Bao giờ cũng đưa ra lựa chọn cho người dân?

Theo daibieunhandan.vn

“Không có chuyện để người dân phải chịu gánh nặng phí” - Thứ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Hồng Trường đã khẳng định như vậy khi trả lời câu hỏi của Nhà báo Trần Đăng Tuấn về một trong những vấn đề gây bức xúc nhất trong thực hiện chủ trương đầu tư hạ tầng giao thông bằng hình thức BOT vừa qua. Ông Nguyễn Hồng Trường cũng khẳng định, nói người dân không có sự lựa chọn giữa các loại đường trả phí và miễn phí là không chính xác.

Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường đã khẳng định, Bộ GT-VT sẽ phối hợp với các bộ, ngành xây dựng cơ chế, chính sách đầy đủ để thực hiện dự án các dự án BOT bảo đảm công khai, minh bạch để đáp ứng yêu cầu và đòi hỏi của nhân dân.
Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường đã khẳng định, Bộ GT-VT sẽ phối hợp với các bộ, ngành xây dựng cơ chế, chính sách đầy đủ để thực hiện dự án các dự án BOT bảo đảm công khai, minh bạch để đáp ứng yêu cầu và đòi hỏi của nhân dân.

Mức phí đã được tính toán rất phù hợp

Ông Nguyễn Hồng Trường cho biết, hiện có 3 hình thức đầu tư hạ tầng giao thông bằng BOT: (1), làm đường cao tốc; (2), xây dựng các tuyến đường mới, không phải là cao tốc; (3), nâng cấp các tuyến quốc lộ hiện có. Đối với hình thức thứ nhất, khi đầu tư các tuyến cao tốc thì bao giờ cũng đưa ra lựa chọn cho người dân, tức là có thể đi đường cao tốc, có thể không, nếu đi đường cao tốc thì phải trả phí cao hơn. Ví dụ, cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, nếu người dân không đi thì vẫn có thể đi QL1 và không mất phí.

Đối với hình thức thứ hai là làm đường cao tốc và nâng cấp các tuyến quốc lộ hiện có. Ví dụ, tại sao cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đã có rồi nhưng QL5 vẫn thu phí? Là vì, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng được làm mới hoàn toàn, nhưng đường 5 cũ đã bị xuống cấp hết sức nghiêm trọng, lượng xe lưu thông rất lớn; ngân sách nhà nước để đầu tư duy tu, nâng cấp hoặc làm mới là không có. Vì vậy, Bộ GT-VT đã phải kiến nghị với Chính phủ nâng cấp đường 5 nhưng cũng bằng hình thức BOT và đã được Chính phủ, đặc biệt hai địa phương là Hưng Yên và Hải Phòng hết sức đồng tình.

Như vậy, một bên là xây dựng mới, một bên là nâng cấp nhưng đều phải huy động vốn bằng hình thức BOT. Mức phí của cao tốc là do nhà đầu tư quyết định dựa trên mức trần được Bộ Tài chính quy định hiện nay là 2.000 đồng/km. Còn thu phí của QL5 là hoàn toàn do Bộ Tài chính quyết định, căn cứ vào mức thu nhập bình quân của người dân tại thời điểm hiện nay, và là mức trung bình thấp chứ không phải mức trung bình cao, bởi nếu cao thì theo Bộ Tài chính hiện nay phải là 52.000 đồng/lượt xe tiêu chuẩn - ông Nguyễn Hồng Trường nhấn mạnh. Hình thức thứ ba là nâng cấp đối với các tuyến đường quốc lộ bình thường.

Nhà nước không có tiền để nâng cấp cũng buộc phải huy động BOT. Ở đây không có sự lựa chọn của người dân là đúng nhưng mức phí rất hợp lý, tức là chỉ phải bỏ ra một mức phí rất thấp, ví dụ ở những đoạn đường này chỉ khoảng từ 0,5 - 0,7 lần so với mức phí Bộ Tài chính đưa ra. Tất cả những điều này đều đã được tính toán rất phù hợp.

Không có gì là thiếu công khai, thiếu minh bạch trong các dự án BOT. Mức phí của các tuyến đường BOT cũng đã được tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng và bảo đảm phù hợp với thực tế. Người dân hoàn toàn có quyền lựa chọn trong việc đi đường chất lượng cao phải trả phí cao với việc đi đường chất lượng bình thường thì trả phí thấp hoặc chất lượng kém thì miễn phí. Vậy tại sao, người dân vẫn băn khoăn, vẫn cấn cá?

Cam kết về sự công khai, minh bạch đã có

Nhìn từ góc độ của người dân, ông Trần Đăng Tuấn cho rằng, về bản chất, BOT là người đầu tư có thể bằng vốn của mình hay vay vốn ngân hàng, bỏ tiền ra làm đường nhưng người trả tiền trong thời gian dài chính là người dân. Vậy thì người dân có vai trò như thế nào trong quá trình thực hiện BOT? Người mua dịch vụ đường BOT thông qua cơ chế nào để bảo đảm quyền lợi chính đáng của mình? Câu hỏi của ông Trần Đăng Tuấn cũng là nghi ngại của nhiều người dân.

Bởi thực tế, bất chấp cam kết của cơ quan quản lý nhà nước về việc người dân có quyền lựa chọn đi trên các tuyến đường với mức phí tương ứng thì ở nhiều địa phương, đã xuất hiện các hình thức “cưỡng chế”, không cho người dân quyền lựa chọn. Ví dụ nóng hổi nhất là, ở Phú Thọ, cầu Hạc Trì vừa xong thì cấm dân đi ô tô qua cầu Việt Trì (miễn phí) mà phải đi qua cầu Hạc Trì (mất phí); hay đường từ thành phố Quy Nhơn đi sân bay Phú Cát trước giờ vẫn lưu thông tốt và chỉ phải đi qua QL1 quãng đường khoảng 1km nhưng giờ trạm phí BOT đặt ngay vị trí giao nhau nên xe 4 chỗ phải trả 70 nghìn đồng cho lượt đi và về cho đoạn đường 1km này...

Rõ ràng, ở đâu đó, nếu không muốn nói là khá phổ biến, sự lựa chọn của người dân vẫn chưa được bảo đảm trên thực tế. Một chính sách dù là lựa chọn tốt nhất trong điều kiện hiện tại của đất nước và thực tế đã mang lại nhiều lợi ích cho sự phát triển chung của đất nước nhưng vẫn còn khiến dư luận nhân dân băn khoăn và bức xúc thì trách nhiệm của Nhà nước là phải giải trình thật rõ và phải thiết lập một cơ chế, một hành lang pháp lý thật minh bạch để bảo đảm hài hòa lợi ích của các bên liên quan.

Trong cuộc giao lưu trực tuyến với độc giả Báo Đại biểu Nhân dân hôm qua, đại diện cơ quan quản lý nhà nước, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường đã khẳng định, Bộ GT-VT sẽ phối hợp với các bộ, ngành xây dựng cơ chế, chính sách đầy đủ để thực hiện dự án các dự án BOT bảo đảm công khai, minh bạch để đáp ứng yêu cầu và đòi hỏi của nhân dân. Cam kết về sự công khai, minh bạch đã có. Tất nhiên, sự đồng thuận của dư luận nhân dân sẽ là hệ quả tất yếu.