Bàn về thành viên hội đồng quản trị độc lập của công ty cổ phần

ThS. Đỗ Ngọc Thanh - Học viện Tài chính

Công ty cổ phần là một loại hình công ty đối vốn rất điển hình, chiếm số lượng khá lớn trong các doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam. Nhìn chung, công ty cổ phần thường có quy mô tương đối lớn và có cơ cấu tổ chức quản lý phức tạp, các nhà làm luật thường can thiệp sâu hơn vào việc quản trị công ty cổ phần so với các hình thức công ty khác.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet.


Công ty cổ phần là loại hình công ty thích hợp với mục tiêu kinh doanh quy mô lớn bởi pháp luật của các nước nói chung và pháp luật Việt Nam nói riêng chỉ quy định số lượng cổ đông tối thiểu, không quy định số cổ đông tối đa. Mặt khác, do vốn điều lệ của công ty cổ phần được chia thành nhiều phần bằng nhau - sẽ làm cho các cổ đông có thể dễ dàng chuyển nhượng cổ phần tự do (trừ trường hợp bị pháp luật hạn chế hoặc cấm chuyển nhượng), linh hoạt, tính thanh khoản cao, tạo hứng thú cho các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, đây là loại hình công ty được huy động vốn thông qua phát hành cổ phần nên tốc độ huy động vốn cao hơn hẳn so với các loại hình công ty khác.

Trên thế giới hiện nay có hai mô hình cơ bản quản trị công ty cổ phần, nhưng chúng đều có một đặc điểm chung là chức năng của các cơ quan trong cơ cấu quản trị công ty được phân tách riêng biệt và có cơ chế kiểm soát chặt chẽ. Vì vậy, Luật Doanh nghiệp 2014 cũng có những quy định khá chặt chẽ về cơ cấu tổ chức quản lý của loại hình công ty này, trong đó có quy định về thành viên Hội đồng quản trị độc lập của công ty.

Theo quy định tại Điều 134 Luật Doanh nghiệp 2014, công ty cổ phần có quyền lựa chọn tổ chức quản lý và hoạt động theo một trong 2 mô hình, trừ trường hợp pháp luật về chứng khoán có quy định khác.

Thứ nhất, cơ cấu tổ chức quản lý của công ty cổ phần gồm có đại hội đồng cổ đông, hội đồng quản trị, giám đốc hoặc tổng giám đốc và ban kiểm soát (bắt buộc phải có với công ty có từ 11 cổ đông trở lên hoặc có cổ đông là tổ chức sở hữu từ 50% tổng số cổ phần của công ty).

Thứ hai, cơ cấu tổ chức quản lý của công ty gồm có: Đại hội đồng cổ đông, hội đồng quản trị và giám đốc hoặc tổng giám đốc. Trong trường hợp này ít nhất 20% số thành viên hội đồng quản trị phải là thành viên độc lập và có Ban kiểm toán nội bộ trực thuộc hội đồng quản trị.

Như vậy, có thể dễ dàng nhận thấy, vai trò của thành viên hội đồng quản trị độc lập cũng nhằm bảo vệ quyền lợi của chủ sở hữu, kiểm soát hoạt động của bộ máy quản lý, điều hành doanh nghiệp. Trong công ty cổ phần luôn tồn tại nguy cơ xung đột về lợi ích giữa các cổ đông công ty với tư cách là người sở hữu vốn với bên kia là những người quản lý điều hành công ty với tư cách là người trực tiếp sử dụng vốn.

Trên thực tế, những người quản lý, điều hành có thể không phải là những cổ đông nắm giữ đa số cổ phần của công ty nhưng có quyền quản lý điều hành công ty, trực tiếp sử dụng vốn. Như vậy, hoàn toàn có thể xảy ra nguy cơ những người này sẽ ưu tiên quyền lợi của cá nhân hoặc lợi ích của nhóm mình mà bỏ qua lợi ích của cổ đông nói chung. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến việc đặt ra các quy định về thành viên Hội đồng quản trị độc lập trong pháp luật về quản trị doanh nghiệp của các nước nói chung và Việt Nam nói riêng.

Thành viên Hội đồng quản trị độc lập sẽ đóng vai trò như người giám sát, làm giảm nguy cơ lạm dụng quyền hạn của những người quản lý, điều hành, góp phần bảo vệ lợi ích chính đáng của cổ đông, đặc biệt là các cổ đông nhỏ. Muốn vậy, các thành viên Hội đồng quản trị độc lập phải có sự độc lập nhất định đối với công ty, không liên quan về tài sản với công ty để tạo ra sự khách quan, vô tư trong quá trình hoạt động. Vì thế, Luật Doanh nghiệp 2014 quy định thành viên Hội đồng Quản trị độc lập phải (a) không phải là người đang làm việc cho công ty, công ty con của công ty; không phải là người đã từng làm việc cho công ty, công ty con của công ty ít nhất trong 03 năm liền trước đó; (b) không phải là người đang hưởng lương, thù lao từ công ty, trừ các khoản phụ cấp mà thành viên hội đồng quản trị được hưởng theo quy định; (c) không phải là người có vợ hoặc chồng; cha, mẹ đẻ; cha mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi; anh, chị, em ruột là cổ đông lớn của công ty, là người quản lý của công ty hoặc công ty con của công ty; (d) không phải là người trực tiếp hoặc gián tiếp sở hữu ít nhất 1% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết của công ty; (đ) không phải là người đã từng làm thành viên của hội đồng quản trị, Ban kiểm soát của công ty ít nhất trong 5 năm liền trước đó.

Những quy định này nhằm làm cho thành viên độc lập không có quan hệ lợi ích riêng trong công ty, không bị chi phối bởi lợi ích cá nhân nên sẽ đưa ra những ý kiến khách quan nhằm bảo vệ lợi ích của công ty mà không vì lợi ích riêng của một cá nhân hay một nhóm người nào đó.

