dựng Quy chế mới quy định về việc đăng ký, lưu ký, thanh toán bù trừ tín phiếu, đồng thời chỉnh sửa Quy chế cấp mã chứng khoán hiện tại bổ sung thêm quy định về việc cấp mã đối với tín phiếu. Liên quan đến hệ thống lưu ký, VSD đã hoàn tất việc xây dựng thêm chức năng đăng ký, lưu ký, thanh toán bù trừ đối với tín phiếu trên hệ thống trao đổi dữ liệu giao dịch, thanh toán với SGDCK Hà Nội và Ngân hàng thanh toán là BIDV. Về việc đăng ký, VSD đã chỉnh sửa hệ thống, đẩy nhanh quy trình thực hiện việc đăng ký trái phiếu tại VSD để hoàn tất việc đăng ký tín phiếu đấu thầu vào ngày làm việc ngay sau ngày đấu thầu. Về việc lưu ký, hệ thống của VSD cho phép các thành viên có thể lưu ký tín phiếu trúng thầu vào tài khoản của Sở Giao dịch NHNN để giao dịch trên thị trường mở thay vì phải lưu ký tại tài khoản của thành viên lưu ký, sau đó mới làm thủ tục chuyển sang tài khoản của Sở Giao dịch NHNN.

Hiện nay, VSD cũng đang Sở Giao dịch NHNN hoàn thiện cơ chế phối hợp trong việc chuyển khoản chứng từ có giá phục vụ giao dịch trên thị trường mở (bao gồm cả trái phiếu và tín phiếu). Theo thỏa thuận giữa hai bên, VSD sẽ xây dựng công cụ để có thể nhận dạng mã chứng khoán, mã thành viên xây dựng cổng giao tiếp điện tử giữa Sở Giao dịch NHNN và VSD để hai bên có thể xử lý chứng từ chuyển khoản dưới dạng điện tử. Ngoài ra, hai bên cũng sẽ nghiên cứu chỉnh sửa, để thống nhất mẫu biểu chứng từ hiện hành để có thể áp dụng đồng thời tại 2 bên.

Sản phẩm chứng chỉ quỹ ETF hiện đang được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước dự thảo Thông tư để trình Bộ Tài chính. Theo dự thảo này, VSD đóng vai trò rất quan trọng trong việc cung cấp dịch vụ đăng ký, lưu ký, thanh toán bù trừ các đơn vị quỹ ETF, phân bổ và hoán đổi danh mục; dịch vụ quản trị quỹ, dịch vụ đại lý chuyển nhượng cho các đơn vị quỹ ETF. Hiện nay, chúng tôi đang triển khai các bước chuẩn bị sẵn sàng để đưa sản phẩm này ra thị trường khi khung pháp lý đã hình thành.

Vừa qua, VSD đã tiến hành ký kết với Standard Chartered nhằm phối hợp hỗ trợ và cung cấp dịch vụ đại lý chuyển nhượng cho các quỹ mở tại Việt Nam. Xin bà nói rõ hơn về mục tiêu mới này?

Nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành dịch vụ tài chính Việt Nam, đặc biệt là quản lý quỹ - một sản phẩm rất mới của thị trường, ngày 24/9/2012, VSD và Standard Chartered (Việt Nam) đã ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác để xây dựng và cung cấp dịch vụ đại lý chuyển nhượng cho các quỹ mở tại Việt Nam.

Dịch vụ đại lý chuyển nhượng bán lẻ là các dịch vụ cung cấp cho các quỹ mở để hỗ trợ cho hoạt động của NĐT cá nhân và đại lý phân phối. Dịch vụ này bao gồm việc lập và quản lý sổ chính; mở và quản lý hệ thống các tài khoản của NĐT; ghi nhận các lênh mua, lệnh bán, lệnh chuyển đổi và chuyển quyền sở hữu chứng chỉ quỹ; hỗ trợ NĐT thực hiện các quyền liên quan đến việc sở hữu chứng chỉ quỹ và cung cấp cho NĐT xác nhận giao dịch, sao kê tài khoản, các báo cáo và tài liệu khác.

Việc hợp tác này đánh dấu một bước tiến quan trọng trong quan hệ giữa hai tổ chức, mở rộng các dịch vụ cung cấp cho các quỹ mở, qua đó tạo điều kiện cho việc hình thành một luồng vốn dài hạn để đầu tư cho sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam, đồng thời hỗ trợ cho sự phát triển bền vững, lâu dài của các quỹ mở, tạo nền tảng cho việc đa dạng hóa ngành quản lý quỹ non trẻ tại Việt Nam.

Xin cảm ơn bà!

Bài đăng trên Tài chính Đầu tư 10-2012

An toàn hệ thống, ổn định thị trường

Hải Phan

(Tài chính) Đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của thị trường chứng khoán, gần đây vai trò của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) ngày càng nổi bật hơn với việc góp phần đưa tín phiếu Kho bạc lên thị trường thứ cấp và mới nhất là ký kết hợp tác với Stan­dard Chartered nhằm tăng cường xây dựng và cung cấp dịch vụ đại lý chuyển nhượng quỹ mở tại Việt Nam. Tài chính & Đầu tư đã có cuộc phỏng vấn bà Phương Hoàng Lan Hương, Tổng giám đốc Trung tâm xung quanh vấn đề trên.

Xem thêm

Video nổi bật