Lộ trình cải cách doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc

Tái cấu trúc DNNN là một phần trong tổng thể quá trình cải cách DNNN Trung Quốc, khởi xướng từ những năm cuối 1970 đến nay.

Giai đoạn nhường lại quyền lợi cho doanh nghiệp (năm 1979 – 1984)

Trong giai đoạn này, Quốc Vụ viện Trung Quốc ban hành nhiều văn bản mở rộng quyền tự chủ về quản lý kinh doanh của DN công nghiệp quốc doanh (thực hiện giữ lại một phần lợi nhuận, bắt đầu áp dụng thu thuế đối với lợi nhuận, tài sản cố định, nâng mức chiết khấu tài sản cố định, thực hiện tín dụng hóa toàn bộ vốn lưu động…). Cuối năm 1979, đã có 4.200 DN được chọn thực hiện thí điểm tự chủ về quản lý kinh doanh, đến năm 1980 lại tiếp tục mở rộng tới 6.000 DN. Các DN được chọn thí điểm thời điểm đó chiếm 16% tổng sản phẩm công nghiệp, 60% giá trị tài sản, 70% lợi nhuận, nộp thuế tăng 10,1% và tiền lương thực tế tăng 7,5%.

Thông qua giai đoạn cải cách này, DN đã có quyền tự chủ nhất định về sản xuất kinh doanh, bắt đầu trở thành các chủ thể độc lập, tính tích cực của DN và lao động đã được đề cao.

Giai đoạn tiến hành phân tách quyền sở hữu và quyền kinh doanh (năm 1984-1993)

Trong giai đoạn này, Trung Quốc thực hiện phân tách giữa quyền sở hữu và quyền kinh doanh của DNNN nhằm đẩy mạnh tăng cường năng lực hoạt động của DN. Đặc biệt, trọng tâm được đặt vào việc tăng cường năng lực hoạt động của các DNNN lớn, với thể chế cải cách kinh tế trọng điểm ở thành thị, thông qua mục tiêu cải cách DNNN tiến tới DN trở thành thực thể kinh tế tương đối độc lập, trở thành những đơn vị sản xuất kinh doanh xã hội chủ nghĩa tự chủ, tự chịu thua lỗ, nâng cao năng lực tự cải tiến và tự phát triển, trở thành những pháp nhân có nghĩa vụ và quyền lợi nhất định.

Cải cách thiết lập chế độ doanh nghiệp hiện đại (doanh nghiệp cổ phần) (từ năm 1992-2002)

Cải cách DNNN Trung Quốc trong giai đoạn này tập trung xây dựng chế độ DN hiện đại, trong đó: phân định rõ quyền tài sản, làm rõ quyền hạn trách nhiệm, phân tách nhiệm vụ chính trị và hoạt động sản xuất kinh doanh.

Năm 1994, thực hiện áp dụng 14 mục về quyền tự chủ kinh doanh cho 10.000 DNNN lớn, tiến hành thiết lập chuyển đổi cơ chế, làm cơ sở cho DN tiến vào thị trường; tiến hành giám sát quản lý tài sản nhà nước (TSNN) đối với 1.000 DN quan trọng thiết yếu có liên quan đến quốc kế dân sinh; chọn ra 100 DNNN lớn và vừa, tiến hành thí điểm thiết lập chế độ DN hiện đại; tiến hành cắt giảm những chi phí không hợp lý của DN và nâng cao tỷ trọng vốn tự có của DN, tiến hành cải cách quản trị DN.

Đổi mới thể chế giám sát quản lý tài sản nhà nước (từ năm 2002 đến nay)

Từ năm 2002, cải cách DNNN được tiến hành ở các mức độ cao và sâu rộng hơn, thống nhất thiết lập hệ thống quản lý TSNN ở cấp chính phủ trung ương và chính quyền địa phương.

Tháng 3/2003, Trung Quốc đã thành lập Ủy ban Quản lý giám sát TSNN (SASAC) - trực thuộc Quốc Vụ viện nhằm đảm nhận việc quản lý giám sát TSNN mang tính kinh doanh trong các DNNN thuộc Trung ương. Sau đó, tương tự các tỉnh, khu tự trị, thành phố trực thuộc… trong cả nước Trung Quốc cũng thành lập Ủy ban Quản lý giám sát TSNN để giám sát quản lý TSNN trong các DN trực thuộc địa phương.

