Bảo hiểm hưu trí ở Việt Nam: Thực trạng và thách thức

Ông Điều Bá Được - Trưởng ban Thực hiện Chính sách Bảo hiểm xã hội

(Tài chính) Trong hai ngày 10, 11/05/2013, tại Hà Nội, Ban Chấp hành Trung ương Đảng tổ chức cuộc đối thoại lý luận lần thứ ba giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Dân chủ Xã hội Đức về “Những thách thức và giải pháp đối với chính sách An sinh xã hội bền vững cho tất cả mọi người tại Việt Nam và Đức”. FinancePlus.vn trân trọng giới thiệu tham luận của đồng chí Điều Bá Được, Trưởng ban Thực hiện Chính sách Bảo hiểm xã hội (BHXH) thuộc BHXH Việt Nam, dự và có bài tham luận về vấn đề bảo hiểm hưu trí ở Việt Nam.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Quá trình hình thành và phát triển

Thời kỳ trước năm 1945

Việt Nam chưa có pháp luật về BHXH, do đất nước bị giặc ngoại xâm đô hộ, đời sống nhân dân khổ cực, khi gặp rủi ro, hoạn nạn sự hỗ trợ giúp đỡ chủ yếu dựa vào truyền thống tương thân, tương ái cưu mang của gia đình, dòng họ, bản làng, “lá lành đùm lá rách” (có thể coi là một hình thức BHXH sơ khai).

Thời kỳ từ năm 1945 - 1954

Tháng 08/1945, Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời. Tháng 12/1946, Hiến pháp đầu tiên đã xác định quyền được trợ cấp của người tàn tật và người già. Ngày 12/03/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 29/SL quy định chế độ trợ cấp cho công nhân. Ngày 20/05/1950, Người tiếp tục ký 02 Sắc lệnh số 76, 77 quy định về chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, hưu trí cho cán bộ, công nhân viên chức. Do trong hoàn cảnh kháng chiến nên việc thực hiện chế độ BHXH còn hạn chế, tuy nhiên đó là cơ sở cho sự phát triển của BHXH sau này.

Giai đoạn miền Bắc được giải phóng, xây dựng chủ nghĩa xã hội, pháp luật BHXH được hình thành và phát triển nhanh. Ngày 27/12/1961, Điều lệ BHXH tạm thời được ban hành. Đây là văn bản gốc về BHXH đối với cán bộ, công nhân viên chức Nhà nước, gồm có 06 chế độ và quy định Quỹ BHXH nằm trong ngân sách nhà nước, do các cơ quan, đơn vị đóng góp. Đến năm 1964, Điều lệ đãi ngộ đối với quân nhân được ban hành. Trong khi đó tại miền Nam, BHXH cũng được thực hiện đối với người làm công, ăn lương và binh lính làm việc cho chính thể chính quyền cũ.

Thời kỳ từ 1975 – đến trước 1995

BHXH được thực hiện thống nhất trong cả nước. Các chế độ, chính sách BHXH trong thời kỳ này được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đặc điểm của BHXH giai đoạn này, là gắn với nền kinh tế tập trung, quan liêu, bao cấp; đối tượng chủ yếu là cán bộ, công nhân viên chức Nhà nước và lực lượng vũ trang; nguồn chi trả các chế độ từ ngân sách nhà nước thường chậm, thiếu chủ động, tổ chức bộ máy thực hiện phân tán.

Khi chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, các chế độ BHXH, cũng như mô hình quản lý BHXH, không còn phù hợp nên cần thiết phải sửa đổi, bổ sung. Tuy nhiên, chính sách BHXH trong thời kỳ này đã góp phần quan trọng trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng dân tộc ở miền Nam.

Thời kỳ từ năm 1995 - 2006


Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, chính sách BHXH đổi mới, phát triển cùng với sự phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Bộ Luật Lao động được ban hành, có hiệu lực thực hiện từ ngày 01/01/1995, dành 01 chương về BHXH, quy định về đối tượng được mở rộng; hình thành Quỹ BHXH độc lập với ngân sách nhà nước, do sự đóng góp của người lao động, người sử dụng lao động và sự hỗ trợ của Nhà nước; thành lập cơ quan chuyên trách để quản lý Quỹ BHXH và thực hiện các chế độ BHXH.

Ngày 16/02/1995, Chính phủ ban hành Nghị định số 19/CP thành lập BHXH Việt Nam, trên cơ sở thống nhất chức năng, nhiệm vụ về BHXH của Bộ LĐ-TB&XH và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Về chính sách BHXH, Chính phủ ban hành Nghị định số 12/CP kèm theo Điều lệ BHXH áp dụng cho cán bộ, công nhân viên chức và người lao động làm việc trong các thành phần kinh tế. Ngày 15/07/1995, Chính phủ ban hành Nghị định số 45/CP kèm theo Điều lệ BHXH đối với sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ quân đội nhân dân và công an nhân dân, người làm công tác cơ yếu.

