Những sửa đổi, bổ sung cần thiết về chi phí được trừ

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế TNDN đã có những điểm sửa đổi, bổ sung đáng chú ý về chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN. Cụ thể:

Một là, bổ sung điều kiện phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt đối với hóa đơn mua hàng hóa, dịch vụ từng lần theo quy định về thanh toán không dùng tiền mặt. Tuy nhiên, với một số chủ thể kinh tế, thói quen thanh toán bằng tiền mặt không dễ thay đổi, hình thức này có thể giúp họ đạt được một số lợi ích như: giấu giếm giao dịch kinh doanh để trốn thuế, mua hóa đơn để hợp pháp hóa chi phí tính thuế TNDN... Quy mô thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng gia tăng là quy luật tất yếu khi kinh tế phát triển ở trình độ cao. Để chủ trương không dùng tiền mặt đạt hiệu quả, thì có rất nhiều việc phải làm, một trong những việc nên làm và đã được làm là đưa vào Dự thảo Luật điều kiện thanh toán không dùng tiền mặt đối với chi phí được trừ.

Bốn năm qua chúng ta đã thực hiện điều kiện thanh toán không dùng tiền mặt đối với thuế giá trị gia tăng (GTGT). Một trong những điều kiện khấu trừ thuế GTGT đầu vào là “thanh toán qua ngân hàng, trừ trường hợp thanh toán từng lần có giá trị dưới 20 triệu đồng”. Quy định này đã góp phần thúc đẩy các DN thanh toán qua ngân hàng và góp phần hạn chế việc mua bán hóa đơn bất hợp pháp nhằm khấu trừ khống thuế GTGT đầu vào. Mặc dù các DN cũng có khá nhiều cách thức để lách quy định thanh toán không dùng tiền mặt, song quy định thanh toán không dùng tiền mặt vẫn khiến các DN khó khăn hơn trong giả mạo giao dịch để trốn thuế.

Tuy nhiên, do chưa quy định điều kiện thanh toán không dùng tiền mặt đối với TNDN nên trong một số trường hợp, DN chấp nhận không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào, vì dù sao phần thuế GTGT đầu vào không được khấu trừ vẫn được trừ khi tính thuế TNDN (Tức là, thay vì “thiệt” 100% phần thuế GTGT đầu vào đó thì DN chỉ bị “thiệt” 75%). Với quy định này trong Dự thảo Luật, cái “phao” mà DN hiện đang bám để gỡ gạc khi thanh toán tiền mặt sẽ bị cắt bỏ. Tất nhiên, quy định này không phải là cách duy nhất để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam.

Xét ở góc độ quản lý thuế thì nó là một quy định cần thiết để góp phần ngăn chặn tình trạng mua hóa đơn để hợp pháp hóa chi phí tính thuế TNDN. Ngoài ra, cũng cần lưu ý rằng, chỉ nên coi quy định thanh toán không dùng tiền mặt là một trong những công cụ để kiểm soát các giao dịch kinh tế và ngăn ngừa tình trạng mua bán hóa đơn để hợp pháp hóa chi phí tính thuế TNDN. Để kiểm soát và ngăn ngừa tình trạng giả mạo giao dịch mua hàng nhằm trốn thuế còn cần nhiều công cụ và cách thức khác như: tăng cường đối chiếu hóa đơn mua bán hàng hóa thông qua phần mềm đối chiếu hóa đơn tự động, kiểm tra kỹ tình trạng lưu chuyển tiền tệ của DN...

Hai là, bổ sung quy định nhằm hạn chế tình trạng vốn mỏng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN. Theo đó, phần chi trả lãi vay của khoản vay vốn tương ứng với khoản vay vượt quá 4 lần vốn chủ sở hữu (riêng đối với các tổ chức tín dụng, ngân hàng là phần vượt quá 10 lần vốn chủ sở hữu) không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN.

