Bảo đảm an sinh - Nền tảng vượt khó khăn

Theo Đại biểu Nhân dân

Mặc dù tình hình kinh tế - xã hội năm 2012 còn gặp không ít khó khăn, nhưng công tác xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội được Đảng, Chính phủ đặc biệt quan tâm và dành 8.800 tỷ đồng cùng nhiều giải pháp, chính sách thiết thực hỗ trợ người nghèo. Điều không phủ nhận, các chính sách an sinh xã hội đã tập trung đầu tư vào tận vùng có thể gọi là “lõi nghèo” của cả nước và bước đầu đã làm thay đổi bộ mặt nông thôn, đời sống của người dân nghèo tại 62 huyện nghèo trên cả nước đã từng bước khởi sắc.

Bảo đảm an sinh - Nền tảng vượt khó khăn
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Theo chân kiểm toán viên đi điều tra thực tế về các chương trình hỗ trợ của Chính phủ nhằm giảm nghèo nhanh và bền vững, chúng tôi tới nhà chị Thào Súa Phổng, dân tộc Mông, thuộc bản Hua Khắt, Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải. Tiếp chúng tôi, chị Thào Súa Phổng cho biết, từ khi gia đình được cấp giống ngô, tiền hỗ trợ trồng rừng… gia đình chị và hầu hết bà con trong bản đã vượt qua đói nghèo, con cái được cắp sách tới trường. Điều khác với trước đây, những ngày giáp hạt, các thành viên trong gia đình chị cũng như những bà con trong bản không còn cảnh phải nhìn trước, ngó sau vào nồi cơm.

Thực tế, thời gian qua, hàng loạt các chính sách an sinh xã hội được triển khai đồng bộ ở tất cả các địa phương, vùng miền trong cả nước, nhất là ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, miền núi cao, hải đảo và những khu vực tập trung đông người nghèo. Đặc biệt, các Chương trình 30a, Chương trình 135 giai đoạn II… đã tập trung đầu tư vào khu vực “lõi nghèo” của cả nước. Những nỗ lực này đã góp phần giảm nhanh tỷ lệ nghèo đói của cả nước từ trên 20% (năm 2005) xuống còn 10% năm 2012 theo chuẩn mới. Bộ mặt các xã nghèo đã có sự thay đổi đáng kể: hệ thống hạ tầng cơ sở đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu đi lại, giao lưu của nhân dân; hệ thống trường học, trạm y tế xã được xây dựng khang trang góp phần đẩy mạnh công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo; cơ bản xóa được tình trạng nhà ở tạm bợ, dột nát; chất lượng cuộc sống của người dân ở các xã nghèo từng bước được nâng cao một cách thiết thực.

Theo Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải, Yên Bái Giàng A Tông, việc xóa đói giảm nghèo đối với Mù Cang Chải được Đảng, Nhà nước và tỉnh rất quan tâm bằng nhiều chương trình. Quan điểm của huyện là quyết tâm trên cơ sở phát huy nội lực là tối đa, tận dụng những nguồn lực từ bên ngoài, qua đầu tư của Đảng - Nhà nước và huyện cũng có chương trình, kế hoạch của từng nhiệm kỳ, trên cơ sở đó cũng giao cho các ban, ngành chức năng có kế hoạch chi tiết. Huyện luôn đặt chỉ tiêu trong 1 năm là phải giảm nghèo bao nhiêu phần trăm và giao cho mỗi xã là phải thoát nghèo mấy hộ và gắn với đó là vấn đề tăng vụ, vấn đề thâm canh, vấn đề chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, gắn với vấn đề đào tạo nghề, dạy nghề và vấn đề bồi dưỡng cán bộ để làm sao tạo thành thể thống nhất giữa người dân với cán bộ trong vấn đề này.

Năm 2012 nền kinh tế của nước ta vẫn tiếp tục chịu áp lực của lạm phát và bất ổn kinh tế vĩ mô. Trước thực trạng đó, Chính phủ đã kịp thời ban hành nhiều chính sách như: chính sách phòng ngừa, chính sách giảm thiểu và khắc phục rủi ro. Đặc biệt là chính sách điều chỉnh chuẩn nghèo mới và Nghị quyết số 80 của Chính phủ về định hướng giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011- 2020 với các mục tiêu và lộ trình thực hiện chính sách cụ thể. Điểm nổi bật là chương trình của Chính phủ hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo đã đạt gần 496 nghìn hộ có nhu cầu về nhà ở.

Chủ tịch UBND huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng, là một trong 62 huyện nghèo nhất nước, Công Văn Hưu cho biết, chương trình an sinh xã hội là một chủ trương rất lớn của Đảng và Nhà nước. Đối với huyện Bảo Lạc trong năm 2012 được Ngân hàng thương mại Đầu tư và phát triển Việt Nam đầu tư hỗ trợ tài trợ cho xây dựng 98 phòng ở ký túc bán trú cho học sinh, chủ yếu là học sinh đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa đến học tập. Đây là việc làm  mang tính nhân văn, tình cảm sâu sắc và chia sẻ những khó khăn đối với bà con đồng bào dân tộc.

Có thể nhìn vào con số trên các lĩnh vực giảm nghèo, trợ giúp xã hội để thấy rõ sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ. Về giảm nghèo bền vững, năm 2012 Chính phủ đã hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu và thôn, bản đặc biệt khó khăn với số tiền trên 4.500 tỷ đồng. Về trợ giúp xã hội, tính đến tháng 12 năm 2012, các địa phương đã thực hiện trợ cấp xã hội hàng tháng tại cộng đồng cho hơn 2,6 triệu đối tượng với ước tổng kinh phí 8.735 tỷ đồng, tăng 1,76 lần so với năm 2011. Với quyết tâm chỉ đạo và điều hành sát sao, kịp thời của Chính phủ, có thể nói nước ta đã cơ bản đạt được mục tiêu về an sinh xã hội góp phần bảo đảm trật tự an toàn xã hội, tạo niềm tin của nhân dân vào Đảng và Nhà nước.

Quan trọng hơn, các chính sách đúng đắn và kịp thời cùng nỗ lực kiên trì xóa đói giảm nghèo của Đảng và Nhà nước đã kích thích, khơi dậy ý chí, năng lực vươn lên thoát nghèo của nhân dân, giúp một bộ phận không nhỏ người nghèo thoát ra khỏi tình trạng nghèo cùng cực. Trong nhiều năm qua, bảo đảm an sinh xã hội của Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ là thực hiện cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế và là một điểm sáng trong việc thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ, được dư luận quốc tế và nhân dân ghi nhận.

Để tiếp tục bảo đảm chính sách an sinh xã hội, ổn định đời sống nhân dân, tạo động lực phát triển bền vững năm 2013 và những năm tiếp theo, Nhà nước cần tiếp tục tăng đầu tư hợp lý cho phát triển xã hội, an sinh xã hội và phúc lợi xã hội; đồng thời đổi mới cơ chế phân bổ dựa trên cơ sở kết quả đầu ra để bảo đảm công bằng xã hội vì mục tiêu phát triển con người, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, dạy nghề, y tế, ưu đãi người có công, giảm nghèo và trợ giúp xã hội. An sinh xã hội vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển, là nền tảng của sự công bằng và ổn định xã hội.