Có thể thấy, điều chỉnh bố cục kinh tế nhà nước cũng như thiết lập chế độ DN hiện đại là tư duy chủ đạo của cải cách DN giai đoạn hiện nay. Cải cách DNNN Trung Quốc đến nay đã đạt được những kết quả rất khả quan:

Thứ nhất, nhiều DNNN trở thành các DN hiện đại, đứng trong danh mục 500 DN hàng đầu thế giới.

Thứ hai, đóng góp lớn cho tăng trưởng và phát triển kinh tế Trung Quốc, tiếp tục thể hiện rõ vai trò của kinh tế nhà nước trong nền kinh tế quốc dân.

Thứ ba, xây dựng cơ chế thống nhất về giám sát và quản lý TSNN từ cấp trung ương đến địa phương.

Ba trụ cột tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc giai đoạn từ năm 2002 đến nay

Tái cấu trúc tài chính

Đa dạng hóa hình thức huy động vốn cho DNNN trong quá trình tái cấu trúc nhằm giải quyết vấn đề vốn và giảm sự phụ thuộc vào các Ngân hàng Nhà nước. Trong giai đoạn từ năm 2002-2005, Trung Quốc tập trung đẩy mạnh cổ phần hóa và khuyến khích DNNN niêm yết trên sàn chứng khoán ở cả trong nước và ngoài nước nhằm tăng cường thu hút vốn.

Đánh giá và thanh tra TSNN trong DNNN nhằm mục tiêu đánh giá đúng đủ và giảm thiểu thất thoát TSNN trong quá trình tái cấu trúc, thông qua việc quy định quy trình đánh giá cũng như chức năng nhiệm vụ của cơ quan chủ trì, giám sát.

Thực hiện thoái vốn/tài sản nhà nước trong quá trình tái cấu trúc DNNN: Trung Quốc xác định những ngành nghề không cần có sự tham gia của Nhà nước và thực hiện thoái vốn thông qua một số hình thức như chào bán, đấu giá, đấu thầu công khai; đối với các DNNN cổ phần hoá thì bán cho các cổ đông chiến lược hoặc thông qua thị trường chứng khoán,…

Sắp xếp, tái cấu trúc tài sản, nợ của các DNNN. Các DNNN do trung ương quản lý khi tái cấu trúc thì việc sắp xếp tài sản và tái cơ cấu nợ do các DN kinh doanh vốn nhà nước (trực thuộc SASAC) thực hiện như: Tập đoàn Đầu tư Khai thác Phát triển quốc gia (SDIC), Công ty cổ phần Đầu tư Thành Thông Trung Quốc (CCT group), Công ty TNHH cổ phần Quốc Tân (CRHC). Trong đó, CCT, SDIC thực hiện nhiệm vụ xử lý nợ xấu của các DNNN, đến năm 2005 chuyển đổi mục đích thành các công ty kinh doanh vốn nhà nước; CRHC thực hiện cơ cấu vốn trong hoạt động chính và các ngành phụ của DNNN và từ năm 2010, CRHC chuyển đổi thành công ty quản lý tài sản.

SASAC chuyển vốn của các ngành nghề phụ, nợ xấu của DN và những DN hoạt động kinh doanh không tốt cho các DN kinh doanh tài sản thông qua các phương thức ủy thác, chuyển giao miễn phí, mua bán, thay thế tài sản…và các DN kinh doanh tài sản này tiến hành xử lý theo nguyên tắc thị trường.

Tái cấu trúc quản trị doanh nghiệp

Tái cơ cấu quản trị DN là một trong 3 trọng tâm của quá trình tái cấu trúc DNNN Trung Quốc giai đoạn 2002 đến nay, nhằm đạt mục tiêu xây dựng chế độ quản trị DN hiện đại, hiệu quả cho các DNNN trực thuộc trung ương. Đồng thời, Trung Quốc coi việc hoàn thiện quản trị DN là biện pháp căn bản để tăng cường quản lý DNNN về mặt thể chế và cơ chế.

Năm 2004, Quốc Vụ viện Trung Quốc đã ban hành: “Thông báo về việc các DNNN do Trung ương quản lý thực hiện thí điểm công tác xây dựng và hoàn thiện Hội đồng quản trị đối với các DN 100% vốn nhà nước”, trong đó xác định rõ tư tưởng và các biện pháp chính trong thực hiện thí điểm, đồng thời công bố danh sách 7 DNNN tiến hành thí điểm đợt đầu tiên.