Có ý kiến cho rằng, việc đảm bảo một mức độ an toàn về tỷ lệ vốn vay trên vốn chủ sở hữu là việc của DN, không phải là việc của cơ quan nhà nước. Một số ý kiến khác cho rằng, mức độ an toàn về tỷ lệ vốn vay trên vốn chủ sở hữu là việc của các quy định pháp luật khác, không phải là lĩnh vực điều chỉnh của pháp luật thuế.

Những ý kiến trên chỉ đúng một nửa vế đầu. Cơ quan nhà nước nói chung và cơ quan thuế phải quan tâm đến vấn đề này vì an toàn tài chính của các DN có liên quan đến sự ổn định và lành mạnh của nền tài chính quốc gia.

Thêm vào đó, dưới góc độ quản lý thuế, thực tiễn thời gian qua cho thấy 2 vấn đề quan trọng liên quan đến vốn mỏng: (i) Nhiều DN thành lập ra chỉ nhằm mục đích mua bán hóa đơn và kinh doanh bất hợp pháp, nợ thuế rồi bỏ trốn và những DN này đều có một điểm chung là vốn mỏng cả về số vốn đăng ký và số vốn thực tế đầu tư; (ii) Hành vi chuyển giá của công ty mẹ ở nước ngoài thông qua hoạt động cho công ty con ở Việt Nam vay vốn mà không thực hiện đầu tư vốn cho công ty con. Bởi vậy, bổ sung quy định về chi phí được trừ nhằm hạn chế tình trạng vốn mỏng là rất cần thiết và hợp lý cả trên giác độ quản lý kinh tế vĩ mô và quản lý thuế.

Ba là, nâng mức khống chế chi phí quảng cáo, tiếp thị, hội họp… Mức khống chế mới trong Dự thảo Luật đối với khoản chi phí này là 15%. Việc nâng mức khống chế này sẽ góp phần tạo thuận lợi cho DN trong việc chủ động thực hiện các hoạt động tiếp thị và đối ngoại, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế thị trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt.

Bốn là, bổ sung một số khoản tài trợ được trừ. Quy định hiện hành cho phép trừ 4 khoản tài trợ là: Tài trợ khắc phục hậu quả thiên tai, y tế, giáo dục và làm nhà tình nghĩa cho người nghèo theo quy định của pháp luật. Dự thảo Luật bổ sung khoản tài trợ được trừ đối với nhà tình thương, nhà đại đoàn kết cho người nghèo theo quy định của pháp luật và khoản tài trợ theo chương trình của Nhà nước dành cho các địa phương thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Năm là, bổ sung quy định về chi phí được trừ đối với các khoản đóng góp hình thành quỹ hưu trí tự nguyện hoặc quỹ mang tính an sinh xã hội cho người lao động của DN. Quy định này nhằm góp phần khuyến khích sự hình thành quỹ hưu trí tự nguyện, từ đó hỗ trợ các chương trình an sinh xã hội, giảm bớt gánh nặng chi tiêu ngân sách nhà nước và đồng bộ với quy định của Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN).

Những vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện

Một trong những quan điểm chung nhất cần xác định khi hoàn thiện Dự thảo Luật là những nội dung nào hội tụ đủ điều kiện để quy định cụ thể trong Luật thì nên quy định ngay trong Luật, chỉ để nghị định và thông tư hướng dẫn những nội dung quá phức tạp hoặc cần điều chỉnh thường xuyên.

Theo quan điểm này, cần rà soát lại toàn bộ các khoản chi phí không được trừ quy định ở văn bản dưới luật hiện hành để trình bày thành 2 nhóm lớn:

(i) Các khoản chi không được trừ quy định trong Luật là đủ, không cần hướng dẫn;

(ii) Các khoản chi không được trừ cần được quy định chi tiết tại Nghị định của Chính phủ. Theo đó, trong điều quy định về chi phí được trừ của Dự thảo Luật, cần nêu rõ, Chính phủ quy định chi tiết thi hành những khoản nào, chứ không ghi chung chung là “Chính phủ quy định chi tiết thi hành Điều này”.

