Bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm dịp Tết - Quy trình sản xuất an toàn là bước đi đầu tiên

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Thông lệ buồn là khi lễ, Tết đến gần, lại rộ lên tin tức về thực phẩm bẩn, thực phẩm độc tràn lan trên thị trường. Bên cạnh điệp khúc tăng cường thanh tra, kiểm tra như mọi năm, năm nay Bộ Nông nghiệp và PTNT đã xác định được giải pháp gốc rễ là hướng nông dân áp dụng quy trình sản xuất an toàn. Giải pháp này cần được đặt trong chiến lược tổng thể tái cơ cấu nông nghiệp

Bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm dịp Tết - Quy trình sản xuất an toàn là bước đi đầu tiên
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Để bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi và Lễ hội Xuân 2015, Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về Vệ sinh an toàn thực phẩm đã giao Bộ Y tế phối hợp với các Bộ liên quan thành lập 6 đoàn liên ngành, tiến hành thanh tra, kiểm tra tại 16 tỉnh, thành phố, trọng điểm về an toàn thực phẩm năm 2015. Nhiệm vụ đề ra là phấn đấu giảm 10% số vụ ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán và trong thời gian diễn ra Lễ hội Xuân so với cùng kỳ năm 2014. Thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành từ Trung ương đến cấp xã, phường để bảo đảm số cơ sở được thanh, kiểm tra trên cả nước tăng 10% so với cùng kỳ năm 2014. Huy động tối đa các kênh truyền thông phổ biến pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như các kiến thức trong lựa chọn, bảo quản, chế biến và tiêu dùng đến người dân. 

Tại Hà Nội, nơi nguồn cung thực phẩm chủ yếu đến từ ngoài thành phố, đến nay, đã thanh, kiểm tra được 247 cơ sở sản xuất kinh doanh nông lâm nghiệp thủy sản và lấy 115 mẫu thực phẩm các loại để kiểm tra chất lượng, an toàn thực phẩm. Hiện mới có kết quả 65 mẫu trong đó có 60 mẫu bảo đảm an toàn thực phẩm, 5 mẫu có phát hiện dư lượng nhưng vẫn dưới ngưỡng. Theo Sở NN và PTNT Hà Nội, đã xử phạt vi phạt hành chính nhiều cá nhân và tổ chức vi phạm quy định vệ sinh an toàn thực phẩm, tịch thu và tiêu hủy khối lượng lớn thực phẩm không bảo đảm chất lượng. TP Hồ Chí Minh cũng đã thành lập các đoàn thanh tra liên ngành, tăng cường các trạm liên ngành ở các cửa ngõ thành phố để ngăn chặn kịp thời các sản phẩm không an toàn xâm nhập. Với chiến dịch tăng cường kiểm tra, kiểm soát như trên, thời gian qua các lực lượng chức năng TP Hồ Chí Minh đã phát hiện, bắt giữ nhiều sản phẩm không rõ nguồn gốc như: thịt lợn bơm nước, thịt ngâm hóa chất, rau củ quả có hàm lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép, nhiễm khuẩn…

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 1, câu hỏi về vệ sinh an toàn thực phẩm lại được nêu ra với Bộ trưởng Bộ NN và PTNT Cao Đức Phát. Lãnh đạo ngành nông nghiệp cho biết, giải pháp cấp bách trong dịp Tết này là gia tăng giám sát tại những nơi mua bán thực phẩm, đặc biệt là chợ đầu mối. Hiện đã thống nhất được 2 đầu mối và chi tiết công việc sẽ được triển khai trong cuộc họp trực tuyến ngày 5.2 tới. Bên cạnh đó, Bộ sẽ tổ chức hướng dẫn, giám sát trên đồng ruộng, chủ yếu thực hiện ở các địa phương cung cấp lương thực, thực phẩm cho các đô thị. Bộ đã hình thành 2 ban điều phối về xây dựng các chuỗi cung ứng lương thực, thực phẩm an toàn cho 2 thành phố và sẽ sớm tổ chức vận hành 2 ban điều phối này. Về các giải pháp lâu dài, Bộ xác định năm 2015 là năm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trong nông nghiệp, đưa ra 5 nhóm giải pháp. Trong đó đáng chú ý là tổ chức hướng dẫn nông dân áp dụng các quy trình sản xuất an toàn hơn, hình thành các chuỗi sản xuất để có thể giám sát từ nơi sản xuất đến nơi tiêu dùng.

Rõ ràng, thanh tra, kiểm tra dù gắt gao đến mấy cũng chỉ giải quyết phần ngọn. Nguyên nhân sâu xa khiến chất lượng thực phẩm không bảo đảm là sản xuất nông nghiệp nước ta manh mún, thiếu định hướng. Thị trường thường xuyên không ổn định khiến nông dân dưới áp lực giá cả phải sử dụng những biện pháp canh tác không an toàn. Chất lượng thực phẩm trong nước không bảo đảm nên thực phẩm ngoại nhập chất lượng kém cũng dễ dàng trà trộn. Hướng đi  Bộ NN và PTNT đề ra là đúng đắn. Tuy nhiên, quy trình sản xuất an toàn, hay chuỗi sản xuất muốn hiệu quả đều cần quy mô sản xuất lớn và có liên kết vùng. Có nghĩa là, giải pháp này cần được đặt trong tổng thể chiến lược tái cơ cấu nông nghiệp đang thực hiện.