Bàn về định hướng cải cách mức thuế thu nhập cá nhân ở Việt Nam

ThS. TRầN QUốC HOÀN - Đại học Hùng Vương

Đơn giản hóa biểu thuế thu nhập cá nhân đã trở thành một trong những xu thế trong cải cách thuế của các nước trên thế giới. Đơn giản hóa biểu thuế thu nhập cá nhân giúp dễ triển khai, dễ áp dụng, giúp năng ngừa khả năng lợi dụng để tránh thuế hoặc trốn thuế. Mặt khác, đơn giản hóa biểu thuế thu nhập cá nhân vẫn đảm bảo sự điều tiết lũy tiến đối với thu nhập, qua đó góp phần tái phân phối thu nhập, đảm bảo công bằng xã hội.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Trong những năm gần đây, một số nước trên thế giới đã tiến hành cải cách thuế theo hướng đơn giản hóa biểu thuế mà chủ yếu là áp dụng thống nhất một mức thuế suất đối với một sắc thuế, trong đó, thuế thu nhập cá nhân (TNCN) là sắc thuế mà hầu hết các nước đi tiên phong trong cải cách thuế đã lựa chọn áp dụng.

Cùng với sự sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý thuế, Luật Thuế TNCN, Chính phủ Việt Nam đã thể hiện nhiều nỗ lực vào cải cách và hiện đại hóa nhằm hoàn thiện hệ thống thuế trong quá trình hội nhập quốc tế. Theo Quyết định số 732/QĐ-TTg ngày 17/05/2011 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011 – 2020 thì tới năm 2020 một số sắc thuế của Việt Nam sẽ áp dụng cơ bản một mức thuế suất, từng bước đơn giản biểu thuế, điều chỉnh mức thuế suất hợp lý nhằm động viên, khuyến khích tổ chức, cá nhân làm giàu hợp pháp.

Quy định mức thuế TNCN đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công

Luật Thuế TNCN quy định biểu thuế luỹ tiến từng phần đối với thu nhập tính thuế từ tiền lương, tiền công, gồm 7 bậc, mức thuế suất thấp nhất là 5%, mức cao nhất là 35%; thu nhập tính thuế làm căn cứ áp dụng biểu thuế là thu nhập chịu thuế sau khi đã được trừ các khoản giảm trừ gia cảnh, các khoản đóng góp bảo hiểm bắt buộc và các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo. Cụ thể như sau:

Bảng 1. Biểu thuế lũy tiền từng phần của thuế TNCN

Bậc thuế

Phần thu nhập tính thuế/tháng (triệu đồng)

Thuế suất (%)

Hệ số giữa mức thu nhập cao nhất của bậc sau so với bậc thuế trước

1

Đến 5

5

-

2

Trên 5 đến 10

10

2,0 lần (10/5)

3

Trên 10 đến 18

15

1,8 lần (18/10)

4

Trên 18 đến 32

20

1,77 lần (32/18)

5

Trên 32 đến 52

25

1,63 lần (52/32)

6

Trên 52 đến 80

30

1,54 lần (80/52)

7

Trên 80

35

-

Nguồn: Luật Thuế TNCN

Áp dụng biểu thuế này, theo số liệu về quản lý thuế năm 2013 cho thấy số người nộp thuế ở bậc cao chiếm tỷ trọng nhỏ nhưng số thuế đóng góp lớn, cụ thể:

- Có 73,32% tổng số người nộp thuế đang nộp thuế ở bậc 1 và đóng góp số tiền thuế là 10,06% tổng số thu thuế TNCN từ tiền lương, tiền công.

- Có 14,55% tổng số người nộp thuế đang nộp thuế ở bậc 2 đóng góp số tiền thuế là 10,77% tổng số thu thuế TNCN từ tiền lương, tiền công.

- Có 6,5% tổng số người nộp thuế đang nộp thuế ở bậc 3 đóng góp số tiền thuế là 13,12% tổng số thu thuế TNCN từ tiền lương, tiền công.

- Có 3,05% tổng số người nộp thuế đang nộp thuế ở bậc 4 đóng góp số tiền thuế là 15,09% tổng số thu thuế TNCN từ tiền lương, tiền công.

- Có 1,75% tổng số người nộp thuế đang nộp thuế ở bậc 5 đóng góp số tiền thuế là 19,45% tổng số thu thuế TNCN từ tiền lương, tiền công.

- Có 0,65% tổng số người nộp thuế đang nộp thuế ở bậc 6 đóng góp số tiền thuế là 14,18% tổng số thu thuế TNCN từ tiền lương, tiền công.

- Có 0,18% tổng số người nộp thuế đang nộp thuế ở bậc 7 đóng góp số tiền thuế là 17,30% tổng số thu thuế TNCN từ tiền lương, tiền công.

Luật Thuế TNCN có quy định giảm trừ gia cảnh trước khi tính thuế đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công của cá nhân cư trú. Như vậy, người có thu nhập thấp hơn mức giảm trừ gia cảnh thì chưa phải nộp thuế. Người có thu nhập cao hơn mức giảm trừ gia cảnh phải nộp thuế theo biểu thuế luỹ tiến từng phần gồm 7 bậc (5%; 10%; 15%; 20%; 25%; 30%; 35%). Người có thu nhập như nhau nhưng có hoàn cảnh khác nhau thì mức nộp thuế khác nhau.

Qua 7 năm thực hiện Luật Thuế TNCN, dựa trên các số liệu hàng năm của Bộ Tài chính và kết quả tính toán của tác giả, số thu thuế TNCN có sự tăng trưởng khá, cụ thể:

- Số thu năm 2009 đạt 110% so với năm 2008, đạt 3,4% trong tổng số thu NSNN, bằng 0,87% GDP.

- Số thu năm 2010 bằng 183,6% so với thực hiện năm 2009, đạt 6,1% tổng thu NSNN (khoảng 6,05% tổng thu nội địa, bằng 1,37% GDP).

- Số thu năm 2011 bằng 146,57% so với số thu năm 2010, đạt khoảng 7,3% số thu NSNN và đạt 7,39% tổng thu nội địa, bằng 2,1% GDP.

- Số thu năm 2012 bằng 116,72% so với thực hiện năm 2011, đạt 8,04% tổng thu nội địa, bằng 1,39% GDP.

- Số thu năm 2013 bằng 103,44% so với thực hiện năm 2012, đạt 6,88% tổng thu nội địa, bằng 1,3% GDP.

- Số thu năm 2014 bằng 102,77% so với thực hiện năm 2013, đạt 5,54% tổng thu nội địa, bằng 1,21% GDP.

- Số thu năm 2015 ước tính bằng 116,25% so với thực hiện năm 2014, ước đạt 5,99% tổng thu nội địa.

Thực tế trên cho thấy, mức thuế suất cao nhất 35% hiện nay là cao cùng với khoảng cách thu nhập giữa các bậc thuế còn dày dẫn đến mức điều tiết thuế tăng nhanh ở các bậc thuế sau, vì vậy, những người nộp thuế ở bậc 6, bậc 7 cho rằng chưa khuyến khích người có trình độ kỹ thuật cao, năng lực điều hành giỏi ra sức lao động (có rất ít người nộp thuế ở bậc thuế cao nhưng đóng góp số thuế rất lớn: 0,18% số người nộp thuế ở bậc 7 đóng góp số thuế là 17,3%; trong khi 73,32% số người nộp thuế ở bậc 1 nhưng số thuế chỉ chiếm 10,06% tổng số thuế). Mức thuế cao sẽ làm giảm tính cạnh tranh nội bộ quốc gia và quốc tế trong thu hút các nhà quản lý, nhà khoa học, nhân lực, lao động có tay nghề cao vào Việt Nam làm việc.

Theo Chiến lược cải cách thuế 2011 - 2020, mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) sẽ được cải cách điều chỉnh giảm. Để bảo đảm tính tương quan hợp lý giữa thuế TNDN và thuế TNCN, đồng thời có tính đến xu thế cải cách thuế ở các nước trong khu vực trong thời gian gần đây, cần thiết phải sửa đổi mức thuế cao 35%.

Bên cạnh đó, bậc thuế TNCN cũng cần phải đơn giản hóa. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy nếu qui định quá nhiều nhóm thu nhập bậc thuế sẽ làm phức tạp công tác quản lý và khuyến khích trốn thuế trong khi không có nhiều tác dụng tạo ra công bằng. Luật Thuế TNCN có 7 mức thuế suất: 5%, 10%, 15%, 20%, 25%, 30% và 35%. Số lượng các mức thuế suất quá lớn nếu so với thực tiễn bậc thuế TNCN ở các nước trên thế giới.

Định hướng cải cách mức thuế TNCN đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công

Thuế TNCN là sắc thuế mà hầu hết các nước đi tiên phong trong cải cách thuế đã lựa chọn áp dụng. Thuế TNCN với biểu thuế lũy tiến đánh vào thu nhập từ tiền lương, tiền công hiện là công cụ hữu hiệu giúp điều tiết hợp lý thu nhập của các tầng lớp dân cư, góp phần điều tiết thu nhập cao vào thu nhập của người giàu, giảm khoảng cách giàu – nghèo trong xã hội.

Những năm gần đây, nhiều nước đã thực hiện cắt giảm mức thuế suất thuế TNCN, kể cả mức thuế suất luỹ tiến cao nhất và mức thuế suất thấp nhất trong Biểu thuế TNCN để nâng cao tính hấp dẫn của môi trường đầu tư trong nước, thu hút được lao động có kỹ thuật cao từ bên ngoài (Indonesia đã giảm mức thuế suất cao nhất từ 35% xuống 30%, Malaysia giảm từ 28% xuống còn 26%, Singapore mức thuế suất cao nhất hiện là 20%,...)