Đối với các DNNN niêm yết, thành lập đại hội đồng cổ đông, hội đồng quản trị, hội đồng giám sát và bộ phận kinh doanh. Đồng thời, chuẩn hóa các quyền và trách nhiệm của các bộ phận quản lý DN. hội đồng quản trị và hội đồng giám sát có địa vị pháp lý tương đương với nhau nhưng phân công rõ ràng, hội đồng giám sát có quyền giám sát, không có quyền ra quyết sách.

SASAC sẽ quản lý và giám sát các DN 100% vốn nhà nước chưa cổ phần hóa, thực hiện bổ nhiệm các thành viên hội đồng quản trị và trao quyền cho hội đồng quản trị quyết định những vấn đề hoạt động của DN. Tuy nhiên, SASAC sẽ quyết định các vấn đề hợp nhất, phân tách, giải thể, tăng hoặc giảm bớt vốn điều lệ và phát hành trái phiếu DN.

Trong phương diện tái cơ cấu quản trị DN, Chính phủ Trung Quốc đã thực hiện:

Một là, phát huy đầy đủ vai trò của hội đồng quản trị trong việc giám sát nội bộ DNNN. Hội đồng quản trị chấp hành nghị quyết của Đại hội cổ đông, phụ trách xây dựng phương án, kế hoạch kinh doanh của DN. Chủ tịch hội đồng quản trị do hội đồng quản trị bầu ra.

Hai là, sử dụng chế độ quản trị bên ngoài chuyên trách trong quá trình xây dựng hội đồng quản trị cho DN 100% vốn nhà nước, các thành viên bên ngoài này do SASAC tuyển chọn rất khắt khe, chiếm trên 50% thành viên hội đồng quản trị và được điều cử đến các DN Trung ương dựa theo nhu cầu và tình trạng của DNNN trong mỗi lĩnh vực khác nhau. Đối với các DNNN niêm yết thì trong thành phần hội đồng quản trị, tỷ lệ thành viên độc lập không được thấp hơn 1/3 tổng số thành viên.

Ba là, tăng cường, công khai, minh bạch của DNNN thông qua hội đồng giám sát. hội đồng giám sát do đại hội đồng cổ đông bầu ra và thực hiện các nhiệm vụ như kiểm tra tài chính; giám sát chức vụ, hành vi của hội đồng quản trị, giám đốc… Hội đồng giám sát của DN cổ phần không được ít hơn 3 người; thành viên hội đồng quản trị và nhân viên quản lý cấp cao của DN không được tham gia vào hội đồng giám sát.

Bốn là, ban hành bộ nguyên tắc quản trị DN trong đó bao gồm: “Quy tắc kế toán cho các DN phù hợp với các tiêu chuẩn báo cáo tài chính quốc tế (IFRS); Quy định về trách nhiệm của ban kiểm toán và số lượng kiểm soát viên tối thiểu từ bên ngoài đối với các DN niêm yết nói chung; Ban hành các quy định liên quan đến giao dịch của các bên liên quan và các nội dung khác theo hướng dẫn về quản trị DN và quản trị DN trong DNNN của OECD (2004).

Tái cấu trúc nguồn nhân lực doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc

Trong giai đoạn 2003 đến nay đã ban hành hơn 10 bộ văn bản pháp quy liên quan đến lao động để hỗ trợ cho quá trình tái cấu trúc DNNN, bao gồm: “Luật Hợp đồng lao động”, “Luật Xúc tiến việc làm”, “Luật Giải quyết hòa giải tranh chấp lao động”, “Điều lệ nghỉ phép có lương”, “Quy định về hợp đồng tập thể”, “Quy định về lương tối thiểu”… trong đó, chú trọng và đi sâu vào đầu ra của chi phí nguồn nhân lực, hướng đến hiệu quả và thưởng phạt rõ ràng. Về mặt chế độ, cơ bản loại bỏ chế độ kế hoạch hóa trong sử dụng lao động. Về mặt quản lý, các DNNN đã có được một tỷ trọng đáng kể đội ngũ cán bộ có thể nắm bắt được các kỹ năng quản lý hiện đại.

Về giải quyết vấn đề lao động dôi dư trong quá trình tái cấu trúc DNNN, Trung Quốc đã áp dụng rất nhiều biện pháp như: DNNN có thể bán bớt tài sản, bổ sung nguồn bồi thường đối với các lao động nghỉ việc hoặc lưu chuyển; Đối với DNNN cổ phần hoá, thực hiện hỗ trợ người lao động thông qua phân bổ cổ phần; Cho phép các DNNN lớn có thể dùng tài sản kinh doanh chính và tài sản nhàn rỗi, DN phá sản có thể dùng những tài sản còn lại để bồi thường kinh tế khi giải quyết các trường hợp trước hạn đối với các hợp đồng lao động; Thông qua các trung tâm xúc tiến việc làm đảm bảo công việc; Thông qua các Quỹ xã hội, đảm bảo đời sống cơ bản cho những lao động thôi việc….

