Bài toán lãi suất là hết sức đơn giản

Theo Đầu tư Chứng khoán

Chủ tịch Hội đồng Quản trị Eximbank, ông Lê Hùng Dũng cho rằng, giảm lãi suất đầu ra là vấn đề đơn giản, nhưng đau đầu nhất hiện nay là lãi suất đầu vào không thể giảm. Theo ông Dũng, vấn đề quan trọng hơn là làm thế nào để doanh nghiệp (DN) tiêu thụ được hàng hóa.

Ngân hàng Nhà nước vừa có thông điệp sẽ điều hành để lãi suất giảm thêm. Giảm lãi suất cũng là mong muốn của các DN. Các nhìn của ông về câu chuyện này như thế nào?

Bài toán lãi suất là hết sức đơn giản - Ảnh 1
Chủ tịch HĐQT Eximbank, ông Lê Hùng Dũng
Các nhà kinh doanh luôn muốn lãi suất giảm. Nhưng bản thân ngân hàng cũng là một nhà kinh doanh và thực chất hoạt động của các ngân hàng là đi vay và cho vay lại. Nếu không có mức lãi suất hấp dẫn để huy động vốn thì người dân sẽ không gửi tiết kiệm. Thực tế, người đi vay tiền luôn muốn lãi suất thấp, nhưng người gửi tiền lại đòi lãi suất cao.Lãi suất huy động thực tế ở mức khoảng 10%/năm, nếu cho vay ra 6%, ngân hàng sẽ bị âm đến 4%, ngân hàng làm sao có thể tồn tại được.

Vì thế, muốn lãi suất cho vay xuống 5 - 6%/năm như kỳ vọng của DN, theo tôi, phải có lộ trình thích hợp. Đối với Việt Nam , lãi suất phải theo xu hướng lạm phát, nhưng với xu hướng hiện nay, lạm phát khó có thể xuống sâu. Do vậy, làm thế nào để giảm được lãi suất không còn là một câu hỏi mà là một vấn đề lớn của quốc gia. Bài toán lãi suất là hết sức đơn giản, nhưng lại rất khó giải quyết. Cần có các giải pháp tổng hợp để kéo lạm phát xuống thấp. Lạm phát xuống thấp mới có thể giảm thêm lãi suất huy động. Lúc đó, lãi suất cho vay mới có thể giảm.

Nhiều người cho rằng, hoạt động ngân hàng vẫn siêu lợi nhuận và với lãi suất huy động 8%/năm, cho vay ra 13 - 14%/năm như hiện nay là đang “hút” máu các DN. Ông nghĩ sao về điều này?

Nếu hoạt động trong ngành ngân hàng thì có thể dễ nhận thấy thực tế hiện nay, trần lãi suất huy động 8%/năm, nhưng không ai huy động được với lãi suất này. Ngoài chi phí huy động cao, ngân hàng còn phải trả lương cho CBNV, khấu hao, trích lập dự phòng rủi ro… thêm khoảng 1 - 1,5%/năm, đó là chưa kể cổ tức mà ngân hàng phải trả cho cổ đông. Nếu cho vay lãi suất phổ biến 12%/năm như hiện nay thì ngân hàng chỉ được huề vốn hoặc giỏi lắm cũng chỉ còn lại được 0,5 - 1%.

Nhưng hiện nay, Eximbank vẫn cho DN xuất khẩu vay với lãi suất chỉ 7%/năm. Làm thế nào để Ngân hàng có thể bù đắp được chi phí, thưa ông?

Đó cũng là một bài toán mà chúng tôi phải tính toán kỹ. Để có thể hỗ trợ DN bằng lãi suất ở mức tương đối thấp mà cụ thể Eximbank đã triển khai chương trình cho DN xuất khẩu vay VND lãi suất 7%/năm, chúng tôi đã huy động được nguồn ngoại tệ nước ngoài, với mức lãi suất thương mại khoảng 5 - 6%/năm. Eximbank vay tài trợ thương mại bằng ngoại tệ, sau đó chuyển đổi sang tiền đồng để cho khách hàng vay.

Nếu tính chi li, với chi phí huy động vốn hiện nay để cho vay ra với lãi suất thấp, Ngân hàng sẽ không có lãi nhiều. Nhưng vấn đề quan trọng hơn là giữ được thị trường, giữ được khách hàng và tiếp sức cho nền kinh tế để có cơ hội phục hồi. Bởi chỉ trên cơ sở nền kinh tế phục hồi, hoạt động DN mạnh lên thì ngân hàng mới có thể mở rộng hoạt động cho vay.

Vậy ngoài lãi suất cao, điều khiến DN chưa mặn mà sử dụng vốn vay hiện nay là gì?

