Bảo hiểm bổ trợ cho các chính sách an sinh xã hội

PV.

Lĩnh vực bảo hiểm đang ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, góp phần đảm bảo và bổ trợ cho các chính sách an sinh xã hội của Chính phủ.

Lĩnh vực bảo hiểm đã góp phần xây dựng được đội ngũ lao động có chất lượng với thu nhập ổn định, được đào tạo về tài chính, bảo hiểm. Nguồn: baoviet.com.vn
Lĩnh vực bảo hiểm đã góp phần xây dựng được đội ngũ lao động có chất lượng với thu nhập ổn định, được đào tạo về tài chính, bảo hiểm. Nguồn: baoviet.com.vn

Tạo công ăn cho cho hơn 580.000 lao động

Thống kê của Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho thấy, tính đến hết năm 2015, thị trường bảo hiểm Việt Nam đã tạo công ăn việc làm cho khoảng 584.719 lao động. Trong đó, có 22.946 cán bộ doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm và 561.773 đại lý bảo hiểm.

Bên cạnh đó, lĩnh vực bảo hiểm đã góp phần xây dựng được đội ngũ lao động có chất lượng với thu nhập ổn định, được đào tạo về tài chính, bảo hiểm.

Với tiềm năng thị trường bảo hiểm còn rất lớn, dự kiến thị trường bảo hiểm sẽ tiếp tục tạo ra nhiều công ăn việc làm lớn cho người lao động trong cả nước khi mà các doanh nghiệp bảo hiểm trong và ngoài nước đang tiếp tục triển khai các kế hoạch mở rộng mạng lưới kinh doanh.

Chẳng hạn, trong tháng 7 vừa qua, Bảo Việt Nhân thọ - thành viên của Tập đoàn Bảo Việt đã thành lập thêm 5 công ty thành viên mới tại Bắc Kạn, Đắc Nông, Hậu Giang, Lai Châu và Phú Quốc, nâng số lượng công ty thành viên trong mạng lưới Bảo Việt Nhân thọ lên 65 công ty tại 63 tỉnh thành trên toàn quốc, tiếp tục mở rộng hoạt động kinh doanh và nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng.

Không chỉ có sự tăng trưởng về doanh thu khai thác mới, trong những năm qua, Bảo Việt Nhân thọ cũng đã tạo công ăn việc làm và thu nhập khá cho hàng nghìn người lao động, đặc biệt là đội ngũ tư vấn viên.

Hàng triệu người được bảo vệ mà không cần hỗ trợ của ngân sách

Theo Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm, hiện nay khoảng 10 triệu người có bảo hiểm y tế, sức khỏe (gồm 6 triệu bảo hiểm nhân thọ, 4 triệu bảo hiểm phi nhân thọ); hơn 12 triệu học sinh được bảo hiểm sức khỏe, tai nạn (tỷ lệ thâm nhập bảo hiểm hơn 60%).

Bên cạnh đó, có 18 triệu lượt khách được bảo hiểm trách nhiệm hàng không (tỷ lệ thâm nhập 100%), trên 12 triệu lượt khách được bảo hiểm tai nạn đường sắt (tỷ lệ thâm nhập 100%), trên 1.620 triệu lượt khách được bảo hiểm trách nhiệm hành khách vận chuyển đường bộ (tỷ lệ thâm nhập khoảng 61%)…

Theo ông Phùng Ngọc Khánh, Cục trưởng Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm, điều đáng nói là những đối tượng được bảo hiểm nói trên có thể tự thu xếp, bảo vệ về mặt tài chính và được bảo hiểm chi trả bồi thường khi không may xảy ra tai nạn, ốm đau, mà không cần tới sự hỗ trợ tài chính từ ngân sách nhà nước. Điều này minh chứng cho hiệu quả của bảo hiểm trong việc góp phần thực hiện và đảm bảo các chính sách an sinh xã hội.

Đối với phân khúc thị trường khách hàng có thu nhập thấp, một số doanh nghiệp bảo hiểm và tổ chức xã hội cũng đã triển khai bảo hiểm vi mô dành cho người có thu nhập thấp. Hiện nay, các sản phẩm bảo hiểm vi mô phi nhân thọ chủ yếu được thực hiện qua chương trình thí điểm bảo hiểm nông nghiệp.

Tính đến hết năm 2015, thị trường bảo hiểm Việt Nam đã tạo công ăn việc làm cho khoảng 584.719 lao động (gồm có 22.946 cán bộ doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm và 561.773 đại lý bảo hiểm).


Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm