Bàn về nâng cao chất lượng đào tạo nghề trong lĩnh vực công nghệ ô tô

ThS. Nguyễn Thị Quyên - Cao đẳng nghề Kỹ thuật Công nghệ

Trong bối cảnh đất nước ngày càng hội nhập sâu rộng với khu vực và quốc tế, chất lượng nguồn nhân lực đang là thách thức lớn, nhất là đối với lĩnh vực công nghệ ô tô. Khảo sát thực tế đào tạo nghề công nghệ ô tô tại Trung tâm ô tô công nghệ cao cho thấy, cần phải có những giải pháp căn bản đáp ứng kịp thời nhu cầu hiện nay và trong tương lai của thị trường.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thực trạng đào tạo nghề công nghệ ô tô ở Trung tâm ô tô công nghệ cao

Trung tâm ô tô công nghệ cao là đơn vị thuộc Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật Công nghệ, được hạch toán độc lập, được Trường giao cho quản lý, khai thác sử dụng một phần tài sản, máy móc, thiết bị (trong xưởng thực hành nghề công nghệ ô tô), để phục vụ đào tạo và kết hợp dịch vụ sản xuất, tạo môi trường đào tạo thực hành gắn liền với thực tiễn sản xuất. Trung tâm có nhiệm vụ hỗ trợ đào tạo, kết hợp với các khoa chuyên môn để tiếp nhận học sinh sinh viên nghề Công nghệ ô tô vào thực hành nghề nghiệp và thực tập tốt nghiệp.

Trung tâm cũng được phép huy động các nguồn tài chính để đầu tư mua sắm bổ sung tài sản phục vụ công tác dịch vụ sửa chữa; tự tuyển dụng và quản lý lao động; tự trả lương và được tham gia vào các hoạt động khác cùng với các phòng, ban chức năng khác trong Trường.

Với nhiệm vụ đào tạo, hướng dẫn thực hành, thực tập tốt nghiệp, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng nghề nghề công nghệ ô tô. Cùng với đó là tổ chức cung cấp các dịch vụ sửa chữa, bảo hành, bảo trì, thay thế phụ tùng ô tô cho các đơn vị, cá nhân có nhu cầu nên việc tuyển dụng, quản lý đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên đảm bảo đủ về số lượng và chất lượng, phù hợp với ngành nghề hoạt động luôn được Trung tâm chú trọng quan tâm.

Trong những năm qua, công tác tổ chức tuyển sinh, hướng dẫn thực hành, thực tập cho các học sinh sinh viên chính quy nghề nghề công nghệ ô tô là nhiệm vụ quan trọng nhất của Trung tâm. Về công tác tuyển sinh, Trung tâm đã tích cực tham gia vào các hoạt động thông tin tuyên truyền, thông báo nhập học theo kế hoạch của trường, tiếp nhận hướng dẫn các lớp thực hành, thực tập nghề.

Đồng thời, đảm nhận giảng dạy, đào tạo, hỗ trợ đào tạo, hướng dẫn thực hành một số bài trong các Modul chương trình nghề theo kế hoạch của Khoa Cơ khí động lực như: Bảo dưỡng và sửa chữa hệ thống lái; Bảo dưỡng - sửa chữa hệ thống; Bảo dưỡng - sửa chữa trang bị điện ô tô; Bảo dưỡng - sửa chữa hệ thống nhiên liệu động cơ xăng…

Tăng cường công tác hỗ trợ kỹ năng tay nghề, nâng cao hiệu quả quản lý và đánh giá chất lượng học sinh sinh viên thực tập nghề. Kết quả cho thấy, sự đóng góp về đào tạo thực hành của Trung tâm đã giúp kết quả tốt nghiệp của học sinh sinh viên tại Trường tăng lên (Hình 1).

Bàn về nâng cao chất lượng đào tạo nghề trong lĩnh vực công nghệ ô tô - Ảnh 1

Ngoài ra, Trung tâm thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo kỹ năng tay nghề ngắn hạn cho các học sinh sinh viên và kỹ năng nâng cao tay nghề cho các giáo viên dạy nghề, các kỹ thuật viên trong và ngoài Trường. Năm 2014, Trung tâm đã tổ chức lớp “Đào tạo đánh giá kỹ năng nghề Quốc gia - nghề công nghệ ô tô” cho 33 giáo viên, kỹ sư nghề công nghệ ô tô được lựa chọn trên cơ sở đề cử từ các cơ sở đào tạo nghề, cơ sở nghiên cứu và doanh nghiệp trên địa bàn TP. Hà Nội.

Trung tâm đã tiến hành xây dựng kế hoạch, thông báo tuyển sinh, chuẩn bị đầy đủ về cơ sở vật chất và tổ chức thành công chương trình đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề Quốc gia bậc 3/5 nghề công nghệ ô tô cho 50 cán bộ, giáo viên và người lao động đến từ các cơ sở đào tạo nghề, doanh nghiệp và các cơ sở dịch vụ nghề công nghệ ô tô trên địa bàn TP. Hà Nội và các tỉnh, thành phía Bắc. Kết quả có 26 trong số 50 thí sinh dự thi đạt chứng chỉ kỹ năng nghề Quốc gia Bậc 3 nghề công nghệ ô tô.

Năm 2015, Trung tâm thực hiện các công tác đối ngoại và hợp tác như: Chuẩn bị nhà xưởng đón tiếp nhiều đoàn khách từ Hàn Quốc, Nhật Bản... đến thăm quan và làm việc tại Trường; Tiếp đón các đoàn thăm quan, khảo sát của Ban quản lý các dự án dạy nghề có sử dụng vốn ODA thuộc Tổng cục dạy nghề về làm việc tại Trung tâm...

