Bảo đảm cạnh tranh trong hoạt động đấu thầu

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Bảo đảm tính cạnh tranh lành mạnh, khách quan trong hoạt động đấu thầu là một trong những yêu cầu bức thiết đặt ra trong quá trình sửa đổi Luật Đấu thầu. Thảo luận về quy định bảo đảm cạnh tranh trong đấu thầu của Luật Đấu thầu (sửa đổi), các ĐBQH đồng tình với các quy định này và cho rằng, cần phải quy định rõ hơn thế nào là độc lập về pháp lý và độc lập về tài chính giữa nhà thầu và các chủ thể khác liên quan đến hoạt động đấu thầu.

Trong quá trình góp ý hoàn thiện Luật Đấu thầu (sửa đổi), các ý kiến đề nghị dự thảo Luật cần quy định rõ hơn về mối quan hệ giữa nhà thầu với nhà thầu, nhà thầu với chủ đầu tư để bảo đảm cạnh tranh lành mạnh trong đấu thầu.

Đồng thời, bổ sung quy định cụ thể về mối quan hệ giữa các cá nhân có thẩm quyền của nhà thầu và cá nhân có thẩm quyền của chủ đầu tư, người quyết định đầu tư và những cá nhân có quan hệ nhân thân liên quan; giữa các nhà thầu trong cùng một tập đoàn, tổng công ty nhằm ngăn chặn hành vi tiêu cực trong đấu thầu.

Ban soạn thảo đã tiếp thu và bổ sung quy định cụ thể sự độc lập về pháp lý, về tài chính giữa nhà thầu với nhà thầu, giữa nhà thầu với chủ đầu tư, bên mời thầu tại Điều 6 dự án Luật. Bên cạnh đó, bổ sung quy định cấm nhà thầu, nhà đầu tư, bên mời thầu, chủ đầu tư và tổ chức, cá nhân khác tham gia hoạt động đấu thầu có mối quan hệ không bảo đảm công bằng, minh bạch trong đấu thầu vào quy định về các hành vi bị cấm trong đấu thầu. Những điều kiện cụ thể về sự độc lập pháp lý, tài chính giữa các chủ thể tham gia quan hệ đấu thầu được quy định chi tiết trong các Nghị định Hướng dẫn thi hành Luật Đấu thầu (sửa đổi) về lựa chọn nhà thầu; về lựa chọn nhà đầu tư. 

Theo Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách Hà Sỹ Đồng, quy định độc lập về tính pháp lý và độc lập về tài chính của các chủ thể khi tham gia đấu thầu chưa có giải thích định nghĩa đầy đủ trong dự thảo Luật, gây ra sự không rõ ràng và có thể hiểu theo nhiều hướng khác nhau.

Theo dự thảo Nghị định hướng dẫn độc lập về pháp lý và độc lập về tài chính nêu tại Điều 6 dự thảo luật là không có cổ phần hoặc vốn góp trên 30% của nhau. Tuy nhiên, nội dung hướng dẫn này chưa bao quát được hết các trường hợp cụ thể như trường hợp hai công ty là hai công ty con của cùng một công ty mẹ, trường hợp có cổ phần gián tiếp qua một công ty khác.

Mặt khác, quy định độc lập về pháp lý và độc lập về tài chính vẫn chưa bảo đảm được tính khách quan, tính cạnh tranh vì chưa loại trừ được nhiều trường hợp tác động khác. Ông Hà Sỹ Đồng kiến nghị, cần có định nghĩa cụ thể thế nào là độc lập về pháp lý và độc lập về tài chính để bao quát hết. Trong đó, cần nêu rõ các trường hợp như không phải công ty mẹ, con của nhau, không phải các công ty con của cùng một công ty mẹ, không được là người có liên quan của nhau theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Các tổ chức tín dụng và các văn bản khác có liên quan.

Cho rằng quy định độc lập về pháp lý và tài chính giữa các bên có liên quan rất cần thiết để tránh tình trạng liên thông, đạp chân nhau trong hoạt động đấu thầu gây ra nhiều tình trạng tiêu cực như hiện nay, Ủy viên Ủy ban Kinh tế Mai Thị Ánh Tuyết đặt vấn đề, dự thảo Nghị định hướng dẫn chỉ quy định tính độc lập giữa nhà thầu với nhà thầu, giữa nhà thầu với bên mời thầu, chủ đầu tư, chưa quy định tính độc lập về pháp lý, độc lập về tài chính đối với các chủ thể có liên quan như cơ quan thẩm định, tổ chức tư vấn, cơ quan phê duyệt, nhà tài trợ,… Bà Mai Thị Ánh Tuyết đề nghị dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) cần quy định nhà thầu tham gia phải độc lập về pháp lý, độc lập về tài chính mới bao hàm hết các chủ thể có liên quan đến hoạt động nhà thầu, đồng thời, bảo đảm tính pháp lý, khách quan trong đấu thầu. Cùng với đó, độc lập về pháp lý và độc lập về tài chính không chỉ áp dụng đối với hình thức đấu thầu hạn chế mà phải bao hàm áp dụng cho tất cả các hình thức đấu thầu mới bảo đảm tính khách quan trong quá trình đấu thầu. 

Liên quan đến quy định bảo đảm cạnh tranh giữa các nhà thầu trong cùng một Tập đoàn hoặc cùng một Tổng công ty, ĐBQH Phùng Đức Tiến (Hà Nam) đề nghị dự thảo Luật quy định rõ mối quan hệ giữa các nhà thầu độc lập về tư cách pháp nhân, độc lập về tài chính trong cùng một tập đoàn hoặc cùng một tổng công ty; các đơn vị độc lập trong cùng một trường đại học, một viện nghiên cứu để tránh tình trạng thông thầu trong đấu thầu xây lắp hoặc dự án nghiên cứu khoa học phát triển công nghệ, hỗ trợ kỹ thuật điều tra cơ bản…

Cho rằng việc đấu thầu trong các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước đều bị vướng bởi quy định tại Điều 6 của dự thảo Luật, Ủy viên Uỷ ban Kinh tế Trần Xuân Hoà đề xuất cần xem xét bổ sung thêm một mục với tiêu đề “Tổ chức đấu thầu trong các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước” trong Chương II, Luật Đấu thầu để cụ thể hóa cơ chế đấu thầu có tính đặc thù trong phạm vi và phù hợp với mô hình tổ chức, nguyên tắc và cơ chế hoạt động của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước.

Theo tinh thần bảo đảm phát huy được các lợi thế sức mạnh của nhau, tiềm năng sẵn có trong nội bộ được tạo ra bởi sự liên kết của các đơn vị thành viên trong mô hình tập đoàn kinh tế, tổng công ty như mục tiêu đề ra khi có quyết định thành lập; đồng thời phù hợp với chủ trương khi thí điểm thành lập tổ chức hoạt động và quản lý tập đoàn kinh tế nhà nước.