Thời kỳ từ năm 2007 đến nay

Ngày 29/06/2006, Quốc hội thông qua Luật BHXH, có hiệu lực thi hành từ 01/01/2007 đối với BHXH bắt buộc; từ ngày 01/01/2008 đối với BHXH tự nguyện; từ 01/01/2009 đối với BHTN. Các quy định của Luật BHXH về chế độ hưu trí được kế thừa từ các quy định trước đây; có phát triển, mở rộng về đối tượng, loại hình BHXH tự nguyện…

Các chế độ BHXH được quy định cụ thể có lợi hơn cho người lao động như quy định chặt chẽ về quản lý, sử dụng, đầu tư tăng trưởng Quỹ BHXH, trách nhiệm của các bên tham gia BHXH, quản lý, giám sát việc quản lý và Quỹ BHXH công khai, minh bạch, góp phần bảo đảm An sinh xã hội.

Nội dung cơ bản của chế độ hưu trí theo Luật BHXH

Về đối tượng tham gia BHXH bắt buộc

Người lao động là công dân Việt Nam, làm việc theo chế độ HĐLĐ từ đủ 03 tháng trở lên; cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước; lực lượng vũ trang; các cơ quan, đơn vị thuê mướn, sử dụng và trả công cho người lao động.

Về đối tượng tham gia BHXH tự nguyện

Công dân Việt Nam trong độ tuổi lao động (nam từ 15 - 60 tuổi, nữ từ 15 - 55 tuổi), không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.

Mức đóng vào Quỹ hưu trí, tử tuất

Đối với BHXH bắt buộc, người lao động đóng 7% (từ năm 2014 là 8%); người sử dụng lao động đóng 13% (từ năm 2014 là 14%), mức tiền lương đóng BHXH cao nhất bằng 20 tháng lương tối thiểu chung.

Đối với BHXH tự nguyện, người tham gia đóng 20% mức thu nhập lựa chọn (từ năm 2014 là 22%), mức thu nhập lựa chọn thấp nhất bằng mức lương tối thiểu chung và cao nhất bằng 20 tháng lương tối thiểu chung.

Điều kiện, mức hưởng chế độ hưu trí

Đóng BHXH đủ 20 năm trở lên; nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi; một số trường hợp được nghỉ hưu sớm hơn theo quy định của Luật BHXH hoặc quy định của Chính phủ. Lực lượng vũ trang có quy định riêng.

Mức hưởng lương hưu

Mức lương hưu hàng tháng bằng tỷ lệ % hưởng lương hưu nhân với mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH. Cách tính tỉ lệ % như sau: 15 năm đầu đóng BHXH tính bằng 45%; từ năm thứ 16 trở đi, mỗi năm đóng BHXH thì tính thêm 2% đối với nam, 3% đối với nữ, tối đa bằng 75%. Trường hợp nghỉ hưu trước tuổi thì mỗi năm bị trừ 1%. Mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng BHXH quy định cho 03 nhóm đối tượng.

Lương hưu được điều chỉnh trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá sinh hoạt và tăng trưởng kinh tế, được bù bằng mức lương tối thiểu chung. Trường hợp mức lương hưu thấp hơn mức lương tối thiểu chung mà có đủ 20 năm đóng BHXH bắt buộc, được hưởng trợ cấp 01 lần đối với thời gian đóng BHXH từ năm thứ 31 trở đi đối với nam, từ năm thứ 26 trở đi đối với nữ.

Lương hưu không phải nộp thuế. Người hưởng lương hưu được hưởng bảo hiểm y tế. Không đủ điều kiện nghỉ hưu thì được hưởng chế độ trợ cấp BHXH một lần theo quy định, mức trợ cấp BHXH một lần được tính theo số năm đã đóng BHXH, mỗi năm tính bằng 1,5 tháng mức bình quân tiền lương, tiền công hoặc thu nhập tháng đóng BHXH. Người đang hưởng lương hưu nếu bị chết thân nhân được hưởng chế độ tử tuất theo quy định của Luật BHXH.

