Áp lực tăng nóng nợ xấu: Mới chỉ… tạm lắng

Theo laodong.com.vn

(Tài chính) Các phân tích độc lập thuộc Vietcombank, ACB, Maybank – KimEng hay một số tổ chức đầu tư khác chỉ ra rằng, các điều chỉnh đối với Thông tư 02 áp dụng vào ngày 1/6 tới đây chỉ có tác dụng giảm áp lực nợ xấu và trích lập dự phòng trong ngắn hạn, đặc biệt với không ít các ngân hàng niêm yết.

Áp lực tăng nóng nợ xấu: Mới chỉ… tạm lắng - Ảnh 1

Ngay từ rất sớm, các phân tích độc lập thuộc Vietcombank, ACB, hay Maybank – KimEng đều nhìn nhận rằng, những thay đổi đối với Thông tư 02 vừa được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cụ thể hóa thông qua Thông tư 09, trong đó có việc cho phép các tổ chức tín dụng (TCTD) được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ trước khi cơ cấu như từng thực hiện theo tinh thần của Quyết định 780 sẽ giúp con số nợ xấu của các ngân hàng thương mại (NHTM) có thể thấp hơn so với việc áp dụng các quy định chặt chẽ về phân loại nợ như của thông tư 02 nếu chưa sửa đổi.

Một số các điều chỉnh khác như tạm hoãn việc sử dụng kết quả phân loại nợ của Trung tâm thông tin tín dụng (CIC), như phân tích của các đơn vị trên, cũng sẽ giúp giải tỏa áp lực về việc trích lập dự phòng và khiến kết quả kinh doanh của các ngân hàng trông sẽ tốt hơn. Quan trọng hơn, các TCTD đồng thời cũng tránh được cú sốc về nợ xấu tăng đột biến và lợi nhuận kế toán sụt giảm mạnh.

Dĩ nhiên các đánh giá lạc quan, như các đơn vị trên đây nhìn nhận, chỉ có giá trị trong ngắn hạn. Nhìn về dài hạn khi các điều chỉnh thời hạn không còn giá trị và các quy định khác trong Thông tư 02 chính thức có hiệu lực, áp lực và rủi ro nợ xấu đối với các ngân hàng vẫn hiển hiện.

Bản đánh giá tác động của các điều chỉnh vừa được chứng khoán Bảo Việt (BVSC) hoàn tất chỉ ra rằng, rủi ro nợ xấu đối với một loạt các NHTM niêm yết có quy mô thuộc nhóm dẫn đầu hệ thống bao gồm Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Sacombank, MB, ACB và cả Eximbank là rất rõ rệt.

Với riêng Vietcombank, đơn vị này ước lượng rằng, tỉ lệ nợ xấu của ngân hàng có thể tăng gấp đôi, lên 5%, khi Thông tư 02 của NHNN quy định về phân loại tài sản có… được áp dụng triệt để vào ngày 1/6/2014 tới.

Cụ thể theo phân tích, Vietcombank ngay từ cuối năm 2013 có buổi làm với cơ quan thanh tra và xin dữ liệu của Trung tâm thông tin tín dụng (CIC) nhằm so sánh với kết quả phân loại nợ hiện tại. So sánh này cho thấy, kết quả phân loại nợ của VCB nhìn chung tương đối chặt chẽ. Do đó nếu áp dụng triệt để Thông tư 02, Vietcombank sẽ còn phải tiến hành trích lập cho các khoản trái phiếu doanh nghiệp và xếp loại đúng nhóm nợ đối với các khoản nợ được cơ cấu lại theo Quyết định 780 của NHNN.

Lượng trái phiếu doanh nghiệp hiện tại của VCB đang nắm giữ được cho vào khoảng hơn 2.000 tỉ đồng với 1.100 tỉ đồng tính đến cuối năm 2012 và khoảng 1.500 tỉ đồng trái phiếu Vinacomin. Còn các khoản nợ cơ cấu lại theo quyết định 780 lên tới khoảng trên 7.000 tỉ đồng.

“Như vậy, trong trường hợp xấu nhất khi toàn bộ các khoản nợ được cơ cấu lại theo quyết định 780 là nợ xấu, tỉ lệ nợ xấu của Vietcombank sẽ tăng gấp đôi (lên khoảng 5%) khi Thông tư 02 được áp dụng triệt để” - BVSC đưa đánh giá.

Điều may mắn là, những thay đổi đối với Thông tư 02 sẽ giúp giảm áp lực trích lập dự phòng cho cả Vietcombank cũng như rất nhiều các ngân hàng khác. Chi phí trích lập dự phòng và nợ xấu của Vietcombank vì thế sẽ thấp hơn và ít chịu ảnh hưởng hơn so với việc áp dụng các quy định của Thông tư 02 chưa sửa đổi.

Con số lợi nhuận cuối năm của nhà băng này nhờ đó vẫn có thể giữ được “phong độ” như năm 2013 và kỳ vọng của năm 2014.