Bên cạnh đó, một số vấn đề khác về chi phí được trừ cần tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện là: định mức tiêu hao vật tư, các khoản chi khống chế mức trả tối đa và các khoản thuế không được trừ. Cụ thể như sau:

Có nên bỏ định mức tiêu hao vật tư?

Dự thảo Luật quy định, bỏ yêu cầu về định mức tiêu hao vật tư khi xác định chi phí vật tư được trừ với mục tiêu đơn giản hóa thủ tục hành chính cho DN. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, trong thực tiễn quản lý thuế, định mức tiêu hao là một trong những căn cứ quan trọng để cơ quan thuế loại bỏ các khoản chi khống (có hóa đơn, chứng từ nhưng thực tế không chi).

Ví dụ: Khi kiểm tra chi phí xăng dầu ở các DN vận tải, nếu không có yêu cầu định mức tiêu hao xăng dầu thì cán bộ thuế không có căn cứ bác bỏ các khoản chi mua xăng dầu khống nếu như DN xuất trình đầy đủ hóa đơn mua xăng dầu hợp pháp. Chúng ta đều biết, với dầu thì việc mua hóa đơn còn có chút khó khăn, còn với xăng thì việc mua hóa đơn rất dễ dàng do đây là mặt hàng người tiêu dùng mua lẻ không cần lấy hóa đơn.

Bởi vậy, không nên bỏ quy định về định mức tiêu hao vật tư. Thay vào đó, để đơn giản hóa thủ tục hành chính, thay vì yêu cầu DN phải xây dựng đăng ký định mức tiêu hao chính của những sản phẩm chủ yếu theo quy định hiện hành, cần yêu cầu DN phải xây dựng định mức tiêu hao vật tư và xuất trình khi cơ quan thuế yêu cầu, riêng đối với những lĩnh vực mà cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã ban hành định mức thì phải theo quy định đó của cơ quan nhà nước.

Các khoản chi khống chế mức trả tối đa

Luật Thuế TNDN hiện hành có 2 khoản chi phí bị khống chế mức trả tối đa là chi trả lãi vay của đối tượng khác không phải là tổ chức tín dụng hoặc tổ chức kinh tế và chi phí quảng cáo, tiếp thị, hội họp… Tuy nhiên, theo các văn bản dưới luật thì ngoài 2 khoản chi bị khống chế nêu trên còn có các khoản khác là: chi trang phục cho người lao động, chi khấu hao xe ô tô chở người từ 9 chỗ trở xuống (trừ trường hợp sử dụng cho kinh doanh vận chuyển khách, du lịch và khách sạn), chi phụ cấp lưu trú cho người lao động đi công tác.

Cùng với việc quán triệt quan điểm chung trên, Dự thảo Luật nên nêu rõ tên các khoản chi bị khống chế mức trả tối đa và xác định rõ mức tối đa trong Luật. Đối với những trường hợp khoản chi cần điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện thực tế thì cần nêu tên khoản chi bị khống chế trong Luật, còn mức cụ thể thì giao cho Chính phủ quy định.

Một vấn đề nữa cần quan tâm là xác định một cách hợp lý nhất những khoản chi nào nên khống chế mức trả tối đa. Về nguyên tắc, cần khống chế mức trả tối đa tính thu nhập chịu thuế TNDN đối với các khoản chi có thể liên quan trực tiếp đến lợi ích của chủ sở hữu DN hoặc liên quan đến cơ sở xác định thuế thu nhập cá nhân vì nếu không khống chế sẽ tạo cơ hội cho hoạt động tránh thuế thông qua hình thức trung gian thuế hoặc chuyển dịch thu nhập.

