Bán lẻ trực tuyến - tiềm năng bỏ ngỏ

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Nhiều chuyên gia cho rằng, thị trường bán lẻ qua mạng ẩn chứa nhiều tiềm năng phát triển trong tương lai, song các doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ trong nước vẫn chưa thực sự mặn mà phát triển mô hình này.

Bán lẻ trực tuyến - tiềm năng bỏ ngỏ
Xu hướng mua hàng qua mạng trong lĩnh vực tiêu dùng nhanh đã và đang phát triển mạnh tại nhiều quốc gia. Nguồn: internet

Thời gian qua, nước ta được đánh giá là một trong những thị trường tiềm năng đối với ngành dịch vụ bán lẻ với dân số trẻ, tỷ lệ dân số sinh sống tại các thành phố lớn và các vùng phụ cận đang tiếp tục gia tăng. Đây là cơ hội lớn dành cho các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bán lẻ biết nắm bắt, tận dụng và khai thác tốt. Hơn nữa, Việt Nam đang từng bước trở thành một trong những nước tiêu thụ hàng bán lẻ lớn nhất khu vực. Theo Tổng cục Thống kê, trong những năm gần đây, bán lẻ là thị trường phát triển nhất, đặc biệt là ngành hàng tiêu dùng nhanh. Trong đó, Việt Nam là quốc gia có tốc độ tăng trưởng hàng tiêu dùng nhanh cao nhất trong khu vực (23%). Hiện có nhiều tập đoàn lớn trên thế giới đã tham gia thị trường kinh doanh dịch vụ bán lẻ tại Việt Nam như Lotte, Aeon, Big C... Các doanh nghiệp lớn này đang mở rộng chuỗi cửa hàng bán lẻ, siêu thị tại Việt Nam.

Thống kê cho thấy, đã có 70 siêu thị, 15 trung tâm thương mại trên địa bàn TP. Hà Nội, cùng với khoảng 400 chợ truyền thống vẫn đang hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ. Ngoài phương thức truyền thống bán hàng trực tiếp, các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng bán lẻ đã và đang phát triển thêm nhiều phương thức mới như bán hàng qua điện thoại, qua truyền hình, bán hàng qua mạng…

Theo Chủ tịch Hội Siêu thị TP. Hà Nội Vũ Vinh Phú, phương thức bán hàng qua mạng thông qua các trang mạng và sàn giao dịch điện tử… đã mang lại nhiều tiện ích mới cho người tiêu dùng trong nước. Doanh thu từ hoạt động bán hàng theo hình thức thương mại điện tử đang ngày càng tăng cao. Có thể thấy, thương mại điện tử đã và đang trở thành một kênh bán hàng tiềm năng, góp phần thúc đẩy sản xuất và phục vụ nhu cầu tiêu dùng xã hội theo hướng ngày càng văn minh, hiện đại và thuận tiện hơn. Nhiều chuyên gia cho rằng, cùng với sự phát triển công nghệ, việc tích hợp thêm các kênh bán hàng trực tuyến và cho ra đời siêu thị điện tử là xu thế tất yếu để các nhà bán lẻ trong nước có thể tăng khả năng cạnh tranh và thu hút lượng khách hàng lớn hơn. Hiện cả nước có khoảng 40 triệu người sử dụng dịch vụ internet, và 20% số đó hiện đang sống tại các thành phố lớn. Đây là thị trường rộng lớn, đầy tiềm năng mà các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bán lẻ Việt cần sớm nắm bắt. Trên thực tế, các nhà bán lẻ Việt dường như vẫn chưa thực sự tiếp cận và tận dụng hiệu quả lợi ích của phương thức bán hàng qua kênh thương mại điện tử.

Nhiều chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp bán lẻ trong nước vẫn chưa quan tâm đến mô hình bán lẻ trên internet, thị trường bán lẻ trực tuyến còn đang bỏ ngỏ; các doanh nghiệp còn thiếu kinh nghiệm trong lĩnh vực thương mại điện tử dù đây là thị trường tiềm năng. Tuy có cả nghìn điểm kinh doanh dịch vụ bán lẻ trên địa bàn TP. Hà Nội, song phần lớn các địa chỉ bán lẻ này vẫn chưa quan tâm đến việc điện tử hóa các sản phẩm, giá cả, dịch vụ của chính doanh nghiệp mình, bởi những khó khăn nội tại như cơ sở vật chất, tài chính... nhiều khách hàng vẫn chưa biết, chưa tiếp cận được với các điểm bán lẻ này. Bên cạnh đó, thói quen mua sắm truyền thống của người Việt vẫn là thách thức không nhỏ đối với các doanh nghiệp bán lẻ khi lựa chọn kênh bán hàng trực tuyến. Kết quả nghiên cứu thói quen mua sắm của người Việt mới đây cho thấy, trên 50% người tiêu dùng chọn chợ để mua sắm nhu yếu phẩm hàng ngày, lựa chọn thứ hai là các cửa hàng tạp hóa và cuối cùng 18% chọn kênh siêu thị. Thêm vào đó, người tiêu dùng Việt nhạy cảm về giá, nên thường có tâm lý lên mạng chủ yếu để mua hàng giá rẻ, chưa thực sự quan tâm đến tính tiện dụng và ích lợi của loại hình dịch vụ này.

Xu hướng mua hàng qua mạng trong lĩnh vực tiêu dùng nhanh đã và đang phát triển mạnh tại nhiều quốc gia. Ở nước ta, thị trường có, nhu cầu có; thời gian tới, thúc đẩy phát triển ngành bán lẻ thông qua phương thức thương mại điện tử là xu hướng tất yếu và đầy triển vọng mà các doanh nghiệp Việt cần quan tâm đầu tư phát triển. Các doanh nghiệp cần xây dựng các trang bán hàng qua mạng, sàn giao dịch điện tử theo hướng minh bạch về giá, dễ tiếp cận thông tin sản phẩm, phương thức thanh toán thuận tiện... Tạo dựng niềm tin của người tiêu dùng đối với phương thức mua hàng tiêu dùng nhanh qua mạng, bởi những mặt trái hiện nay của thương mại điện tử như bán hàng mang tính lợi nhuận đơn thuần, cung cấp thông tin sai về mẫu mã, giá cả, chất lượng... đang gây thiệt hại không nhỏ cho người tiêu dùng, cho xã hội, làm ảnh hưởng đến uy tín của các doanh nghiệp bán hàng qua mạng khác.