Một số nội dung được quan tâm

Theo chương trình xây dựng Luật của Quốc hội khóa XIII, dự Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh đã được các đại biểu Quốc hội nghe, thảo luận cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7, dự kiến sẽ được thông qua tại kỳ họp thứ 8 tới đây. Một trong những nội dung được nhiều cử tri, đại biểu, các nhà nghiên cứu quan tâm đó là phạm vi đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp (DN). Qua theo dõi các cuộc thảo luận tại Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, các cuộc hội thảo bàn về nội dung này trong quá trình xây dựng Luật cho thấy nổi lên một số quan điểm:

Một là, Nhà nước chỉ đầu tư vào những DN sản xuất, cung ứng các sản phẩm, dịch vụ thiết yếu mà những thành phần kinh tế khác không tham gia, cái gì tư nhân làm được thì để họ làm.

Hai là, Nhà nước đầu tư vào những DN trong ngành, lĩnh vực then chốt, cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích thiết yếu cho xã hội và quốc phòng, an ninh, làm nòng cốt để kinh tế nhà nước thực hiện được vai trò chủ đạo, là lực lượng vật chất quan trọng để Nhà nước định hướng, điều tiết nền kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô.

Ba là, theo dự thảo Luật thì Nhà nước đầu tư vào những DN cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích thiết yếu cho xã hội; DN hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh; DN thuộc lĩnh vực độc quyền nhà nước; DN ứng dụng công nghệ cao, đầu tư lớn, tạo động lực phát triển nhanh cho các ngành, lĩnh vực khác và toàn bộ nền kinh tế; DN phục vụ ổn định và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong từng thời kỳ.

Các quan điểm này đều có những luận cứ, lập luận riêng, thậm chí nội dung thứ hai đã được thể hiện rõ trong mục tiêu tái cơ cấu DNNN trọng tâm là các tập đoàn kinh tế (TĐ), tổng công ty nhà nước (TCT) giai đoạn 2011-2015 tại Quyết định số 929/QĐ-TTg ngày 17/7/2012 của Thủ tướng Chính phủ. Để làm rõ thêm vấn đề này, cần xem xét, nghiên cứu thực tế đầu tư vốn nhà nước vào DN tại Việt Nam.

Phạm vi đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp

Ở Việt Nam, từ sau khi thống nhất đất nước đến năm 1990, DNNN được tổ chức dưới hình thức các TCT, các liên hiệp xí nghiệp và các DNNN độc lập. Tính đến cuối những năm 1980, số lượng DNNN lên tới hơn 12.000 DN, trong đó, DN do địa phương quản lý chiếm 75%.

Giai đoạn 1991 - 1994, thực hiện Nghị định số 388- HĐBT ngày 20/11/1991 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã tiến hành tổ chức, sắp xếp lại DNNN theo hướng kiểm kê toàn bộ DNNN, đồng thời phân tích đánh giá tình hình hoạt động của DNNN, những DN nào đủ tiêu chuẩn tiếp tục tồn tại là DNNN.

Trên cơ sở tổ chức, sắp xếp lại hơn 250 TCT, các liên hiệp xí nghiệp và các DNNN độc lập, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 90/TTg ngày 7/3/1994 về việc tiếp tục sắp xếp lại DNNN và Quyết định số 91/TTg ngày 7/3/1994 về thí điểm thành lập tập đoàn kinh doanh. Theo đó, có 17 TCT được thành lập theo Quyết định số 91/TTg ngày 7/3/1994 và 76 TCT Thủ tướng Chính phủ uỷ quyền cho các bộ, UBND cấp tỉnh thành lập và quản lý theo Quyết định số 90/TTg ngày 7/3/1994. Đối với các TCT 90 hoạt động chủ yếu theo ngành, lĩnh vực do bộ quản lý chuyên ngành, UBND cấp tỉnh quyết định thành lập và quản lý.

Năm 1998, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 20/1998/CT-TTg ngày 21/4/1998 về đẩy mạnh, sắp xếp và đổi mới DNNN và đến năm 1999, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành Chỉ thị số 15/1999/ CT-TTg ngày 16/5/1999 về việc hoàn thiện tổ chức hoạt động của TCT nhà nước.

Qua các đợt sắp xếp trên, DNNN đã giảm được hơn 50% số đầu mối, tuy đã giảm nhiều về số lượng nhưng quy mô của DNNN nhỏ và dàn trải. Tổng vốn nhà nước tính đến hết năm 1999 khoảng 106.000 tỷ đồng, bình quân một DN là 18 tỷ đồng, nhưng số DNNN có vốn dưới 5 tỷ đồng chiếm 65,5%; số DNNN có vốn trên 10 tỷ đồng chỉ chiếm 21%. Việc sắp xếp lại các DNNN đã góp phần thay đổi một bước cơ cấu ngành, vùng, vốn và lao động, tác động nhất định đến hiệu quả sản xuất kinh doanh đối với DNNN.

Triển khai Nghị quyết Hội nghị lần thứ 3, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khoá IX) về tiếp tục sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả DNNN, số lượng DNNN từ 5.655 DN năm 2001 sau khi sắp xếp, tổ chức lại đến cuối năm 2005 giảm xuống còn khoảng 2.850 DN.

