APEC 2017 và cơ hội vàng cho doanh nghiệp Việt

Theo baochinhphu.vn

Việc Việt Nam đăng cai tổ chức Năm APEC 2017 được coi như một cơ hội vàng, một cú hích mang tầm chiến lược với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Đại diện cộng đồng doanh nghiệp tháp tùng Chủ tịch nước Trần Đại Quang dự Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) từ ngày 17-20/11 tại Peru, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc coi đây là cơ hội để bắt đầu chia sẻ, vận động sự ủng hộ cho các sáng kiến của Việt Nam trong Năm APEC 2017.

Theo Bộ Ngoại giao, một trong những mục đích của Việt Nam khi tham dự Tuần lễ Cấp cao APEC lần này tại Peru là khẳng định vị thế chủ nhà Năm APEC 2017; vận động sự ủng hộ, phối hợp của các đối tác, cộng đồng doanh nghiệp trong việc chuẩn bị tổ chức Năm APEC 2017; thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp APEC tăng cường đầu tư, kinh doanh ở Việt Nam…

Theo thông lệ, trong các Tuần lễ Cấp cao APEC, bên cạnh cuộc gặp của các nguyên thủ - các nhà lãnh đạo chính trị, thì một sự kiện cũng rất quan trọng là cuộc gặp của các Tổng Giám đốc, lãnh đạo giới kinh doanh APEC.

Từ góc nhìn của cộng đồng kinh doanh, ông Vũ Tiến Lộc khẳng định APEC 2017 tại Việt Nam, nhất là Hội nghị Thượng đỉnh APEC tổ chức tại Đà Nẵng, sẽ là sự kiện quảng bá có tầm quan trọng bậc nhất với doanh nghiệp nước ta. Bởi APEC đang đóng góp 59% GDP và 48% thương mại toàn cầu, với những nền kinh tế lớn nhất thế giới như Mỹ, Trung Quốc, Nhật. Mười hai trong số 21 nền kinh tế APEC cũng tham gia TPP.

“Quan trọng nhất với cộng đồng doanh nghiệp là gặt hái được gì qua sự kiện này. Chúng tôi coi đây là cơ hội trực tiếp. Không chỉ thể hiện sự hiếu khách, APEC là cơ hội để thúc đẩy thương mại, đầu tư. Làm sao để tận dụng được với giá trị gia tăng lớn nhất là trăn trở của chúng tôi”, ông Vũ Tiến Lộc chia sẻ.

Từ quan điểm như vậy, VCCI đề xuất tổ chức một số sự kiện đặc biệt, bên cạnh những sự kiện mang tính chất “khuôn mẫu” lâu nay như hội nghị Hội đồng tư vấn kinh doanh APEC và Hội nghị thượng đỉnh các tổng giám đốc doanh nghiệp APEC.

Sự kiện thứ nhất là Hội nghị về Doing Business Việt Nam, lấy cảm hứng từ bản báo cáo về môi trường kinh doanh (Doing Business) của Ngân hàng Thế giới. “Tại sao Việt Nam?” sẽ là chủ đề của sự kiện này, với hàm ý tại sao Việt Nam nên được lựa chọn là nơi để đầu tư, làm ăn.

Giải thích về sáng kiến tổ chức hội nghị này, ông Lộc cho biết Việt Nam đang bước vào giai đoạn đổi mới mạnh mẽ với Chính phủ nhiệm kỳ mới, một chương trình cải cách đầy tham vọng đã được phát động, tinh thần phấn khích đầu tư kinh doanh đã được khơi dậy. Đây là thời điểm thích hợp để mời bạn bè quốc tế đến làm ăn tại Việt Nam, tận dụng cơ hội đang rộng mở với một Chính phủ kiến tạo, liêm chính, phục vụ, hành động. 

"Tận dụng “cơ hội vàng” từ APEC, sự kiện này sẽ được tiến hành như một chiến dịch tổng lực về xúc tiến thương mại và đầu tư của Việt Nam trong thế kỷ 21. Với thông điệp mạnh mẽ rằng dù có TPP hay không, có sớm hay muộn, thì Việt Nam cũng vẫn tiếp tục đổi mới, hội nhập và châu Á-Thái Bình Dương sẽ vẫn là đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam”, Chủ tịch VCCI bày tỏ kỳ vọng.  

Sự kiện thứ hai, Diễn đàn Khởi nghiệp APEC sẽ lần đầu tiên được tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh theo sáng kiến của VCCI. Đây sẽ là nơi gặp gỡ của các nhà khởi nghiệp hàng đầu trong khu vực.

“Như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhiều lần phân tích rất thấu đáo, chúng ta đang đứng trước làn sóng hội nhập và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thúc đẩy khởi nghiệp trên cơ sở đổi mới sáng tạo đang là xu thế toàn cầu. Thủ tướng cũng đã phát động xây dựng quốc gia khởi nghiệp. Hy vọng rằng ngọn lửa này sẽ sớm cháy mạnh tại Việt Nam, mở đầu cho một giai đoạn mới của khởi nghiệp”, ông Lộc bày tỏ hy vọng.