Sự hiện diện của họ trong Hội đồng quản trị được kỳ vọng sẽ làm cho Hội đồng quản trị có thể đưa ra những quyết định không thiên vị, gây xung đột về lợi ích giữa các cổ đông công ty, bảo vệ được cổ đông nhỏ, tạo ra đối trọng để hài hòa lợi ích giữa các nhóm cổ đông, đồng thời quan tâm tới cả những chủ thể khác, bảo vệ được uy tín của công ty, giữ được lòng tin của khách hàng, “giữ chân” được người lao động… hạn chế được những thiệt hại cho công ty. Hơn thế nữa, sự tồn tại của các thành viên hội đồng quản trị độc lập cũng thể hiện sự công khai, minh bạch trong hoạt động của công ty, làm các cổ đông yên tâm hơn và thu hút được nhiều nhà đầu tư.

Mặc dù vậy, cùng với thời gian làm việc trong công ty, mối quan hệ giữa thành viên Hội đồng quản trị độc lập và các thành viên quản lý, điều hành khác ngày càng sâu sắc; bản thân các thành viên độc lập cũng tham gia ngày càng sâu hơn vào các hoạt động của công ty.

Theo quy định về tính độc lập đối với thành viên độc lập là chặt chẽ, như độc lập trong các mối quan hệ nhân thân, độc lập về kinh tế, nhưng điều này có thực sự giúp cho các thành viên độc lập có thể đưa các quyết định một cách độc lập, khách quan hay không? Trong thực tế, có nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến tính độc lập, nhất là trong tư tưởng của các thành viên độc lập mà không dễ để kiểm soát.

Các thành viên độc lập có thể có xu hướng củng cố vị trí hoặc có xu hướng muốn làm hài lòng các thành viên HĐQT khác và ban điều hành, qua đó các thành viên độc lập có thể chỉ quan tâm tới quyền lợi cá nhân, thay vì bảo vệ quyền lợi các cổ đông. Bên cạnh đó, thông thường HĐQT sử dụng chủ yếu các thông tin cung cấp từ những người quản lý công ty do vậy, các quyết định quan trọng của HĐQT cần được dựa trên các thông tin trung thực về công ty, vì thế, các thành viên độc lập cần cập nhật thêm các thông tin, chủ động phân tích từ những nguồn tin độc lập, khách quan, ví dụ như kiểm toán từ ngoài, thanh tra chuyên ngành hoặc bộ phận kiểm soát của công ty. Bên cạnh đó, cũng cần quy định cho phép các cổ đông trực tiếp tiếp xúc với các thành viên độc lập, hoặc thiết lập mạng lưới cung cấp thông tin riêng để đảm bảo thu thập thông tin kịp thời, chính xác.

Mặt khác, do vai trò quan trọng của các thành viên này mà các công ty sẵn sàng trả một khoản thù lao lớn để họ thực hiện nhiệm vụ giám sát hoạt động của bộ máy quản lý, điều hành. Điều này cũng có tính hai mặt bởi thực tế có thể các thành viên độc lập này sẽ không quan tâm nhiều tới việc thực thi nhiệm vụ mà chỉ chú ý củng cố vị trí nhằm được hưởng thù lao hậu hĩnh nói trên. Liệu những yếu tố trên đây có là lý do làm giảm tính độc lập của các thành viên Hội đồng quản trị độc lập?

Thành viên độc lập là người được hưởng thù lao dựa trên năng lực và kinh nghiệm của họ. Do vậy, họ phải đưa ra các ý kiến độc lập về chiến lược, cũng như giám sát nhà quản lý nhằm bảo vệ sự công bằng cho cổ đông nhỏ và vì quyền lợi của các cổ đông. Họ có trách nhiệm can thiệp vào các quyết định của ban điều hành nếu các quyết định này chỉ mang lại lợi ích nhóm. Do vậy, các thành viên độc lập được bổ nhiệm cần đủ điều kiện như là các chuyên gia, đã trải qua các kinh nghiệm thực tế, lựa chọn người phù hợp với mục tiêu phát triển của công ty. Bản thân các thành viên độc lập cũng cần ý thức được uy tín của họ, trong quá trình ra các quyết định quan trọng, tránh việc chỉ tồn tại hình thức.

Để nâng cao tính độc lập của các thành viên này, trước tiên, mỗi thành viên hội đồng quản trị độc lập cần xác định rõ nhiệm vụ của mình, nâng cao phẩm chất cá nhân, nhận thức rõ rằng lợi ích mà họ có được là do các cổ đông chia sẻ nên họ phải có nghĩa vụ bảo vệ lợi ích của cổ đông. Bên cạnh đó, cần quy định thời hạn cho việc tham gia Hội đồng quản trị với tư cách là thành viên độc lập; thuê tư vấn, kiểm toán hàng năm để đánh giá tính độc lập của các thành viên hội đồng quản trị trên những khía cạnh chủ yếu. Hơn nữa, hiện pháp luật chưa quy định trách nhiệm giám sát việc bổ nhiệm các thành viên độc lập, vì vậy, nên quy định việc công bố thông tin đầy đủ, đồng thời có thể quy định đơn vị kiểm toán (đơn vị kiểm toán báo cáo tài chính hàng năm) giám sát các tiêu chí độc lập của các thành viên độc lập trước khi trình đại hội đồng cổ đông phê duyệt và bổ nhiệm, tránh việc bổ nhiệm các thành viên độc lập chỉ là hình thức. Làm được như vậy chúng ta sẽ dần hoàn thiện những quy định pháp luật về quản trị doanh nghiệp ở Việt Nam, đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn.