Dự thảo Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi):

Bảo đảm nguyên tắc tranh tụng

Theo daibieunhandan.vn

(Taichinh) - Tranh tụng trong xét xử được xem là một nguyên tắc trong tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân, đã được ghi nhận trong Bộ luật Tố tụng dân sự hiện hành. Tuy nhiên, thực tế tại hầu hết các tòa án hiện nay, quá trình tố tụng vẫn diễn ra theo lối mòn xét hỏi. Điều đó đòi hỏi dự thảo Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi) cần có quy định cụ thể hơn về cả nội hàm, quyền và nghĩa vụ của người tham gia tranh tụng cũng như phương pháp thu thập, cung cấp và tiếp cận chứng cứ.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Làm rõ khái niệm tranh tụng

Có một thực tế phải thừa nhận là các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự 2004 về nguyên tắc tranh tụng còn mang tính hình thức do chưa làm rõ khái niệm tranh tụng. Dự thảo Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi) mặc dù đã quy định đầy đủ hơn về nguyên tắc tranh tụng, song vẫn chưa làm rõ khái niệm về tranh tụng và sự khác nhau giữa tranh tụng với tranh luận.

Có ý kiến cho rằng, tranh tụng chính là tranh luận trong tố tụng, còn tranh luận được hiểu là bàn cãi tìm lẽ phải, tức một phần tố tụng của phiên tòa được tiến hành sau khi kết thúc phần xét hỏi. Điều đáng nói là tranh tụng trong tố tụng dân sự bao hàm cả hoạt động tranh luận trước khi mở phiên tòa, tranh luận tại phiên tòa và sau khi có quyết định giải quyết vụ án dân sự. Vì vậy cần khẳng định, tranh tụng trong quá trình giải quyết vụ án dân sự từ khi bắt đầu cho tới thời điểm kết thúc.

Tuy nhiên, theo ông Tưởng Duy Lượng - nguyên Phó chánh án Tòa án nhân dân tối cao, trong khoa học pháp lý, tranh tụng được phân thành tranh tụng hình sự, tranh tụng dân sự, tranh tụng kinh tế, tranh tụng hành chính. Mỗi hệ thống tố tụng lại có phương cách xác định sự thật khác nhau, cơ sở pháp lý khác nhau nên phạm vi, tính chất và mức độ tranh tụng cũng không giống nhau. Song, cách thiết kế nguyên tắc tranh tụng trong dự thảo chưa làm nổi bật được đặc điểm của tố tụng dân sự, tức là tranh tụng bắt đầu từ khi thụ lý đơn khởi kiện, khác với hình sự - chỉ tranh tụng tại phiên tòa mà không tranh tụng ở các bước khác.

Một câu hỏi được đặt ra là khi đã quy định tranh tụng, cho phép các bên đương sự thực hiện việc thu thập, giao nộp, cung cấp tài liệu, chứng cứ để bảo vệ yêu cầu, quyền, lợi ích hợp pháp của mình hoặc bác bỏ yêu cầu của người khác, có nên tiếp tục giữ mô hình tố tụng thẩm vấn, xét hỏi như quy định hiện hành hay không?

Luật sư Phạm Liêm Chính - Văn phòng Luật sư Chính và Đồng sự cho biết, hệ thống pháp luật Anh - Mỹ chỉ có quy định về tranh tụng mà không có xét hỏi. Thế nhưng, đối với nước ta, nguyên tắc tranh tụng không đồng nhất với việc thay thế hoàn toàn mô hình xét hỏi sang mô hình tranh tụng mà tiếp thu chọn lọc những hạt nhân hợp lý của mô hình tố tụng tranh tụng, phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam. Không hiếm trường hợp khi đưa ra xét xử, các bên tranh tụng bày tỏ quan điểm không rõ ràng, tù mù về chứng cứ chứng minh, tòa án buộc phải xét hỏi để làm rõ, bảo đảm công bằng cho các bên đương sự. Do vậy, vẫn cần kết hợp giữa mô hình tố tụng xét hỏi và tố tụng, tranh tụng. Có như vậy mới thể hiện được tính dân chủ, công khai, minh bạch trong hoạt động tố tụng dân sự.

