Áp dụng hoá đơn điện tử: Kinh nghiệm từ các nước

ThS. Đỗ Thị Thu Trang

Hiện nay, hoá đơn điện tử (HĐĐT) ngày càng được áp dụng rộng rãi nhằm mang lại tiện ích cho người sử dụng. Theo đó, hầu hết các quốc gia đều đã triển khai HĐĐT vào cả khu vực công và tư với mục tiêu thúc đẩy thương mại điện tử.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Giai đoạn triển khai
Nghiên cứu của Viện Chiến lược và chính sách tài chính (Bộ Tài chính) cho thấy, nhìn chung tại nhiều quốc gia, đối tượng áp dụng HĐĐT chủ yếu là doanh nghiệp, người bán hàng, dịch vụ và nhà cung cấp. Việc lập HĐĐT được áp dụng cho các đối tượng giao dịch B2G (giữa doanh nghiệp và Chính phủ), B2B (giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp), B2C (giữa doanh nghiệp và khách hàng cá nhân).
Theo đó, tại châu Âu, HĐĐT được sử dụng phổ biến ở các doanh nghiệp lớn. Cụ thể, tại Thụy Điển, HĐĐT được đưa vào triển khai từ cuối những năm 1980 cho đối tượng là doanh nghiệp. Sau khi Uỷ ban châu Âu (EC) xác định HĐĐT trở thành một phần của kế hoạch hành động châu Âu điện tử, thì đến năm 2014, Liên minh châu Âu (EU) đã ban hành một số chỉ thị yêu cầu chính quyền hành chính ở tất cả 28 quốc gia thành viên đến năm 2018 phải sử dụng HĐĐT B2G.
Trong khi đó, ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, việc áp dụng HĐĐT đang ở các giai đoạn khác nhau, mục đích là tạo điều kiện cho việc tuân thủ pháp luật thuế và cải thiện số thu thuế. Tại Trung Quốc, cùng với việc cải cách quản lý thuế, cơ quan chức năng đã điện tử hóa con dấu, chữ ký và hóa đơn thông qua công cụ xác nhận danh tính, giúp đảm bảo độ chính xác về thông tin.
Việc này cho phép cơ quan thuế có thể giám sát tức thì, thay vì giám sát hậu kỳ như trước đây. Cho đến nay, Trung Quốc áp dụng HĐĐT cho tất cả các doanh nghiệp. Mỗi hóa đơn đều có mã QR, con dấu của cơ quan thuế và hệ thống ký mã hiệu, dùng để quét thông tin trên từng hóa đơn. Thông qua HĐĐT, cơ quan thuế có thể kiểm tra được lượng hàng tồn kho của doanh nghiệp. Theo lộ trình, Trung Quốc đang thực hiện xây dựng ngành thuế điện tử nhằm thực hiện chiến lược số hóa quốc gia. 
Ở Singapore, ngay từ năm 2003 đã áp dụng HĐĐT. Theo đó, doanh nghiệp có thể phát hành HĐĐT mà không cần sự chấp thuận trước của cơ quan thu nội địa (IRAS), nhưng phải tuân thủ hướng dẫn lưu giữ hồ sơ đăng ký. doanh nghiệp cũng có thể thuê bên thứ ba tạo HĐĐT và tín dụng điện tử. Từ tháng 11/2008, các doanh nghiệp cung cấp hàng hóa và dịch vụ cho Chính phủ đã bắt buộc phải phát hành HĐĐT.
Tương tự, năm 2014 Indonesia đã xây dựng cơ sở pháp lý để từ 1/7/2016, HĐĐT được bắt buộc triển khai đối với toàn bộ các doanh nghiệp. Quy định này đã tránh được việc làm giả hóa đơn do để sử dụng HĐĐT, các doanh nghiệp phải thực hiện một số yêu cầu về cài đặt ứng dụng do Tổng cục Thuế cung cấp, sau đó doanh nghiệp sẽ nhận được “chứng chỉ điện tử”. Ngoài ra, HĐĐT còn giúp Indonesia giảm số hoàn thuế trong khi số thu thuế GTGT tăng lên.
Điều kiện đảm bảo và chế tài xử phạt
Theo ThS Phạm Thị Thu Hồng (Viện Chiến lược và chính sách tài chính), mỗi quốc gia có những cách thức lập HĐĐT riêng, nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người nộp thuế và cơ quan thuế. Ở Hàn Quốc, đến thời điểm này đã có khoảng 500.000 doanh nghiệp và 2,5 triệu hộ kinh doanh sử dụng HĐĐT. Việc lập HĐĐT được thực hiện theo 3 cách.
Thứ nhất, nếu lập trên hệ thống HomeTax, Mobile HomeTax của cơ quan thuế, người nộp thuế được miễn chi phí lập HĐĐT và không cần đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin. Thông tin hóa đơn được tự động gửi tới cơ quan thuế ngay khi người nộp thuế phát hành. Hiện, có khoảng 30% doanh nghiệp lựa chọn hình thức này.
Thứ hai, lập hóa đơn bằng cách gọi điện thoại tới hệ thống ARS và thực hiện theo hướng dẫn. Việc chứng minh tính hợp lệ của người bán được thực hiện bằng cách nhập thông tin trên thẻ bảo mật.
Thứ ba, lập hóa đơn trên hệ thống ERP, ASP (nhà cung cấp dịch vụ trung gian). Hệ thống ERP và ASP phải tuân thủ chuẩn dữ liệu hóa đơn thuế điện tử và chuẩn kết nối cơ quan thuế đã ban hành. doanh nghiệp cung cấp ASP phải gửi hóa đơn đã được phát hành tới cho cơ quan thuế sau 1 ngày.
Ở phần lớn các nước Mỹ La tinh, quy trình triển khai HĐĐT lại bắt đầu với đối tượng là người bán hàng và dịch vụ. Theo đó, người cung cấp hàng hoá và dịch vụ phải gửi một tệp hóa đơn tiêu chuẩn tới cơ quan thuế trung ương để phê duyệt trước khi hàng hóa và dịch vụ được bán ra.
Khi được chấp thuận, người bán in một bản sao của hóa đơn đã được phê duyệt và gửi cùng với hàng hóa được giao. Đồng thời, công ty bán hàng gửi cho đối tác HĐĐT được ủy quyền qua e-mail. Khi hàng hóa đến nơi, đối tác mua có thể xác nhận hóa đơn bằng cách kết hợp phiên bản điện tử nhận được thông qua e-mail với bản sao giấy nhận được cùng với hàng hóa hoặc dịch vụ.
Mặc dù được áp dụng rộng rãi nhưng phương thức áp dụng HĐĐT của các nước rất khác nhau. Một số quốc gia như Hàn Quốc, Indonesia áp dụng hình thức HĐĐT bắt buộc đối với tất cả các doanh nghiệp. Trong khi, Mexico hay Chi Lê lại yêu cầu áp dụng đối với một số nhóm doanh nghiệp có doanh thu trên ngưỡng quy định.
Còn Đan Mạch bắt buộc sử dụng HĐĐT cho một số loại hình giao dịch. Bên cạnh đó, để thúc đẩy việc sử dụng HĐĐT, một số nước áp dụng cơ chế khuyến khích, như cho phép giảm trừ vào nghĩa vụ thuế một số tiền nhất định cho mỗi HĐĐT sử dụng. Ngược lại, đối với những quốc gia yêu cầu bắt buộc, thì thường có chế tài đối với trường hợp không tuân thủ. 
Điển hình là tại Hàn Quốc, hành vi không lập HĐĐT, người bán bị phạt 2% trên giá trị giao dịch, người mua không được khấu trừ thuế. Nếu lập hóa đơn trong chu kỳ khai thuế (quý) nhưng sau thời gian quy định của ngày lập (sau ngày mồng 10 tháng sau), người bán, người mua đều bị phạt 1% giá trị giao dịch.
Nếu lập hoá đơn nhưng không cung cấp hàng hóa dịch vụ thì cả người bán và người mua đều bị phạt 2% giá trị giao dịch.
Nếu người bán chuyển hóa đơn cho cơ quan thuế sau từ 2 ngày phát hành trở lên và trước ngày 11 của tháng tiếp theo sẽ bị phạt 0,1% giá trị giao dịch đối với cá nhân, 0,5% giá trị giao dịch với tổ chức. Nếu người bán không chuyển hóa đơn cho cơ quan thuế trước ngày 11 của tháng tiếp theo sẽ bị phạt 0,3% đối với cá nhân, 1% đối với tổ chức.
Nếu không phát hành HĐĐT, không chuyển hóa đơn, chuyển hóa đơn muộn sẽ bị phạt 50 triệu KRW đối với doanh nghiệp nhỏ và 100 triệu KRW đối với doanh nghiệp vừa và lớn. Trường hợp doanh nghiệp cố tình vi phạm các quy định về HĐĐT thì không hạn chế mức phạt tối đa.