Hiện, VCCI đã ký thỏa thuận đối tác chiến lược với Liên minh doanh nghiệp Hoa Kỳ trong APEC về tổ chức các sự kiện này. Chiều 18/11, trong khuôn khổ Tuần lễ cấp cao APEC tại Peru, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã dự và phát biểu tại cuộc tọa đàm với Liên minh này.

Đề xuất biểu tượng cụ thể cho du lịch Việt

Về nội dung, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng các sự kiện nói trên trước hết sẽ là dịp để giới thiệu về quyết tâm đổi mới và hội nhập của Việt Nam, về đề án tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng mà Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua. APEC 2016 cũng là năm đầu tiên các nước triển khai nhiều chiến lược dài hạn về tăng trưởng chất lượng, cải cách cơ cấu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác dịch vụ.

Vậy đâu sẽ là thế mạnh của Việt Nam trong quá trình tái cơ cấu, đổi mới mô hình tăng trưởng? TS. Vũ Tiến Lộc tin rằng đó là nông nghiệp, du lịch và công nghệ cao. Và APEC sẽ là một cơ hội đặc biệt để quảng bá cho du lịch và hình ảnh Việt Nam.

Bên cạnh thiên nhiên tuyệt vời, nền ẩm thực đặc sắc, Việt Nam còn có lợi thế về những giá trị lịch sử, văn hóa, tâm linh có chiều sâu thăm thẳm. Trong đó, theo TS. Vũ Tiến Lộc, điểm khởi đầu chính là những giá trị gia đình gắn với tín ngưỡng thờ mẫu và tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, đỉnh cao là tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Nếu tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã được UNESCO công nhận là di sản phi vật thể của nhân loại, thì cách đây vài ngày, hồ sơ đề nghị tín ngưỡng thờ Mẫu là di sản phi vật thể cũng đã được Việt Nam hoàn thành trình UNESCO.

Điểm chung của cả hai tín ngưỡng, hai di sản phi vật thể này là vai trò của người Mẹ. Đặc biệt nhất và đẹp nhất, chính là huyền thoại Mẹ Âu Cơ sinh ra bọc trăm trứng, nở ra trăm người con và trở thành thủy tổ của dân tộc Việt Nam.

Theo ông Lộc, trong bối cảnh xung đột, chiến tranh đang có nguy cơ lan rộng, thì thông điệp về gia đình, về sự gắn kết, về tình yêu ẩn chứa trong huyền thoại này rất có ý nghĩa cho một thế giới nhân văn hơn. “Các nhà khoa học nhân văn cũng đã nói rất nhiều về nguyên lý Mẹ, bản nguyên Mẹ… của nền văn hóa Việt Nam. Thế nhưng chúng ta chưa kể cho thế giới nghe được về câu chuyện về Huyền thoại Mẹ rất đặc biệt này”, ông Lộc nói.

Từ những phân tích này, Chủ tịch VCCI cho rằng để chuẩn bị cho APEC như một cơ hội quảng bá cho du lịch, nền văn hóa và đất nước, con người Việt Nam, không có gì phù hợp hơn là câu chuyện về Mẹ. Vấn đề là, thông điệp phải được cụ thể hóa, được đúc kết trong những sản phẩm vật chất cụ thể.

“Du lịch Việt Nam vẫn thiếu một biểu tượng cụ thể, chạm vào được. Như Đan Mạch có bức tượng Nàng tiên Cá bên bờ biển, nước Bỉ có bức tượng cậu bé đứng tè ở quảng trường. Tuy nhiên, những món quà lưu niệm của Việt Nam vẫn thiếu những câu chuyện làm nên hồn cốt, chiều sâu”, Chủ tịch VCCI đặt vấn đề.

Hiện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đang dành nhiều tâm huyết cho ý tưởng này, mà trước hết là bằng việc chuẩn bị các món quà cho các nguyên thủ, các tổng giám đốc tại Tuần lễ cấp cao APEC 2017. “Đó sẽ là một bức tượng mang tên Mẹ và những đứa con, gợi nhớ tới huyền thoại về Mẹ Âu Cơ với bọc trăm trứng, đưa thông điệp về tình yêu, về giá trị văn hóa Việt Nam ra thế giới”, ông Lộc cho biết.

Đặc biệt, VCCI cũng sẽ đề xuất đặt phiên bản chính của bức tượng này tại bờ biển Đà Nẵng – nơi chính thức diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh APEC 2017. Người Mẹ sẽ hướng ra biển, gợi nhớ câu chuyện về 50 người con theo cha xuống biển, thể hiện khát vọng thống nhất đất nước không nguôi trong tâm khảm mọi người con đất Việt.

“Như ông cha ta đã nói, nhân nghĩa thắng hung tàn, sức mạnh tình yêu của người Mẹ và những đứa con sẽ chiến thắng”, ông Lộc nói và bày tỏ hy vọng rằng đóng góp nhỏ bé này sẽ góp phần vào thành công của APEC 2017 và quảng bá du lịch Việt Nam, hình ảnh Việt Nam.