Bán lẻ hiện đại, động lực phát triển mới

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Tại Diễn đàn “Ngành bán lẻ trong kỷ nguyên mới: tầm nhìn và con đường thành công” do Hiệp hội bán lẻ Việt Nam tổ chức, các chuyên gia cho rằng, xu hướng của ngành bán lẻ đang có sự chuyển dịch từ kênh bán lẻ truyền thống sang kênh bán hàng hiện đại. Bán lẻ hiện đại sẽ là động lực phát triển của ngành bán lẻ Việt Nam.

Bán lẻ hiện đại, động lực phát triển mới
Bán lẻ hiện đại sẽ là động lực phát triển của ngành bán lẻ Việt Nam. Nguồn: internet

Năm 2014 được đánh giá là năm thị trường bán lẻ toàn cầu với nhiều thay đổi cơ bản và mạnh mẽ. Người tiêu dùng Việt Nam ngày càng năng động hơn, hội nhập hơn, thay đổi nhanh hơn và yêu cầu ngày càng cao hơn, đa dạng hơn. Dự kiến đến năm 2020, cả nước có khoảng 1.200 - 1.300 siêu thị, 180 trung tâm thương mại và 157 trung tâm mua sắm.

Song, thị phần bán lẻ hiện đại mới chiếm khoảng 25% tổng mức bán lẻ, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực như Indonesia (chiếm 43%), Thái Lan (46%), Malaysia (53%), Trung Quốc (64%), EU (trên 70%). Theo nhận định của các chuyên gia, sự phát triển mạnh mẽ của ngành bán lẻ toàn cầu đã tạo ra một môi trường kinh doanh đầy thách thức đối với các nhà bán lẻ Việt Nam. Không những thế, đây cũng là dịp mở ra rất nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp thấu hiểu và điều chỉnh thành công chiến lược của mình phù hợp với bối cảnh chung.

Thị trường bán lẻ Việt Nam đang phát triển mạnh, song vẫn thấp hơn nhiều so với khu vực. Giao dịch thương mại hiện đại mới chiếm 20% thị phần, còn lại thông qua kênh thương mại truyền thống như: chợ, cửa hàng nhỏ lẻ nên rất khó kiểm soát, nhất là nguồn gốc chất lượng hàng hóa và an toàn vệ sinh thực phẩm.

Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương nhận định, thị trường bán lẻ tại Việt Nam đang bùng nổ các loại hình cửa hàng tiện lợi, siêu thị, trung tâm thương mại lớn. Một số tập đoàn bán lẻ lớn đang gia tăng thăm dò, tìm kiếm cơ hội đầu tư bán lẻ hoặc bắt đầu hoạt động tại Việt Nam như Walmart, Auchan, Robinson. Cơ hội còn nhiều nhưng để doanh nghiệp trong nước cạnh tranh được với các doanh nghiệp nước ngoài trên sân nhà lại không dễ.

Trong khi đó, hạ tầng thương mại, kể cả đường giao thông, kho bãi còn nhiều hạn chế, các giao dịch mua bán trên thị trường có khi thiếu minh bạch, hàng hóa qua nhiều khâu trung gian, đến tay người tiêu dùng giá cao một cách vô lý. Các doanh nghiệp chân chính ngại đầu tư lâu dài vì họ ít được bảo vệ.

Chủ tịch Hiệp hội bán lẻ Việt Nam Đinh Thị Mỹ Loan cho rằng, càng ngày sẽ càng có nhiều doanh nghiệp bán lẻ thâm nhập vào thị trường Việt Nam. Ở góc độ nào đó, đây là sự cạnh tranh mà các doanh nghiệp cần đón nhận như một thách thức và cũng là một cơ hội.

Với việc nhiều doanh nghiệp bán lẻ đổ bộ vào Việt Nam buộc các doanh nghiệp Việt Nam phải cố gắng trước sự cạnh tranh về dịch vụ bán lẻ, kỹ năng, cũng như các mặt mạnh khác của các doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài. Tuy nhiên, đây là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện nên các nhà quản lý phải cân nhắc khi cấp phép, không nhất thiết phải bảo hộ doanh nghiệp trong nước, nhưng quan trọng phải minh bạch và rõ ràng trong chính sách thu hút đầu tư nước ngoài.

 Chia sẻ những kinh nghiệm tại thị trường bán lẻ, nhiều chuyên gia cho rằng, ngành bán lẻ đang mở ra một kỷ nguyên mới. Xu hướng mua sắm trong thời kỳ kỷ nguyên số thiên về thương mại điện tử và công nghệ hiện đại. Các nhà bán lẻ Việt Nam cần tập trung quản lý ngành hàng và quan tâm đến các hình thức thẻ khách hàng thân thiết để bắt kịp với xu hướng phát triển kênh bán hàng hiện đại trong khu vực.

Đồng thời, các nhà bán lẻ nên tập trung vào sản phẩm có thể sử dụng để củng cố hình ảnh, thương hiệu và lòng trung thành của khách hàng; các chương trình khuyến mãi giúp nâng cao nhận biết của khách hàng; các sản phẩm ít nhạy cảm về giá cả, ít có sản phẩm thay thế. Bên cạnh đó, gia tăng thị phần và phát triển khách hàng là mục đích thúc đẩy kết quả kinh doanh của nhà sản xuất.

Những nhân tố tác động đến thị trường phân phối toàn cầu là tốc độ thay đổi công nghệ, thay đổi về hành vi mua sắm đòi hỏi trong suốt thông tin kết nối lâu dài và mua hàng dựa vào tri thức. Các nhà bán lẻ nên tìm kiếm sự tăng trưởng tương lai do không có kênh bán lẻ nào chiếm ưu thế tăng trưởng. Một phần sự phát triển đó thuộc các đại siêu thị trong giai đoạn chín muồi sẽ tập trung vào kênh giảm giá.

Theo xu hướng, kênh giảm giá sẽ tiếp tục tăng trưởng trong giai đoạn hậu hiện đại. Các nhà bán lẻ hiện nay cũng như sắp tới nỗ lực, thường xuyên tung ra các chính sách, chương trình giảm giá để thu hút khách hàng. Do đó, xu hướng mua sắm trong thời kỳ kỷ nguyên số thiên về thương mại điện tử và công nghệ hiện đại, các nhà bán lẻ phải chăm sóc khách hàng thường xuyên, với dịch vụ tốt nhất.

Dự báo, thị trường bán lẻ vẫn tiếp tục sôi động, trong đó có sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài. Nhà nước cần tạo ra môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch để nhà đầu tư yên tâm kinh doanh. Có như vậy thị trường bán lẻ Việt Nam mới có cơ hội phát triển nhanh và bền vững.