Chào mừng kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9:

Bài học về huy động sức mạnh toàn dân

TS. TRẦN VĂN, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội

Trong chặng đường lịch sử 70 năm kể từ khi Cách mạng ThángTám thành công và Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập ngày 2/9/1945, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, dân tộc ta đã trải qua gần 30 năm chiến tranh ác liệt (1946-1975) và sắp tròn 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới kể từ Đại hội VI của Đảng (1986-2015). Trong suốt 70 năm qua, mỗi lần Tổ quốc gặp khó khăn, dưới sự lãnh đạo của Đảng, chúng ta lại đồng lòng vượt qua một cách hết sức độc đáo, đó là huy động các nguồn lực của xã hội với câu nói nổi tiếng của Bác Hồ: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Vấn đề “lấy dân làm gốc” và huy động sức mạnh của toàn dân chính là một trong những bài học lịch sử quý báu mà chúng ta đã rút ra từ truyền thống dựng nước, giữ nước và kiến thiết đất nước, trong đó có thực tiễn lịch sử phát triển 70 năm qua.

Bài học về huy động sức mạnh toàn dân vẫn còn nguyên giá trị. Nguồn: internet
Bài học về huy động sức mạnh toàn dân vẫn còn nguyên giá trị. Nguồn: internet

Còn nhớ, khi cách mạng mới thành công, trước ngân khố quốc gia trống rỗng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động “Tuần lễ vàng” vào tháng 9-1945 để khuyến khích người dân đóng góp cho ngân sách quốc gia, tháo gỡ khó khăn về tài chính của đất nước. “Tuần lễ vàng” đã nhận được sự hưởng ứng của đông đảo các tầng lớp nhân dân, trong đó tầng lớp thương nhân đóng vai trò chủ chốt. Qua cuộc phát động này, tổng cộng đã có 370kg vàng và rất nhiều tiền được nhân dân quyên góp.

Trong giai đoạn 30 năm chiến tranh lan rộng ở cả 2 miền, sự đóng góp về sức người, sức của của nhân dân, sự động viên tinh thần của những người ở hậu phương đối với tiền tuyến là những hình ảnh nổi bật bên cạnh những chiến tích lừng lẫy của các lực lượng vũ trang. Người dân đã nuôi bộ đội, nuôi cán bộ bằng chính thành quả lao động của mình. Những phong trào như: “Áo ấm cho bộ đội”, “Hũ gạo tình thương”, “Hũ gạo kháng chiến”... trong kháng chiến chống Pháp; phong trào “Ba sẵn sàng”, “Ba đảm đang”, khẩu hiệu “Mỗi người làm việc bằng hai”... đã huy động sức dân để “tất cả vì tiền tuyến” trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Chúng ta không thể nào quên những hình ảnh cảm động “Xe chưa qua, nhà không tiếc” trong những đêm bom đạn kẻ thù cắt đứt huyết mạch giao thông, người dân đồng lòng, tự nguyện dỡ nhà, lấy gỗ lát đường, làm bến tàu cho xe vận tải chở quân, chở vũ khí ra tiền tuyến.

Trong xây dựng đất nước, trước đổi mới, kinh tế nước ta đã lâm vào khủng hoảng, lạm phát mấy trăm phần trăm một năm, nhờ mạnh dạn “xé rào”, “cởi trói” cho tư liệu sản xuất, quyền tự chủ sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp, xóa bỏ cơ chế tập trung, quan liêu, hành chính, bao cấp làm cho của cải vật chất, sản phẩm công nghiệp, lương thực tăng vọt, đủ để cung cấp cho nhu cầu xã hội và còn dư thừa để xuất khẩu, góp phần bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, đưa nước ta từ nước phải nhận viện trợ lương thực thành nước xuất khẩu lương thực hàng đầu thế giới.

Ngày nay, trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, sự đóng góp của người dân, của xã hội đối với sự phát triển của đất nước lại càng quan trọng. Kinh tế tư nhân không ngừng phát triển và ngày càng có vị trí quan trọng trong phát triển đất nước. Chúng ta có thể kể nhiều tấm gương điển hình người dân hiến đất để làm đường, làm trường học, làm trạm y tế... trong xây dựng nông thôn mới; các doanh nghiệp, các nhà đầu tư tư nhân bỏ vốn vào đầu tư phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, đóng thuế cho Nhà nước, đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội trực tiếp hay thông qua các hình thức hợp tác công-tư. Chỉ tính riêng trong năm 2014, tiếp tục kêu gọi, thu hút các nguồn lực đầu tư ngoài ngân sách tham gia đầu tư các công trình giao thông, ngành giao thông đã huy động được hơn 39 nghìn tỷ đồng đầu tư 19 dự án theo hình thức hợp tác công-tư.

