[Bài 2] Gợi ý mô hình AMC cho Việt Nam (*)

ThS. Phan Huy Đức - Công ty Cổ phần chứng khoán TP. Hồ Chí Minh

(Tài chính) Từ những bài học rút ra trong quá trình hình thành và hoạt động của các AMC khu vực Đông Á được đề cập trong bài Mô hình AMC giải quyết nợ xấu tại các nước Đông Á, có thể tóm tắt các yếu tố cần thiết để cấu tạo nên thành công của một AMC công như sau.

[Bài 2] Gợi ý mô hình AMC cho Việt Nam (*)
Ảnh minh họa. Nguồn:Internet

Quyết tâm của Chính phủ rõ ràng, kiên quyết và xuyên suốt trong toàn bộ quá trình tái cơ cấu và xử lý nợ xấu

Sự kiên định của Chính phủ trong việc xác định thực trạng nợ xấu trong hệ thống tài chính, tái cấu trúc và giải quyết nợ xấu chính là điểm khởi đầu mấu chốt cho thành công của bất cứ một AMC nào. Để hoạt động của AMC mang lại được hiệu quả, các AMC luôn cần có được sự độc lập, tự chủ cần thiết, không bị rằng buộc.

Sự hỗ trợ trực tiếp của Chính phủ: Để hoạt động của AMC mang lại ngay được thành công nhất định, Chính phủ cần cung cấp nguồn vốn trực tiếp cho AMC thông qua ngân sách hoạt động của mình. Trong trường hợp một AMC tự phải phát hành một khoản nợ, sự bảo lãnh của Chính phủ cho khoản nợ là thật sự cần thiết để góp phần củng cố cho vị thế tài chính của AMC đó.

Mục tiêu hoạt động rõ ràng: Một AMC thành lập chỉ nên tập trung vào việc thu hồi và bán nợ xấu, tránh việc sa đà vào gánh nặng tái cấu trúc các doanh nghiệp đang gặp khó khăn.

Sự hậu thuẫn của hệ thống pháp lý, Giám sát quản lý chặt chẽ; và có tính minh bạch

Các quy định pháp lý được xây dựng theo định hướng đem lại hiệu quả cho các hoạt động của AMC, đặc biệt là các văn bản huớng dẫn cho luật phá sản và trao cho AMC các quyền lực đặc biệt trong quá trình thu hồi nợ xấu sẽ góp phần không nhỏ trong việc hậu thuẫn cho AMC thu hồi được nợ xấu nhanh chóng và đạt tỷ lệ thu hồi cao.

AMC phải hoạt động dưới sự giám sát, quản lý chặt chẽ bởi hệ thống kiểm soát nội bộ và được kiểm toán bởi các đơn vị kiểm toán độc lập.

AMC cần thường xuyên cập nhật và công bố thông tin về hoạt động và kết quả các hoạt động của mình theo các hình thức được chấp nhận rộng rãi bởi các thành viên tham gia thị trường và cho cả xã hội.

Có định chế phù hợp về mua, bán và thanh lý nợ xấu: Nợ xấu được chuyển giao sang AMC nên được định giá theo giá thị trường, đặc biệt là trong trường hợp của các ngân hàng sở hữu bởi tư nhân.

Thêm vào đó, các đề nghị cùng chia sẻ lợi nhuận rủi ro hoặc các chế tài bắt buộc cũng giúp quá trình chuyển giao nợ xấu diễn ra nhanh chóng và hiệu quả hơn.

Thị trường vốn hoạt động hiệu quả: Thị trường vốn được cấu trúc rõ ràng, chặt chẽ bởi nhiều sản phẩm đa dạng sẽ tăng cường hiệu quả của hoạt động mua bán nợ xấu.

Trong khi đó, việc cho phép các tổ chức đầu tư nước ngoài tham gia vào quá trình mua nợ xấu từ các AMC cũng làm cho quá trình này diễn ra nhanh hơn, đặc biệt là khi thị trường vốn nội địa chưa thực sự phát triển.

(*) Bài viết này được trích đăng trong Kỷ yếu hội thảo khoa học Một số giải pháp nhằm phát triển sản xuất kinh doanh trong điều kiện hiện nay. Tít bài do FinancePlus.vn đặt.