Đến nay, đại bộ phận các DNNN Trung Quốc đã xây dựng được hệ thống chế độ quản lý nguồn nhân lực hiện đại, đa số các DNNN đã chuyển từ quản lý nhân sự truyền thống hướng đến phát triển nguồn nhân lực hiện đại. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực quản lý cấp cao của DNNN được SASAC công khai tuyển dụng, ký kết hợp đồng trách nhiệm và thù lao theo hiệu quả, thí điểm trả lương theo năm dựa trên tình hình DN…

Bài học cho Việt Nam

Qua quá trình tái cấu trúc DNNN Trung Quốc, đặc biệt là trong giai đoạn 2002 đến nay, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm cho Việt Nam nhằm nâng cao hiệu quả tái cơ cấu DNNN trong giai đoạn 2011-2015, như sau:

Thứ nhất, Nhà nước nên duy trì 100% vốn đối với các DN hoạt động trong các lĩnh vực an ninh, quốc phòng, các lĩnh vực công ích, còn lại cần đẩy nhanh, đẩy mạnh cổ phần hoá nhằm tăng cường năng lực và sức cạnh tranh cho DN.

Thứ hai, thành lập một cơ quan thống nhất quản lý và giám sát tài sản nhà nước đầu tư vào DN nhằm quản lý hiệu quả tài chính và TSNN, giảm thiểu thất thoát TSNN trong quá trình tái cơ cấu.

Thứ ba, các DN chỉ tập trung vào các hoạt động kinh doanh chính, thực hiện thoái vốn đối với các ngành nghề phụ. Việc thoái vốn và cơ cấu vốn đối với các DNNN có thể thực hiện thông qua các công ty quản lý TSNN hoặc các công ty xử lý tài sản. Đồng thời, để tăng cường năng lực tài chính cho DNNN thì cần thiết xử lý nợ xấu và cho phép DN thực hiện đa dạng hoá kênh huy động vốn để đảm bảo nguồn lực cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

Thứ tư, tăng cường quản trị DN theo các thông lệ quốc tế, phân định rõ trách nhiệm của Hội đồng quản trị, ban giám đốc, nhân sự cấp cao…; thực hiện chế độ thành viên hội đồng quản trị bên ngoài; tăng cường thông tin và minh bạch đối với các DNNN; tiến tới xây dựng bộ nguyên tắc quản trị DNNN.

Thứ năm, tăng cường nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong các DNNN theo hướng kiện toàn hệ thống quản lý nguồn nhân lực hiện đại, có cơ chế tuyển dụng công khai và thù lao theo hiệu quả công việc, nhằm tăng cường trách nhiệm của đội ngũ quản lý DN, đồng thời, thực hiện xử lý tốt vấn đề lao động dôi dư nhằm đảm bảo cho người lao động sớm ổn định công việc và đảm bảo an sinh xã hội cho người lao động.

­­­­­­­­­­­­­­­_________________

Tài liệu tham khảo:

1. Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, Báo cáo “Mô hình quản lý và đầu tư vốn Nhà nước”. Tháng 6/2011;

2. Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, “Tài chính Việt Nam 2011: Tái cấu trúc và minh bạch chính sách”. Nhà xuất bản Tài chính, 2012;

3. Thể chế quản lý giám sát và mô hình giám sát DNNN của Trung Quốc, Tài liệu khóa học bồi dưỡng về “Quản lý tài chính DNNN Trung Quốc” của Bộ Tài chính Trung Quốc, 2011;

4. http://www.sasac.gov.cn.

Bài học tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước ở Trung Quốc

ThS. NGUYỄN THỊ HẢI BÌNH, ThS. PHẠM THÀNH CHUNG

(Tài chính) Tái cấu trúc tài chính cùng với tái cấu trúc quản trị doanh nghiệp (DN) và tái cấu trúc nguồn nhân lực được thực hiện khá đồng bộ và nhất quán đã giúp Trung Quốc thay đổi diện mạo doanh nghiệp nhà nước (DNNN) một cách rõ rệt (đặc biệt là từ năm 2002 đến nay). Nhờ vậy, nhiều DN nước này đã góp mặt trong nhóm các DN hàng đầu thế giới.

Xem thêm

Video nổi bật