Theo một nghiên cứu điều tra gần đây về thuế TNCN tại 189 nước, nếu trong giai đoạn 1991-1995, số quốc gia có mức thuế suất cao nhất trong Biểu thuế TNCN của mình trên 40% chiếm khoảng 32,07% số nước đến giai đoạn 2001-2005, tỷ lệ số quốc gia này giảm xuống còn 17,18%. Trong khi đó, tỷ lệ số nước có mức thuế suất cao nhất trong Biểu thuế TNCN dưới 30% đã tăng từ 35,73% lên 48,79% trong cùng giai đoạn.

Để đảm bảo đơn giản, giảm mức điều tiết thuế ở bậc cao mà không gây xáo trộn lớn về chính sách, đảm bảo tính cạnh tranh, thu hút được chuyên gia, lao động giỏi có thu nhập cao vào Việt Nam làm việc, đồng thời đảm bảo được mối tương quan với thuế TNDN theo từng bước của lộ trình cải cách thuế, Chính phủ nên đơn giản hóa biểu thuế biểu thuế luỹ tiến từng phần áp dụng đối với thu nhập tính thuế từ tiền lương, tiền công ở những mức độ nhất định. Giảm bớt số lượng thuế suất trong biểu thuế đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công là một bước đi hợp lý nhằm nâng cao hiệu quả quản lý và điều tiết của sắc thuế này.

Biểu thuế TNCN đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công hiện hành có 7 mức thuế suất, từ 5% đến 35%. Đây là một biểu thuế có quá nhiều số lượng thuế suất; khoảng cách các bậc thu nhập trong mỗi mức thuế suất quá nhỏ, đặc biệt ở những mức thuế suất ở các bậc 1, bậc 2, bậc 3. Điều này dẫn đến việc tính thuế phức tạp và gia tăng các hành vi chuyển dịch thu nhập nhằm tránh thuế; đồng thời quy định như vậy cũng làm gia tăng mức độ điều tiết đối với những người có thu nhập trung bình. So sánh với Luật Thuế TNCN của các nước trên thế giới và trong khu vực, số lượng thuế suất trong biểu thuế đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công của Việt Nam là nhiều nhất. Đa số các nước chỉ để từ 3 đến 5 mức thuế suất trong biểu thuế này. Trong thời gian tới nên nghiên cứu giảm bớt 3 mức thuế suất, chỉ nên giữ lại 4 mức thuế suất trong biểu thuế đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công với các bậc thu nhập được nới rộng hơn hiện tại.

Mặt khác, cũng nên giảm mức thuế suất cao nhất (35%) trong biểu thuế TNCN đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công. Việc sửa biểu thuế và thuế suất như vậy thì các cá nhân có thu nhập tính thuế ở bậc cao (trên 80 triệu đồng/tháng) sẽ được giảm mức điều tiết so với hiện hành. Xu hướng chung của các nước là để mức thuế suất cao nhất trong biểu thuế TNCN gần sát với mức thuế TNDN phổ thông (Từ ngày 01/01/2016, thuế suất thuế TNDN phổ thông ở Việt Nam là 20%).

Tài liệu tham khảo:

1. Quyết định số 732/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011 – 2020;

2. Luật Thuế TNCN số 04/2007/QH12 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế TNCN số 26/2012/QH13; và các văn bản hướng dẫn thi hành;

3. Báo cáo tổng kết đánh giá tình hình thực hiện Luật thuế TNDN, Luật thuế GTGT, Luật thuế TNCN, Luật thuế Tài nguyên và Luật Quản lý thuế (Tài liệu trình kèm Tờ trình Quốc hội số 423/TTr-CP ngày 17/10/2014);

4. TS. Lê Xuân Trường, Phạm Nữ Mai Anh (2011), Thuế suất đơn nhất – Xu hướng thế giới và khả năng áp dụng ở Việt Nam, Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Học viện, Học viện Tài chính, Hà Nội;

5. TS. Lê Xuân Trường (2016), Cải cách thủ tục hành chính thuế: Nỗ lực vượt bậc, Tạp chí Tài chính số 01/2016;

6. Gangadha Prasad Shukla, Phạm Minh Đức, Michael Engelschalk, Lê Minh Tuấn (đồng chủ biên) (2011), Cải cách thuế ở Việt Nam: Hướng tới một hệ thống hiệu quả và công bằng hơn, Ngân hàng Thế giới;

7. Machael Keen, Yitae Kim và Ricardo Varsano (2006), The flat taxes: Principle and evidence, IMF.