Trong những năm tới, hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, tạo thuận lợi cho Việt Nam tranh thủ các nguồn lực xã hội để phát triển nhanh hơn. Nhằm huy động mạnh mẽ hơn các nguồn lực từ người dân, để kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế, để mọi chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật, thị trường đóng vai trò chủ yếu trong huy động và phân bổ có hiệu quả các nguồn lực phát triển và là động lực chủ yếu để giải phóng sức sản xuất… thì việc bảo đảm sự đồng thuận, sự ổn định xã hội là rất quan trọng.

Từ năm 2015, kinh tế đất nước từng bước ra khỏi giai đoạn trì trệ và có thể lấy lại tốc độ tăng trưởng cao vào giai đoạn tới. Tuy nhiên, trước những thách thức bẫy thu nhập trung bình và bẫy tự do hóa thương mại vẫn còn đó, nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế do quá trình phát triển của đất nước đang và sẽ chịu tác động nhiều chiều từ những diễn biến mới phức tạp của tình hình thế giới và khu vực.

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) đã đề ra nhiệm vụ: Phát huy có hiệu quả mọi nguồn lực để phát triển đất nước nhanh, bền vững, không ngừng nâng cao mức sống của người dân, rút ngắn khoảng cách phát triển với các nước tiên tiến trong khu vực, sớm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Kiên định mục tiêu lấy dân làm gốc, lấy lợi ích của quốc gia-dân tộc làm mục tiêu cao nhất có thể phát huy cao nhất mọi nguồn lực, vật chất, tinh thần của Nhà nước, xã hội, nhân dân, nguồn lực trong nước, ngoài nước phục vụ hiệu quả sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp (năm 2013), Quốc hội nước ta đang trong quá trình sửa đổi, bổ sung một số luật cơ bản tạo nền tảng cho việc hoàn thiện các mối quan hệ xã hội, quan hệ đầu tư, kinh doanh tạo thêm yếu tố hấp dẫn mới cho các hoạt động thương mại và đầu tư của người dân. Trong quá trình xây dựng pháp luật, nhiều dự án luật hướng tới việc huy động, khuyến khích các tổ chức, cá nhân trực tiếp đầu tư hoặc đầu tư theo hình thức đối tác công-tư vào dự án kết cấu hạ tầng, kinh tế-xã hội và cung cấp dịch vụ công, tổ chức sản xuất làm ra của cải vật chất cho xã hội, đóng góp cho ngân sách Nhà nước.Các luật do Quốc hội ban hành trong lĩnh vực kinh tế luôn tạo những điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp, người dân chủ động tổ chức sản xuất, quản lý sử dụng phần vốn góp của mình vào dự án theo đúng mục tiêu đầu tư và cam kết với Nhà nước.

Các luật về kinh tế do Quốc hội mới ban hành đã quy định cụ thể, chi tiết hơn và tiến rất gần tới chuẩn mực chung của thế giới về quản lý kinh tế, quản lý đầu tư, thể hiện rõ chính sách khuyến khích của Nhà nước đối với việc phát triển các nguồn vốn của xã hội, tạo môi trường kinh doanh, đầu tư thuận lợi, bình đẳng và từng bước đáp ứng các yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, khắc phục sự phân biệt giữa các thành phần kinh tế giữa nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, đơn giản hóa thủ tục đầu tư, tạo thuận lợi thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư từ khu vực tư nhân. Các luật trong lĩnh vực dân sự, thương mại, cạnh tranh… đang góp phần thúc đẩy phát triển các giao dịch thị trường, môi trường kinh doanh cạnh tranh, bảo vệ lợi ích hợp pháp của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân, chống lại các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, góp phần bảo vệ hoạt động sản xuất trong nước, bảo đảm tuân thủ đầy đủ các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và các hiệp định tự do thương mại (FTA) mà nước ta tham gia ký kết.

Sức mạnh đoàn kết của toàn dân tộc đã làm gia tăng sức mạnh của đất nước giúp chúng ta có đủ năng lực để tham gia hội nhập, đủ sức cạnh tranh trên trường quốc tế. Lòng yêu nước, tinh thần dân tộc cùng với việc bảo đảm quyền lợi, kết hợp hài hòa các lợi ích, công bằng, hợp lý, nhất là các lợi ích kinh tế là những nhân tố cần được phát huy để đẩy mạnh công cuộc kiến quốc cho giai đoạn tới; phấn đấu đến năm 2045, chúng takỷ niệm 100 năm ngày Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn độc lập với một vị thế mới trong khu vực và trên trường quốc tế.