Bàn về phát huy hiệu quả tín dụng đối với nông nghiệp, nông thôn

TS. NGHIÊM VĂN BẢY - Học viện Tài chính

Trong những năm qua, nguồn vốn tín dụng đối với phát triển nông nghiệp, nông thôn đã có những đóng góp hết sức quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội đất nước, tạo bộ mặt mới cho kinh tế địa phương. Tuy nhiên, so với tiềm năng và nhu cầu thì nguồn vốn chảy vào khu vực nông nghiệp, nông thôn còn thiếu và còn vấp phải nhiều điểm nghẽn cần được tháo gỡ.

Trong những năm qua, nguồn vốn tín dụng đối với phát triển nông nghiệp, nông thôn đã có những đóng góp hết sức quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Trong những năm qua, nguồn vốn tín dụng đối với phát triển nông nghiệp, nông thôn đã có những đóng góp hết sức quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Khơi thông từ chính sách

Trong những năm qua, dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn liên tục tăng trưởng nhanh. Tín dụng giai đoạn 2011 - 2014 tăng bình quân khoảng 12,6%/năm, cơ cấu tín dụng chuyển dịch theo hướng tập trung vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, nhất là 5 lĩnh vực ưu tiên: nông nghiệp, nông thôn; xuất khẩu; doanh nghiệp nhỏ và vừa; công nghiệp hỗ trợ; doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Năm 2015, tín dụng nông nghiệp, nông thôn tăng trên 63,38% so với cuối năm 2011.

Quan trọng hơn, nguồn vốn ngân hàng đang chuyển dần vào cả các dự án đầu tư trung dài hạn, các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Theo đó, tỷ trọng dư nợ trung dài hạn cũng đang có dấu hiệu gia tăng, từ mức 24,8% năm 2012 lên 32,2% trong năm 2014, bình quân giai đoạn 2012-2014 tỷ lệ nợ ngắn hạn là 67,8%. Đồng thời, cơ cấu theo vùng cũng cho thấy tín dụng nông nghiệp, nông thôn đã hướng tới các vùng địa lý có nông nghiệp là kinh tế trọng điểm như: Đồng bằng sông Cửu Long, khu vực miền núi phía Bắc.

Bên cạnh đó, cho vay thu mua tạm trữ lúa gạo cũng có sự chuyển biến tích cực. Chỉ tính riêng năm 2014, các ngân hàng thương mại đã đạt doanh số cho vay thu mua lúa gạo lên tới khoảng 94.250 - 94.350 tỷ đồng, trong đó riêng doanh số cho vay tại các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt trên 73.000 tỷ đồng, chiếm tới 77% doanh số toàn quốc.

Chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp, nông thôn với tổng dư nợ cho vay lên tới khoảng gần 1.700 tỷ đồng, tăng trên 15% so với cuối năm 2013; trong đó, dư nợ cho vay hỗ trợ lãi suất đạt trên 1.300 tỷ đồng, dư nợ cho vay theo lãi suất tín dụng đầu tư ước tính đạt khoảng hơn 350 tỷ đồng.

Thời gian qua, Nhà nước cũng đã ban hành nhiều cơ chế chính sách nhằm phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, trong đó, các chính sách tín dụng liên tục được đổi mới nhằm khơi dòng vốn chảy vào khu vực này. Điển hình là Nghị định 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn đã có nhiều đổi mới khi xác định cụ thể các đối tượng thụ hưởng chính sách ưu đãi.

Theo đó, Chính phủ xác định 7 nhóm ưu tiên cho vay như: Cho vay các chi phí phát sinh phục vụ quá trình sản xuất kinh doanh sản phẩm nông nghiệp từ khâu sản xuất đến thu mua, chế biến và tiêu thụ; Cho vay phục vụ sản xuất công nghiệp, thương mại và cung ứng các dịch vụ trên địa bàn nông thôn; Cho vay để sản xuất giống trong trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, trồng rừng và cung ứng các sản phẩm, dịch vụ phục vụ quá trình sản xuất nông nghiệp; Cho vay phát triển ngành nghề tại địa bàn nông thôn; Cho vay phục vụ Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới; Cho vay các nhu cầu phục vụ đời sống của cư dân trên địa bàn nông thôn; Cho vay theo các chương trình kinh tế liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn của Chính phủ. Đặc biệt, vay không tài sản bảo đảm đến 3 tỷ đồng và vay có tài sản thế chấp cũng được nới rộng hơn.

Các đối tượng khách hàng được vay không có tài sản bảo đảm phải nộp cho tổ chức tín dụng cho vay giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (đối với các đối tượng được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) hoặc giấy xác nhận chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và đất không có tranh chấp do UBND xã xác nhận. Khách hàng chỉ được sử dụng giấy xác nhận chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và đất không có tranh chấp để vay vốn tại một tổ chức tín dụng và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc sử dụng giấy xác nhận trên để vay không có tài sản bảo đảm theo quy định tại Nghị định này.

Bên cạnh đó, lãi suất cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn do khách hàng và tổ chức tín dụng thỏa thuận phù hợp với quy định của Ngân hàng Nhà nước trong từng thời kỳ. Trường hợp các chương trình tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ thì mức lãi suất và phương thức hỗ trợ thực hiện theo quy định của Chính phủ.