Mặc dù đạt được kết quả đáng khích lệ nhưng công tác đào tạo nghề tại trung tâm vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế như: Chương trình, giáo trình chưa được thường xuyên cập nhật, bổ sung theo sự thay đổi của kỹ thuật, công nghệ trong sản xuất của doanh nghiệp; chưa có sự kết hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp trong đào tạo và hướng nghiệp. Việc tham gia của các doanh nghiệp vào phát triển chương trình và giáo trình đào tạo vẫn ở mức độ hạn chế.

Đặc biệt, cơ sở đào tạo chưa chú ý nhiều đến ngoại ngữ cho các học sinh sinh viên trong quá trình đào tạo. Hơn nữa, chính các học sinh sinh viên cũng chưa nhận thấy được tầm quan trọng của việc học ngoại ngữ trong khi học nghề.

Cơ sở vật chất và thiết bị dạy nghề tuy đã được Nhà nước quan tâm đầu tư và bổ sung mới để đảm bảo các hoạt động đào tạo thực hành cơ bản, tuy nhiên, vẫn còn thiếu và chưa thay đổi kịp với công nghệ sản xuất. Nguồn kinh phí chưa đảm bảo để thực hiện đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị thực hành thực tập. Việc liên kết cơ sở đào tạo với doanh nghiệp chưa thực sự có hiệu quả. Nhiều doanh nghiệp chưa thấy được lợi ích của các hoạt động liên kết với cơ sở đào tạo nghề trong việc đào tạo nhân lực có trình độ và tay nghề cao cho doanh nghiệp.

Định hướng nâng cao chất lượng đào tạo nghề

Trong bối cảnh thế giới còn có nhiều thay đổi, quá trình quốc tế hóa sản xuất, ứng dụng khoa học, công nghệ và phân công lao động diễn ra ngày càng sâu rộng, chất lượng nguồn nhân lực được coi là yếu tố quyết định thắng lợi trong cạnh tranh phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia. Cạnh tranh về nhân lực chất lượng cao diễn ra mạnh mẽ hơn trên quy mô thế giới, khu vực và quốc gia.

Cộng đồng kinh tế ASEAN đã hình thành, việc mở ra khả năng di chuyển lao động giữa các nước đòi hỏi người lao động phải có kỹ năng nghề cao, có năng lực làm việc trong môi trường quốc tế với những tiêu chuẩn, tiêu chí do thị trường lao động xác định. Đào tạo theo hướng cầu đã trở thành cách tiếp cận đào tạo có hiệu quả, đang và sẽ được thực hiện ở tất cả các quốc gia phát triển trong khu vực và trên thế giới.

Để nâng cao chất lượng đào tạo nghề công nghệ ô tô, trong thời gian tới, theo chúng tôi, cần tập trung thực hiện các giải pháp sau:

Một là, cần đảm bảo cơ sở đào tạo nguồn nhân lực như: Cơ sở vật chất, trang thiết bị thực hành, thực tập, thay đổi chương trình đào tạo cho phù hợp; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị để phục vụ cho người học, xưởng thực hành, ban hành danh mục thiết bị dạy nghề chuẩn theo cấp trình độ đào tạo và nghề đào tạo.

Cạnh tranh về nhân lực chất lượng cao diễn ra mạnh mẽ hơn trên quy mô thế giới, khu vực và quốc gia. Đào tạo theo hướng cầu đã trở thành cách tiếp cận đào tạo có hiệu quả, đang và sẽ được thực hiện ở tất cả các quốc gia phát triển trong khu vực và trên thế giới.

Hai là, cần khuyến khích các doanh nghiệp tham gia dạy nghề, nhận tuyển dụng lao động sau khi học nghề để người lao động yên tâm học nghề.

Ba là, xây dựng đội ngũ giáo viên đạt chuẩn Quốc gia với cơ cấu hợp lý; tăng thời gian cho giáo viên trải nghiệm thực tế; thu hút người giỏi có tay nghề cao tham gia dạy nghề; từng bước sắp xếp lại đội ngũ giáo viên không đáp ứng yêu cầu giảng dạy.

Tài liệu tham khảo:

1. Quyết định 761/QĐ-TTg ngày 23/5/2014: Phê duyệt đề án phát triển trường nghề chất lượng cao đến năm 2020, Thủ tướng Chính phủ;

2. Ngân hàng Thế giới (2014), Báo cáo phát triển Việt Nam - Phát triển kỹ năng: Xây dựng lực lượng lao động cho nền kinh tế thị trường hiện đại ở Việt Nam;

3. Tổng cục dạy nghề (2014), Kế hoạch phát triển dạy nghề giai đoạn 2016 - 2020, Hà Nội;

4. Tổng cục dạy nghề (2015), Báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện chiến lược phát triển dạy nghề thời kỳ 2011 – 2020;

5.   Đào Thanh Hải (2011), Thực trạng việc phối hợp đào tạo giữa trường trung cấp chuyên nghiệp với doanh nghiệp tại Hà Nội, Đề tài nghiên cứu khoa học, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, Hà Nội;

6. Phùng Xuân Nhạ (2009), “Mô hình đào tạo gắn với nhu cầu của doanh nghiệp ở Việt Nam hiện nay”. 25, tr. 1-8;

7. Trần Anh Tài (2009), “Gắn đào tạo với sử dụng, nhà trường với doanh nghiệp”. 25, tr. 77 – 81.