Tính đến tháng 10/2011, cả nước còn 1.309 DN (tập trung ở 96 TĐ, TCT và một số DN độc lập), với tổng tài sản 1.760 nghìn tỷ đồng; vốn chủ sở hữu gần 700 nghìn tỷ đồng; lợi nhuận 117 nghìn tỷ đồng; nộp ngân sách 227 nghìn tỷ đồng, đóng góp khoảng 34% GDP cả nước (năm 2010).

Theo cơ cấu chủ sở hữu có: 701 DN do địa phương quản lý (chiếm 53,6% tổng số DN 100% vốn nhà nước) trong đó: 236 DN công ích, 465 DN kinh doanh; 355 DN thuộc các cộ, ngành (chiếm 27,1%), trong đó: 193 DN an ninh, quốc phòng, hoạt động công ích, 162 DN kinh doanh; 253 DN thuộc tập đoàn, tổng công ty (chiểm 19,3%), trong đó: 23 DN công ích, 230 DN kinh doanh.

Phần lớn DNNN có quy mô vừa và lớn, nhưng vẫn còn 102 DN (trong tổng số 1.101 DN có báo cáo) có vốn dưới 5 tỷ đồng, chiếm 9,3%. Những DN có quy mô nhỏ này là DN tham gia hoạt động công ích, nông, lâm trường, DN kinh doanh ở vùng sâu, vùng xa, địa bàn khó khăn.

Bàn về phạm vi đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp - Ảnh 1

Trong giai đoạn từ 2011-2013, cả nước đã thực hiện sắp xếp được 180 DN, trong đó cổ phần hóa 99 DN và sắp xếp theo các hình thức khác 81 DN. Theo kế hoạch đã được duyệt, trong giai đoạn 2014-2015, cả nước phải cổ phần hóa 432 DN thì tính đến hết tháng 7/2014, đã có 348 DN thuộc diện cổ phần hóa đã thành lập Ban chỉ đạo, 247 DN đang xác định giá trị DN, 88 DN đã có quyết định công bố giá trị DN, 55 DN đã được phê duyệt phương án cổ phần hóa. Tuy số lượng DN sắp xếp, cổ phần hóa được đẩy mạnh nhưng nguồn vốn và hiệu quả hoạt động của DNNN vẫn tăng trưởng(xem bảng):

Để thực hiện sắp xếp, tái cơ cấu DNNN, trong từng giai đoạn, Thủ tướng Chính phủ đều ban hành tiêu chí, danh mục phân loại DNNN như: Quyết định số 58/2002/QĐ-TTg ngày 26/4/2002; Quyết định số 155/2004/QĐ-TTg ngày 24/8/2004; Quyết định số 38/2007/QĐ-TTg ngày 20/3/2007; Quyết định số 14/2011/QĐ-TTg ngày 04/3/2011 và mới đây nhất là Quyết định số 37/2014/QĐ-TTg ngày 18/6/2014. Tại các Quyết định này đều xác định rõ phạm vi Nhà nước đầu tư 100% vốn vào DN, còn các lĩnh vực, ngành nghề không thuộc phạm vi nắm giữ 100% vốn sẽ thực hiện cổ phần hóa.

Đến nay, theo Quyết định số 37/2014/QĐ-TTg ngày 18/6/2014 thì Nhà nước chỉ đầu tư nắm giữ 100% vốn tại các DN thuộc 15 ngành, lĩnh vực. Như vậy, càng ngày phạm vi đầu tư vốn của Nhà nước vào DN càng được rút gọn, chỉ tập trung vào lĩnh vực quan trọng đối với đất nước.

Việc xác định phạm vi đầu tư vốn Nhà nước vào DN là nền tảng cho quá trình tổ chức thực hiện đầu tư vốn, sắp xếp và tái cơ cấu DNNN. Theo dự thảo Luật tương đối đầy đủ (gồm: DN cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích thiết yếu cho xã hội; DN hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh; DN thuộc lĩnh vực độc quyền nhà nước; DN ứng dụng công nghệ cao, đầu tư lớn, tạo động lực phát triển nhanh cho các ngành, lĩnh vực khác và toàn bộ nền kinh tế; DN phục vụ ổn định và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong từng thời kỳ). Riêng việc đầu tư vốn nhà nước để thành lập DN phục vụ ổn định và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong từng thời kỳ nên giao Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, phê duyệt chủ trương.

Với việc xác định rõ phạm vi đầu tư vốn Nhà nước vào DN trong Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh sẽ góp phần thúc đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu DNNN, thu hút vốn của các thành phần kinh tế khác tham gia đầu tư góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới.

Bàn về phạm vi đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp

ThS. NGUYỄN DUY LONG

(Tài chính) Để nâng cao hiệu quả nguồn vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp, một trong những yêu cầu đặt ra là cần phải xác định rõ được những ngành, lĩnh vực Nhà nước không tham gia hoặc tham gia ở mức độ nhất định, những lĩnh vực Nhà nước cần giữ vốn và đẩy nhanh những lĩnh vực cần thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Bài viết bàn về phạm vi đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp…

Xem thêm

Video nổi bật