Thanh khoản ngân hàng đã hiện đã tốt nên ngân hàng cần người vay vốn, nhưng các DN tốt lại không mặn mà với việc sử dụng vốn vay để đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh. Tăng trưởng tín dụng toàn ngành 2 tháng đầu năm 2013 cũng chứng minh cho điều đó khi dư nợ của hệ thống chỉ tăng 0,16%. Nền kinh tế không hấp thu được vốn. Ngân hàng khó đẩy mạnh cho vay. Bản thân Eximbank cũng vậy.

DN không muốn vay vốn bởi đầu ra của sản phẩm không có. Trong khi đó, tính cạnh tranh của DN Việt Nam rất thấp so với các nước do chi phí cao… Vì thế, vấn đề hiện nay không chỉ là giảm lãi suất mà quan trọng hơn là làm thế nào để tạo được thị trường tiêu thụ cho DN.

Về gói tín dụng 5.000 tỷ đồng hỗ trợ cho người mua nhà lãi suất ưu đãi mà Eximbank đưa ra cuối năm 2012, đến nay Ngân hàng đã giải ngân được bao nhiêu?

Đối với gói vốn hỗ trợ người mua nhà Eximbank đưa ra cuối năm qua, chúng tôi đã từng bước giảm lãi suất xuống mức hợp lý. Cụ thể, từ mức lãi suất 12%/năm trong 2 năm đầu, nay còn 10%/năm. Tuy nhiên, tiến độ giải ngân vẫn khá chậm.

Nguyên nhân là thị trường bất động sản trầm lắng, không có nhu cầu. Cầu trên thị trường bất động sản trước đây có hai loại: cầu đầu cơ và cầu thực của những người muốn mua nhà để ở. Nhưng có một điều oái ăm là người đầu cơ thì thường có tiền, còn người có nhu cầu mua nhà để ở lại không phải lúc nào cũng sẵn tiền.

Vì vậy, ngay cả chương trình tài trợ vốn lãi suất ưu đãi 6%/năm cho người thu nhập thấp mua nhà hiện nay, theo tôi, chưa chắc đã hiệu quả vì vấn đề mấu chốt không phải là lãi vay mua nhà mà là giá tiền của căn nhà - vẫn cao.

Do đó, giảm giá bất động sản mới là biện pháp cốt lõi để thị trường bất động sản được khơi thông. Thực tế, giá bất động sản trước đây cao, DN bất động sản cũng đã thu được lợi nhuận thì nay, khi thị trường khó khăn, muốn bán được hàng, DN bất động sản phải điều chỉnh giá, thậm chí là thua lỗ, không thể cứ đổ lỗi cho ngân hàng không cho vay, hoặc lãi suất cho vay cao.

Chênh lệch giữa lãi suất đầu vào và đầu ra được cho là dần được thu hẹp lại, song thực tế, nguồn thu chính của ngân hàng hiện vẫn từ tín dụng?

Trước đây, nguồn thu của ngân hàng có cơ cấu từ tín dụng đến dịch vụ. Nhưng từ năm nay 2012 đến nay, các mảng dịch vụ như kinh doanh vàng, ngoại tệ… đã thu hẹp, không còn mang lại nguồn thu như trước. Vì thế, nguồn thu được trông chờ nhất đối với các ngân hàng chỉ từ tín dụng. Tuy nhiên, năm nay, tín dụng sẽ có những khó khăn nhất định, trong đó có việc Thông tư 02/2013/TT-NHNN được ban hành, quy định về việc phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng… Bởi theo quy định của Thông tư 02, nếu một khách hàng có quan hệ vay vốn ở một ngân hàng A, sang vay ngân hàng B có đủ tài sản thế chấp, nhưng nếu khách hàng này đã có nợ xấu ở ngân hàng A thì ngân hàng B cũng phải trích lập dự phòng cho khoản nợ ở ngân hàng A.

Nhiều người cho rằng, hoạt động của ngân hàng vẫn lãi khủng và “ăn” trên lưng DN. Nhưng nếu nhìn vào thực tế tổng tài sản cũng như vốn điều lệ của ngân hàng thì có thể thấy, lãi thu về trong hoạt động của các ngân hàng rất thấp. Đơn cử như tại Eximbank, vốn điều lệ hiện đạt trên 10.000 tỷ đồng, nhưng năm qua, Ngân hàng chỉ đạt 2.828 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế Eximbank đưa ra trong năm nay cũng ở mức khiêm tốn 3.200 tỷ đồng.

Tuy nhiên, mức lợi nhuận này cũng chưa hẳn đạt được và áp lực rất lớn. Do tín dụng không thể tăng trưởng, ngân hàng buộc phải mua trái phiếu chính phủ với lãi suất rất thấp 7 - 8%/năm. Quý đầu năm nay, Eximbank vẫn chưa đạt được 9% kế hoạch lợi nhuận của cả năm, trong khi ở các năm trước, hết quý đầu năm, Ngân hàng ít nhất cũng đạt 20% kế hoạch.