Theo quan điểm này, nên bỏ quy định khống chế chi phí khấu hao đối với xe ô tô chở người từ 9 chỗ trở xuống (trừ trường hợp sử dụng cho kinh doanh vận chuyển khách, du lịch và khách sạn) vì khoản chi này không tạo cơ hội cho hoạt động tránh thuế. Chi phí quảng cáo, tiếp thị hội họp, tiếp khách… trước mắt có thể khống chế tối đa để ngăn ngừa tình trạng các DN có vốn đầu tư nước ngoài lợi dụng chuyển giá để tránh thuế.

Về lâu dài, không nên khống chế chung các khoản chi phí quảng cáo, tiếp thị, hội họp, tiếp khách… mà tách riêng, chỉ khống chế các khoản chi hội họp, tiếp khách; không cần khống chế chi phí quảng cáo vì khoản chi này không liên quan trực tiếp đến lợi ích của chủ sở hữu DN hoặc cơ sở tính thuế thu nhập cá nhân. Các khoản chi cần khống chế mức trả tối đa còn lại nên kế thừa quy định hiện hành.

Các khoản thuế không được trừ

Dự thảo Luật quy định về các khoản thuế không được trừ như sau: “Thuế GTGT đầu vào đã được khấu trừ, thuế GTGT nộp theo phương pháp khấu trừ, thuế TNDN”. Tuy nhiên, hiện nay có hai khoản thuế không được trừ đang được hướng dẫn tại văn bản dưới luật rất nên được bổ sung vào Dự thảo Luật cho đảm bảo tính minh bạch.

Đối với thuế TNCN, Thông tư 123/2012/ TT-BTC hướng dẫn thi hành thuế TNDN quy định “Thuế TNCN không được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế là số tiền thuế do DN khấu trừ trên thu nhập của người nộp thuế để nộp vào NSNN.

Trường hợp DN ký hợp đồng lao động quy định tiền lương, tiền công trả cho người lao động không bao gồm thuế TNCN thì thuế TNCN DN nộp thay là khoản chi phí tiền lương được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế”. Tương tự như vậy, đối với thuế nhà thầu, Thông tư 123/2012/ TT-BTC quy định “Thuế TNDN nộp thay nhà thầu nước ngoài (thuế nhà thầu) được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế trong trường hợp thỏa thuận tại hợp đồng nhà thầu, nhà thầu phụ nước ngoài, doanh thu nhà thầu, nhà thầu phụ nước ngoài nhận được không bao gồm thuế TNDN (thuế nhà thầu)”.

Thực ra, với hai khoản thuế này khi bổ sung vào Dự thảo Luật về các khoản thuế không được trừ chỉ cần quy định đơn giản như sau: “Thuế TNCN trong trường hợp tiền lương, tiền công chi trả cho người lao động đã bao gồm cả thuế TNCN; thuế TNDN nộp thay nhà thầu nước ngoài trong trường hợp doanh thu trả cho nhà thầu nước ngoài đã bao gồm thuế TNDN”.

Tóm lại, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế TNDN chứa đựng nhiều điểm mới phù hợp với thực tiễn kinh tế - xã hội và sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN. Tuy vậy, một vài quy định về chi phí được trừ cần cân nhắc thêm để Dự thảo Luật có chất lượng cao hơn.

 Tài liệu tham khảo:

1. Bộ Tài chính: Thông tin báo chí về Dự án sửa đổi, bổ sung Luật Thuế TNDN;

2. Bộ Tài chính: Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế TNDN;

3. Tờ trình số 107/TTr-CP của Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội về dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Thuế TNDN.

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số 4 - 2013

Bàn về việc sửa đổi chi phí được trừ

PGS.,TS. Lê Xuân Trường

(Tài chính) Việc nghiên cứu sửa đổi quy định về chi phí được trừ, một mặt, sẽ tạo ra cơ sở pháp lý vững chắc để chống thất thu cho ngân sách nhà nước, mặt khác, vẫn tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) đã có những sửa đổi cần thiết. Tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề cần bàn để hoàn thiện quy định về chi phí được trừ trong Dự thảo Luật này.

Xem thêm

Video nổi bật