Tổ chức tín dụng và khách hàng căn cứ vào chu kỳ sản xuất kinh doanh, thời hạn thu hồi vốn của dự án, phương án sản xuất kinh doanh, khả năng trả nợ của khách hàng và nguồn vốn cho vay của tổ chức tín dụng để thỏa thuận thời hạn cho vay, thời hạn duy trì hạn mức tín dụng đối với khách hàng.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực thi các cơ chế chính sách còn gặp nhiều hạn chế do những vướng mắc cụ thể như: Cơ chế đảm bảo tiền vay chưa có hướng dẫn cụ thể; Cơ chế hỗ trợ nguồn vốn cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn chưa hoàn thiện; Rủi ro trong quá trình cấp tín dụng còn cao… các yếu tố này là lực cản không nhỏ đến dòng chảy tín dụng vào khu vực nông nghiệp, nông thôn.

Đề xuất một số kiến nghị

Để tiếp tục khơi thông dòng chảy tín dụng vào khu vực nông nghiệp, nông thôn, trong thời gian tới cần tập trung vào một số vấn đề sau:

Thứ nhất, tiếp tục đơn giản thủ tục quy trình tín dụng. Theo đó, các địa phương, tổ chức tín dụng cần rà soát tiết giảm tối đa thủ tục, giấy tờ; triển khai nhiều chương trình tín dụng mới phù hợp với đặc điểm, tình hình của các loại hình doanh nghiệp và của từng địa phương. Điều chỉnh giảm lãi suất cho vay về mức lãi suất cho vay hiện hành; Mở rộng cho vay đối với hộ nông dân không phải thế chấp tài sản.

Cùng với đó, bổ sung đối tượng khách hàng hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp; xem xét nâng mức cho vay không có tài sản bảo đảm và kéo dài thời hạn cho vay; quy định về phương thức cho vay lưu vụ phù hợp với hộ gia đình, cá nhân sản xuất nông nghiệp theo mùa vụ; khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất theo mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, cơ chế bảo hiểm, xử lý rủi ro...

Thứ hai, tăng cường phối hợp giữa các bộ, ngành trong thực thi chính sách ưu tiên phát triển nông nghiệp, nông thôn. Cụ thể: Ngân hàng Nhà nước phối hợp với các bộ, ngành liên quan tiếp tục hoàn thiện và sửa đổi cơ chế Bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn để hạn chế rủi ro khi cho vay; Khuyến khích thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng nông nghiệp, cho phép ra đời Quỹ bảo lãnh tín dụng do các tổ chức, hiệp hội thành lập và các tổ chức, doanh nghiệp chuyên doanh hoạt động với mục đích lợi nhuận để thực hiện cấp bảo lãnh tín dụng…

Mặt khác, khuyến khích các ngân hàng thương mại đẩy mạnh phát triển các dịch vụ ngân hàng dành cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tạo điều kiện để sớm hình thành và phát triển thị trường phái sinh cho các nông sản xuất khẩu của Việt Nam; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các bộ, ngành cần phối hợp chặt chẽ trong tổ chức sản xuất nông nghiệp bảo đảm tạo được liên kết vùng trong phát triển sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp; Đồng thời, hoàn thiện chính sách về đất đai, như tích tụ đất đai, dồn điền đổi thửa để làm cơ sở mở rộng quy mô trong sản xuất nông nghiệp…

Thứ ba, các ngân hàng thương mại cần nghiên cứu, phát triển các dịch vụ phục vụ các khâu trong chuỗi liên kết 4 nhà (nhà nông, nhà nước, nhà khoa học và nhà doanh nghiệp), không chỉ tập trung vào tín dụng dành cho nhà nông hay nhà doanh nghiệp. Sự liên kết trong chuỗi giúp NHTM gia tăng được nguồn thu từ các dịch vụ trọn gói, cũng như kiểm soát được dòng tiền hiệu quả. Đồng thời, phối hợp với doanh nghiệp/người sản xuất phát hiện, giải quyết các khó khăn vướng mắc trong quá trình cho vay, đơn giản hóa thủ tục vay vốn, rút ngắn thời gian thẩm định cho vay, đảm bảo nguồn vốn đến được đối tượng có nhu cầu. Đặc biệt, lựa chọn các hình thức bảo hiểm nông nghiệp sẵn có tại địa phương, các quỹ bảo lãnh tín dụng phù hợp với khách hàng để tư vấn, và hỗ trợ khách hàng thực hiện vừa giúp giảm thiểu rủi ro cho ngân hàng thương mại, cũng như khách hàng.

Tài liệu tham khảo:

1. Nguyễn Tiến Đông: Nhiều giải pháp “cởi trói” để tăng tín dụng nông nghiệp nông thôn - Vietnam+;

2. TS. Nguyễn Thanh Bình (2014): Một số vấn đề về chính sách tín dụng cho nông nghiệp, Tạp chí Tài chính;

3. TS. Nguyễn Mạnh Hùng: Bàn về giải pháp tăng trưởng tín dụng năm 2015.