Xác định nghĩa vụ chứng minh

Tranh tụng sẽ bắt đầu từ khi tòa án thụ lý cho tới khi kết thúc nhưng để thể hiện được tính minh bạch, công khai, dự thảo cũng quy định nghĩa vụ của các bên khi tham gia phiên xét xử, như đương sự thực hiện việc thu thập, giao nộp, cung cấp tài liệu, chứng cứ kể từ khi tòa án nhận đơn khởi kiện, đơn yêu cầu; trình bày, đối đáp, phát biểu quan điểm, lập luận về đánh giá chứng cứ. Ông Lê Văn Minh - Viện trưởng Viện Khoa học xét xử - Tòa án Nhân dân Tối cao cho biết, một trong những điểm mới của dự thảo là mở rộng quyền được tiếp cận chứng cứ. Các bên đương sự được biết chứng cứ của nhau trong quá trình xét xử. Dự thảo cũng đưa ra cơ chế, khi một bên khởi kiện, cung cấp chứng cứ cho tòa án thì đồng thời phải cung cấp chứng cứ cho bên kia biết, giúp các bên chủ động thực hiện quyền cũng như có ý kiến lập luận, bác bỏ yêu cầu của bên kia.

Bộ luật Tố tụng dân sự hiện hành chưa có quy định cụ thể về tiếp cận chứng cứ của các đương sự trước khi vụ việc được tòa án xét xử, do vậy, trong nhiều trường hợp đương sự chỉ biết được chứng cứ, tài liệu của đối phương khi họ xuất trình tại phiên tòa, thiếu vắng các quy định về chế tài xử lý để hạn chế việc thiếu hợp tác của một bên đương sự. Những hạn chế này dẫn tới sự bị động và khó khăn cho một bên đương sự trong việc bảo vệ quyền của mình trước tòa án.

Để góp phần nâng cao trách nhiệm của đương sự khi tham gia tranh tụng, Điều 85 dự thảo cũng xác định, đương sự có yêu cầu tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình phải thu thập, cung cấp, giao nộp cho Tòa án các tài liệu, phải đưa ra chứng cứ để chứng minh yêu cầu đó là có căn cứ và hợp pháp. Mặt khác, đương sự có nghĩa vụ đưa ra chứng cứ chứng minh nếu không đưa ra được chứng cứ hoặc không đưa ra đủ chứng cứ thì phải chịu hậu quả của việc không chứng minh được hoặc chứng minh không đầy đủ đó. Tòa án chỉ giải quyết vụ việc dân sự theo những chứng cứ đã thu thập được. Như vậy, việc giao nộp chứng cứ vừa là quyền, vừa là nghĩa vụ của các đương sự và các đương sự không bị giới hạn thời gian giao nộp chứng cứ mà có quyền giao nộp chứng cứ vào bất kỳ thời điểm, giai đoạn nào trong quá trình giải quyết vụ án. Quy định này xuất phát từ thực tiễn giải quyết vụ việc dân sự có tình trạng ở giai đoạn xét xử sơ thẩm, đương sự giữ chứng cứ, cố tình che giấu chứng cứ, chấp nhận có thể bị tòa án bác yêu cầu, đến giai đoạn xét xử phúc thẩm, giám đốc thẩm mới giao nộp, thì tòa án vẫn phải chấp nhận chứng cứ đó, dẫn đến việc phải hủy, sửa bản án đã ban hành.

Liên quan tới trưng cầu giám định thực hiện nghĩa vụ chứng minh tại Điều 96 dự thảo, bà Nguyễn Minh Hằng - Học viện Tư pháp cho rằng, dự thảo còn bỏ sót quy định về hệ quả đối với việc các đương sự không thực hiện và chống đối quyết định trưng cầu giám định của tòa án. Điều này sẽ phát sinh vướng mắc trên thực tiễn và không bảo đảm được tính công bằng, minh bạch. Đơn cử như các trường hợp trưng cầu giám định xác định cha cho con nhưng đương sự không thực hiện yêu cầu giám định, khi đó nghĩa vụ chứng minh lại thuộc về nguyên đơn.