Tổ chức thực hiện chính sách BHXH theo Luật BHXH

BHXH Việt Nam được thành lập từ năm 1995, tổ chức theo ngành dọc gồm 03 cấp, mỗi cấp đều có tư cách pháp nhân và trụ sở riêng, gồm: cấp Trung ương là BHXH Việt Nam; cấp tỉnh là BHXH tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; cấp huyện là BHXH quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh. Ngoài ra, Bộ Quốc phòng, Công an và Ban Cơ yếu Chính phủ có cơ quan BHXH trực thuộc. Nhiệm vụ của BHXH Việt Nam là thu, chi, thực hiện các chế độ BHXH, quản lý, sử dụng, bảo toàn và tăng trưởng Quỹ BHXH, theo quy định của pháp luật về BHXH.

Một số kết quả và hạn chế

Năm 2012, có 10.437.000 người tham gia BHXH bắt buộc, tăng 40,6%, tương ứng tăng hơn 03 triệu người so với năm 2007 (là năm đầu thực hiện Luật BHXH); gần 140.000 người tham gia BHXH tự nguyện; thu BHXH bắt buộc đạt hơn 89.612 tỷ đồng; chi trả cho 101.200 người hưởng lương hưu, 601.020 người hưởng BHXH một lần.

Hiện, hằng tháng BHXH Việt Nam quản lý, tổ chức chi trả kịp thời cho hơn 2,3 triệu người hưởng lương hưu thuộc 02 nhóm đối tượng do ngân sách nhà nước và Quỹ BHXH đảm bảo. Hình thức chi trả lương hưu là bằng tiền mặt hoặc thông qua tài khoản thẻ ATM. Ngoài ra, đã tổ chức thí điểm chi trả lương hưu bằng tiền mặt thông qua hệ thống Bưu điện cấp xã đã triển khai trên phạm vi toàn quốc bắt đầu từ năm 2013.

Tuy nhiên, có thể thấy diện bao phủ BHXH còn thấp hơn so với yêu cầu; tình trạng trốn đóng, nợ đọng tiền BHXH còn xảy ra khá phổ biến và chưa được xử lý triệt để; Quỹ Hưu trí, tử tuất tiềm ẩn nguy cơ mất cân đối trong dài hạn; tình trạng lạm dụng quỹ còn phức tạp, chưa được kiểm soát một cách hiệu quả; ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý BHXH còn chậm, chất lượng dịch vụ còn hạn chế; công tác thanh, kiểm tra, phối hợp trong quản lý, giải quyết, xử lý vi phạm về BHXH chưa đáp ứng nhu cầu.

Thách thức, nguy cơ và kiến nghị

Thách thức phát triển đối tượng BHXH

Theo Nghị quyết số 21-NQ/TW, Bộ Chính trị đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 có 50% lực lượng lao động tham gia BHXH (tương ứng khoảng 28,4 - 29 triệu lao động). Tính đến ngày 31/12/2012, số người tham gia BHXH là trên 10,5 triệu người; tốc độ phát triển đối tượng tham gia BHXH bình quân các năm vừa qua vào khoảng 5-7%; để đạt được mục tiêu trên là một thách thức lớn đối với Ngành BHXH và hệ thống chính trị.

Nguy cơ mất cân đối Quỹ hưu trí, tử tuất

Theo số liệu thống kê của BHXH Việt Nam, từ năm 2007 – 2012, mỗi năm có trên 100.000 người nghỉ hưởng lương hưu hàng tháng; tuổi nghỉ hưu bình quân là 53,2 tuổi (nam 55,1 tuổi, nữ 51,6 tuổi); số người nghỉ hưu đúng tuổi chiếm tỷ lệ thấp (40,5%), do suy giảm khả năng lao động 61% trở lên chiếm tỷ lệ trên 52%; thời gian tham gia BHXH bình quân là 30,8 năm (nam 32,4 năm, nữ 29,5 năm); tỷ lệ hưởng lương hưu bình quân là 70% (nam 68,5%, nữ 71,4%).

Từ năm 1995 - 2012, hàng năm số thu vào Quỹ Hưu trí, tử tuất đều lớn hơn số chi. Tuy nhiên, trong tương lai, số người nghỉ hưu hưởng từ Quỹ BHXH càng nhiều. Dự báo đến năm 2023, Quỹ Hưu trí, tử tuất sẽ có số thu bằng số chi. Từ năm 2024 trở đi, ngoài số thu trong năm, phải trích sử dụng thêm tiền cân đối dương của các năm trước mới đảm bảo đủ chi. Đến năm 2037, số thu BHXH trong năm và số tồn tích bắt đầu không đảm bảo khả năng chi trả. Các năm sau đó, số chi sẽ lớn hơn nhiều so với số thu trong năm. Do đó, Quỹ Hưu trí, tử tuất tiềm ẩn nguy cơ mất cân đối trong dài hạn.

Nguyên nhân chủ yếu do

- Quy định về tuổi nghỉ hưu hiện hành còn thấp. Theo số liệu thống kê năm 2012, tuổi thọ bình quân của người nghỉ hưu là 73,04 tuổi (nam 73,95 tuổi, nữ 71,2 tuổi) và thời gian trả lương hưu bình quân là gần 20 năm (nam 19 năm, nữ 20 năm);

- Quy định trần tuổi được nghỉ hưu sớm quá thấp (nam 50 tuổi, nữ 45 tuổi, nếu có đủ 15 năm trở lên làm nghề hoặc công việc đặc biệt nặng nhọc thì không phụ thuộc tuổi đời), nên thời gian trả lương hưu cho đối tượng này dài, trong khi thời gian đóng góp ít. Cụ thể là đóng khoảng 20 năm, thì hưởng tới 30 - 40 năm;

- Mức đóng góp theo quy định hiện hành chưa tương xứng với mức hưởng, đặc biệt là phần đóng góp từ phía người lao động;

- Cách tính lương hưu còn chưa phù hợp, việc trừ tỷ lệ % hưởng đối với người nghỉ hưu sớm, cũng như việc bù bằng mức lương tối thiểu chung đối với các trường hợp có mức lương hưu thấp còn chưa hợp lý;

- Quy định về hưởng BHXH một lần quá rộng không đảm bảo mục đích An sinh xã hội;

- Đầu tư tăng trưởng Quỹ BHXH, trong đó có Quỹ Hưu trí, tử tuất, tuy đảm bảo chặt chẽ, an toàn nhưng hiệu quả đầu tư chưa cao.

Một số kiến nghị

Trước xu hướng già hoá dân số, biến đổi khí hậu và biến động của nền kinh tế thị trường, để bảo đảm An sinh xã hội một cách bền vững, cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chính sách, chế độ về BHXH, hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật BHXH. Hiện đại hóa quản lý BHXH, nâng cao năng lực quản lý, chất lượng dịch vụ, thực hiện minh bạch, công khai các thủ tục thực hiện BHXH, giảm phiền hà cho người tham gia và thụ hưởng. Tăng cường quản lý nhà nước về BHXH, thực hiện tốt hơn sự phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước và BHXH các cấp; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm pháp luật BHXH.

Trước mắt, trên cơ sở tổng kết 06 năm thực hiện Luật BHXH, tìm ra vướng mắc, bất cập để đề xuất sửa đổi cho phù hợp. Ví dụ như nghiên cứu, sửa đổi quy định về đóng - hưởng BHXH sao cho hợp lý, khoa học nhưng bảo đảm quyền lợi của người lao động cũng như cân đối đủ khả năng chi trả trong dài hạn cho Quỹ hưu trí, tử tuất. Hay quy định về nghỉ hưu trước tuổi ở Điều 50 Luật BHXH hiện hành, cần sửa theo hướng bám sát bản chất của chế độ hưu trí (là chế độ trợ cấp tuổi già), không thể quy định chưa đến 40 tuổi thậm chí 36, 38 tuổi đã nghỉ hưu!

Nên chăng, áp dụng nâng trần tuổi nghỉ hưu sớm (ít nhất 50 tuổi đối với nữ, 55 tuổi đối với nam); nâng điều kiện về thời gian đóng BHXH lên từ đủ 25 năm (hiện là 20 năm) trở lên mới được nghỉ hưu trước tuổi; nâng tỷ lệ % trừ cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi lên ít nhất là 2% (hiện là 1%); bỏ quy định bù lương hưu bằng mức lương tối thiểu chung đối với những trường hợp lương hưu thấp; hạn chế việc giải quyết chế độ hưu trí do tinh giản biên chế hoặc do bầu cử, sắp xếp lại doanh nghiệp Nhà nước; quy định chặt chẽ hơn việc hưởng BHXH một lần.

Về lâu dài, tập trung nghiên cứu để nâng tuổi nghỉ hưu đối với cả lao động nam - nữ theo nhóm đối tượng và lộ trình phù hợp, nghiên cứu bổ sung chế độ hưu xã hội trên cơ sở hoàn thiện chế độ trợ cấp người cao tuổi như quy định hiện hành; quy đinh về trách nhiệm của chính quyền cấp xã trong quản lý, cung cấp thông tin về việc thành lập, ngừng hoạt động, giải thể, phá sản, vi pháp pháp luật đối với đối tượng doanh nghiệp, đơn vị, người lao động thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc; người hưởng BHXH hàng tháng trên địa bàn; phối hợp với cơ quan BHXH trong công tác BHXH, BHYT, BHTN, góp phần bảo đảm an sinh xã hội và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.