Bán nợ xấu, phải bán liền tay

Theo baodautu.vn

(Tài chính) Ông John M. Sheehan, Giám đốc Khu vực Đông Nam Á của Tập đoàn quản lý tài sản độc lập Capital Service (văn phòng tại Thái Lan) cho rằng, nợ xấu tại Việt Nam rất hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, không thể chần chừ, "nuôi" nợ xấu cho tốt lên mới bán, bởi giải quyết nợ xấu càng sớm, thì chi phí giải quyết càng đỡ đắt đỏ.

Bán nợ xấu, phải bán liền tay
Giải quyết nợ xấu càng sớm, thì chi phí giải quyết càng đỡ đắt đỏ. Nguồn: internet
PV: Vậy theo ông, các nhà đầu tư nước ngoài có quan tâm đến nợ xấu tại Việt Nam?

Ông John M. Sheehan: Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn, nên nợ xấu của các bạn cũng được rất nhiều nhà đầu tư quan tâm.

Trong đó, các nhà đầu tư Mỹ đặc biệt quan tâm đến nợ xấu bất động sản; còn các nhà đầu tư Nhật, EU lại quan tâm đến nợ xấu trong các lĩnh vực khác.

Tôi có sẵn danh sách nhà đầu tư nước ngoài với hàng tỷ USD đang mong chờ vào Việt Nam, nhưng họ không thể tìm được cách nào để đổ vốn vào.

Quy định của Việt Nam, trong đó có vấn đề sở hữu tài sản và tỷ lệ nắm giữ cổ phiếu, là những rào cản lớn.

Khi một nhà đầu tư nước ngoài muốn mua nợ xấu, điều họ quan tâm nhất là có thể sở hữu được tài sản đó không. Theo ông, Việt Nam cần làm gì để tạo điều kiện cho nhà đầu tư nước ngoài?

Để thu hút vốn ngoại xử lý nợ xấu, Việt Nam cần xây dựng một cơ sở hạ tầng mới cho giải quyết nợ xấu, bao gồm lập pháp, định chế, tài chính... Nếu tạo được cơ sở hạ tầng tốt cho xử lý nợ xấu thì Việt Nam sẽ thu hút làn sóng cực kỳ lớn của vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào nợ xấu.

Các nhà đầu tư nước ngoài sẵn sàng trả giá bao nhiêu cho các khoản nợ xấu tại Việt Nam, thưa ông?

Nếu có cơ chế, hành lang pháp lý tốt, thì các nhà đầu tư nước ngoài có thể trả giá 30 - 35 UScent cho mỗi USD nợ xấu, nhưng nếu không có cơ sở tốt, thì họ sẽ chỉ trả 2 UScent. Như vậy, để bán nợ xấu với giá cao, Chính phủ Việt Nam phải tạo cơ sở hạ tầng mua nợ xấu tốt nhất cho các nhà đầu tư.

Nhiều thị trường khác trong khu vực cũng đã tìm cách cải thiện chính sách pháp lý khi xử lý nợ xấu. Chẳng hạn, năm 1998, Thái Lan đã cho phép nhà đầu tư nước ngoài sở hữu nhà ở liên quan đến những khoản nợ xấu họ mua. Năm 2002, Philippines cũng thay đổi luật thuế đánh vào nhà đầu tư nước ngoài để thu hút nhiều hơn vốn FDI vào xử lý nợ xấu.

Dù nhà đầu tư ngoại quan tâm mua nợ xấu Việt Nam, song mức giá trên có lẽ quá thấp so với kỳ vọng của các ngân hàng. Ông nghĩ sao về quan điểm cho rằng, Việt Nam nên “nuôi nợ” cho tốt lên rồi mới bán cho nhà đầu tư nước ngoài với giá cao?

Đừng nên cho rằng, nợ xấu đã có tài sản đảm bảo là an toàn. Nên nhớ, các tài sản này sẽ mất giá dần, khó thu hồi hơn và sẽ tự phân hủy theo thời gian, giống như rau trong chợ để lâu không ai mua sẽ héo dần.

Giải quyết nợ xấu càng sớm, thì chi phí giải quyết càng đỡ đắt đỏ. Đặc biệt, trong bối cảnh thị trường đi xuống, ngân hàng nào bán nợ nhanh nhất sẽ là ngân hàng chiến thắng.

Kinh nghiệm từ Philippines cho thấy, việc thừa nhận nợ xấu muộn đã khiến hệ thống ngân hàng nước này trả giá bằng việc phải bán các khoản nợ xấu với mức giá chạm đáy. Trong khi đó, Thái Lan, với sự trợ giúp của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), đã tích cực xử lý nợ xấu sớm và giúp hệ thống ngân hàng nước này vượt qua khủng hoảng nhanh hơn Philippines tới 4 năm.

Bên cạnh đó, một nguyên tắc đơn giản là càng tranh mua thì bán càng được giá. Nếu Việt Nam sớm mở cửa cho các nhà đầu tư nước ngoài cạnh tranh mua nợ, thì nợ xấu không chỉ được xử lý nhanh hơn, mà còn “được giá” hơn.