Băn khoăn về năng suất và đổi mới sáng tạo của nền kinh tế Việt Nam

PV.

Nền kinh tế Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức và áp lực không nhỏ, trong đó nổi bật lên là vấn đề năng suất và đổi mới sáng tạo của nền kinh tế.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Cảnh báo này đã được ông Đặng Huy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra tại Hội thảo khoa học quốc tế "Năng suất và đổi mới sáng tạo của nền kinh tế Việt Nam: Phát hiện từ nghiên cứu thực chứng" do Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF) tổ chức tại Hà Nội hôm 24/11/2017.
Thứ trưởng Đặng Huy Đông cho rằng, năng suất của nền kinh tế Việt Nam được cho là thấp, tính đổi mới sáng tạo không cao và các doanh nghiệp Việt Nam chưa tạo được lợi thế so sánh cần thiết. Trong bối cảnh các động lực tăng trưởng theo chiều rộng dần tiệm cận mức tới hạn, Việt Nam xác định mục tiêu đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, trong đó chú trọng yếu tố thể chế, cơ sở hạ tầng, khoa học công nghệ và con người.
Việt Nam hiện cũng chú trọng đến việc xem xét ảnh hưởng của các yếu tố tác động tới năng suất và đổi mới sáng tạo tới sự phát triển của nền kinh tế. Việc xem xét các loại và cấu phần của năng suất, đánh giá tác động của yếu tố (tự do hóa thương mại, cải cách thể chế, vốn nhân lực, cổ phần hóa...) tác động tới năng suất và đổi mới sáng tạo của nền kinh tế cần được thực hiện một cách nghiêm túc trên cơ sở khoa học để đưa ra được những dự báo, cảnh báo sớm phục vụ công tác hoạch định, xây dựng chính sách phát triển kinh tế - xã hội phù hợp.
TS. Đặng Đức Anh, Trưởng Ban Phân tích và Dự báo của NCIF cho biết, dựa trên mô hình kinh tế lượng vĩ mô Việt Nam được NCIF xây dựng trong khuôn khổ chương trình chia sẻ kinh nghiệm của Ailen cho thấy, hai nhân tố quan trọng đóng góp cho năng suất và đổi mới sáng tạo của kinh tế là đầu tư công và cải cách doanh nghiệp nhà nước trong trung hạn. Cụ thể, nếu cải cách tổng thể tất cả doanh nghiệp nhà nước có thể tăng 10% sản lượng của nền kinh tế thông qua tăng năng suất. Nếu tăng năng suất của doanh nghiệp nhà nước lên 2% sẽ tăng 1,14% GDP, 2,26% sản lượng công nghiệp và 1,15% sản lượng xuất khẩu.
PGS., TS. Nguyễn Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện khoa học lao động và xã hội cho biết, hiện đang nổi lên vấn đề mối quan hệ giữa năng suất lao động và chất lượng nguồn nhân lực. Năng suất lao động là một chỉ số chính của thị trường lao động, phản ánh tăng trưởng kinh tế bền vững, khả năng cạnh tranh và hiệu quả trong sử dụng lao động của mỗi quốc gia. Tuy nhiên, Việt Nam hiện tại vẫn đang có một khoảng cách lớn về năng suất lao động giữa các ngành, cũng như khi so sánh với các nước khác trong cùng khu vực. Nói cách khác, chất lượng nguồn nhân lực chưa thực sự là động lực của tăng trưởng năng suất lao động.

GS. John FitzGerald, Đại học Trinity Dublin cho rằng, để cải thiện năng suất lao động, Việt Nam cần tập trung đầu tư vào 3 yếu tố: Vốn, khoa học công nghệ và con người. Về yếu tố con người, bà Nguyễn Lan Hương cho rằng, phải tập trung vào phát triển nhóm công nhân kỹ thuật và loại bỏ những chính sách mang tính rào cản cho thị trường lao động. Cùng với đó, những chính sách liên quan đến an sinh xã hội phải được quan tâm và thông thoáng hơn. Bà Nguyễn Thị Tuệ Anh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương lại cho rằng, Nhà nước cần hỗ trợ đào tạo chủ doanh nghiệp về phát triển công nghệ, bởi trình độ của chủ doanh nghiệp quyết định rất lớn tới nhận thức và mức độ đổi mới công nghệ của doanh nghiệp.

Trong khi đó, theo TS. Lương Văn Khôi, Phó Giám đốc NCIF, có vài hàm ý chính sách có tác động mạnh tới năng suất đóng góp cho việc phát triển kinh tế. Theo đó, về thể chế và cơ cấu kinh tế, môi trường kinh doanh cần cải thiện theo hướng làm tăng hiệu quả phân bổ, hiệu quả kỹ thuật, kích thích đầu tư công nghệ. Về khoa học công nghệ, Nhà nước đóng vai trò hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao trình độ khoa học công nghệ thông qua các quỹ khoa học công nghệ hiện nay. Về nguồn lao động, cần tăng khả năng chuyển đổi lao động giữa các ngành năng suất thấp và năng suất cao, thị trường lao động cần cải thiện để tăng tính lưu động giữa các vùng...