Bài toán cần giải cho nông nghiệp công nghệ cao

Theo Ngọc Hùng/sgtiepthi.vn

Trong vòng một tháng trở lại đây, một số địa phương đã tổ chức những hội nghị liên quan đến nông nghiệp công nghệ cao. Nếu như trước đây, những nơi có lợi thế như Lâm Đồng và TP. Hồ Chí Minh mới quan tâm đến nông nghiệp công nghệ cao thì nay nhiều tỉnh cũng xem đây là một trong những mũi nhọn để phát triển kinh tế tỉnh nhà.

 Nguồn nhân lực là môt trong những yếu tố các địa phương phải tính đến khi xây dựng các khu nông nghiệp công nghệ cao. Ảnh: Ngọc Hùng
Nguồn nhân lực là môt trong những yếu tố các địa phương phải tính đến khi xây dựng các khu nông nghiệp công nghệ cao. Ảnh: Ngọc Hùng

Sức hút nông nghiệp công nghệ cao

Khoảng 10 năm trước, TP. Hồ Chí Minh là địa phương quyết tâm làm nông nghiệp công nghệ cao để tận dụng lợi thế về nguồn vốn và nhân lực, đặt mục tiêu sẽ trở thành trung tâm nông nghiệp công nghê cao. Đến nay, nhiều tỉnh thành khác cũng đặt ra mục tiêu này, đi liền với đó là những chính sách thu hút doanh nghiêp về địa phương mình.

Là địa phương đi đầu về lĩnh vực này, đến nay, số lượng doanh nghiệp đầu tư vào khu nông nghiệp cao nghệ cao TP. Hồ Chí Minh gần như đã đầy. Chính vì vậy, vào tuần trước, UBND TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức những cuộc họp để bàn kế hoạch mở rộng diện tích khu nông nghiệp công nghệ cao. Đây được xem là tin vui cho ngành nông nghiệp thành phố lẫn những doanh nghiệp trong ngành.

Trong khi TP. Hồ Chí Minh vẫn đang bàn thảo cần bao nhiêu đất cho nông nghiệp công nghệ cao thì cũng trong tuần trước, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tại đây, chính quyền tỉnh cam kết sẽ dành ra 5.000 ha đất cho việc phát triển lĩnh vực nông nghiệp này. Song song đó, cơ sở hạ tầng ở những nơi được chọn cũng được xây dựng.

Không chỉ có Bà Rịa – Vũng Tàu, những tỉnh ở quanh TP. Hồ Chí Minh như Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh cũng xem nông nghiệp công cao như một trong những mục tiêu để nâng cao giá trị cho ngành nông nghiệp. Để hút nguồn vốn đầu tư, các tỉnh, thành này đều đưa ra những cam kết tốt nhất cho doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này.

Cụ thể, để tạo sự an tâm cho doanh nghiệp, ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Bí thư tỉnh ủy Bà Rịa-Vũng Tàu, cho biết sẽ lập một đường dây nóng để nhận những phản hồi của doanh nghiệp khi đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao. Bằng cách này, theo ông Lĩnh, tỉnh muốn trực tiếp nghe những phản hồi từ doanh nghiệp để có những chỉ đạo kịp thời thay vì phải đi theo quy trình báo cáo từ dưới lên.

Có thể cũng vì sự cam kết của người đứng đầu tỉnh mà đến nay đã có 19 doanh nghiệp đầu tư vào tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu. Trong khi đó, khu nông nghiệp công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh với hơn 10 năm thành lập đến nay mới chỉ có 14 doanh nghiệp đầu tư.

Cạnh tranh nguồn nhân lực

Để hút doanh nghiệp, các tỉnh đều có quy hoạch những khu vực phát triển nông nghiệp công nghệ cao, xây dựng cơ sở hạ tầng để hút doanh nghiệp. Song, một trong những vấn đề mà doanh nghiệp quam tâm khi đầu tư vào một địa phương nào đó là nguồn nhân lực. Nghĩa là, ngoài những yếu tố nói trên, doanh nghiệp còn muốn biết ở những địa phương này có đủ hấp dẫn để thu hút nhân lực trong lĩnh vực nông nghiệp hay không.

Một đại diện Công ty TNHH MTV Phước Hòa cho biết, sau khi ký hợp xuất khẩu 20 triệu cành hoa sang Nhật Bản, công ty chọn Bà Rịa – Vũng Tàu để đầu tư vườn trồng hoa. Nhưng khó khăn mà phía công ty đang đối diện hiện nay là thiếu nguồn nhân lực. Do vậy, Phước Hòa mong muốn chính quyền tỉnh này có những chính sách để hút nhân lực nông nghiệp công nghệ cao.

Thực ra, không chỉ có những công ty như Phước Hòa mà cả các công ty lớn về nông nghiệp ở TP. Hồ Chí Minh, nơi tập trung các viện trường, cũng đang ở trong tình trạng thiếu nhân lực. Theo Ban quản lý Khu nông nghiệp công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh, dù trung tâm nằm ở thành phố năng động nhất nước nhưng việc thu hút nhân lực, đặc biệt là nhân lực có trình độ cao làm việc trong ngành nông nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn.

Một trong những lý do được phía Khu nông nghiệp công nghệ cao lý giải là, do trung tâm nằm cách xa trung tâm thành phố, việc đi lại làm việc hàng ngày của cán bộ kỹ thuật, nhân viên không thuận lợi nên nhiều người không mặn mà với công việc này. Do vậy, nhiều người cho rằng, với một nơi làm việc chỉ cách trung tâm khoảng 40 km như TP. Hồ Chí Minh mà còn khó thu hút nhân lực thì những địa phương xa sẽ giải quyết bài toàn này như thế nào.

Theo các doanh nghiệp, ngoài nhân lực chất lượng cao, họ cũng cần công nhân nông nghiệp nhưng không thể tuyển được vì lực lượng lao động này thường tập trung ở các khu công nghiệp. Phía Công ty Phước Hòa cho biết, việc tuyển và đào tạo công nhân nông nghiệp không dễ dàng vì lực lượng lao động này thường đến các khu công nghiệp chứ không ở lại quê nhà.

Tây Ninh là một trong những địa phương có chiến lược đồng bộ khi phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Bên cạnh việc dành ra 1.800 ha đất để làm khu nông nghiệp công nghệ cao, tỉnh này có kế hoạch hợp tác với đối tác Nhật Bản để đào tạo công nhân nông nghiệp nhằm tạo nguồn lực cho các doanh nghiệp.